Ganđi
“Tâm hồn vĩ đại”1 ở nơi Ông
Bởi Ông tích đức và tu thân
Người giải phóng dân tộc Ấn Độ
Đã khoác vào đời tấm áo thương.
Với Ông, Thượng đế và chân lý
Là sự đồng chiều của chí tu
Đường tu khổ hạnh xa muôn dặm
Đạo đức mang về chính là “tu”.
Ông lồng đạo đức vào chính trị
Lại đem đạo đức vào xã hội
Để giải quyết vấn đề con người
Hướng tới tương lai của cuộc đời.
Không chịu phục từng người ngoại lai
Một khi kẻ đó chiếm nước mình
Cái Ông gọi “xachiagơrác”2
Đã là tia sáng hé bình minh.
Ông muốn giải phóng toàn nhân loại
Bằng phương đạo đức và nhân tâm
Tấm lòng lương thiện ai cũng biết
Rất tiếc lại rơi vào duy tâm.
Ông là con người của nội tâm
Quần thô áo vải tóc phơi sương
Chiếc xa quay tít hàng nội hóa
Tưởng đời dùng đến lại hóa không.
Chống trả với đời đầy bão giông
Ganđi có biết hỡi thưa Ông
Phải chăng đạo đức Ông nuôi dưỡng
Vẫn là đạo đức của buồn thương.
Kho đời Ông chứa là chữ “tâm”
Tấm lòng cao cả hướng về dân
Đời nghèo tôn Ông là vị Thánh
Vị Thánh Ganđi bậc vĩ nhân!
Praha, Séc, Đêm 11-1-2002
GS,TS sử học – Cử nhân Ngữ văn
Đàm Đức Vượng
------
1. Nhân dân Ấn Độ gọi Ông là Mahatma Gandhi. “Mahatma” có nghĩa là “Tâm hồn vĩ đại”.
Tên chính của Ganđi là Ganđi Mohanđaxơ Cácmơchanđơ (1869-1948), lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ.
2. “Xachiagơrác” có nghĩa là “kiên trì chân lý”.
Lời Tác giả: Tại Praha, Séc, tôi viết bài thơ Thánh Ganđi trong khi nghiên cứu tư tưởng, học thuyết của Ông. Ganđi là một trong những lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ, người sáng lập chủ nghĩa Ganđi. Xét về mặt triết học, Ông là một nhà đạo đức chuẩn mực, có người gọi ông là “nhà duy tâm khách quan”. Nguyên tắc xuất phát của tư tưởng Ganđi là đồng nhất giữa “Thượng đế và chân lý”. Việc đạt tới chân lý gắn liền với quá trình tu thân tích đức. Quan điểm tư tưởng đạo đức của Ganđi dựa trên “quy ước tình thương” và “quy tắc khổ hạnh”, đồng thời, dựa trên nguyên tắc tiết chế việc buông thả những yếu đuối của mình. Nét đặc trưng nổi bật của chủ nghĩa Ganđi là thái độ đạo đức đối với việc giải quyết các vấn đề chính trị - xã hội, chủ trương “đạo đức hóa” hoạt động chính trị. Quan điểm chính trị - xã hội của Ông đã được trình bày trước hết bằng quan niệm “xachiagơrác” (nghĩa đen là “kiên trì trong chân lý”). Những hình thức chính để thực hiện “xachiagơrác” là không hợp tác và không phục tùng trong điều kiện thống trị của chủ nghĩa đế quốc Anh. Nhưng Ông lại phản đối việc tước đoạt các giai cấp bóc lột, phủ nhận khả năng cải tạo xã hội bằng cách mạng. Theo Ông, tiến bộ xã hội không phải ở sự gia tăng, mà là ở sự tự nguyện hạn chế nhu cầu của con người. Ông đấu tranh xóa bỏ tình trạng hắt hủi những người bị khinh bỉ, đấu tranh kiên quyết đòi giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới, thực hiện chế độ giáo dục phổ thông cả nước. Ông được mang danh hiệu “Mahatma” (Tâm hồn vĩ đại). Chủ nghĩa Ganđi là hệ tư tưởng chính thức của Đảng cầm quyền, Đảng Quốc đại Ấn Độ. Nhân dân Ấn Độ tôn Ông là vị Thánh: Thánh Ganđi.