Mới cập nhật

MỘT CUỐN SÁCH QUÝ CỦA VIỆN KHOA HỌC NGHIÊN CỨU NHÂN TÀI NHÂN LỰC (ISSTH) VỪA ĐƯỢC XUẤT BẢN


ISSTH - Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông vừa xuất bản cuốn sách quý: “Xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2021-2030” do Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực (ISSTH) tổ chức biên soạn và được các nhà khoa học của Hội đồng Khoa học Viện thể hiện: GS,TS, Thiếu tướng, Viện trưởng Nguyễn Đình Được; GS,TS Hoàng Chí Bảo (2 bài), GS,TS Mạch Quang Thắng (2 bài); PGS,TS Đàm Đức Vượng (2 bài); PGS,TS, Đại tá Đàm Trọng Thắng; PGS,TS Phạm Quốc Sử - ThS Phạm Thị Thanh; Thượng tọa Thích Chân Quang, trình bày những vấn đề xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2021 – 2030, tạo nguồn nhân tài nhân lực cho đất nước; xây dựng nhân tài văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay; đào tạo con người Việt Nam tài năng trong thời kỳ mới; xây dựng đội ngũ trí thức tài năng trong ngành kỹ thuật quân sự hiện đại; xây dựng mô hình sinh viên gương mẫu trong thời kỳ mới; xác lập mối quan hệ biện chứng giữa tài và đức; triết lý về xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam đức – tài thời kỳ mới; xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2021-2030; nhân tài Phật giáo Việt Nam và sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Ảnh bìa sách

Trong những năm qua, Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng, vì vấn đề này có liên quan đến nhân tài nhân lực. Viện cũng đã nghiên cứu nguồn gốc nhân chủng của loài người; con người trong xã hội thị tộc; con người trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp; con người và sự phân công lao động xã hội; sự tác động của nhà nước đối với con người; các quan hệ về mặt xã hội đối với con người; bản chất của con người; bản tính của con người; con người và môi trường thiên nhiên; bàn về pháp dùng người; số phận con người; mối quan hệ giữa con người và văn hóa; phương pháp nhìn nhận và đánh giá con người; con người và các cuộc cách mạng đại công nghiệp; con người và sự hình thành phương thức sản xuất công xã nguyên thủy; con người và sự hình thành phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ; con người và sự hình thành phương thức sản xuất phong kiến; con người và sự hình thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; con người và sự hình thành phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Cuốn sách “Xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2021 – 2030” phân tích, luận giải, nhiều vấn đề đã được làm sáng rõ, góp phần vào việc xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2021-2030 trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Con người là một đề tài cũ, nhưng luôn luôn có cái mới do cuộc sống hằng ngày tạo nên. Chúng ta đang nghiên cứu những vấn đề mới của một đề tài cũ, đó là con người hiện thực trong cuộc sống hằng ngày hiện nay. Đây là vấn đề “muôn thuở”, những cũng là “một thuở”. Vì vậy, việc đóng góp xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa hiện thực.

Cuốn sách này mang tính khoa học dự báo, góp phần xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2021- 2030.

Việc xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2021 – 2030 để tạo nguồn nhân tài nhân lực chất lượng cao cho đất nước, cần tập trung vào thực hiện những việc thiết thực:

Một là: Phải đặt vấn đề phát triển toàn diện con người hoạt động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội: công nghiệp; nông nghiệp; doanh nghiệp; văn hóa; xã hội; các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp; lĩnh vực báo chí – xuất bản; lĩnh vực kinh tế; lĩnh vực công nghệ thông tin; lĩnh vực y tế, lĩnh vực giao thông; lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực ngoại giao; lĩnh vực quốc phòng – an ninh; xây dựng con người mới Việt Nam làm việc ở nước ngoài… Cũng nên đặt vấn đề xây dựng và phát triển con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa đối với những người hoạt động riêng lẻ (thường gọi là tư nhân), vì họ không có điều kiện hoạt động tập trung.

Hai là: Cần nâng cao hơn nữa trình độ nhận thức đúng đắn về con người và giá trị của con người, xem con người là một sinh vật có tính xã hội. Chủ nghĩa duy vật biện chứng xét con người như là một chủ thể, kẻ sáng tạo toàn bộ nền văn hóa vật chất và tinh thần, đồng thời, nó cũng ảnh hưởng quyết định bởi giá trị văn hóa vật chất và tinh thần. Khả năng đối xử có tính người giữa con người với con người, giữa con người với thế giới khách quan, khả năng lao động, giao tiếp với những con người chung quanh, khả năng tư duy, có những tình cảm đạo đức và những xúc cảm thẩm mỹ, tất cả những cái đó nảy sinh trong quá trình lịch sử xã hội của con người, tiêu biểu cho thực chất và bản chất của con người. Những nét ấy được hình thành nhờ chỗ con người tham gia vào hệ thống các quan hệ xã hội và trong quá trình lao động của con người. Chính trong quá trình này, con người đã tự sáng tạo ra bản thân mình một cách lịch sử và không ngừng tái hiện bản thân mình, tự giáo dục bản thân với tư cách là con người. Xét về mặt xã hội, con người là kẻ sáng tạo ra lịch sử, kẻ sáng tạo ra thế giới văn hóa, vật chất, tinh thần và theo nghĩa này, đồng thời cũng sáng tạo ra bản thân mình. Chính vì vậy, con người hoàn toàn mang tính xã hội và chịu sự ràng buộc, chi phối của xã hội và của người khác, nhất là của người lãnh đạo. Chẳng ai thoát được những yếu tố này đâu, nên trong công việc, con người phải biết tự kìm chế.

Ba là: Sự quan tâm của xã hội, của con người đối với con người là vô cùng quan trọng. Sự quan tâm ấy trước hết thể hiện ở đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành một nước công nghiệp, đời sống nhân dân được nâng cao. Đường lối, chính sách đúng đắn sẽ phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, cũng cần xây dựng tiêu chí về phát triển con người, phát triển về nhân tài nhân lực, coi đó là điểm nhấn của sự phát triển. Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển con người thể hiện trong các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, sức khỏe của con người... Đảng và Nhà nước xác định đầu tư cho con người là đầu tư cho mọi sự phát triển, nên cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đảng và Nhà nước phải có chính sách cầu hiền bằng cách tạo môi trường thuận lợi để làm việc, giao cho họ những công việc thật sự có giá trị đích thực, động viên họ để họ phát huy hết khả năng, dốc lòng vào công việc được giao. Cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài; đối xử một cách trung thực và thân thiện đối với người tài.

Bốn là: Phải biết phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực và nguồn nhân lực chủ yếu, đồng thời là mục tiêu của sự phát triển. Cần mở rộng hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa đối với con người, làm cho con người được sống trong bầu không khí thoải mái trong quá trình tiếp cận công việc, xem đó là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển; xác định rõ quyền con người gắn chặt với quyền công dân, quyền được bảo đảm an sinh xã hội; xây dựng con người để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có cốt cách, nhân cách, lối sống cao đẹp, nhận rõ cái “chân, thiện, mỹ” trong cuộc sống của mỗi con người.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam gắn chặt với việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phát huy nhân tố con người gắn liền với phát huy quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013. Ở đây, cần phải xác định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Mọi người phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lợi ích của người khác. Mọi công dân Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Năm là: Muốn xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa một cách đúng đắn, chính xác để đề bạt, bổ nhiệm cho đúng, thì phải tính đến yếu tố người dùng người, đó là khâu của những người làm công tác nhân sự. Trong thực tế công tác, có những người không có tài, nhưng được người tài sử dụng một cách đúng đắn, cũng sẽ trở thành người tài. Vì vậy, có thể nói, những người lãnh đạo và những người làm nhân sự quan trọng đến nhường nào.

Người lãnh đạo và người làm công tác nhân sự phải rộng lượng với con người, với nhân tài. Có một số người, bên cạnh cái tài là cái tật. Nếu người lãnh đạo và người làm nhân sự bỏ người có tật, mặc dù người đó rất có tài, thật là uổng phí. Có tài có tật mà không ảnh hưởng đến đại cục mà chỉ là tật thuộc về tác phong, sinh hoạt thì vẫn có thể bỏ qua được cái tật đó và khai thác điểm tốt trong con người đó để dùng.

Sáu là: Muốn tạo dựng được những con người tốt, một điều quan trọng là khâu đánh giá con người phải hết sức tỉnh táo và công tâm. Đánh giá con người vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Khoa học thể hiện ở chỗ đánh giá chính xác; nghệ thuật thể hiện là khi đánh giá phải có con mắt “nhà nghề”. Đánh giá không chỉ dựa vào lý lịch, vào tác phong, cách đối xử, mà phải nhìn thẳng vào con người đó, phải nhận định đúng sở trường, sở đoản của người đó mà đánh giá, nhận xét cho chính xác. Nhận xét con người có nghĩa là phản biện đối với con người, phản biện sao cho đúng đắn, chỉ đúng thực chất của người đó là điều khó khăn nếu không biết rõ quá khứ, hiện tại, tương lai, mặt trước, mặt sau của người đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trong thế giới cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng của người cũng biến hóa. Vì vậy, cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa. Thí dụ, có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay lại tham gia cách mạng. Thậm chí có người nay đang theo cách mạng, nhưng sau này có thể phản cách mạng. Một người cán bộ khi trước có sai lầm, không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”. Người yêu cầu khi xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ, không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ. Có người lúc phong trào cách mạng lên cao, họ vào Đảng, làm việc rất hăng, nhưng lúc phong trào khó khăn thì đâm ra hoang mang. Lúc gặp sự nguy hiểm, trở thành phản cách mạng, làm mật thám cho địch. Muốn làm mật thám được việc, thì người đó công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta không xem xét rõ ràng, thì lầm người đó là cán bộ tốt. Vì vậy, nhận xét cán bộ không chỉ nên xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ.

Khi đánh giá con người để quan hệ và sử dụng, thông thường, người ta dựa vào tiêu chuẩn “5 S”: sức khỏe; sức học tập, nghiên cứu; sức chịu đựng; sức làm việc; sức tư duy. Người đó phải là người “3 giỏi”: trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi; tin học giỏi; ngoại ngữ giỏi.

Đánh giá đúng con người phải nhìn người đó bằng năng lực thực sự, người đó làm việc bằng đầu óc sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có khả năng tham gia đóng góp vào việc xây dựng các nghị quyết của Đảng và các chính sách của Nhà nước; làm việc thực sự có hiệu quả. Đánh giá sao cho không để lọt vào tổ chức những người không vững vàng về bản lĩnh chính trị, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, nhất là những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, địa phương, phe cánh, lợi ích nhóm tiêu cực, thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình, để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng; không chịu nghiên cứu, học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói kém, viết kém, nói nhiều, làm ít, lời nói không đi đôi với việc làm; ý thức tổ chức, kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; uy tín cá nhân thấp; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc, bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính cho cá nhân và gia đình; vi phạm quy định về lịch sử chính trị, khai man lý lịch.

Bảy là: Phải xây dựng một quy trình phát hiện nhân tài của thời kỳ mới. Quy trình ấy trước hết phải xác định tiêu chuẩn của một nhân tài, đó là tài và đức, đức và tài, tạo thành phẩm chất của con người. Quy trình ấy phải xác định rõ, nên căn cứ vào việc mà đặt người, chứ không thể căn cứ vào người mà đặt việc. Lối làm việc theo kiểu vì người mà đặt việc là lối làm việc nể nang, dựa dẫm, theo cảm tính. Quy trình ấy phải xác định cho rõ vấn đề vùng, miền mà bố trí người vào các cương vị công tác khác nhau, nhưng không vì vùng, miền mà ảnh hưởng đến tiêu chuẩn của một cán bộ cấp chiến lược. Quy trình ấy phải chỉ rõ là việc lựa chọn người để bầu, ít nhất phải có hai người trở nên để chọn lấy một, chứ không thể chỉ giới thiệu có một người để rồi bầu cũng một người. Giới thiệu một người, bầu một người, thực chất không phải là bầu cử, mà là tiến cử.

Tám là: Vấn đề tìm kiếm nhân tài phải được đặt ra trong quá trình xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2021-2030. Nhân tài trong nước hiện có rất nhiều, nhưng ta chưa khai thác hoặc chưa biết cách khai thác, nên những nhân tài đó còn chìm trong sương mờ ảo ảo. Nhân tài đó chưa trở thành nguồn lực, nguồn nhân lực sung mãn cho đất nước. Đây là chỗ chúng ta chưa biết cách phát huy nguồn lực nhân tài cho đất nước. Sự kèn cựa, địa vị, tranh giành ngôi thứ, hãm người tài, không cho người tài tiến thân trong các cơ quan, đơn vị công quyền cũng đang là rào cản làm thui chột tài năng của đất nước hiện nay. Đã đến lúc chúng ta cần phát động phong trào thì đua tìm kiếm nhân tài cho đất nước, xem đó như một phong trào thi đua yêu nước của giai đoạn 2021-2030 và của thời kỳ mới; kêu gọi các tầng lớp nhân dân hãy hưởng ứng phong trào này.

Chín là: Muốn quy tụ được nhiều con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2021-2030, phải lôi cuốn được nhiều người tham gia. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải quy tụ được nhiều người tài hoạt động trong tổ chức này.

Mười là: Bản thân mỗi con người phải tiếp tục phấn đấu vươn lên, ra sức học tập và rèn luyện, trở thành những người tài đức, hồng chuyên song toàn, tạo thành phẩm chất, lương tâm, danh dự của mỗi người. Việc học tập, nghiên cứu, rèn luyện suốt đời là vô cùng quan trọng, nó quy định bản chất, bản lĩnh của người đó trong xã hội. Kinh nghiệm cho thấy có nhiều nhà khoa học tài năng, họ vươn lên bằng nghị lực phấn đấu và trí tuệ phi thường của chính bản thân họ, nên họ đã gặt hái được những thành quả văn hóa và khoa học công nghệ.

Bản thân mỗi con người trong giai đoạn mới không chỉ biết tiếp thu trên cái nền văn hóa dân tộc và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, mà còn phải biết tiếp thu tinh hoa văn hóa và khoa học công nghệ của các nước. Muốn vậy, con người phải học để biết nhiều ngoại ngữ. Không biết nhiều ngoại ngữ thì không thể tiếp thu tinh hoa văn hóa và khoa học công nghệ của các nước.

Bản thân mỗi con người trong giai đoạn mới phải xây dựng nền tảng đạo đức và kỷ cương trong lối sống và công việc, tránh suy thoái về đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm đối với xã hội và đối với người khác; xây dựng và phát huy giá trị con người đạt tới chuẩn mực đạo đức chân chính, bảo đảm cho con người có lối sống lành mạnh, có tài năng và đạo đức, tư cách. Bản thân mỗi con người phải có hoài bão, biết dấn thân và tự lập thân, dốc lòng vì đại nghĩa. Việc này rất khó, nhưng nếu quyết tâm thì vẫn làm được.

Những vấn đề mà các nhà khoa học đặt ra mới chỉ là bước đầu. Giai đoạn 2021- 2030, trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ có những vấn đề mới nảy sinh, cần phải tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2021 – 2030” của Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực.

Quỳnh Nga