Mới cập nhật

Trao đổi về vấn đề bản chất của văn hóa

GS,TS Đàm Đức Vượng

Trên các trang mạng gần đây xuất hiện bài viết: “Cần hiểu đúng về bản chất của văn hóa” của một ông Giáo sư, Tiến sĩ, nhận định hoàn toàn không đúng về chủ nghĩa Mác – Lênin, về Đảng Cộng sản, về giai cấp công nhân và bản chất của văn hóa ở Việt Nam. Ông ấy viết: “Quay trở lại với vấn đề Đảng và văn hóa. Về hình thức, Đảng rất quan tâm đến vấn đề văn hóa, có nhiều phát biểu hay và đúng, nhưng lại mắc vào vòng kim cô của Mác – Lênin mà không thoát ra được những bẫy dối trá, tự giăng ra rồi tự đút vào. Đó là chiếc bẫy cho rằng, Mác – Lê là đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, rằng, Mác – Lê là văn hóa tiên tiến của thời đại. Thực ra, Mác – Lê chẳng có gì là văn hóa. Họ chủ trương làm cách mạng vô sản với động lực là sự thù hằn giai cấp, rồi thiết lập thể chế vô sản chuyên chính của giai cấp công nhân, vì cho rằng, công nhân đại diện cho nền sản xuất tiên tiến. Thù hận không tạo ra văn hóa. Chuyên chính không tạo ra văn hóa, và giai cấp công nhân không bao giờ đại diện cho nền sản xuất tiên tiến. Họ chỉ là người thực hiện công nghệ chứ không tạo ra công nghệ”. Ông ấy biện luận: “Chỉ xin dẫn ra một vài thí dụ về việc vận dụng Mác – Lê để xem văn hóa ở chỗ nào. Đó là cải cách ruộng đất, là hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, là đàn áp phong trào Nhân văn, là độc quyền Đảng trị, tạo điều kiện cho một chính quyền tham nhũng, là sự tuyên truyền dối trá về mọi mặt (hoặc như Cách mạng văn hóa của Tàu cộng)”. Ông ấy khẳng định: “Những người cho rằng, có thể dựa vào Mác – Lê để phát triển bản chất văn hóa thì sai lầm càng lớn hơn nhiều, vì chủ nghĩa Mác – Lênin chứa nhiều độc tố phản lại văn hóa của nhân loại”. Ông ấy than vãn: “Đất nước này, khi lãnh đạo và quản lý chưa nhận ra tác hại của chủ nghĩa Mác – Lênin và từ bỏ nó, thì sự phát triển còn bế tắc”…

Thật là những lời lẽ hồ đồ, bôi nhọ chủ nghĩa Mác – Lênin, làm méo mó Đảng Cộng sản, méo mó giai cấp công nhân, méo mó nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Trước hết, phải khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin là một hệ thống có căn cứ khoa học của các quan điểm triết học, kinh tế, chính trị, xã hội; học thuyết về nhận thức và cải tạo thế giới, về những quy luật phát triển của xã hội, tự nhiên và tư duy con người, về những con đường cách mạng lật đổ chế độ bóc lột và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; thế giới quan của giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản.

Sự hình thành chủ nghĩa Mác vào những năm 40 của thế kỷ XIX. V.I. Lênin đã bảo vệ chủ nghĩa Mác chống lại sự tấn công của các thế lực thù địch, đã tổng kết về mặt lý luận những thành tựu mới nhất của khoa học và kinh nghiệm của cuộc đấu tranh giai cấp, đã nâng lý luận của chủ nghĩa Mác lên một trình độ phát triển về chất, thành chủ nghĩa Mác – Lênin.

Sự hình thành chủ nghĩa Mác – Lê nin là bước ngoặt cách mạng trong lịch sử tư tưởng xã hội, đồng thời, chủ nghĩa Mác – Lênin chính là sự tiếp tục và phát triển những thành tựu của tư tưởng xã hội.

Lý luận của chủ nghĩa cộng sản khoa học và Đảng Cộng sản giữ một vị trí quan trọng trong chủ nghĩa Mác – Lênin, nó vạch ra các quy luật chính trị, xã hội, những con đường cải tạo xã hội theo chủ nghĩa cộng sản và Đảng Cộng sản. Điểm chủ yếu trong chủ nghĩa cộng sản khoa học và trong Đảng Cộng sản cũng như trong toàn bộ học thuyết Mác – Lênin là học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, một lực lượng có sứ mệnh lật đổ chính quyền của tư bản và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Chủ nghĩa Mác – Lênin là cơ sở duy nhất đáng tin cậy để Đảng Cộng sản vạch ra chiến lược và sách lược đúng đắn. Sức mạnh của chủ nghĩa Mác – Lênin là không ngừng phát triển sáng tạo. Nó là kẻ thù không khoan nhượng với bất kỳ chủ nghĩa giáo điều nào.

Chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết mang tính quốc tế. Phạm vi phổ biến chủ nghĩa Mác – Lênin là toàn thế giới. Từ chủ nghĩa Mác – Lênin, những người cộng sản trên toàn thế giới tiến hành cuộc cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc.

Trên lĩnh vực văn hóa, chủ nghĩa Mác – Lênin được áp dụng một cách sáng tạo và bài bản, như xem văn hóa là bó đuốc soi đường cho quốc dân đi; phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc,...



Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình thực tiễn lịch sử và tiêu biểu cho trình độ đạt được trong sự phát triển của xã hội.

Bản chất của văn hóa là cái chất chính của văn hóa, có từ lúc mới sinh, là đặc tính sâu xa của những mối liên hệ trên lĩnh vực văn hóa, quan hệ sâu sắc và những quy luật bên trong quyết định những đặc điểm và khuynh hướng phát triển cơ bản của nó. Bản chất của văn hóa xã hội chủ nghĩa là dân chủ trong sáng tạo văn hóa.

Văn hóa có văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Văn hóa vật chất là kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm quản lý sản xuất, giá trị vật chất. Văn hóa tinh thần là khoa học, tư duy, văn học, nghệ thuật, triết học, đạo đức, giáo dục, kiến trúc thượng tầng, khai hóa,… và được hình thành trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất và những quan hệ xã hội. Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần gắn bó với nhau. Chủ nghĩa Mác – Lênin coi quá trình sản xuất của cải vật chất là cơ sở và là nguồn gốc để phát triển văn hóa tinh thần. Từ đó dẫn đến kết luận là dưới những hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, văn hóa được tạo ra nhờ hoạt động của đông đảo nhân dân lao động. Vì phụ thuộc vào điều kiện vật chất, văn hóa tinh thần không thay đổi một cách tự động theo sau cơ sở vật chất của nó, mà có tính độc lập tương đối (tính kế thừa trong sự phát triển, ảnh hưởng qua lại của các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau). Văn hóa là một hiện tượng lịch sử, phát triển phụ thuộc vào sự thay đổi các hình thái kinh tế - xã hội. Trong xã hội có giai cấp, văn hóa mang theo tính giai cấp cả về mặt nội dung tư tưởng và về mặt phương hướng thực tiễn của nó.

Điều đáng chú ý là nếu không thể xây dựng và xác lập nền văn hóa đó nếu không có cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng bảo đảm mọi điều kiện cần thiết để làm cách mạng văn hóa, là một cuộc cách mạng được thực hiện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Những đặc điểm nổi bật của văn hóa xã hội chủ nghĩa là tính nhân dân, tính tư tưởng và tính Đảng Cộng sản, thế giới quan khoa học, chủ nghĩa nhân đạo xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa quốc tế.

Đảng Cộng sản đóng vai trò lãnh đạo trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Toàn bộ hoạt động văn hóa, giáo dục của nhà nước xã hội chủ nghĩa đều diễn ra dưới tác động của Đảng.

Trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội đang diễn ra sự phát triển của những nền văn hóa dân tộc về hình thức và xã hội chủ nghĩa về nội dung; sự trao đổi các giá trị vật chất và tinh thần giữa các dân tộc được đẩy mạnh, kho tàng văn hóa của mỗi dân tộc ngày càng được phong phú thêm bằng những sáng tạo vật chất. Điều đó góp phần tạo nên nền văn hóa thống nhất trong tương lai có tính chất toàn nhân loại của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhân dân lao động có khả năng tiếp thu mọi thành tựu trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, do đó đã tạo nên cơ sở dân chủ rộng rãi hơn nữa để phát triển nền văn hóa xã hội chủ nghĩa và đang diễn ra quá trình ngày càng có nhiều tầng lớp người lao động tham gia vào hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Cái mới của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như Đại hội XIII của Đảng (2021) nhận định: “Phát triển văn hóa, xã hội, con người đạt nhiều kết quả quan trọng”1. Nét nổi bật là “Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực”2. Tuy nhiên, Đại hội XIII cũng nhận định: “Lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa có những bước đột phá, hiệu quả chưa cao”3.

Trên đây là những vấn đề cơ bản của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin về văn hóa đã làm cho một số người hiểu sai về văn hóa Mác – Lênin. Những luận điệu xuyên tạc này nhất định sẽ bị dư luận xã hội lên án.

------

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 64.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 64.3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 84.