Mới cập nhật

CẢM NGHĨ VỀ MỘT NHÀ THƠ ĐẦY TÂM HUYẾT TRẦN XUÂN HÒA

Phó giáo sư, tiến sĩ sử học, Cử nhân Ngữ văn Đàm Đức Vượng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực
 

Nhà thơ thương binh, lương y Trần Xuân Hòa.

       Một con người và một tâm hồn thơ     
     Chiều ngày 1-6-2019, thiếu tướng Nguyễn Đình Được, Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực đến trao cho tôi bộ thơ đồ sộ của ông Trần Xuân Hòa (Xuân Hòa), một lương y, cựu chiến binh, thương binh, một người nhiễm chất độc màu da cam (dioxin), thành viên của Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực. Thiếu tướng, Viện trưởng Nguyễn Đình Được đề nghị tôi viết lời giới thiệu cho tập thơ đồ sộ này sắp được xuất bản.
      Đây là một bộ thơ gồm 26 tập, mỗi tập khoảng 50 trang, khổ giấy A4, tổng cộng là ba nghìn bài thơ do ông sáng tác từ bấy lâu nay, bao gồm 19 tập thơ viết về chữa bệnh bằng cây thuốc nam; 4 tập viết về Kinh văn (thăm bệnh); 1 tập viết về chất độc màu da cam; 1 tập viết về tình yêu, 1 tập viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi bàng hoàng về sức viết của ông. Thật đáng bái phục! Đọc qua 26 tập thơ của ông, tôi thấy ông xứng đáng là một nhà thơ, một lương y chân chính, một thương binh có lòng nhân ái, một nhân tài đất Việt. Thơ ông viết không phải dành cho nơi “cung đình”, mà là dành cho chốn hương quê, đường phố. Người đọc thơ cảm nhận cái tâm này của ông nên rất quý mến ông, kính trọng ông.
      Trần Xuân Hòa sinh năm 1944, quê xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, thường trú tại 293/99/6, đường Lê Hồng Phong, phường 8, thành phố Vũng Tàu. Cuộc đời ông đã trải qua nhiếu năm, tháng lăn lộn với chiến trường khói lửa. Ông đã từng chữa bệnh cho binh sĩ, cho người nghèo và chính mình đã mang vết thương chiến tranh dioxin, trở thành thương binh có hạng.
      Thơ Xuân Hòa chưa phải là viên ngọc long lanh dưới ánh mặt trời, còn là viên ngọc thô ráp, nhưng đầy ắp cái tâm, cái tình, cái thực, cái hồn trong thơ. Mộc mạc, đơn sơ, giản dị, chân thành, thiết thực là những nét đặc sắc trong thơ ông. Thật đáng quý biết bao một con người lăn lộn với thơ ca và cuộc đời.
      Trần Xuân Hòa thường tâm sự với những người tri kỷ về người vợ thân yêu của mình, rằng, bà ấy lo “hậu phương”, cơm nước để cho ông làm thơ.
      “Cám ơn vợ nấu cơm canh
      Thời gian đã dành chồng viết vần thơ”.    
      Thật hạnh phúc cho ông có một người vợ đáng yêu như thế!
Phu nhân nhà thơ thương binh, lương y Trần Xuân Hòa

      Những bài thơ viết về chữa bệnh bằng cây thuốc nam
      Thế mạnh trong thơ của Trần Xuân Hòa được thể hiện ra những bài thơ chữa bệnh bằng cây thuộc Nam.
      Trong số những tập thơ do nhà thơ Trần Xuân Hòa sáng tác, tôi tâm đắc nhất là 19 tập thơ của ông viết về chữa bệnh bằng cây thuốc Nam. Ông cho biết là ông dựa vào sách “Từ điển cây thuốc Việt Nam” của tiến sĩ Võ Văn Chi xuất bản năm 1999 để viết ra những tập thơ này. Ông nói: “Tôi có một chút ham thích và cũng có biết về y học dân tộc, do đó, mạnh dạn viết những vần thơ đơn giản để có ai đọc được thấy mau nhớ và làm vui yêu thiên nhiên ban tặng. Đặc điểm không thể đem vào làm thuốc chữa bệnh, vì nó chỉ là gợi cảm mà thôi”. Việc biến văn xuôi thành thơ trong lịch sử cũng đã có. Cụ Nguyễn Du đã biến văn xuôi trong truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân trở thành kiệt tác thơ trong Truyện Kiều, một điển hình của việc biến văn xuôi thành thơ. Trần Xuân Hòa cũng biến văn xuôi trong sách “Từ điển cây thuốc Việt Nam” thành thơ chữa bệnh là một cố gắng đáng ghi nhận.
      Sáng tác được những bài thơ chữa bệnh bằng cây thuốc nam hẳn là Trần Xuân Hòa yêu thiên nhiên (tự nhiên) lắm. Thiên nhiên ở đây là cây, lá, hoa, quả, củ, những thứ biến thành thuốc, giúp cho người khỏi bệnh, mà ông yêu quý. Thiên nhiên là vật chất trong muôn nghìn biểu hiện và hình thức vận động của nó. Tính thống nhất của thiên nhiên là ở tính vật chất của nó. Sự giải thích khoa học về các hiện tượng tự nhiên không cần phải dùng đến bất cứ một nguyên nhân bên ngoài nào, nguyên nhân tinh thần, thần linh hay nguyên nhân nào khác. Ph.Ăngghen nói: “Quan niệm duy vật về tự nhiên không phải là cái gì khác mà chỉ là sự hiểu biết tự nhiên theo bộ mặt vốn có của nó, không thêm không bớt” (Ph.Ăngghen: Biện chứng của tự nhiên, bản tiếng Pháp, Paris, 1952, tr. 198). Kỳ thực, thiên nhiên là một thực tại khách quan tồn tại bên ngoài ý thức và không phụ thuộc vào ý thức. Thiên nhiên phát triển vĩnh viễn, không có bắt đầu và cũng không có kết thúc trong thời gian và không gian. Vật chất vô cơ đã đẻ ra hữu cơ. Con người cũng là một bộ phận của thiên nhiên, là sản vật cao cấp của thiên nhiên. Nhờ nhận thức được những quy luật khách quan của tự nhiên, nhờ những công cụ sản xuất do người chế tạo ra, nên con người tác động vào tự nhiên, cải tiến tự nhiên, bắt tự nhiên phải phục tùng mình. Chủ nghĩa duy vật biện chứng xem xét tự nhiên trong sự vận động và phát triển của nó. Thiên nhiên có lúc rất hiền hòa, những đêm trăng thanh, gió mát, nhưng cũng có lúc gầm lên, giận dữ, thể hiện ở những trận động đất, bão tố, mưa nguồn. Trần Xuân Hòa rất yêu quý thiên nhiên, nên đã được thiên nhiên ban tặng những hoa, lá, cành để chế ra những vị thuốc chữa bệnh cho con người bằng những vần thơ.
      Atiso là một dạng trà uống hằng ngày. Khi vào thơ Trần Xuân Hòa nó trở thành một vị thuốc quý chữa các bệnh trợ tim, lợi tiểu:
      “Bông dùng chữa bệnh tăng dương
      Trợ tim lợi tiểu ăn ngon sữa nhiều.
      Nuôi con mau lớn ta yêu
      Có bao tác dụng nhiều điều rất hay.
      Muốn gan khỏe mạnh cây này
      Tiêu khát mà uống trị hay vô cùng”.
                         
                           (Thơ Trần Xuân Hòa)
     
      “Họ A” (vần A, Ă, Ớ), những cây thuốc trong thơ chữa bệnh bằng thuốc nam của Trần Xuân Hòa được khai thác khá kỹ: Atiso, A Kê, Anh Đào, Áp Nhi Cần, Ắc Ó, Âm Địa Quyết, Ấu (củ), Ấu dại, Ấu nước,…
      “Họ B” (vần B) có các vị thuốc: Ba Chạc, Ba Chạc Poilane, Ba Chẽ, Ba Chĩa, Ba Đậu, Ba Đậu Tây, Ba Gạc, Ba Gạc Ấn Độ, Ba Gạc Châu Đốc, Ba Gạc Cu Ba, Ba Gạc châu Phi, Ba Gạc lá nhỏ, Ba Gạc lá to, Ba Gạc Vân Nam, Ba Kích, Ba Kích Long, Ba Soi, Bả Dột, Bả Chuột, Bã Thuốc, Bạ Cốt Tiêu, Bạc Biển, Bạc Hà, Bạc Hà Cay, Bạc Hà Lục, Bạc Lá, Bạc Thau, Bách Bệnh, …
      Ba Kích vào thơ của Trần Xuân Hòa chữa bệnh trở thành cây thuốc quý chữa các bệnh liệt dương, thận yếu.
      Người bệnh đã quá quen thuộc với cây thuốc Bách Bệnh:
      “Miền Trung cho tới Tây Nguyên
      Cả đông Nam Bộ gọi liền bách tôi.
      Khí hư ăn yếu đau người
      Chỗ nào cũng tới nên đời đặt cho.
      Một trăm con bệnh đầy kho
      Do đó chữ “Bách” cũng lo chuyên cần.
      Nôn mửa tả lỵ cốt cân
      Ngộ độc tửu quá, góp phần tẩy giun.
      Không tiêu, ngực tức, tâm bồn
      Tích trệ u bướu hai sườn lưỡi răng.
      Người đời đặt gọi một trăm
      Là cây bách bệnh siêng năng cùng người”.
           
                                     (Thơ Trần Xuân Hòa)
     
     Có lần, một anh bạn tôi cho tôi một liều thuốc. Trong liều thuốc này có thành phần của cây Bách Bệnh. Uống vào thấy chứng đau khớp, đau lưng, đau cổ, đau vai gáy, đỡ rất nhiều. Nay đọc thơ của Trần Xuân Hòa viết về cây Bách Bệnh, làm tôi càng tin là hiệu nghiệm.
      Bí Đao tưởng để chỉ nấu canh (canh bí), nhưng khi vào thơ của Trần Xuân Hòa trở thành cây thuốc chữa bệnh đáng quý, trở thanh Nam dược thần hiệu:
      “Đông qua bí quả bí đao
      Tính lành không độc nấu xào luộc ăn
      Tiêu phù chữa thũng chống căng
      Giải nhiệt dùng bí là tăng lợi này.
      Tiểu buốt nên uống bí ngay
      Nam dược thần hiệu bậc thầy sử ghi”.
                         (Thơ Trần Xuân Hòa)
      Bí Đỏ vào thơ của Trần Xuân Hòa cũng trở thành vị thuốc quý:
      “Bí Đỏ chẳng giấu tên ai
      Già trẻ trai gái ăn hoài thường xuyên.
      Hạt dùng tiêu diệt giun kim
      Giết loài xơ mít lợi liền tiểu đau.
      Nhọt sưng bí đỏ chữa mau
      Nấu chè vị ngọt thay rau luôn dùng”.
                             (Thơ Trần Xuân Hòa)
      “Họ Bồ” trong thơ của Trần Xuân Hòa gồm Bồ Công Anh, Bồ Hoàng, Bồ Kết Tây, Bồ Ngót Rừng, Bồ Ngót Vuông, Bồ Quân, Bồ Quân Ấn, Bồ Quân Lá To đều là những vị thuốc chữa bệnh cho nhiều người.
       Cây Bồ Công Anh, Bồ Công Anh Hoa Tím vào thơ của Trần Xuân Hòa chữa các bệnh: thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, lọc máu, lợi mật, nhuận tràng, sốt rét, sưng lá lách.
      Cây Bưởi được gieo trồng trên khắp mọi miền đất nước. Cây Bưởi sinh ra quả Bưởi. Quả Bưởi dùng để ăn rất ngon, nhiều nước cũng đã trở thành thơ của Trần Xuân Hòa. Ăn múi Bưởi vào, ta có cảm giác giải nhiệt, làm vơi đi những cơn cảm mạo, thương hàn, trúng phong. Vỏ Bười dùng để nấu nước gội đầu, làm sạch gầu và tóc mượt.
      “Họ Cà” trong thơ của Trần Xuân Hòa gồm Cà, Cà Ba Thùy, Cà Chắc, Cà Chua, Cà Tím, Cà Dại Hoa Trắng, Cà Dại Quả Đỏ, Cà Đắng Ngọt, Cà Độc Dược, Cà Độc Dược Cảnh, Cà Độc Dược Gai Tù, Cà Độc Dược Lùn, Cà Gai, Cà Gai Leo, Cà Hai Hoa, Cà Muối, Cà Nà, Cà Nghét, Cà Pháo, Cà Phê, Cà Vú Dê, Cà Xoắn (Ca Cao), Cà Trái Vàng, Cà Trời.
      Trọng họ Cà có Cà Pháo:
      “Cà Pháo ở chợ bán nhiều
      Vừa ngọt tính lạnh nên yêu mua về.
      Chế ra nhiều món ngon ghê
      Chống táo bón tốt thạo bề tiêu viêm”
                         (Thơ Trần Xuân Hòa)
      Cà Rốt là Nữ hoàng của các loại cà:
      “Nữ hoàng Cà Rốt ở trần gian
      Suy nhược thần kinh sống bàng hoàng
      Từ trẻ tới già khi lâm bệnh
       Củ này quý lắm họ cao sang”.
                         (Thơ Trần Xuân Hòa)
      “Họ Cau” trong thơ của Trần Xuân Hòa có Cau, Cau Cành Vàng, Cau Chuột Ba Vì, Cau Chuột Bà Na, Cau Chuột Nam Bộ, Cau Chuột Núi, Cau Lào, Cau Núi, kết với trầu không và vôi, gọi là cơi trầu hoặc miếng trầu, làm cho “Thắm môi duyên thắm mặn mà”. “Ngẫm người ăn cau lá trầu/ Sống trăm năm tuổi bạc đầu như tiên”.
      Cần Tây cũng là loại cây thông dụng. Khi nó vào thơ của Trần Xuân Hòa có tác dụng làm cho cơ thể bớt béo, lợi tiểu, bổ thận, điều hòa khí huyết, thanh nhiệt, giảm ho. Nó thật sự là một vị thuốc rất quý lại sang. Thế giới xem đó là “cây vàng mến yêu”.
     “Họ Cỏ” vốn dĩ ít người để ý đến, nhưng khi vào thơ của Trần Xuân Hòa trở thành loại cỏ có ích cho cuộc sống con người. Ông đã viết một loạt bài thơ về “Họ Cỏ”: Cỏ Bướm, Cỏ Bướm Nhẳn, Cỏ Bướm Tím, Cỏ Bướm Trắng, Cỏ Chè Vè, Cỏ Chè Vè Sáng, Cỏ Chét Ba, Cỏ Chông, Cỏ Cò Ke, Cỏ Cứt Lợn, Cỏ Diệt Ruồi, Cỏ Dùi Chống, Cỏ Đắng, Cỏ Đấu Rìu, Cỏ Đầu Dìu Hoa Nách, Cỏ Đậu Hai Lá, Cỏ Đuôi Chó, Cỏ Gà, Cỏ Gạo, Cỏ Gấu, Cỏ Gấu Ăn, Cỏ Gấu Biển, Cỏ Kỳ Nhông, Cỏ Lá Tre, Cỏ Lá Xoài, Cỏ Lào, Cỏ Nết, Cỏ Luồng, Cỏ May, Cỏ Mần Trầu, Cỏ Mật Gấu, Cỏ Mắt Nhăn, Cỏ Móng Ngựa, Cỏ Mủ, Cỏ Nến, Cỏ Nến Lá Hẹp, Cỏ Ngọt, Cỏ Nhọ Nồi, Cỏ Phồng, Cỏ Quan Âm, Cỏ Roi Ngựa, Cỏ Rỏm, Cỏ Sán, Cỏ Seo Gà, Cỏ Seo Gà Sẻ Nửa, Cỏ Sửa Hoa Không Cuống, Cỏ Sửa Lá Lớn, Cỏ Sửa Lá Nhỏ, Cỏ Tai Hổ, Cỏ Tai Hùm, Cỏ Thạch Sùng, Cỏ Tháp Bút, Cỏ The, Cỏ Thi, Cỏ Thỏ, Cỏ Tim Phòng, Cỏ Tóc Tiên, Cỏ Tranh, Cỏ Trói Gà, Cỏ Vàng, Cỏ Vắp Thơm, Cỏ Voi, Cỏ Voi Lúa, Cỏ Xạ Hương,…
      Có một cây cỏ mà các ông, các bà đều biết, đó là Cỏ Nhọ Nồi. Khi Cỏ Nhọ Nồi biến thành thơ của Trần Xuân Hòa đã trở thành cây thuốc quý, chữa được nhiều bệnh:
      “Dạ dày bị máu nôn ra
      Đi tiểu có huyết gọi là nhiệt trong.
      Tử cung ra máu màu hồng
      Cũng là quá nhiệt nên cùng uống ngay.
      Đi lỵ, viêm mãn bệnh này
      Trẻ em dinh dưỡng cây hay nên dùng.
      Ho lao, viêm họng ngứa cùng
      Đau mắt, răng miệng não nùng ngoài da.
      Bệnh nám, tóc rụng ông bà
      Ù tai, cả ếchdêma hại người.
      Cầm máu lành lắm ai ơi
      Còn chữa nhiều bệnh giúp đời trần gian”.
                                     (Thơ Trần Xuân Hòa)
      Nói đến “Họ Dưa” là người ta có cảm tình ngay. Trong thơ chữa bệnh bằng cây thuốc Nam, Trần Xuân Hòa đã có tới chục bài thơ viết về “Họ Dưa”: Dưa Bở, Dưa Chuột, Dưa Chuột Dại, Dưa Dại, Dưa Gang, Dưa Gang Tây, Dưa Hấu, Dưa Lông Nhím, Dưa Núi, …
      Với Dưa Hấu, Trần Xuân Hòa mô tả là loại quả ăn vào rất hiệu nghiệm:
      “Ai mà bị bệnh máu cao
      Bàng quang luôn nhiệt ăn vào là hay.
      Tiểu buốt viêm thận thũng này
      Vàng da đi tháo sốt này men say.
      Viêm họng phiền khát nở này
      Vỏ quả sao kỹ uống hay tuyệt trần.
      Dưa hấu xứng danh như thần
      Chữa tạng giúp phủ chữ quân thành tài.
      Trị bệnh dễ như ăn chơi
      Thiên địa cho đủ kiếp người nhân gian”.
                             (Thơ Trần Xuân Hòa)
      “Họ Đậu” vào thơ của Trần Xuân Hòa một cách tự nhiên, xâu chuỗi: Đậu Bắp, Đậu Biếc, Đậu Biếc Lông Vàng, Đậu Biển, Đậu Cánh Dơi, Đậu Chiếu, Đậu Cộ, Đậu Cờ, Đậu Dại, Đậu Đen, Đậu Cộ Biển, Đậu Đén Thòng, Đậu Đỏ, Đậu Đũa, Đậu Gạo, Đậu Gió, Đậu Hà Lan, Đậu Hoa Tuyến, Đậu Hoa Xoắn (Đậu Khắc Quả), Đậu Ma, Đậu Mèo, Đậu Mèo Lớn, Đậu Mèo Rừng, Đậu Mỏ Neo, Đậu Mỏ Nhỏ, Đậu Muồng Ăn, Đậu Ngự, Đậu Răng Ngựa, Đậu Rồng, Đậu Rựa, Đậu Săng (Đậu Chiều, Đậu Tắc), Đậu Tây, Đậu Tương, Đậu Tương Dại, Đậu Ván Trắng, Đậu Vẩy Ốc, Đậu Xanh, Đậu Đén…
      Trong “Họ Đậu” có Đậu Xanh. Đậu Xanh vào thơ Trần Xuân Hòa trở thành vị thuốc bổ ích:
      “Mùa xuân thường ăn đậu xanh
      Đề phòng ôn bệnh hết nhanh sang hè.
      Cảm cúm tiêu khát được che
      Cồn cào trong bụng cháo mè đậu nay.
      Có thai nôn ọe ăn ngay
      Giải nhiệt số nhất vỏ này càng linh”.
                            (Thơ Trần Xuân Hòa)
      Có một thứ đậu mang tên Đậu Dại, nhưng khi vào thơ của Trần Xuân Hòa thấy khôn lên, chẳng dại chút nào, chữa được nhiều bệnh:
      “Ho khan ho gió có đờm
      Viêm đường hô hấp bồn chồn chân tay.
      Áp xe, đi lỵ sởi đây
      Suy nhược cơ thể là hay nên dùng”.
                             (Thơ Trần Xuân Hòa)
      Có lần, nhà thơ thương binh Trần Xuân Hòa hành quân qua Đất Lào, thấy trên đất Bạn có cây Mã Tiền mọc lên như nấm. Trần Xuân Hòa thốt lên: “Đây là một vị thuốc quý” và ông bật lên những câu thơ ca ngợi cây Mã Tiền:
      “Ngày ấy hành quân qua đất Lào
      Rừng xanh suối vắng dưới muôn sao.
      Mã Tiền đất Bạn nhiều vô kể
      Chẳng biết bây giờ có không nao?
     
      Anh giải phóng quân chúng tôi đi
      Nhặt hạt Mã Tiền cất còn ghi.
      Sẽ làm thang thuốc ngâm cồn bóp
      Mỏi gối chống trùng theo bước đi”.
                           (Thơ Trần Xuân Hòa).`
      Nghĩ đến cây ớt, ai cũng cho là cay, nhưng khi vào thơ của Trần Xuân Hòa lại trở thành thành vị thuốc quý:
      “Dạ dày kích thích men hồng
      Chuyển máy xung huyết từ trong ra ngoài.
      Làm tiêu trị thũng mau vơi
      Sát trùng lợi tiểu độc rồi phải tan”.
                              (Thơ Trần Xuân Hòa)
      “Họ Rau” trong thơ Trần Xuân Hòa đã có hàng chục bài, đủ các thứ rau, ăn vào giúp cho cơ thể khỏe mạnh: Rau Báo Rừng, Rau Bép, Rau Chua, Rau Cúc Sữa, Rau Diếp, Rau Diếp Dại, Rau Diếp Đắng, Ra Diếp Đắng lá nhỏ, Rau Diếp Đắng Lá Răng, Rau Diếp Đắng Nhiều Đầu, Rau Diếp Đắng Núi, Rau Dớn, Rau Dừa Nước, Rau Đắng, Rau Đắng Biển, Rau Đắng Đất, Rau Đắng Lá Lớn, Rau Đắng Lông, Rau Đông, Rau Khúc, Rau Khúc Dưới Trắng, Rau Khúc Nhiều Thân, Rau Lưỡi Bò, Rau Má (nhiều loại), Rau Mác, Rau Mát, Rau Mỏ, Rau Mui, Rau Muối, Rau Muống, Rau Mương (các loại), Rau Muống, Rau Ngổ, Rau Cải Bắp, Rau Cải Bẹ, Rau Cần, Rau Sắng,… Mỗi thứ rau được Trần Xuân Hòa mô tả trong thơ, vừa là thức ăn, vừa là thuốc chữ bệnh rất tốt.
      Có cây Rau Muống, một món ăn thông dụng hằng ngày, khi vào thơ của Trần Xuân Hòa trở thành vị thuốc bổ, là “cây rau của trời đất”:
      “Chỉ biết từ cổ tới giờ
      Có cây rau muống ăn no cả ngày.
      Nông thôn thành phố xưa nay
      Ai ai cũng biết thuộc này muống ơi!
      Đây là cây rau của trời
      Đã ban vào đất cùng người muôn năm.
      Có ai ngộ độc thức ăn
      Lá ngón ăn phải muống băng giải liền”.
                                     ( Thơ Trần Xuân Hòa)
      Có cây “Rau Sắng” đã được nhà thơ Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) mô tả:
      “Muốn ăn rau sắng chùa Hương
       Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa.
      Mình đi ta ở lại nhà
      Cái dưa thì khú cái cà thì thâm”.
          
                      (Thơ Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu)
      Như vậy, Rau Sắng mọc ở chùa Hương mà nhà thơ Tản Đà rất muốn ăn, nhưng vì ngại sợ tốn tiền đò, nên đành ở lại nhà thì thấy cái cảnh “dưa khú cà thâm”.
      Nay, qua thơ Trần Xuân Hòa, chúng ta được biết Rau Sắng không chỉ mọc ở chùa Hương mà còn mọc ở Vũng Tàu và nhiều nơi trên cả nước, ăn rất ngon và bổ, trở thành một trong những thứ rau quý hiếm, thứ “canh may”. Bài thơ Rau Sắng:
      “Bạch Dinh thành phố Vũng Tàu
      Có cây rau sắng chuyện lâu bây giờ.
      Hoa Sắng vị ngọt thơm tho
      Mấy ai đã được mời cho rau này.
      Đói lòng ăn bát canh may
      Coi như đã được vàng đầy trong tay.
      Lòng tôi ao ước bấy trầy
      Muốn ăn để biết hoa này lá rau”.
                            (Thơ Trần Xuân Hòa)
      Những bài thơ “Kinh văn” viết về những áng văn kinh điển chữa bệnh và cũng là kinh nghiệm chữa bệnh
      Bên cạnh những bài thơ tả về cây thuốc cũng như rau, củ, quả, Trần Xuân Hòa còn viết nhiều bài thơ về “Kinh văn”, rút từ trong các sách Kinh văn để chữa bệnh, trong đó có sách “Y tông kim giám”. Kinh văn còn viết về những áng văn kinh điển chữa bệnh để rồi rút ra và thành thơ, nhưng cũng có thể xem đây là những kinh nghiệm chữa bệnh. Kinh văn là những bài thơ mang tính chất kinh điển chữa bệnh. Lương y Trần Xuân Hòa có 4 tập thơ Kinh văn. Trong Kinh văn, ông viết: “Phong khí đã sinh vạn vật/ Vạn vật nhờ phong khí tồn luân/ Phong khí cũng diệt vạn vật/ Vạn vật không thoát do phong/ Riêng con người ngũ tạng thông/ Khí tà vào người gây chết/ Cùng ngàn bệnh tật ốm đau”. Và ông khuyên bệnh nhân nên năng rèn luyện, giữ gìn cơ thể, có như vậy, tà khí mới không xâm phạm vào kinh lạc. Nhưng khi đã trúng phong thì phải trị ngay, không để truyền vào tạng phủ. “Tứ chi thấy nặng nề phải tập thở/ Châm cứu thuốc cao dán xoa bóp/ Nơi khí huyết trú ngụ không để bế tắc/ Giữ bì phu và tạng phủ”.
      “Thiên địa chia mùa luật âm dương
      Cho vạn vật sinh có lẽ thường.
      Biến hóa cũng còn nhiều chênh lệch
      Để thành nghịch khí đảo cương cương”.
     
                             (Thơ Trần Xuân Hòa)
      So với những bài thơ dân dã viết về chữa bệnh bằng cây thuốc Nam, thì những bài thơ viết về Kinh văn của Trần Xuân Hòa có phần trau chuốt hơn, mang tính tổng kết về bệnh.
      “Kinh lạc phong thấp gây nên
      Tán tà thẩm thấm kinh trên tụ này.
      Ma hoàng, cam thảo, hạnh đây
      Ý dĩ bốn vị bệnh thầy chỉ cho”.
                            (Thơ Trần Xuân Hòa)
      Kinh văn mô tả mạch chứng và cách chữa các bệnh. Lương y Trần Xuân Hòa cho rằng, nếu có ai đó mặt đỏ như say, đó là vì nhiệt hun lên xông mặt. Mặt thuộc dương minh, vì khí thịnh thì mặt đỏ như say, đó là vì nhiệt theo kinh xông lên mặt. Ông đưa ra 8 vị thuốc có thể chữa được mặt đỏ, đó là Phục linh (4 lạng cho một thang thuốc), Tế tân (ba lạng), Cam thảo (ba lạng), Ngũ vị tử (1/4 thang), Can khương (ba lạng), Bản hạ (1/2 thang), Hạnh nhân (1/2 thang), Đại hoàng (ba lạng).
      Trong Kinh văn, lương y Trần Xuân Hòa nêu một căn bệnh tiêu khát, đó là bệnh uống nhiều nước, tiểu tiện nhiều, ăn nhiều nhưng người  vẫn gầy rốc. Âm tính gây nên bệnh tiêu khát, khí xung lên tim, làm tim đau nóng, đó là hỏa mộc sinh ra, can khí thâm nhập tim, không có nước ở thủy, nên thành bệnh tiêu khát, thủy không đủ để ức chế hỏa, mà lại bị hỏa đốt cháy hết.
      “Gặp mạch trầm có thủy
      Thân thể phù nặng nề.
      Bệnh thủy mạch xuất chết
      Thân kiệt hết dương rồi”.
            (Thơ Trần Xuân Hòa)
      Căn bệnh này có thể dùng ô mai hoàn, hoặc can khương, hoàng cầm, nhân sâm đều thích hợp.
      Thơ Kinh văn của Trần Xuân Hòa còn giải quyết các bệnh về tim mạch,  thận, gan, ruột, tì vị, tiền liệt tuyến và nhiều căn bệnh khác. Mỗi căn bệnh, thơ đều nêu nguyên nhân phát sinh, phát triển của bệnh và chỉ ra cách chữa.
      Thơ viết về chất độc màu da cam (dioxin)
      Lương y Trần Xuân Hòa có một tập thơ viết về chất độc màu da cam (dioxin). Trong “Thư gửi nạn nhân da cam”, nhà thơ Trần Xuân Hòa viết:
      “Nạn nhân chất độc da cam
      Chúng tôi từ đất Việt Nam thư này.
      Kể từ năm ấy tới nay
      Tính ra ba chục năm này da cam.
      Con cháu nhiễm độc trăm ngàn
      Quái thai dị dạng muôn vàn đau thương.
      Không sao nói hết nỗi buồn
      Chúng tôi cùng bạn căm hờn chiến tranh.
      Đoàn kết giữ gìn hòa bình
      Cùng các dân tộc để giành tự do.
      Hàn Quốc, Mỹ, Ôxtrâylia
      Đài Loan, Philíp cùng là Di Lân.
      Sinh con nhiễm độc dioxin
      Nỗi đau cũng giống Việt Nam lâu rồi.
      Cùng vào cuộc chiến kéo dài
      Cùng ăn cùng ở vùng trời Việt Nam.
      Nay về tuy cách đại dương
      Sinh ra nhiễm máu có nguồn dioxin.
      Chung đơn đi kiện bắt đền
      Đòi Chính phủ Mỹ nhân quyền chúng tôi.
      Thông tin tất cả loại người
      Cấm chế chất độc hại đời trần gian”.
                               (Thơ Trần Xuân Hòa)
      Những dòng thơ mộc mạc trên đây phản ánh nỗi thống khổ của những người Việt Nam nhiệm chất độc màu da cam do cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ gây nên và yêu cầu bồi thường cho những người bị chất độc màu da cam. Đọc những bài thơ của nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam Trần Xuân Hòa, chúng ta thấy cảm động vô cùng. Sự cảm động này được thể hiện trong bức thư của Ban Chấp hành Hội nạn nhân chất độc màu da cam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gửi nạn nhân Trần Xuân Hòa: “Tuyển tập thơ đã thể hiện tâm tư, tình cảm và tấm lòng nhân ái của ông đối với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin; lên án hành động của những kẻ đã gây nên các tội ác đối với người dân Việt Nam nói riêng và loài người nói chung, đồng thời kêu gọi lương tri và hành động của cộng đồng “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.
      Nét đặc biệt, độc đáo trong tập thơ của nạn nhân bị chất độc màu da cam Trần Xuân Hòa là ngoài những bài thơ viết chung, còn có những bài thơ gửi cho từng con em bị nhiễm chất chất độc màu da cam do ông, cha các cháu để lại và những bài thơ tặng chính những người bị chất độc màu da cam, như em các Nguyễn Minh Hùng, Cao Thị Lan Phương, Nguyễn Xuân Minh, Nguyễn Thị Thùy Giang, Lê Minh Thanh, Lý Minh Sơn, Trần Huỳnh Thương, Trần Thị Vy, Minh Anh, Phạm Thành Tuấn, Vũ Đình Phú, Lê Sang Đại Lành, Hồ Thị Phượng, Nguyễn Thị Nga, Đặng Thanh Minh, Hoàng Thị Hoa, Nguyễn Việt, Phạm Thị Ngân, Phạm Thị Nhàn, Nguyễn Thị Tuyết, Trần Thảnh, Nguyễn Thị Vân; các anh Nguyễn Đức Thức, Lê Đức Ngọt, Phạm Văn Quyến, Son Soát, Anh Ây, Lê Văn Thanh; ông Hoàng Trung Cận; các chị Phạm Thị Xuân, Con Thị Giang; các con chị Trương Thị Thủy, Phạm Thị Xuân Bốn, Lê Thị Thanh, Trương Thị Thùy; con ông Nguyễn Thế Quang; các con anh Trần Anh Kiệt, Võ Tịnh và Hà Thị Điều và nhiều người khác.
      Cháu Phạm Thị Ngân viết thư cho nhà thơ thương binh, lương y Trần Xuân Hòa: “Qua những vần thơ bác viết, cháu đọc mà không cầm nổi nước mắt, bác ạ. Đúng như hoàn cảnh của mẹ con cháu không sai chữ nào cả. Cháu xin được viết lại mấy câu đúng hoàn cảnh của cháu bác nhé: “Sinh con chẳng biết nói cười/ Niềm vui tan tác bề ngoài hình nhân/ Ăn, kêu, la hét suốt ngày…”.  Tôi cũng không cầm nổi nước mắt khi đọc những câu tiếp theo của cháu Phạm Thị Ngân: “Chẳng biết buồn vui, nắng mưa, no đói thế nào cả. Ăn xong, đại, tiểu tiện tại chỗ bác ạ. Chẳng có biết gì hết, nên cháu khổ tâm lắm bác ơi. Cháu rất buồn và đã khóc nhiều lắm, khóc cả cuộc đời của cháu. Nếu không có người thân giúp đỡ, chắc cháu cũng không thể vượt qua nổi. Không biết khi cháu già ốm đau để chăm lo cha con cháu, sẽ sống ra sao. Các cháu thuộc nạn nhân ở thế hệ thứ ba, chẳng được trợ cấp của Nhà nước cả, nên gia đình cháu gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống”.
      Có một cháu, trong thư chữ mờ, không rõ tên, viết thư cho bác Trần Xuân Hòa: “Bác ơi, số phận của mẹ con cháu thật trớ trêu và bất hạnh. Cháu không được may mắn như bao nhiêu người khác. Gia đình cháu tan nát. Nhà chồng thì hắt hủi chửi bới. Chồng cháu thì đánh đập mẹ con cháu và đuổi đi mấy năm nay. Cháu phải dẫn con đi ăn xin kiếm sống qua ngày. Mẹ con cháu gặp rất nhiều khó khăn, bác ạ. Hoàn cảnh của mẹ con cháu như vậy, cháu không biết dựa vào ai và biết đi đâu. Con cháu thì bị bệnh quái ác của chiến tranh để lại, không ai dám đến gần, gia đình chồng thì xa lánh. Mẹ con cháu cũng chẳng được hưởng một chế độ nào của xã hội… Từ ngày cháu sinh con đến nay đã được 16 năm, nhưng cháu không một ngày nào được sống hạnh phúc cả mà chỉ bị đắm chìm trong đau khổ…”.
      Tất cả nỗi đau của người bị nhiễm chất độc màu da cam đã in hằn trong trái tim nhà thơ thương binh, lương y Trần Xuân Hòa. Nỗi đau ấy đã biến thành thơ. Bài thơ “Đời người đau khổ”, gửi Nguyễn Thị Tuyết, một người bị nhiễm dioxin, Trần Xuân Hòa viết:
      “Thơ viết da cam quặn nỗi đau
      Đâu riêng cảnh cháu sống u sầu.
      Thư đến ngày đêm niềm tâm sự
      Bác đọc lệ rơi khóc nhớ nhau.
      Da cam bệnh nhiều toàn quái ác
      May nào phận bạc trắng đôi tay.
      Sinh ra tàn phế vì chất độc
      Tội của chiến tranh thê thảm này”.
                          (Thơ Trần Xuân Hòa).
      Và đây là bài thơ “Tiếng nói của lương tâm”:
      “Các bác các anh của hành tinh
      Bà mẹ lương tâm trái tim mình
      Đã đến Việt Nam và ủng hộ
      Hàn gắn đất này sau chiến tranh.
      Chúng tôi còn sống nhiễm dioxin
      Nói thay dị dạng sống nằm yên
      Tiếng kêu tiếng thét rung trời đất
      Xin đừng sản xuất dioxin.
      Cám ơn tất cả triệu tấm lòng
      Bạn bè thế giới có lương tâm
      Xiết chặt cùng nhau đòi công lý
      Xòe bàn tay ấm chặn chiến tranh.
      Chúng ta cùng sống hưởng thái bình
      Xây dựng ấm no đẹp hành tinh
      Màu da nhân loại vì hạnh phúc
      Tất cả cùng nhau sống hòa bình”.
                              (Thơ Trần Xuân Hòa)
      Khép lại ba nghìn bài thơ của nhà thơ thương binh, lương y Trần Xuân Hòa, chúng ta cảm nhận một điều được in dấu ấn đậm trong trái tim, khối óc của ông là tình thương yêu vô bờ bến đối với con người, nhất là những con người bị chất độc màu da cam. Ông muốn nói lên tiếng lòng của mình đối với con người. Cầu cho con người được khỏe mạnh, không bị chất độc da cam, đó là lương tri của nhà thơ thương binh, lương y Trần Xuân Hòa.
      Kính chúc nhà thơ thương binh, lương y Trần Xuân Hòa sức khỏe để làm nhiều bài thơ hiến tặng cho người, cho đời và cho cuộc sống!

Hà Nội, ngày 4 tháng 6 năm 2019