Mới cập nhật

(Kỷ niệm lần thứ 94 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – 3-2-1930 – 3-2-2024) - MƯỜI VẤN ĐỀ VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

GS,TS Đàm Đức Vượng


Sau những năm, tháng đi tìm đường cứu nước, ngày 11-11-1924, từ Liên Xô, nhà yêu nước và cách mạng Nguyễn Ái Quốc về đến Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, một trung tâm cách mạng của miền Nam Trung Quốc lúc bấy giờ.

Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam sang đây học, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức để thành lập một đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam.

Cũng tại Quảng Châu, vào năm 19251, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội) với hạt nhân là Cộng sản Đoàn. Cơ quan Tuyên truyền của Hội là báo Thanh niên cũng do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là một tổ chức yêu nước và cách mạng.

Tại Quảng Châu, đầu năm 1925, Nguyễn Ái Quốc chính thức bắt đầu mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam để chuẩn bị thành lập đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam. Lớp được mở tại số nhà 3/1, phố Văn Minh, Quảng Châu. Những học viên theo học lớp huấn luyện chính trị là những thanh niên Việt Nam yêu nước lúc ấy đang ở Quảng Châu và những thanh niên trong nước sang học. Họ là những học sinh, trí thức, công nhân, một số người là nông dân.


Cuốn sách “Đường Kách Mệnh” . (Ảnh tư liệu)

Để làm tài liệu giảng dạy tại các lớp huấn luyện chính trị tại Quảng Châu, vào năm 1925, Nguyễn Ái Quốc biên soạn tập Đề cương bài giảng. Đầu năm 1927, tập Đề cương bài giảng đã được Bộ Tuyên truyền của “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” xuất bản thành sách, nhan đề “Đường kách mệnh”. Đây là một tác phẩm lý luận tầm cỡ của Nguyễn Ái Quốc, là sự tiếp theo về lý luận tư tưởng của tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” cũng của Nguyễn Ái Quốc viết và xuất bản vào năm 1925.

Vào một ngày của tháng 7-1928, Nguyễn Ái Quốc đến Băng Cốc, thủ đô nước Xiêm (Thái Lan)2, điểm nối tiếp trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước của Người về Đông Dương.

Trong những hoạt động ở Xiêm, có lần Nguyễn Ái Quốc đi đò, vượt sông Mê Kông, sang tỉnh Khăm Muộn của Lào, cụ thể là đến bản Xiềng Vang, xã Xiềng Mương, huyện Noọngbốc3, nằm sát bờ sông Mê Kông, để gây cơ sở yêu nước và cách mạng trong Việt kiều ở Lào và những người yêu nước Lào. Người cho rằng, ở Lào có nhiều tỉnh sát biên giới với Việt Nam, nên cần phải xây dựng các cơ sở cách mạng ở Lào để Lào cùng với Việt Nam đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Ở Lào khoảng một tháng, Nguyễn Ái Quốc trở lại Xiêm. Ở Xiêm lần này đến tháng 11-1929, Người rời Xiêm đi Hồng Kông. Người đến Hồng Kông vào ngày 23-12-1929. Lý do Người phải rời Xiêm đến Hồng Kông là có một người Việt Nam từ Hồng Kông tới Xiêm, người đó báo cáo Nguyễn Ái Quốc về tình hình chính trị phức tạp, khi những người cộng sản Việt Nam lúc này không đoàn kết lại được, chia thành nhiều tổ chức cộng sản. Vì vậy, cần phải thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước lại, thành lập một đảng cách mạng chân chính thống nhất ở Việt Nam. Người có đủ tư cách và uy tín đứng ra thống nhất Đảng là Nguyễn Ái Quốc.

Đến Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc gặp một số nhà cách mạng Việt Nam, trong đó có Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu. Họ đã báo cáo với Nguyễn Ái Quốc về tình hình hoạt động cách mạng trong nước và đưa cho Nguyễn Ái Quốc xem những tài liệu của Quốc tế Cộng sản về việc cần thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương.

Tại Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc nhân danh phái viên Quốc tế Cộng sản triệu tập các tổ chức cộng sản ở trong nước sang họp.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại một địa điểm ở đảo Cửu Long thuộc quần đảo Hồng Kông (lúc ấy gọi là Hương Cảng), từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930. Từ đấy, ngày 3-2-1930 trở thành ngày sinh của Đảng.

Đây là Hội nghị hợp nhất giữa ba tổ chức cộng sản trong nước đã thành lập trước đó là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Hội nghị đặt dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản với sự hiện diện của Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Cảnh, thay mặt Đông Dương Cộng sản Đảng; Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu, thay mặt An Nam Cộng sản Đảng. Đại biểu hoạt động ở ngoài nước: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mới thành lập (ngày 1-1-1930), lại nhận được giấy mời chậm, nên không kịp cử đại biểu đi dự. Tuy nhiên, sau khi Đảng được thành lập, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã làm đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và đã được Đảng chấp nhận.

Hội nghị nhất trí đặt tên mới của Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam; thảo luận và thông qua các văn kiện, trong đó có “Chánh cương vắn tắt của Đảng”; “Sách lược vắn tắt của Đảng”; “Chương trình tóm tắt của Đảng”; “Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đến tháng 10-1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, Đảng đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương.

Các văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng nêu rõ đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là “cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng thổ địa để đi tới xã hội cộng sản”. Sau đó, phát triển thành cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội trong cả nước như ngày hôm nay.



Nghiên cứu, thấy rằng, qua 94 năm hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể rút ra 10 vấn đề:

Một là: Xác định cái gốc của vấn đề nền tảng tư tưởng (ý thức hệ) của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược gắn bó với nhau trong tiến trình cách mạng.

Hai là: Xác định cho rõ sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhân dân là người làm nên chiến thắng lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng thể hiện ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân.

Ba là: Ra sức củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Sức mạnh của Đảng chính là ở sự đoàn kết này.

Bốn là: Kết hợp một cách nhuần nhuyễn, uyển chuyển, khôn khéo giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế.

Năm là: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, phong cách, xem đó là các mặt hợp thành trong một thể thống nhất của một đường lối chiến lược của Đảng.

Sáu là: Khi nói đến xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, phong cách, phải đặc biệt chú ý xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu. Phải coi vấn đề cán bộ không chỉ riêng là của công tác tổ chức, mà cần có sự tác động của chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, phong cách hợp thành. Vấn đề cán bộ phải có sự soi xét của nhân dân.

Bảy là: Củng cố và phát huy cao độ hoạt động của hệ thống chính trị; phát huy có hiệu quả hoạt động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể trong hệ thống chính trị.

Tám là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng; chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong Đảng và nhân dân.

Chín là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới.

Mười là: Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tóm lại, cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”4.

Đảng vinh quang sống mãi trong lòng dân tộc!



------

1.Có tài liệu viết Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội) được thành lập vào ngày 14-6-1925.

2. Thái Lan từng được gọi là Xiêm (Siam). Đến ngày 23-6-1939, nước Xiêm đổi thành Thái Lan. Từ năm 1945 đến ngày 11-5-1949, Thái Lan lại được đổi lại thành nước Xiêm. Sau đó, lại đổi lại thành Thái Lan cho đến ngày nay…. Chữ “Thái” (ไทย) trong tiếng Thái Lan có nghĩa là “Tự do”.

3. Ngày 9-7-2009, nhân chuyến đi công tác tại Lào, Tác giả bài viết này đã đến tận bản Xiềng Vang, xã Xiềng Mương, huyện Noọngbốc, tỉnh Khăm Muộn, Lào, để khảo sát nơi mà Nguyễn Ái Quốc đã đến để gây dựng các cơ sở cách mạng. Đảng và Nhà nước Lào đã xây dựng Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi đây. Thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Lào vào khoảng tháng 9 đến tháng 10-1929.

4. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.3,4.