Mới cập nhật

Câu chuyện văn hóa:Chuyện nhà cô Hoa



Nghe lời mẹ, mấy ngày hè tôi tranh thủ về chơi nhà cô Hoa – cô họ tôi ở một huyện thuộc ngoại thành. Trước khi đi mẹ cứ dặn đi dặn lại, con về đó, là con gái con nhớ phải sống ý tứ, gọn gàng nhé. Theo lời mẹ thì chồng cô vốn con nhà dòng dõi nên luôn giữ nề nếp gia phong truyền thống.
 
Vừa đến nhà cô, điều đầu tiên gây ấn tượng với tôi là Huy – con trai lớn của cô đang lúi húi trong bếp chuẩn bị bữa tối.
– Em đảm quá cô ạ! Tôi thốt lên.
– Có gì đâu cháu, nó là sinh viên Trường Bách khoa phải làm được “bách nghệ” chứ. Mà lâu nó mới có ngày nghỉ về nhà giúp mẹ việc vặt thế thôi. Công việc cũng đơn giản chỉ là rửa rau, luộc trứng, hay cắm cơm, biết úp mì tôm… Dù nó hơi vụng về một chút, nhưng tình cảm trong từng món ăn, trong cách thể hiện mới thật sự đáng trân trọng.
Nghe cô nói, tôi tròn mắt ngạc nhiên.
 
Tranh thủ lúc Huy nấu nướng, cô Hoa đi sắp xếp lau dọn nhà cửa, tôi cũng cùng phụ giúp cô.
Vừa làm tôi vừa tò mò để ý cậu em họ. Tôi thấy dường như cậu ta rất tâm huyết và cố gắng nấu các món ăn. Có nhiều lúc loay hoay, quay ra định gọi mẹ, nhưng thấy cô Hoa bận nên Huy lại cố làm nốt công việc nội trợ.
 
– Không làm được thì gọi mẹ con nhé – Vừa làm, cô Hoa vừa gọi với vào bên trong.
–  Con biết rồi. Mà bố sắp về chưa mẹ?
Huy vừa dứt lời thì chiếc ô tô đã đỗ ở sân. Chồng cô Hoa đã về. Trông chú ấy có vẻ hơi mệt nhưng vẫn nở nụ cười tươi với mọi người. Để chiếc cặp xuống ghế, chưa nghỉ ngơi chú đã vào rửa tay và phụ bếp với con trai.
–  Nhà cô tuyệt thật –  Tôi ngập ngừng.
Cô Hoa vui vẻ:
– Cô cũng tự hào lắm! Cái thời đại học cô bị chú chinh phục cũng vì cái nết ấy. Thời gian học trên giảng đường khi về chú thường ghé qua xóm trọ nấu cho cô ăn, chú nấu ăn rất ngon. Thằng Huy cũng được ảnh hưởng nết ấy của bố nó.
– Cháu thấy mẹ cháu nói cô chú sống nề nếp lắm. Cháu lại nghĩ khác cơ ạ!
– À, chắc cháu nghĩ nề nếp kiểu phong kiến hả?
– Dạ vâng. Tôi đáp khẽ.
– Ừ, cô cũng thấy vậy. Có nhiều gia đình để hết những công việc bếp núc cho người phụ nữ. Họ cho rằng đàn ông vào bếp là mất giá, mất mặt nam nhi đại trượng phu. Còn người vợ nếu để chồng hay con vào bếp, làm vài ba cái việc tẹp nhẹp thì sẽ tự thấy xấu hổ… Nhưng nhà cô thì khác, mỗi người một chân một tay vui lắm! Biết hưởng thụ cuộc sống, đừng đánh mất đi cái cốt lõi giá trị bản thân, sống đơn giản cho đời thanh thản. Nhà cô có năm triệu tiêu năm triệu, có năm nghìn tiêu năm nghìn… miễn là cảm thấy hạnh phúc khi ở bên cạnh nhau.
 
Nghe cô tâm sự tôi chợt nghĩ đến nhiều gia đình sống kiểu “hiện đại” như kiểu gia đình tôi, mà cảm thấy xấu hổ. Nói là văn minh nhưng dường như có rất nhiều thói xấu. Chồng đi làm về gác chân lên bàn ngồi xem tivi, con cái đi chơi cả ngày về đến nhà, vứt quần áo bừa bãi lại còn la toáng lên: “Mẹ ơi, có cơm chưa? Con đói”. Người phụ nữ trong nhà mặc nhiên gánh toàn bộ công việc gia đình, mà vẫn phải đảm đương những trách nhiệm xã hội, không mấy khi nhận được sự giúp đỡ của các thành viên khác.
 
Tôi chợt hiểu có một kiểu gia đình nề nếp gia phong mới. Đó là gia đình mà mỗi thành viên trong đó đều tự do, bình đẳng, tôn trọng và thực sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm cùng nhau.
Sau bữa cơm đầm ấm với gia đình cô chú, lấy cớ bận học đột xuất tôi xin phép ngày mai được trở về nhà.

Ngô Đồng