Cách mạng 4.0: Không có chỗ cho sự chậm trễ
“Cần một thế hệ mới phù hợp với thế giới số, mỗi người phải có năng lực, bản sắc riêng. Chỉ có những người khác biệt mới có việc làm”
Thời cơ và thách thức
Tại Diễn đàn khoa học "Tái cơ cấu nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4", TS. Nguyễn Bá Ân - Tổng thư ký Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Với diễn biến nhanh, kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học sẽ biến các tổ chức, doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp số, tổ chức số, lãnh đạo số, mọi ngân sách trở thành ngân sách số, mỗi công dân đều có thể trở thành doanh nghiệp số.
Như vậy, một trong những thử thách cốt lõi trong thời kỳ Internet của vạn vật (Internet of Things, IoT) sẽ là vốn con người của các nền kinh tế và vấn đề an ninh mạng.
Theo TS. Nguyễn Bá Ân, cách mạng 4.0 sẽ mang theo những tác động hai mặt. Về kinh tế - xã hội, cách mạng 4.0 đang và hứa hẹn sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn và tác động mạnh mẽ tới kinh tế thế giới cũng như tới kinh tế Việt Nam.
Trước tiên sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, tạo nên sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất, sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số tạo nên sự xuất hiện của IoT.
Sẽ thay đổi nhanh chóng, sâu rộng toàn bộ chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, logistics đến dịch vụ khách hàng, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển, dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất.
Trong quá trình này, IoT sẽ tác động làm biến đổi tất cả các ngành công nghiệp, từ sản xuất đến cơ sở hạ tầng đến chăm sóc sức khỏe.
Với việc thay đổi phương thức sản xuất khi có những công nghệ hiện đại có thể kết nối thế giới thực và ảo để sản xuất, con người có thể điều khiển quy trình ngay tại nhà mình mà vẫn bao quát tất cả mọi hoạt động của nhà máy thông qua sự vượt trội về Internet.
Đối với lĩnh vực thương mại, vị TS cho rằng, cuộc cách mạng sẽ giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển. Trong lĩnh vực đầu tư, cuộc cách mạng là điểm nhấn khiến lãnh vực đầu tư công nghệ trở nên hấp dẫn và đầy tiềm năng, đặc biệt là công nghệ số và Internet.
Tuy nhiên, vị TS cũng lo ngại cuộc cách mạng này có thể tạo ra sự bất công lớn hơn, đặc biệt là gây ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động.
"Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa và điều đó làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và lợi nhuận so với sức lao động. Trong khi sự đổi mới công nghệ thường dẫn đến năng suất cao hơn và thịnh vượng hơn thì tốc độ thay đổi cũng sẽ tạo ra một áp lực lớn do sự dịch chuyển của nguồn lực lao động", vị TS lo lắng.
Dù vậy, ông vẫn cho rằng đó là sự thay đổi tất yếu, cùng với việc nhận diện những hạn chế Việt Nam cần tận dụng tốt hơn những cơ hội, lợi thế từ cuộc cách mạng lần này mang lại.
"Cuộc cách mạng sản xuất mới có thể đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn để nâng cao năng suất, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, rút ngắn khoảng cách phát triển đối với các nước khu vực và quốc tế. Nếu chúng ta không thể nắm bắt được thời cơ, không hấp thu được công nghệ, hoặc bị ảnh hưởng từ hệ luỵ tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần này, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và có lỗi cả với thế hệ tương lai", vị TS Phân tích.
Hóa giải mối lo tụt hậu
Tiếp
tục phân tích, TS Nguyễn Bá Ân cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang
hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều hiệp
định thương mại tự do quy mô lớn như CTPP, FTA với EU, Liên minh kinh tế
Á- Âu..., việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới sẽ tạo ra công
cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và
đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những cải
cách công nghệ mang tính đột phá có thể dẫn đến những điều kỳ diệu trong
sản xuất và năng suất.
Tuy nhiên, khi sự tự động
hóa thay thế cho lao động xảy ra trong toàn bộ nền kinh tế, sự thay thế
lao động bằng máy móc này có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch vốn
có giữa hiệu suất sinh lợi từ tư bản và hiệu suất sinh lợi từ lao động.
Nếu
không đổi mới mạnh mẽ về tư duy, quyết tâm cao nắm bắt cơ hội do cuộc
cách mạng sản xuất mới mang lại, Việt Nam có thể tụt hậu xa hơn vì lao
động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới
rộng, tạo ra, đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay
gắt của doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó, với
đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam: lao động dồi dào, trình độ,
năng suất và tay nghề thấp, cuộc cách mạng thứ 4 sẽ có những tác động
tiêu cực đến thị trường lao động Việt Nam. Việt Nam có thể sẽ phải đối
mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng, bên cạnh đó sẽ mất nhiều năm để
điều chỉnh thị trường lao động xu hướng việc làm mới.
Thế nhưng, trong đầy rẫy những khó khăn, vẫn có những điểm sáng cần được tận dụng cho tốt.
Theo Đất Việt