Mới cập nhật

NGÀY XUÂN BÀN THÊM VỀ QUY LUẬT CỦA LÝ SỐ

GS,TS Đàm Đức Vượng


Trước đây, tôi cũng đã viết một số bài về quy luật của lý số. Trong tác phẩm “Khoa học về lý số” (Dự đoán khoa học về con người và cuộc đời), Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2015, tôi cũng đã dành hẳn một phần quan trọng nói về quy luật của lý số.

Trong bài viết mới này, tôi bổ sung thêm một số vấn đề về quy luật của lý số.

Trước hết, hãy nói về quy luật nói chung: Quy luật là mối liên hệ bên trong, cơ bản của các hiện tượng, chi phối sự phát triển tất yếu của những hiện tượng ấy. Nó lặp đi lặp lại nhiều lần của một sự kiện, một cuộc đời, hoặc nhiều sự kiện trong hoạt động xã hội.



Lý số có quy luật không?

Một câu hỏi đặt ra là lý số có quy luật không? Tôi nghĩ là có.

Nói đến quy luật của lý số cũng là nói đến mối liên hệ cơ bản, bên trong của con người xảy ra với các hiện tượng, sự kiện, chi phối sự phát triển tất yếu của những hiện tượng, sự kiện ấy. Nó biểu hiện một trình tự nhất định của mối liên hệ nhân quả, tất yếu giữa các hiện tượng, sự kiện sắp xảy ra, sẽ xảy ra, hoặc các đặc tính của các hiện tượng, sự kiện sắp xảy ra, sẽ xảy ra đối với mỗi con người và mỗi nhóm người, nó được lặp đi lặp lại, trong đó, sự biến đổi những hiện tượng, sự kiện này gây nên sự biến đổi của những hiện tượng, sự kiện khác một cách có thể xác định được từ trước. Thí dụ, có vài trăm người mua vé cùng đi trên một chuyến máy bay của hãng hàng không dân dụng nào đó, người ta có thể đoán định được cần phải cảnh giác khi máy bay đang đi trên vùng trời của một quốc gia đang có chiến tranh, hoặc bay trên vùng trời đang có bão lớn, hoặc có một linh tính báo trước một điều gì đó sẽ xảy tra để cân nhắc, xử lý, như có thể đi, có thể hoãn lại. Một đoàn tàu hỏa và những chiếc ô tô hằng ngày phải đi qua khu vực nào đó thường xảy ra tai nạn, mà người ta thường gọi là “cái dớp” để đề phòng, như có thể cho xe, tàu chạy chậm lại, hoặc quan sát trước, sau, hai bên thật kỹ trong khi di chuyển. Người đi bộ, xe đạp, xe máy, lái ô tô cần phải nắm chắc những giờ mà tàu hỏa thường chạy qua đường vượt để tránh tai nạn,… Tính toán trong những trường hợp này là rất cần thiết. Tất nhiên, đúc kết những hiện tượng, sự kiện đã qua để đoán định những cái sắp xảy ra là rất khó, vì đã có hàng triệu, hàng triệu hiện tượng đã xảy ra đối với con người từ trước tới nay, nay đem đúc kết lại để đoán định cho số mệnh, số phận tương lai của mỗi người, thật không phải chuyện giản đơn chút nào.

Khái niệm “quy luật” gần gũi với khái niệm “bản chất”, đó là toàn bộ những mối liên hệ sâu sắc của việc đoán định các quá trình xác định những đặc điểm của những hiện tượng, sự kiện sắp xảy ra, sẽ xảy ra. Việc nhận thức quy luật để đoán định những hiện tượng, sự kiện sắp xảy ra, sẽ xảy ra để phòng ngừa là điều mà các nhà lý số không thể xem thường. Nó phải đi từ hiện tượng đến bản chất của vấn đề sắp xảy ra, sẽ xảy ra. Qua nghiên cứu, người ta đúc kết lại có ba nhóm quy luật chủ yếu chi phối đến việc đoán định những hiện tượng, sự việc (sự kiện) sắp xảy ra, sẽ xảy ra: (1) Những quy luật đặc thù hoặc riêng cho một hiện tượng, sự việc sắp xảy ra, sẽ xảy ra. (2) Những quy luật chung cho một số lớn các hiện tượng, sự việc sắp xảy ra, sẽ xảy ra. (3) Những quy luật phổ biến của các hiện tượng, sự việc sắp xảy ra, sẽ xảy ra. Nhóm thứ nhất biểu hiện những quan hệ qua lại giữa các hiện tượng, sự việc đặc thù cụ thể, hoặc giữa những đặc tính riêng biệt của vật chất và hoàn cảnh sẽ xảy ra cho mỗi người hoặc một nhóm người. Nhóm thứ hai được thể hiện trong một phạm vi những điều kiện rất rộng và là đặc trưng cho những mối quan hệ giữa các đặc tính chung của tập hợp lớn các hiện tượng, sự việc sẽ xảy ra cho một khu vực rộng lớn như động đất, sóng thần, bão lớn. Nhóm thứ ba là những quy luật có tính lặp đi lặp lại về sự vận động của các quốc gia, dân tộc, thể hiện ở những thiên tai, biến cố của xã hội.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa những quy luật ấy là có điều kiện, không phải bất biến.

Trong xã hội, việc thực hiện quy luật đòi hỏi phải có hoạt động của con người, có khả năng sẽ tạo ra hoặc thủ tiêu một cách tự giác hoặc không tự giác những điều kiện tác dụng của quy luật. Thực ra, bản thân con người không sáng tạo ra quy luật, mà chỉ có thể hạn chế hoặc chặn đứng, đừng để cho nó xảy ra, vì lợi ích của cộng đồng trong dân tộc của mình, trong đó, có lợi ích của chính bản thân mình.

Khác với quy luật tự nhiên, quy luật xã hội không tồn tại lâu dài. Bất cứ một phương thức nào cũng có quy luật đặc biệt của nó. Chừng nào còn phương thức sản xuất đó, thì quy luật đó vẫn còn tác động. Khi phương thức sản xuất đó bị phá hủy, và một quan hệ sản xuất mới nảy ra, thì quy luật cũ mất hiệu lực và rút lui khỏi “vũ đài quy luật” để nhường chỗ cho quy luật mới nảy sinh. Khi quy luật mới nảy sinh, thì ngay lập tức tác động vào xã hội và cuộc sống con người, vào số mệnh, số phận của con người, hoặc xấu, hoặc tốt, nó sẽ ăn theo. Thí dụ, khi con người sống trong một phương thức sản xuất cũ, cuộc sống vô cùng điêu đứng, bỗng dưng có một cuộc cách mạng ra đời, làm sụp đổ phương thức sản xuất cũ, thay vào đó là phương thức sản xuất mới, sẽ tạo ra cho chính con người đó một cuộc sống khác hẳn, dễ chịu hơn nhiều so với cuộc sống cũ, và do vậy, số mệnh, số phận của người đó cũng thay đổi theo. Nhưng con người cũng phải dè chừng với phương thức sản xuất mới, có thể lúc đầu tốt, nhưng sau đó, nó trở nên xấu dần, và do đó, con người cũng bị tác động theo.

Quy luật của lý số là sự lặp đi, lặp lại của mỗi con người, hoặc những biến cố của một xã hội, một quốc gia, sẽ xảy ra, như chiến tranh chẳng hạn, để có biện pháp phòng ngừa. Quy luật ấy, người ta có thể phát hiện, dự đoán, nghiên cứu nó, chú ý đến những hoạt động của nó sẽ xảy ra trước mắt, tháng sau, năm sau, hoặc bất cứ lúc nào. Hoàn cảnh, môi trường chính trị – xã hội tác động mạnh đến quy luật, có khi chi phối quy luật. Ý muốn của mọi người không đủ để thành lập một chế độ xã hội này hay một chế độ xã hội khác. Muốn thành lập một chế độ xã hội, phải có những điều kiện khách quan nhất định và trước hết là những điều kiện sinh hoạt vật chất, một sự phát triển tới một mức nào đó của lực lượng sản xuất. Nắm vững quy luật để hạn chế nó khi xảy ra hoặc ngăn chặn không để nó xảy ra là vấn đề mà nhà lý số cần nghiên cứu đến nơi đến chốn.

Trong xã hội thường có quy luật kinh tế cơ bản là quy luật quyết định bản chất của một phương thức sản xuất nhất định; lại có quy luật kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại và quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Mỗi quy luật đó đều chi phối cuộc sống xã hội và chi tiết hơn là chi phối cuộc sống của mỗi con người.

“Truyện cổ Phật giáo” (Tập 1) kể lại rằng, xưa có một vị tỳ kheo tên là Konddahana, hễ cứ thấy đi đâu, thì sau lưng thầy cũng có một người phụ nữ đi theo sau, ai ai cũng nhìn thấy, riêng thầy không biết gì cả. Khi đi khất thực (xin ăn), người ta để vào bát thầy hai phần cơm. Phần thứ nhất họ nói: Phần này là của thầy và phần kia là phần của bạn thầy. Các vị kỳ kheo thì cho rằng, thầy phạm giới luật của Phật giáo, vì mang con gái đi theo, là đồ phá giới, đạo đức giả, mới đi tâu với trưởng giả Cấp Cô Độc và yêu cầu ông đuổi thầy Konddahana ra khỏi chùa. Thầy trưởng giả Cấp Cô Độc không dám. Nhiều người khác có thế lực cũng không dám đuổi Konddahana ra khỏi chùa. Cuối cùng, phải xin ý kiến Đức Vua Ba Ti Nặc. Đức Vua cho gọi Konddahana vào chầu để xem hư thực ra sao? Quả nhiên, Đức Vua thấy có một người con gái xinh đẹp đi theo sau Konddahana. Vua hỏi:

- Vì sao mà ngươi đi đâu cũng có một người con gái đi theo?

- Konddahana tâu:

- Thưa Bệ Hạ, làm gì có. Bần đạo chẳng thấy một người phụ nữ nào cả.

Cuối cùng, phải nhờ đến sự giải thích của Đức Phật. Đức Phật phán rằng, trong thời kỳ Đức Phật Ca Diếp, có hai vị tỳ kheo thương nhau chẳng khác nào anh em ruột. Nhưng lại bị Chư Thiên làm chia rẽ hai người, bằng việc hóa thân một người phụ nữ đi theo Konddahana. Người tỳ kheo kia thấy vậy, cho rằng, Konddahana là kẻ phá giới, liền bỏ Konddahana. Việc làm của Chư Thiên đã bị tố giác và phải chịu một hình phạt bị đày vào địa ngục A Tỳ, chịu quả báo. Còn Konddahana thì được giải oan.

Qua câu chuyện này, thể hiện sự báo ân, báo oán. Âu cũng là một quy luật nhân quả của cuộc sống, của lý số.

Vận dụng những quy luật của lý số vào trong cuộc sống hằng ngày để có thể phần nào tránh được những rủi ro bất ngờ ập đến:

Trong cuộc sống hiện nay có nhiều điều bất ngờ xảy ra và người ta không thể lường trước được. Chọn “ngày lành tháng tốt” để đi nhiều khi cũng không giải quyết được vấn đề rủi ro bất ngờ ập đến. Có những người chọn vào ngày chẵn, ngày “thanh long”, “hoàng đạo”, gọi là ngày đại cát để cưới xin, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cuộc ly hôn lại xảy ra… Lại có những người bắt buộc phải đi, vì theo giấy triệu tập, không đi không được, nhưng lại phải đi trùng vào ngày “tam nương”, “sát chủ”, tưởng rằng, sẽ gặp rủi ro, nhưng chuyến đi ấy lại “thuận buồm xuôi gió”… Anh phải nên biết rằng, đàn ông thuộc số lẻ (dương), đàn bà thuộc số chẵn (âm). Anh là đàn ông mà cứ đi vào ngày số chẵn (âm) chưa chắc đã là “thuận buồm xuôi gió”. Tuy nhiên, con số và con người + thời gian là muôn hình vạn trạng. Anh chỉ có khả năng hạn chế được nó, chứ anh không thể làm chủ được nó. Vậy phải làm thế nào để có thể phần nào tránh được những rủi ro, bất ngờ sẽ ập đến đối với mỗi con người?

(1) Trước hết, phải nhận thức rằng, vấn đề may rủi tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi con người, không ai giống ai. Hôm nay, anh ra đường bị tai nạn giao thông (rủi), nhưng người khác lại nhận được giấy báo lĩnh tiền của bưu điện (may). Nhận thức này sẽ dẫn đến cái mà người ta gọi là “quy luật riêng biệt của từng người”. Có những người cả đời gặp may, (rất hiếm), có những người cả đời gặp rủi (rất nhiều). Có những người cả đời chơi xổ số, nhưng chẳng trúng đồng nào. Có người lần đầu mua vé sổ xố, nhưng trúng ngay bạc tỷ. Đây là chuyện may rủi ở đời. Vấn đề là phải biết tránh khi thấy nếu cứ đeo bám mãi mà không có kết quả.

(2) Để phần nào tránh được rủi ro, con người phải tự biết mình để rồi tự giữ mình; như đi đứng phải ngay ngắn, tề chỉnh, chấp hành luật lệ giao thông; đèn đỏ phải dừng lại, đèn xanh mới đi; không xông vào những chỗ đang tranh chấp lôi thôi; không đi dưới giàn giáo; không đi trong giông bão, không đứng dưới gốc cây, cột điện dưới trời mưa sấm sét đùng đùng; tránh những nơi đông người… Để không bị có những đứa con thần kinh, khi quan hệ, giao hợp vợ chồng với mục đích sinh con, thì cần phải tránh những đêm mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, bầu trời ảm đạm,…

(3) Phải có tư duy phán đoán tốt. Thí dụ, hằng ngày, anh nhận được rất nhiều thư điện tử (e.mail) từ các nơi gửi đến. Có nhiều thư điện tử viết sẽ giúp anh tiền để thực hiện công trình mà suốt đời anh mong muốn. Trường hợp này, anh phải có sự phán đoán lời lẽ trong thư, rồi phán đoán xem người gửi là ai, … rồi kết luận đây có phải là lừa đảo hay không? Có người ước tính thư lừa đảo trên mạng hiện nay chiếm tới 90%.

Phán đoán là một trong những hình thức cơ bản của tư duy, là hoạt động nhận thức, dựa vào khẳng định hay phủ định mà vạch ra một sự vật hay một hiện tượng có hay không có. Bất cứ phán đoán nào cũng đều hoặc đúng hoặc sai. Phán đoán đúng phản ánh hiện thực khách quan; phán đoán sai không phù hợp với hiện thực khách quan. Phán đoán có thể là phán đoán khẳng định hay phán đoán phủ định. Phán đoán thường không chốt lại một cách cứng nhắc như a là a, mà luôn luôn mở rộng tri thức trong khi phán đoán. Nó có thể là thế này, nhưng cũng có thể là thế khác. Phán đoán thường kế tiếp nhau theo một trật tự từ thấp lên cao, bắt đầu từ những phán đoán đơn nhất, rồi đến phán đoán đặc thù, như phán đoán nhờ có ma xát mà biến thành nhiệt. Loại phán đoán ở trình độ cao là phán đoán phổ biến. Thí dụ, ở vùng có gió bão, tất dẫn đến sự sạt lở đất, cho nên khi đi đường, anh phải chú ý đề phòng; ở vùng có chiến sự, tất có đạn lạc, tên rơi, cho nên anh cần phải tránh, đừng xông vào những nơi đó; ở những cơ quan có nhiều tên cơ hội, chuyên hại người để leo lên ghế cao, thì tốt nhất là anh nên tránh xa những người đó ra, đừng có quan hệ để rồi bị ô nhiễm cái xấu vào trong con người anh; ở những nơi có nhiều tà khí, ô nhiễm môi trường, anh nên tránh xa nó ra, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe… Phán đoán đúng, anh sẽ tránh được rủi ro, phán đoán sai, anh sẽ gặp nhiều rủi ro.

Lý số, nếu nghiên cứu sâu sẽ tìm ra quy luật của nó. Cùng với phán đoán, quy luật sẽ ngăn chặn được phần nào sự rủi ro trong cuộc sống. Vấn đề còn tùy thuộc vào sự may, rủi. Con người có thể khắc phục được phần nào sự rủi ro nếu biết trước (phán đoán) để có sự kiềm chế và tránh xa…

Xuân Nhâm Dần - 2022