Mới cập nhật

Vấn đề mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “TẬP TRUNG XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ ĐẠO ĐỨC”

            PGS,TS Đàm Đức Vượng

 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: Giang Huy

 

 

 

 

 

 

 

 

           

              Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: Giang Huy

      Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, có đoạn viết:

    “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng chống quan liêu, tham những, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đao đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”1.

       Đây là một trong những vấn đề rất mới thể hiện trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

      Xây dựng Đảng về đạo đức ở đây có nghĩa là xây dựng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên.

      Đạo đức nói chung là một trong những hình thái ý thức xã hội và thực tiễn xã hội, một chế định xã hội, thực hiện chức năng điều chỉnh hành vi của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội không trừ lĩnh vực nào. Trong đạo đức, việc đánh giá đã được mọi người thừa nhận, được củng cố bằng sức mạnh của tấm gương của quần chúng, của thói quen, phong tục, nhất là dư luận xã hội. Sức mạnh của đạo đức là cơ sở tư tưởng. Cá nhân đóng vai trò quan trọng trong đạo đức, không chỉ với tư cách là khách thể, mà còn với tư cách là chủ thể, có nghĩa là nhân cách đạo đức, bao gồm lương tâm, nghĩa vụ, phẩm cách, ý thức trách nhiệm, những khái niệm thiện và ác, công bằng và bất công. Đạo đức thừa nhận phải cư xử như thế nào trong mối quan hệ giữa người và người, giữa người với xã hội sao cho hợp tình, hợp lý và tránh va chạm. Trong đạo đức hình thành những quy tắc đặc biệt như đạo đức trong lao động, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức sinh hoạt, đao đức trong đảng, trong xã hội, đạo đức gia đình,… Đạo đức là một hiện tượng lịch sử.

      Đạo đức cách mạng là toàn bộ những nguyên tắc sống của con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Nó tiếp thu đạo đức truyền thống và nêu ra những vấn đề mới cần phải giải quyết trong xã hội mới. Những nguyên tắc của đạo đức cách mạng thể hiện sự trung thành với sự nghiệp cách mạng, bằng lao động, góp phần làm tăng thêm của vải, vật của xã hội, làm phong phú tinh thần xã hội. Đạo đức cách mạng là nhân tố có hiệu lực để cải tạo xã hội, ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình phát triển của xã hội.

      Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội làm cho giá trị của yếu tố đạo đức trong đời sống của xã hội tăng lên rất nhiều, thúc đẩy xã hội phát triển nhanh.

      Hiện nay, các  quy phạm đạo đức cách mạng va chạm với những quy phạm đạo đức không cách mạng, bởi những quy phạm cũ đã lỗi thời, trong khi những quy phạm mới lại chưa được thiết lập, nên sự va chạm là không tránh khỏi. Trong cuộc đấu tranh và xây dựng xã hội mới, đạo đức cách mạng được hình thành với tư cách là đạo đức tương lai của loài người.

      Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, nêu những nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng và Người yêu cần mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thực hiện cho tốt.

      Muốn tập trung xây dựng Đảng về đạo đức như trong văn kiện Đại hội XIII đã nêu, trước hết, mỗi tập thể, mỗi cá nhân phải định hình được chính tập thể và chính cá nhân của mình.

      Đối với tập thể (chi bộ, đảng bộ, tổ chức đảng)  là tổ chức cơ sở của Đảng, là bền tảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở. Vì vậy, trước hết phải biết đoàn kết trên tinh thần gắn bó cùng nhau hoàn thành công việc chung; xây dựng một tập thể, một tụ điểm gắn bó chặt chẽ, tạo sức mạnh cho tổ chức hoạt động.

      Trong sinh hoạt và trong công việc hằng ngày, quan hệ giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo trong một tổ chức cơ sở đảng, không những mang nội dung tổ chức hành chính, mà còn mang nội dung đạo đức.

      Tập thể phải biết kích thích lao động bằng đạo đức trong xã hội. Hơn nữa, bản thân việc phân phối xã hội chủ nghĩa theo chuẩn mực lao động, có một ý nghĩa đạo đức to lớn. Việc vi phạm nguyên tắc này trong thực tế, lập tức ảnh hưởng đến bầu không khí tâm lý – đạo đức của tập thể lao động, đến toàn bộ hệ thống các quan hệ đạo đức trong tập thể, đến việc đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

      Muốn có đoàn kết tốt trong một tổ chức lành mạnh, bản thân tập thể đó phải nghĩ đến việc phân phối công việc, phân phối lợi ích trong tập thể phải thật sự công bằng, điều đó có một ý nghĩa đạo đức to lớn. Đoàn kết ở đây là đoàn kết có phê bình, có đấu tranh, chứ không phải là đoàn kết một chiều, “thuận buồm xuôi gió”. Phê phán nhau để lọc ra cái tốt, loại trừ cái xấu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ là phẩm chất không thể thiếu của người cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng Đảng về đạo đức. Sự đấu đá, phê phán lung tung không phải là thuộc tính của người cán bộ, đảng viên. Ra sức khắc phục tình trạng phê bình người khác thì “đao to búa lớn”, trong khi lại không muốn người khác phê bình mình. Tập thể mạnh là tập thể biết cách phê bình, tập thể kém là tập thể giấu giếm sự phê bình.

      Muốn có đoàn kết tốt, tập thể phải biết xử lý một cách hài hòa về mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân. Sự thiên vị của tập thể đối với cá nhân dẫn đến sự chia rẽ về tổ chức.    

      Đối với cá nhân người cán bộ, đảng viên, muốn xây dựng Đảng về đạo đức tốt, trước hết, người đó phải nêu cao tinh thần gương mẫu tuyệt đối. Trong lý thuyết cũng như trong thực tiễn (thực tế) không có khái niệm gương mẫu tương đối, mà chỉ có khái niệm gương mẫu tuyệt đối. Người gương mẫu tuyệt đối là người nêu tấm gương rất sáng để mọi người noi theo, từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ hành động, việc làm, cách đối xử phải thể hiện được sự gương mẫu tuyệt đối. Tấm gương của bản thân người cán bộ, đảng viên phải trở thành mẫu mực để mọi người khuôn theo.

      Xây dựng Đảng về đạo đức của người cán bộ, đảng viên phải thể hiện:

      “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

      Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.

      Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”2.

      Muốn xây dựng Đảng về đạo đức tốt, người cán bộ, đảng viên phải biết tự phê bình. Để cho tấm lòng mình được thanh thản, thì phải đề cao tinh thần tự phê bình. Tập thể phê bình, cá nhân tự phê bình, giao điểm gặp nhau sẽ làm cho Đảng được trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí minh tiến bộ”3.

      Muốn xây dựng Đảng về đạo đức tốt, người cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, học tập, tự cải tạo mình từ xấu thành tốt, từ tiêu cực trở thành tích cực. Vừa lao động, vừa học tập là phương pháp tốt nhất để nâng ta lên thành người có ích cho xã hội.

      Muốn xây dựng Đảng về đạo đức tốt, người cán bộ, đảng viên không được mắc vào tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, phải chống tham nhũng, đấu tranh chống những hành vi tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn và đẩy lùi những hành vi tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

      Muốn xây dựng Đảng về đạo đức tốt, người cán bộ, đảng viên phải khắc phục chủ nghĩa cá nhân ở bản thân mình; đồng thời phải ra sức chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

      “Nhưng hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng . Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”4.

      Muốn xây dựng Đảng về đạo đức tốt, người cán bộ, đảng viên phải biết hòa mình vào cùng với nhân dân, với tập thể thành một khối thống nhất; đặt niềm tin vào nhân dân, hiểu nhân dân, lắng nghe có phân tích ý kiến của nhân dân, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân, động viên và cùng với nhân dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ở đây, vai trò của công tác dân vận là rất quan trọng. Đứng trước nhân dân, người cán bộ, đảng viên không được phạm sai lầm. Nếu phạm sai lầm thì phải kịp thời sửa chữa. Sai lầm lớn thì phải xin lỗi dân.

      Chủ tịch Hồ Chí Minh nói có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng.

      “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa5. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng”6.

      Một đảng mà có đạo đức cách mạng, một dân tộc mà có đạo đức cách mạng, thì nhân dân của đất nước đó được hạnh phúc.

------

1.Báo Nhân Dân, số 23839, ngày 27-1-2021.

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 15 tập, tập 11, tr. 603.

3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 15 tập, tập 11, tr. 603.

4. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 15 tập, tập 11, tr. 609.

5. “Hủ hóa” ở đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nói đến sự đồi bại.

6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 15 tập, tập 11, tr. 603..