Mới cập nhật

TÁC NHÂN VĂN HÓA TRONG ĐỔI MỚI VÀ ĐỔI MỚI HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

GS,TS Hoàng Chí Bảo

 
Đổi mới ở nước ta đã đi qua một chặng đường hơn 30 năm mang tầm vóc của một cuộc cách mạng, một quá trình cải biến cách mạng sâu sắc, toàn diện và triệt để mọi lĩnh vực của đời sống. Từ Đại hội XII, Đảng ta xác định phải bảo đảm tính đồng bộ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Đổi mới kinh tế nổi bật ở xây dựng và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó phải là nền kinh tế thị trường hiện đại, vận động theo quy luật của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế và hội nhập quốc tế. Động lực và phương thức căn bản để xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, văn minh là khoa học - công nghệ, là nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là vốn người, thành phần quan trọng bậc nhất của vốn xã hội. Đó phải là nền kinh tế giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích giữa cá nhân và xã hội, các hoạt động sản xuất - kinh doanh phải tuân thủ luật pháp của Nhà nước, làm giàu hợp pháp, chính đáng được khuyến khích và bảo vệ.
Nguyên lý của nhà nước pháp quyền hết sức rõ ràng, minh định: mọi công dân được phép làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm, nhưng những người đang giữ chức quyền trong các cơ quan công quyền thì không được làm những gì mà luật pháp không cho phép.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhất thiết phải do Đảng lãnh đạo và được quản lý bởi Nhà nước pháp quyền theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Đó là định hướng chính trị đối với sự phát triển kinh tế thị trường. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính trị nghĩ rộng cũng là văn hóa và văn hóa nghĩ sâu cũng là chính trị.
Văn hóa không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị. Do đó, bảo đảm tốt định hướng chính trị đối với sự phát triển kinh tế thị trường có ý nghĩa là đem văn hóa chính trị thâm nhập vào kinh tế vì mục tiêu phát triển xã hội, phát triển con người với thước đo tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội, tốc độ tăng trưởng phải gắn liền với chất lượng tăng trưởng. Chất lượng ấy không chỉ là kinh tế mà còn là văn hóa, văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không những là mục tiêu và kết quả của đổi mới kinh tế mà còn xác lập nền tảng kinh tế, cơ sở vật chất - kinh tế cho đổi mới chính trị và hệ thống chính trị ở nước ta. Đổi mới hệ thống chính trị không những bảo đảm cho tổ chức và hoạt động chính trị tương thích, phù hợp, đồng bộ với đổi mới kinh tế mà còn làm cho chính trị đóng vai trò động lực thúc đẩy đổi mới kinh tế.
 Một hệ thống chính trị như vậy, xét cả về mặt tổ chức và hoạt động, sẽ là một hệ thống chính trị thể hiện được các đặc trưng: khoa học (tính hợp lý) - dân chủ (bản chất của quyền lực nhân dân) - đạo đức (tôn trọng nhân dân và nêu cao trách nhiệm với nhân dân) và văn hóa (trong quan hệ ứng xử với nhân dân, trong tiếp dân trên tinh thần đối thoại, biết lắng nghe tiếng nói của người dân từ cơ sở). Để làm cho hệ thống chính trị thể hiện được các đặc trưng đó, nhờ đó mà phát huy được tác dụng, có sức lôi cuốn sự chú ý, sự tham gia của nhân dân, có sức hấp dẫn và lan tỏa đối với quần chúng đoàn viên, hội viên các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị thì phải tìm được cách thức đưa văn hóa vào hệ thống chính trị, làm cho hệ thống chính trị thấm nhuần các chuẩn mực văn hóa, nói cách khác phải xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, tiêu biểu và tập trung nhất là văn hóa chính trị. Đây là nội dung chính yếu, nổi bật nhất về văn hóa cần phải xây dựng trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị từ văn hóa của Đảng Cộng sản cầm quyền, văn hóa trong Đảng, ở từng tổ chức đảng, từng cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy các cấp cho đến văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên.
Văn hóa chính trị cần được xây dựng trong Nhà nước, trong hệ thống chính quyền các cấp, rõ nhất là văn hóa pháp luật, là đạo đức công chức và kỷ luật công vụ. Cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức phải vừa là tấm gương đạo đức, vừa là hiện thân của nền nếp, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công quyền.
Văn hóa chính trị cũng phải thể hiện trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là liên minh chính trị - xã hội rộng rãi nhất, linh hồn của đại đoàn kết dân tộc, hoạt động theo phương thức hiệp thương dân chủ, là một trong những kênh xã hội rộng rãi, quan trọng nhất để nhân dân thực hiện vai trò của mình trong tham chính, trong xây dựng chính thể (xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền), trong kiểm soát quyền lực, trong giám sát và phản biện xã hội. Các tổ chức, đoàn thể của nhân dân, do nhân dân lập ra cũng vậy, cũng thể hiện văn hóa chính trị của mình trong các hoạt động, các lĩnh vực công tác đặc thù.
Thước đo hiệu quả, tác dụng của hệ thống chính trị là những thước đo văn hóa và văn hóa chính trị. Đó là:
- Thực hành dân chủ rộng rãi, phổ biến và thực chất.
- Củng cố đoàn kết, tạo dựng sự đồng thuận.
- Giảm thiểu và đẩy lùi quan liêu, tham nhũng.
- Xác lập ổn định chính trị - xã hội tích cực, bền vững để thúc đẩy đổi mới.
Mức độ hài lòng của người dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ được tăng tiến là kết quả tổng hợp từ những tác động văn hóa đó. Để đạt được những thước đo đó, phải rất công phu, bền bỉ, sáng tạo trong đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng văn hóa và văn hóa chính trị trong từng tổ chức và trong cả hệ thống. Sự gương mẫu của cá nhân và tổ chức lãnh đạo (Đảng), quản lý (Nhà nước) và tự quản lý (ở các cộng đồng cơ sở, để người dân thực hiện quy chế và pháp lệnh dân chủ ở cơ sở) có tác dụng tập hợp, lôi cuốn, thúc đẩy đối với toàn dân và xã hội.
Hơn bao giờ hết, ở thời điểm hiện nay, xây dựng văn hóa trong đổi mới hệ thống chính trị là thực hiện tốt nhất chỉ dẫn chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết, thanh khiết từ việc nhỏ đến việc lớn”. Cũng như vậy, Đảng là đạo đức, là văn minh, là hiện thân của văn hóa. Từ đó có thể thấy, đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta, trong đó có đổi mới và chỉnh đốn Đảng - mà đây là nội dung cốt yếu, quan trọng và quyết định nhất đối với thành công của đổi mới hệ thống chính trị và toàn bộ sự nghiệp đổi mới nói chung, đồng thời là quá trình xây dựng văn hóa, bảo đảm cho văn hóa tham dự vào đời sống chính trị như một tác nhân sâu xa, mạnh mẽ và bền bỉ nhất để chính trị trở thành văn hóa chính trị. Theo đó, văn hóa chẳng những là mục tiêu mà còn là động lực của phát triển.
Nói tới chính trị là nói tới quyền lực, nói tới hoạt động chính trị là nói tới sự tác động và chi phối lẫn nhau giữa tổ chức thiết chế bộ máy, tới thể chế, chính sách và con người trong các mối quan hệ kinh tế - chính trị và xã hội, sao cho giải quyết hợp lý và có hiệu quả nhất vấn đề quyền và lợi ích giữa các chủ thể vì mục tiêu và lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì xây dựng thành công một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xây dựng văn hóa trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta về thực chất là làm cho hệ thống chính trị phát triển và trưởng thành từ nhân tố nội sinh là văn hóa, là văn hóa chính trị, với tác động của khoa học hóa, dân chủ hóa, nhân văn hóa chính trị.
Đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay nhìn từ yêu cầu của văn hóa và phát triển
Khái niệm hệ thống chính trị được sử dụng lần đầu tiên ở nước ta vào năm 1989 tại Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, khi công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo chỉ vừa mới bắt đầu. Vào lúc đó, nền kinh tế nước ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn, niềm tin của dân giảm sút. Nhìn ra bên ngoài, các thế lực thù địch đang tiếp tục bao vây cấm vận, cải tổ của Liên Xô và Đông Âu chẳng những không khắc phục được tình trạng trì trệ và khủng hoảng mà còn bắt đầu nảy sinh những vấn đề phức tạp mới. Cải tổ đứng trước nguy cơ chệch hướng và mất phương hướng. Ngay sau đó, chính biến đã xảy ra. Cộng hòa Dân chủ Đức sau 40 năm tồn tại đã đổ vỡ về thể chế. Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức mất vai trò cầm quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa đã không còn, khi Cộng hòa Dân chủ Đức đã nhập vào Cộng hòa Liên bang Đức.
Đảng Cộng sản Liên Xô đã từng có lịch sử oanh liệt 100 năm, với đội ngũ 19 triệu đảng viên, kết cục cũng tan rã, cải tổ thất bại. Đảng Cộng sản Liên Xô và hàng loạt các đảng cộng sản, công nhân ở Đông Âu mất vai trò cầm quyền. Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã. Chế độ xã hội chủ nghĩa đã không còn tồn tại ở Liên Xô và Đông Âu. Đó là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chính trị trong lịch sử chủ nghĩa xã hội hiện thực sau bảy thập niên tồn tại. Trật tự thế giới hai cực Xô - Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh đã thay đổi, tạm thời chuyển sang một cực với thế áp đảo của Mỹ trong một thời gian ngắn và nhanh chóng xuất hiện xu hướng “đa cực”, “đa trung tâm” trong cuộc cạnh tranh quyền lực gay gắt giữa các thế lực tư bản chủ nghĩa phương Tây. Lịch sử ở trong một khúc quanh thời kỳ hậu Xô-viết. Trong tình hình, bối cảnh ấy, cách mạng nước ta và công cuộc đổi mới vừa bắt đầu đã ở vào tình thế hiểm nghèo. Đảng ta đã xác định đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là đổi mới có nguyên tắc. Đảng quyết định phải xây dựng Cương lĩnh như một tuyên bố chính trị (tuyên ngôn) làm ngọn cờ tập hợp quần chúng, thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong toàn Đảng. Đó là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, thay thế cho Cương lĩnh năm 1951 sau 40 năm. Đại hội VII đã thông qua Cương lĩnh và những tư tưởng, quan điểm kiên định cách mạng của Đảng đã đi vào cuộc sống. Những nguyên tắc của đổi mới đã được nêu lên một cách nhất quán mà nổi bật là:
- Kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đó là con đường phát triển của Việt Nam - con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
- Khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, của cách mạng nước ta.
- Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để thực hiện được những nguyên tắc căn bản đó, bảo đảm cho phương hướng chính trị của Đảng được giữ vững, không bị chệch hướng, Đảng ta nhấn mạnh, phải giữ vững ổn định chính trị, đó là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để thực hiện đổi mới. Đây phải là ổn định tích cực dựa trên mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng, lực lượng đoàn kết của toàn dân xung quanh Đảng, Nhà nước - đó là cơ sở xã hội của Đảng, của chế độ. Sau này, qua thực tiễn đổi mới, Đảng ta đã tổng kết, mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là một trong những mối quan hệ lớn phản ánh quy luật và tính quy luật của đổi mới và phát triển ở nước ta. Để giữ vững ổn định chính trị tích cực phải ra sức đổi mới kinh tế, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Nhờ được thụ hưởng lợi ích thiết thân hằng ngày mà nhân dân tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới, làm cho đổi mới thực sự là sự nghiệp sáng tạo của nhân dân. Trong khi ra sức đổi mới kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường, thay đổi mô hình phát triển, tạo động lực cho đổi mới, nhất là động lực lợi ích (kinh tế) và dân chủ hóa (chính trị) để đưa đất nước ra khỏi trì trệ, khủng hoảng, tiến tới ổn định và phát triển, Đảng ta cũng ý thức rõ ràng phải bảo đảm đồng bộ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Song từ nguyên tắc đến giải pháp và bước đi phải sáng tạo. Do đó, trong lãnh đạo và tổ chức chỉ đạo đổi mới, Đảng ta xác định, trước hết và trọng tâm là đổi mới kinh tế. Đổi mới chính trị, hệ thống chính trị phải làm từng bước và thận trọng, không thoát ly thực tiễn, không chủ quan, duy ý chí, không làm trái quy luật và xu thế, khi đổi mới là tất yếu, phải chủ động đón kịp thời cơ, vượt qua thách thức. Chỉ trên cơ sở đổi mới kinh tế có kết quả bước đầu, tạo được niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân, giữ vững được ổn định xã hội (lòng dân) mới tiến hành đổi mới hệ thống chính trị. Thực tế đã chứng tỏ tính đúng đắn và sự sáng suốt trong đường lối, quan điểm, nguyên tắc đó của Đảng.Từ Đại hội VI, Đảng ta đã chủ động thực hiện dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống để thúc đẩy giải phóng lực lượng sản xuất và giải phóng ý thức tinh thần xã hội, của quần chúng nhân dân với những đột phá mở đầu từ khoán trong nông nghiệp, kết hợp nhịp nhàng giữa đổi mới từ dưới lên với đổi mới từ trên xuống. Cương lĩnh năm 1991 đã chính thức đề cập tới hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhờ đó, nước ta đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX. Cách mạng và đổi mới do Đảng lãnh đạo đã thoát kiểm trước sự kiện chế độ xã hội chủ nghĩa tan rã ở Liên Xô và Đông Âu.
Một thành công rất to lớn và quan trọng, có thể nói là đặc sắc là ở chỗ, Việt Nam đã không xảy ra khủng hoảng chính trị, đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng trong khi vẫn giữ vững ổn định chính trị, đã có thể không để khủng hoảng kinh tế - xã hội trở thành khủng hoảng chính trị như tình huống đã xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu.
Những điều trình bày trên đây cho thấy, nhờ giữ vững bản chất cách mạng và khoa học của Đảng, của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhờ tích lũy kinh nghiệm phong phú trong thực tiễn đấu tranh cách mạng được tôi luyện và thử thách về bản lĩnh chính trị mà Đảng đã đề ra đường lối đúng, lại có năng lực sáng tạo, kiên định về nguyên tắc, lập trường quan điểm nhưng linh hoạt, uyển chuyển về phương pháp, sách lược và bước đi,... nên đã giải quyết thành công nhiều vấn đề lớn và phức tạp ngay từ những năm đầu khởi sự đổi mới.
Cách đặt vấn đề của Đảng về mối quan hệ giữa ổn định với đổi mới và phát triển, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị và hệ thống chính trị chẳng những là những định hướng chính xác về chính trị mà còn thể hiện sự nhạy cảm sâu sắc về văn hóa chính trị, là tầm nhìn (nhãn quan) văn hóa trong đổi mới chính trị và hệ thống chính trị, thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn đổi mới, nhìn từ yêu cầu của đổi mới, của văn hóa và phát triển.
Để đổi mới hệ thống chính trị, đồng bộ với đổi mới kinh tế, Đảng ta đã xác định rõ, vấn đề cốt yếu, then chốt của đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta là đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong điều kiện xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền. Đổi mới hệ thống chính trị với mục đích thực hiện dân chủ, đẩy mạnh thực hành dân chủ, nhất là dân chủ trong Đảng, để xây dựng nền dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước, phân biệt sự khác nhau giữa Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý, phân biệt và minh định quan hệ giữa Đảng và Nhà nước về thẩm quyền và trách nhiệm mà trách nhiệm cao nhất là trách nhiệm đối với nhân dân và xã hội. Giữ vững và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, được thể chế hóa trong Hiến pháp, nhất là Hiến pháp năm 2013 về thẩm quyền của Đảng, khẳng định và bảo vệ địa vị pháp lý của Đảng trong trọng trách lãnh đạo và cầm quyền, làm rõ tính chính danh, tính pháp lý của Đảng, phát triển Điều 4 trong Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992, chế định hóa về trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, dân tộc và xã hội về những quyết định mà Đảng đưa ra. Đây thực sự là bước tiến trong lý luận và thực tiễn của Đảng cầm quyền. Đảng hoạt động dựa trên tinh thần hợp hiến và nêu cao vai trò, trách nhiệm bảo hiến của Đảng, bảo đảm cho tổ chức cũng như hoạt động của Đảng, của Nhà nước và hệ thống chính trị theo đúng những chuẩn mực dân chủ, pháp quyền. Đảng nêu cao tinh thần gương mẫu trong thi hành pháp luật, đòi hỏi các tổ chức đảng và mọi đảng viên phải hoạt động phù hợp với pháp luật, không vi hiến. Đó là một trong những biểu hiện rõ nhất của văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật và văn hóa đạo đức đối với Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền do Đảng lãnh đạo. Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, từ thực tiễn đổi mới, Đảng ta xác định nội dung toàn diện của xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ chính trị, tư tưởng, tổ chức, đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức và đưa văn hóa vào trong đời sống của Đảng, trong hoạt động của Nhà nước và của hệ thống chính trị, về thực chất, là xây dựng văn hóa trong Đảng, trong Nhà nước và hệ thống chính trị. Những văn kiện, nghị quyết của Đảng gần đây đặc biệt nhấn mạnh về kiểm soát quyền lực, tăng cường giám sát, phản biện, ra sức chống tha hóa quyền lực, kiên quyết phòng, chống và đẩy lùi tham nhũng như một quốc nạn, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với 27 biểu hiện mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã nêu lên.
Đó chính là đem sức mạnh văn hóa vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vào tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với quyết tâm làm tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng công chức, đề cao trách nhiệm và chế độ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Đó là xây dựng văn hóa trong đổi mới hệ thống chính trị, trước hết và quan trọng nhất là xây dựng văn hóa trong Đảng. Vấn đề hết sức quan trọng và vô cùng hệ trọng vào lúc này là phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và xây dựng các đoàn thể, các tổ chức trong hệ thống chính trị như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ từ 70 năm trước trong “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947) cũng như trong “Di chúc” (1965 - 1969). Có thể nói, xây dựng văn hóa trong Đảng, trong Nhà nước pháp quyền và trong đổi mới hệ thống chính trị nói chung ở nước ta là tạo ra nhân tố văn hóa bảo đảm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là một Đảng cách mạng chân chính, một Đảng cầm quyền ngang tầm nhiệm vụ; làm cho Nhà nước thực sự là Nhà nước pháp quyền dân chủ, với chính phủ kiến tạo, phục vụ xã hội, người dân và doanh nghiệp có hiệu quả nhất, đem lại sự tăng trưởng niềm tin, tăng trưởng mức độ hài lòng của người dân về thái độ trách nhiệm, về đạo đức và về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức trong bộ máy công quyền. Đó còn là làm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể nhân dân trong hệ thống chính trị khắc phục triệt để chứng bệnh hành chính - quan liêu, thực sự tạo ra sức mạnh dân chủ - đoàn kết - đồng thuận vì phát triển, vì quyền và lợi ích của người dân. Đổi mới hệ thống chính trị như vậy là minh chứng về xây dựng văn hóa trong chính trị mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện, làm cho hệ thống chính trị phát huy tốt nhất vai trò và tác dụng của tổ chức và hoạt động để xây dựng dân chủ, thực hiện và phát huy quyền làm chủ thực chất của nhân dân.
Một số vấn đề cấp bách cần làm ngay theo phương châm “nói đi đối với làm” để xây dựng văn hóa trong đổi mới hệ thống chính trị
Một là, thực hiện quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII.
Làm cho các tổ chức đảng, các cán bộ, đảng viên, trước hết là các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy thấm nhuần để thực hiện xây dựng Đảng về đạo đức và văn hóa, theo các chuẩn mực: cần, kiệm, liêm, chính, chống chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, vị kỷ, lảng tránh trách nhiệm và nghĩa vụ, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân bất minh, bất chính, bất nghĩa. Chỉ tạo ra dư luận phê phán là không đủ, phải áp dụng các biện pháp giáo dục và tự giáo dục trong Đảng, thức tỉnh đảng viên, công chức về lương tâm, danh dự, lòng tự trọng, về liêm sỉ. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải biết rằng tham lam là một thói xấu rất đáng phải xấu hổ, tham ô, tham nhũng là một tội ác, là có tội với dân với nước. Nội dung giáo dục đạo đức phải trở thành nội dung thường trực, thường xuyên trong sinh hoạt đảng, từ chi bộ đến toàn bộ hệ thống Đảng. Không có bảo đảm về đạo đức, về văn hóa thì không thể xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức thực chất và vững mạnh được.
Phải xây dựng và thực hiện bộ luật đạo đức xã hội và những quy định, kèm theo chế tài để xử lý không có bất cứ một ngoại lệ nào đối với sự suy thoái đạo đức trong Đảng, trong đảng viên và cán bộ.
Cái quan trọng và cần thiết lúc này là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, áp dụng các chế tài trừng phạt nghiêm khắc. Muốn làm trong sạch Đảng phải loại bỏ ra khỏi Đảng những người vi phạm đạo đức, không còn xứng đáng là đảng viên, làm tổn thương thanh danh của một Đảng “là đạo đức, là văn minh”.
Hai là, rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu, đau đớn, phải trả giá đắt từ bấy lâu nay trong vấn đề đánh giá sai, bố trí sai cán bộ, lại buông lỏng kiểm tra, giám sát, lại nương nhẹ, nể nang trong thi hành kỷ luật để có đủ dũng khí và trách nhiệm mà loại bỏ sự thao túng của nhóm lợi ích, sự mờ ám bất minh, bất chính dùng tiền bạc vật chất để mua danh, mua chức, mua quyền. Đưa ra ánh sáng của công lý để trừng phạt nghiêm khắc cả kẻ mua - người bán, dẫn tới suy yếu tổ chức, tha hóa quyền lực, hư hỏng cán bộ. Phải coi đây là một nỗ lực của toàn Đảng với vai trò nòng cốt của công tác kiểm tra Đảng, thanh tra Nhà nước, từ tổ chức đến hoạt động để lấy lại thanh danh của Đảng, niềm tin của đảng viên và nhân dân với Đảng, lập lại công bằng chính nghĩa trong công tác cán bộ, trong chính sách cán bộ, trong văn hóa nhân sự và tổ chức.
Đây là việc hệ trọng để chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Ba là, xử lý dứt điểm tình trạng phi lý, rất không bình thường đã không còn là cá biệt mà có ở không ít nơi đáng phải báo động về việc trong một cơ quan, một bộ máy có quá nhiều cán bộ, có chức, có quyền, có danh, có lợi nhưng vẫn yếu kém, suy thoái trong khi đó lại quá ít chuyên gia, chuyên viên, nhân viên làm việc. Tình trạng này bức xúc đến mức nếu không chấn chỉnh thì hậu quả khôn lường có thể dẫn tới đổ vỡ, tự đổ vỡ, tự hủy hoại. Tinh gọn tổ chức bộ máy, “thà ít mà tốt” cần người giỏi, người tốt, tận tâm, trách nhiệm, trung thực, khiêm tốn. Tổ chức bộ máy phải có những con người như vậy là chủ yếu. Phải giải phóng triệt để những người không xứng đáng mà ngồi vào ghế quyền lực. Bộ máy phải phục vụ chính trị chứ chính trị không phục vụ bộ máy. Thảo luận thì chung nhưng trách nhiệm phải riêng, riêng tới từng người một. Chỉ dẫn có tính di huấn đó của V.I. Lê-nin vào lúc này là sự hối thúc phải cải tổ bộ máy theo yêu cầu gắn chặt chính trị - đạo đức - pháp luật thành một thể thống nhất.
Phải chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên và đãi ngộ xứng đáng. Đòi hỏi ấy của cuộc sống, từ di huấn của V.I. Lênin, đồng thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào lúc này phải được thực hiện trong cuộc cách mạng về tổ chức, thấm nhuần yêu cầu văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý mà chúng ta phải ra sức thực hiện.