Kỷ niệm lần thứ 150 ngày sinh V.I.Lênin (22-4-1870 – 22-4-2020)
LÊNIN SỐNG MÃI TRONG SỰ NGHIỆP CỦA CHÚNG TA
PGS,TS Đàm Đức Vượng
PGS,TS Đàm Đức Vượng
Trên trang mạng gần đây
xuất hiện một số bài viết của những phần tử khiêu khích, phê phán chính quyền
Nghệ An dựng tượng đài V.I.Lênin tại thành phố Vinh. Bài “Thư ngỏ gửi lãnh đạo
Nghệ An về tượng đài Lênin đặt tại Vinh”, viết: “Khắp nơi trên thế giới đập bỏ
tượng Lênin đã từ 30 năm nay. Ngay tại nước Nga đã nhiều lần đòi hỏi phải đưa
Lênin ra khỏi lăng. Ông Putin đang giữ Lênin, vì như ông nói, còn có người có
quá khứ liên quan đến Lênin. Có nghĩa là việc đưa Lênin ra khỏi lăng sẽ do thế
hệ lãnh đạo sau Putin thực hiện”. “Dựng tượng đài Lênin ở Vinh, về mặt quốc tế không
chịu sức ép của ông Putin, của Nga và càng không có thêm lợi lộc gì từ phía ông
Putin và Nga. Ngược lại, dựng tượng đài Lênin ở Vinh làm khó cho ông Putin và
nhân dân Nga. Vì nước Nga đã hoàn toàn loại bỏ Lênin ra khỏi đời sống đã từ 30
năm nay. Hơn thế nữa, người Nga hiện thời xem Lê nin là nguyên nhân đau thương
cho nước Nga. Làm sống lại và đề cao tên tuổi một cá nhân mà nhân dân Nga xem
là có tội cần quên đi, thì có phải đã làm tổn thương đến nhân dân Nga?”. “Việc
chính quyền tỉnh Ulianovsk tặng tượng Lênin cho chính quyền tỉnh Nghệ An không
đại diện cho ý nguyện của nhân dân hai tỉnh Ulianovsk và Nghệ An. Chắc chắn đa
số nhân dân không muốn đặt tượng đài Lênin ở bất cứ nơi nào trên đất Nghệ An…”.
Trên đây là những lời hồ
đồ, đoán mò, không có căn cứ, làm xúc phạm đến V.I.Lênin, một vị lãnh tụ thiên
tài của cách mạng Nga và thế giới, xúc phạm đến nhân dân Việt Nam, nhân dân Nga
và nhân dân có lương tri trên toàn thế giới; chúng ta cần phải phê phán và bác
bỏ những luận điệu sai trái này.
Nhân dân Nghệ An đón nhận tượng đài Lênin do
nhân dân Ulianovsk, Nga tặng với tất cả tấm lòng kính yêu đối với Lênin, kiến
trúc sư của Cách mạng tháng Mười Nga, chủ trương đánh đổ giai cấp tư sản, chủ
nghĩa đế quốc, giai cấp phong kiến, giải phóng nước Nga và thế giới thoát khỏi
ách áp bức dân tộc và áp bức giai cấp; tình đoàn kết anh em giữa nhân dân Nga
và nhân dân Việt Nam. Vì vậy, Lênin xứng đáng được dựng tượng đài trong lòng
các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hồ Chí Minh đánh giá cao ý
chí cách mạng của Lênin và chủ nghĩa Lênin. Tình cảm cách mạng của Hồ Chí Minh
đối với Lênin là sâu nặng. Người cũng đánh giá cao “Luận cương của Lênin về các
vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Hồ Chí Minh viết:
“Luận cương của Lênin làm
cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến
phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước
quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho
chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”
Từ đó, tôi hoàn toàn tin
theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”1.
V.I.Lênin (1870-1924),
người Nga, nhà chính trị, nhà chiến lược cách mạng, nhà lý luận, nhà tư tưởng,
người đã bổ sung vào kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác nhiều nội dung phong phú về
giai cấp công nhân, về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Ông đã vận dụng lý
luận cách mạng của C.Mác vào trong giai đoạn mới của lịch sử. Theo Lucác, một
trong những nhà lý luận lớn khác của trào lưu Mác đã đánh gia Lênin là nhà lý
luận ở tầm của C.Mác.
Tiếp tục phát triển lý
luận của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã vạch ra một cách đúng đắn con đường mà
cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân phải theo, xác định giai cấp công nhân
đóng vai trò lực lượng cách mạng tiên phong trong xã hội. V.I.Lênin ra sức bảo
vệ lý luận chủ nghĩa Mác, bảo vệ chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy
vật lịch sử. C.Mác nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản, V.I.Lênin nghiên cứu về chủ
nghĩa đế quốc, mà theo V.I.Lênin, đó là giai đoạn phát triển cao của chủ nghĩa
tư bản. V.I.Lênin phát hiện ra sự phát
triển không đều của chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa và kết
luận chủ nghĩa xã hội có khả năng thắng lợi trước hết trong một nước riêng rẽ
và chủ nghĩa xã hội không có khả năng thắng lợi cũng một lúc trong tất cả các
nước hay phần lớn các nước tư bản. Sự tiên đoán này của V.I.Lênin hoàn toàn
chính xác. V.I.Lênin bổ sung vào học thuyết của C.Mác về vai trò của giai cấp
nông dân, xem đó là bạn đồng minh của giai cấp công nhân. V.I.Lênin xác định
quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân trong cách mạng dân chủ tư sản và chủ
trương tiến hành cách mạng dân chủ tư sản biến thành cách mạng xã hội chủ
nghĩa. Ông đưa ra một lý luận mới về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cuộc cách mạng
này do giai cấp công nhân và giai cấp nông dân tiến hành dưới sự lãnh đạo của
giai cấp công nhân. Lý luận về liên minh công nông tạo thành lực lượng và động
lực chủ yếu của cách mạng.
C.Mác và Ph.Ăngghen viết
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, thì V.I.Lênin đã thảo ra “Cương lĩnh cách mạng
của đảng mácxít (Cương lĩnh của Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga)”, nêu những
lý luận, quan điểm mới về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên trong lịch
sử chủ nghĩa Mác, V.I.Lênin nêu những nguyên tắc về xây dựng đảng mácxít, bổ
sung vào học thuyết về Đảng Cộng sản theo quan điểm của C.Mác và Ph.Ănggen.
V.I.Lênin đã thuyết trình những quan niệm mới về quan hệ giữa cách mạng tư sản
và cách mạng xã hội chủ nghĩa, xác định rõ hơn quyền lãnh đạo của giai cấp công
nhân trong cách mạng dân chủ tư sản, biến cách mạng dân chủ tư sản thành cách
mạng xã hội chủ nghĩa dưới khẩu hiệu: “Toàn bộ chính quyền về tay các xôviết”.
V.I.Lênin là người biết
điều chỉnh đường lối, chính sách, khi đường lối, chính sách đó không còn phù
hợp, trong đó có chính sách kinh tế mới NEP, cho rằng, với chính sách này sẽ
nảy nở nước Nga xã hội chủ nghĩa.
Nội dung của chính sách
kinh tế mới do V.I.Lênin vạch ra là: Xã hội điều tiết nền kinh tế; Nhà nước tác
động đến quan hệ thị trường giữa kinh tế hàng hóa công nghiệp và hàng hóa kinh
tế tiểu nông; Sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước nhằm phục vụ lợi ích xây dựng
chủ nghĩa xã hội; Củng cố sự liên minh công nông trong nền kinh tế; Thiết lập
quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế; Cho phép tự do sản xuất
hàng hóa và tự do mua bán, quan hệ hàng hóa, tiền tệ; Sử dụng các hình thức
quan hệ hàng hóa giữa thành thị và nông thôn; “Ăn ở thuận hòa” với tất cả các
loại hình kinh tế, không có sự phân biệt đối xử giữa các loại hình kinh tế;
Thực hiện chế độ hạch toàn kinh tế thay cho chế hộ hành chính, bao cấp kinh tế;
Thay thế chế độ trưng mua lương thực bằng thuế lương thực.
Chính sách kinh tế mới do
V.I.Lênin đề xướng và tổ chức thực hiện từ năm 1918 đến năm 1920, khi nước Nga
bắt đầu nội chiến và sự can thiệp bằng quân sự của nước ngoài vào Nga. Thay
bằng chính sách kinh tế mới là chính sách “chủ nghĩa cộng sản thời chiến”. Năm
1921, Đại hội X của Đảng Cộng sản (B) Nga, tiền thân của Đảng Cộng sản Liên Xô,
thông qua nghị quyết khôi phục chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin.
Một số người cho rằng, chủ
nghĩa Lênin mang “yếu tố Nga”. Xét dưới góc độ khoa học, chủ nghĩa Lênin không
chỉ mang yếu tố Nga, mà còn mang cả yếu tố quốc tế, vì trong học thuyết của ông
bàn nhiều đến vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa.
V.I.Lênin là người kiên
quyết bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác. Với V.I.Lênin, vấn đề đặt ra không
chỉ là “Vô sản thế giới đoàn kết lại”, mà còn là “Vô sản thế giới và các dân
tộc bị áp bức đoàn kết lại”.
Thuật ngữ “chủ nghĩa
Lênin” xuất hiện lần đầu trong tác phẩm của I.V,Xtalin: “Những nguyên lý của
chủ nghĩa Lênin”, xuất bản năm 1924. Thuật ngữ “chủ nghĩa Mác – Lênin” cũng
xuất hiện lần đầu trong tác phẩm này.
Mọi luận điệu xuyên tạc và
hạ thấp sự nghiệp cách mạng của V.I.Lênin nhất định bị nhân dân lao động toàn
thế giới lên án.
Lênin sống mãi trong sự
nghiệp của chúng ta!
------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996, tập 10, tr.
127.