Mới cập nhật

Câu chuyện sinh viên: Cách ăn

Cả nhà đang chuẩn bị ăn cơm thì thằng Thu – cháu đích tôn của ông bà nội đột ngột vào nhà. Nó chào rõ to như dồn hết mọi sự nhớ nhung, chờ đợi sau nửa năm đi học xa nhà:
– Cháu chào ông bà nội, con chào bố mẹ con được về nghỉ hè!

Nó đưa tay lên đầu thể hiện kiểu chào quân sự nửa vời rồi ôm ông nội, thơm vào bộ râu quai nón của ông, giọng nũng nịu như ngày còn bé:
– Cháu sắp chết lả rồi đây này, mẹ lấy thêm bát đũa, mau cấp cứu con.
Ông bố biết tính háu đói của con vội vàng mua thêm đĩa xào đầy ú, thơm lừng làm kích thích tuyến nước bọt của cả nhà. Còn ông nội cứ ngồi mân mê đôi vai xo xo, còm cõi của cháu thở dài:
– Người ta đi học thì to béo, còn cháu lại mang bộ khung sườn về, ông trông mà xót. Tại sao thế cháu?
– Tại thì nhiều ông ạ, trong đó có học nhiều ngủ ít, cộng với thời tiết nóng nực, cây còn héo huống chi người.
– Ăn uống thế nào, đủ chất không?
– Sinh viên thì chỉ cần sống và học thôi, chất không quan trọng, chả thế mà các bà chủ hãng mì tôm bà nào cũng béo núc ních, thừa mỡ. Sinh viên gày còm vì mỡ của mình cứ phải mang đi “cắm” để lấy mì tôm…


Sự thương hại trong lòng mọi người như đọng lại thành một khối. Trong bữa cơm ấm cúng của gia đình, câu chuyện đều xoay quanh việc thằng Thu xanh xao còm cõi. Gạn hỏi mãi nó mới nói ra: Phòng nó có bốn anh em thân thiết “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia”. Phúc thì nhiều, họa thì chưa. Chỉ có một cái nó cho là “họa” nhưng cắn răng không nói, đó là bữa ăn quá mất vệ sinh, không có bát đũa, mỗi đứa một cái thìa, cơm canh cứ thế mà xì xụp. Bát canh vừa là món trôi cơm, vừa là nơi rửa thìa. Đĩa xào thì ăn sau khi hết vẫn còn sót lại những hạt cơm từ miệng bám vào thìa rồi vô tình ở lại. Có cậu tiếc đưa lên miệng vét sạch ngon lành.
 
Ai cũng biết môi trường đại học là nơi đào tạo, nghiên cứu sản sinh ra nếp sống, lối sống văn minh, trong đó có cách ăn, thế mà bữa ăn theo kiểu “bát nháo” của vô số sinh viên thời nay, đến ngay người chưa biết chữ o tròn hay chữ o vuông cũng không đến nỗi như thế.
Ông nội là người thấu hiểu nhất vì thời trẻ của ông đi kháng chiến chống Pháp đều phải ăn đũa hai đầu, bát canh, đĩa xào có thìa dùng chung. Tuy ngượng ngập đôi chút nhưng vì ý thức giữ gìn sức khỏe tránh lây bệnh sang nhau là ý thức giác ngộ của công dân yêu nước. Khi lập gia đình có con, có cháu, ông vẫn duy trì nếp giáo dục các thành viên trong gia đình biết trân trọng người cùng mâm mà ăn uống vệ sinh, lịch sự, từ tốn, bởi với ông đó vừa là nếp quen vừa là văn hóa. Những kẻ phàm phu tục tử trước hết là kẻ chỉ biết ăn lấy ăn để, ăn cho sướng miệng mình. Cách ăn như thế không phải là cách của người có học, của một thành viên có trách nhiệm trong mâm cơm tập thể cũng như gia đình. 
“Miếng ăn quá khẩu thành tàn” nên cách ăn phải thành nét đẹp văn hóa. Có câu khẳng định “muốn biết anh là người thế nào trước hết hãy nhìn cách anh ăn” quả là không sai.
Thì ra Thu gày còm xanh xao có một phần ăn không đủ lượng, đủ chất. Thương con, mẹ Thu bày cách:
– Mẹ cho con một chục bát đũa, thìa. Con phải tự làm, tự thay đổi cách ăn cho cả phòng. Mẹ tin mọi người đều ủng hộ. Con hãy làm gương rửa bát một thời gian cho các bạn. “Bát sạch ngon cơm” con ạ.
Đầu học kỳ sinh viên tấp nập đến trường, phòng của Thu bỗng có sự trùng lặp đến kỳ lạ. Cả bốn bạn đều mang theo chục bát đũa. Thì ra họ sợ mất lòng không dám nói, còn nghĩ thì giống nhau, ăn uống như thế quá mất vệ sinh, nhiều loại vi khuẩn chỉ chờ có vậy để lọt vào cơ thể mà không có gì đề phòng bảo vệ, bệnh sẽ từ miệng mà ra.

Nguyễn Thưởng