Mới cập nhật

Khoa học và nhà khoa học







PGS,TS Đức Vượng






1. Khoa học là lĩnh vực hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra những tri thức mới về tự nhiên, xã hội, tư duy, bao gồm tất cả những điều kiện và những yếu tố của quá trình tạo ra kết quả nghiên cứu khoa học của từng lĩnh vực. Vì vậy, có thể nói khoa học cũng là một trong những biểu hiện của hình thái ý thức xã hội. Với những tri thức đã được tích lũy về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, trình độ, kinh nghiệm, phân công, hợp tác, các nhà khoa học đã tạo ra những sản phẩm khoa học, phục vụ đời sống con người và phục vụ xã hội. Những cơ quan nghiên cứu khoa học, những trang bị, thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu, nguồn tư liệu là những cơ sở quan trọng để nhà khoa học có điều kiện tạo ra sản phẩm tốt. Hệ thống khái niệm, phạm trù, thông tin khoa học là kiến thức cơ bản đã được tích lũy từ nhiều năm để nhà khoa học có điều kiện phát triển bước tiếp. Khoa học được coi là một hệ thống hoàn chỉnh về kiến thức để tạo ra kết quả nghiên cứu của từng lĩnh vực; là kết quả của phân công lao động xã hội. Nghiên cứu cơ bản (lý luận) và nghiên cứu ứng dụng là kết quả của nghiên cứu khoa học. Cái này tạo tiền đề để cái kia phát triển. Cái kia là kết quả của nghiên cứu của cái này được phát triển ở trình độ cao.





Trong lịch sử, khoa học phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Những manh nha cho sự ra đời của khoa học xuất hiện từ rất sớm ở phương Đông, cụ thể là ở Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Babylon,... Khoa học ở phương Tây phát triển sau phương Đông, nhưng lại tiến nhanh hơn phương Đông. Đó là đặc điểm của phát triển khoa học thế giới. Những thành tựu của khoa học cổ đại ở phương Đông như những tri thức kinh nghiệm về tự nhiên và xã hội, những mầm mống nghiên cứu về thiên văn học, toán học, đạo đức học, lôgích học của phương Đông đều là những cơ sở khoa học để phương Tây nâng lên tầm cao. Thành tựu của văn minh phương Đông đã được phát triển thành một hệ thống lý luận ở Hy Lạp cổ đại, ở phương Tây. Cũng có những khoa học, phương Đông và phương Tây phát triển ngang nhau, nhưng do thông tin hồi ấy còn kém, cho nên Đông - Tây không biết kết quả của nhau. Nhiều nhà khoa học xuất hiện sớm ở phương Đông và phương Tây, từ thế kỷ IV trước Công nguyên đã bắt đầu xuất hiện những nhà tư tưởng, nhà khoa học. Khi khoa học xuất hiện, thì truyền thuyết và thần thoại bị đẩy lùi một bước. Tuy nhiên, giữa khoa học và truyền thuyết, thần thoại khác nhau, cho nên khi khoa học ra đời, truyền thuyết và thần thoại vẫn có chỗ đứng trong xã hội. Cũng có lúc nó đứng bên cạnh xã hội.





Khi cuộc cách mạng công nghiệp ra đời, thì chức năng chính của khoa học là chức năng giải thích, phân tích, phát minh, sáng chế. Nhiệm vụ cơ bản của khoa học lúc này là mở rộng thế giới quan về tự nhiên, xã hội, tư duy. Bản thân con người cũng là một bộ phận của nó. Đến khi sản xuất bằng máy móc trên quy mô lớn ra đời, mới có điều kiện để biến khoa học có tính chất tư biện thành nhân tố tích cực của bản thân sản xuất. Trong điều kiện cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện đại, khoa học với tính cách là một hệ thống luôn luôn được cải tiến. Khoa học thời hiện đại là khoa học đáp ứng được nhu cầu của sản xuất hiện đại, của nền công nghiệp hiện đại, các tri thức khoa học phải trở thành tài sản của một đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, những người quản lý, tổ chức sản xuất và công nhân điều khiển máy móc đại công nghiệp. Vì vậy, khoa học đang biến thành một lực lượng sản xuất trực tiếp. Khoa học hiện đại không chỉ đơn thuần đi theo sự phát triển của kỹ thuật, mà vượt qua kỹ thuật, trở thành lực lượng chủ chốt của tiến bộ sản xuất vật chất. Nó hình thành như một cơ thể toàn vẹn, hài hòa, có sức lôi cuốn, lan tỏa mạnh. Khoa học hiện đại không chỉ đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kỹ thuât, mà còn hướng vào con người, vào sự phát triển của trí tuệ con người, của năng lực sáng tạo, khả năng tư duy của con người, vào việc xây dựng những tiền đề vật chất và tinh thần cho sự phát triển toàn diện, toàn vẹn của con người. Mặt trận nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có tác động thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Nếu như trước kia, khoa học phát triển đơn lẻ ở một số ngành, một số lĩnh vực, thì ngày nay, nó bắt đầu thâm nhập tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; quan điểm khoa học và tri thức khoa học đã trở thành điều kiện cần thiết trong sản xuất vật chất, trong kinh tế, quản lý, văn hóa, xã hội, y tế, công nghệ, giáo dục và đào tạo; khoa học đã thâm nhập vào cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi con người, trở thành phương tiện không thể thiếu trong đời sống của mỗi gia đình, mỗi con người. Tư duy, tư tưởng thời hiện đại cũng phải trở thành khoa học, nếu không, nó sẽ rơi vào chủ quan duy ý chí, quy kết lung tung. Bản thân kỹ thuật cũng là khoa học được tách riêng thành những máy móc hiện đại. Nó đang phát triển nhanh hơn các lĩnh vực khác. Xã hội cũng phải được quản lý một cách khoa học, nếu không, nó sẽ rơi vào tình trạng tùy tiện, xét đoán, quyết đoán võ biền, gây thất thoát lớn về kinh tế và tài chính. Sự thống trị dựa vào khoa học là điều kiện làm cho xã hội tồn tại lâu dài và phát triển.





Với sự phát triển của xã hội loài người, khoa học ngày nay còn phải được tổng kết thành lý luận, gọi là khoa học luận. Trong lời giới thiệu của dịch giả Hà Dương Tuấn về cuốn sách “Sự hình thành tinh thần khoa học” của triết gia người Pháp Gaston Bachelard, viết: “Khoa học luận gồm những tư duy về hoạt động khoa học, nó dần dần hình thành trong suốt thế kỷ XVIII, sau khi vật lý học của Newton được chấp nhận rộng rãi, đồng thời, toán học, hóa học đã khá phát triển”(1). “Có thể nói khoa học luận của thế kỷ XIX được kết tinh thành thuyết thực chứng (positivisme) của Auguste Comte (1798-1857). Với Ông, tinh thần khoa học đồng nghĩa với tinh thần thực chứng. Thực chứng có nghĩa tin tưởng ở sự đồng nhất giữa lý trí và hiện thực, nhưng hiện thực của Comte không phải là những dữ kiện đầu tiên đến từ giác quan, mà là một hiện thực được khám phá/ tạo dựng bằng lý trí. Luận đề nổi tiếng về ba trạng thái của ông là: Bất cứ một tư tưởng hay một hiểu biết nào cũng trải qua ba trạng thái: trạng thái thần học, hay giả tưởng; trạng thái siêu hình, hay trừu tượng và trạng thái khoa học hay thực chứng”(2). Trong cuốn sách “Sự hình thành tinh thần khoa học”, tác giả Gaston Bachelard viết: “Tinh thần khoa học không cho phép chúng ta có ý kiến trên những điều mà chúng ta không hiểu, trên những câu hỏi mà chúng ta không biết đặt ra một cách rõ ràng. Trước tiên, phải biết đặt vấn đề. Và nói sao thì nói, trong đời sống khoa học, các vấn đề không tự nó đặt ra. Chính cái ý thức nhìn thấy vấn đề là dấu ấn chính xác của tinh thần khoa học đích thực. Với một đầu óc khoa học thì hiểu biết nào cũng là câu trả lời cho một câu hỏi. Nếu đã không có câu hỏi thì cũng không thể có hiểu biết khoa học. Không có gì tự nhiên thành, không có gì cho sẵn, tất cả phải được xây dựng nên”(3).





Nói đến khoa học, người ta không thể không nhắc đến nhà khoa học. Nhà khoa học khác với nhà chính trị là họ chỉ thuần túy làm khoa học, còn nhà chính trị phải quán xuyến các công việc khác của xã hội, làm cho lưu lượng khoa học và thời gian làm khoa học của nhà chính trị bị sút giảm. Có mấy nhà chính trị biết kết hợp một cách hữu cơ giữa chính trị và khoa học, gọi là khoa học chính trị. Vì vậy, rất ít nhà chính trị nào trở thành nhà khoa học với đúng nghĩa của nó. Rất ít nhà khoa học giàu có, trừ những nhà khoa học được giải thưởng Nobel và những nhà khoa học kiêm kinh doanh. Nhà doanh nghiệp thường giàu có, nhưng chẳng mấy ai giúp được nhà khoa học, thành thử nhà khoa học không có điều kiện về tài chính để phát triển khoa học, làm cho nhiều công trình khoa học phải bỏ dở. Nhà nước chưa có chính sách (về thực chất) để phát triển khoa học, làm cho nhà khoa học cứ phải mày mò, suốt ngày dài đến tận đêm thâu để tìm tòi, nghiên cứu, phát minh một cách đơn lẻ. Có chăng, chỉ trông chờ vào những kết quả phát minh của nhà khoa học. Nhà khoa học hoặc một nhóm nhà khoa học thường phải sống đơn độc. “Khoa học của kẻ đơn độc là khoa học định tính. Khoa học xã hội hóa là khoa học định lượng”(4). Trong cuốn sách “Sự hình thành tinh thần khoa học”, tác giả Gaston Bacchelard viết: “Hãy chuyển vào phạm vi tri thức những câu thơ đã được phân tâm học bàn luận”:





“Họa hoằn các bạn mới hiểu tôi




Hiếm khi tôi hiểu được các bạn




Chỉ khi cùng lâm cảnh khốn nạn




Chúng ta mới hiểu nhau đến nơi”(5).





2. Tại Việt Nam, vấn đề nghiên cứu khoa học cũng mới chỉ là bước chuyển tiếp từ trạng thái bề rộng đến trạng thái chiều sâu. Trong những năm đổi mới, nghiên cứu khoa học Việt Nam đã đạt được một số thành tựu ở từng lĩnh vực, đơn vị, chứ chưa vươn lên được tầm quốc gia, quốc tế. Các nghị quyết, chính sách về khoa học và công nghệ chỉ thiên về công nghệ, còn chất khoa học chỉ là phảng phất. Ngay về khái niệm “khoa học và công nghệ” cũng chưa chuẩn. Công nghệ là kết quả của nghiên cứu khoa học, một nhánh của nghiên cứu khoa học, mang tính lôgích, thống nhất, nhưng không đồng nhất. Còn khoa học là hệ thống về tự nhiên, xã hội và tư duy. Ở đây, cần phải nhận thức rằng, khoa học không chỉ có trong công nghệ, mà nó còn lan tỏa sang các ngành khác.





Việt Nam chúng ta chưa đặt tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học, chưa có sự gắn kết với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, như giáo dục và đào tạo, khoa học xã hội và nhân văn,... GS Nguyễn Văn Tuấn, trong bài trả lời phỏng vấn của Đài ABC (Ôxtrâylia, đếm 12-11-2012), nói: “Theo tôi, điều kiện đầu tiên để các đại học Việt Nam vươn lên tầm quốc tế là nghiên cứu khoa học. Một đại học mà không nghiên cứu khoa học, thì đó là trường dạy nghề, chứ không phải là đại học”. Về đầu ra của nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, có tờ báo nước ngoài viết: Hai đại học hàng đầu ở Việt Nam là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học quốc gia Hà Nội chỉ công bố được khoảng 100 công trình nghiên cứu mỗi năm, con số này chỉ bằng 7% của Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, 8% của Đại học Mahidol, Thái Lan và 7% của Đại học Malaya, Malaysia. Trong những bảng xếp hạng đại học toàn cầu, không có một đại học nào của Việt Nam được đứng trong bảng “Tốp 500” được xem như là các trường đại học hàng đầu thế giới. Nghiên cứu và giảng dạy chưa gắn kết với nhau. Nghiên cứu khoa học ở Việt Nam chưa có chất lượng thật sự. Khoa học lý luận chính trị còn nặng về sao chép, minh họa. Đề tài cấp nhà nước về lý luận chính trị cũng còn minh họa, sao chép, trùng lặp rất nhiều, rất ít có cái mới. Tiền chi phí để làm đề tài loại này rất lớn, nhưng phần lớn là rải mành mành, mỗi người một ít, để rồi cho ra được vài trăm trang (sản phẩm), nghiệm thu, và cuối cùng, đem... cất vào tủ. Bộ phận chuyên môn và bộ phận làm tài chính chỉ nhăm nhăm soi mói các chứng từ thanh toán có “hợp pháp” không, mà không đếm xỉa gì đến nội dung của sản phẩm, công trình. Hiện tượng “vượt rào” trong thu, chi tài chính làm các đề tài cấp nhà nước vẫn được coi là “hợp pháp”. 70 nghìn đồng cho một người dự một buổi hội thảo khoa học. Có một số nhà khoa học già, không đi được xe máy, buộc phải đi bằng taxi đến nơi hội thảo, mất gấp 3 lần tiền của 70 nghìn đồng, làm cho cơ quan tổ chức hội thảo phải đối phó bằng cách ghi 3 buổi với 3 chứng từ với 3 chữ ký để được 210 nghìn đồng, "tạm đủ" để đi taxi và vẫn xem đó là những chứng từ “hợp pháp”.





Vấn đề đi nghiên cứu nước ngoài (chiếm khoảng 1/4 đến 1/5 kinh phí của đề tài), phần lớn là “cưỡi ngựa xem hoa”, mua sắm, đi chơi, chẳng thu được mấy kết quả về nghiên cứu khoa học. Làm đề tài cấp nhà nước chỉ sơ suất có một chữ ký chụp của một nhà khoa học đã về hưu trong số 10 người viết chính cũng bị loại ngay ra, không được nằm trong diện xét tuyển, cũng chẳng cần xét đến bản thuyết minh của đề tài đó viết công phu như thế nào.





Qua quan sát và nghiên cứu, tôi thấy một số đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học lý luận chính trị chưa có gì gọi là cải tiến căn bản, vẫn duy trì theo nếp cũ, xơ cứng, vẫn nằm trong sự phán xét của cơ quan chủ trì và cơ quan chủ quản.





Để cho các đề tài khoa học của nước nhà phát triển một cách thực sự, chúng ta cần có những cái đầu thông minh về quản lý khoa học, công nghệ, về tổ chức công việc, những người điều hành và thực thi tài năng; phải có sự cải tiến mạnh về lĩnh vực này, nhất là lĩnh vực nhân sự để làm công việc khó khăn này; phải tìm cho ra được những người thực sự có khả năng làm chủ nhiệm đề tài, đó là những người viết thực sự, viết tốt, viết giỏi, những người biết tổ chức công việc để làm đề tài. Điều quan trọng là phải tiến hành cuộc cách mạng đổi mới toàn diện về khoa học, công nghệ; loại bỏ những chính sách khoa học và công nghệ không còn phù hợp để thay vào đó những chính sách mới, phù hợp. Không tổ chức theo kiểu cơ quan công quyền đứng ra làm các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, mà thay vào đó là “đấu thầu” trực tiếp giữa Bộ chủ quản với chủ nhiệm đề tài, hoặc theo “đơn đặt hàng” của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, để thoát ra khỏi sự ràng buộc nào đó. Hãy công bố rộng rãi các đề tài đó trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi cho từng nhà khoa học để họ biết và có chỗ thi thố tài năng. Đóng khung trong một cơ quan nào đó để làm đề tài theo kiểu phân chia, xin-cho, sẽ không tìm ra được những nhân tài thực sự trong nghiên cứu khoa học; thực hiện các “nhóm xã hội” để làm đề tài.





Muốn nghiên cứu khoa học tốt, trước hết, phải tìm cho ra được những nhà khoa học thực sự giỏi, có kinh nghiệm và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, những nhà khoa học giỏi sẽ không làm được gì nếu không có chính sách cho họ và không có cơ sở vật chất và tài chính để làm.

*****


Chú thích



1,2,3,4,5. Gaston Bachelard: Sự hình thành tinh thần khoa học, bản dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2009, tr. 9,10,436,437.