Mới cập nhật

Đêm Praha đọc thơ Đường

hjĐường thi hừng hực tính nhân văn
Thơ tả thiên nhiên đẹp tuyệt trần
Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị
Thôi Hiệu, Vương Bột, Trần Tử Ngang,...

 

“Sắc cỏ xanh xanh sắc liễu vàng
Hoa đào, hoa lý lẫn mùi hương
Gió đông chẳng thổi sầu đi hết
Mối hận ngày xuân để vấn vương”.

Liễu biếc lơ thơ cái oanh vàng
Một hàng cò trắng vút trời xanh
Nghìn năm tuyết núi song in sắc
Muôn dặm thuyền ai cửa rập rình.

Đường thi mang dáng nét thanh thanh
Hồn thơ lai láng vượt quan san
Vẻ đẹp như hoa xa muôn dặm
Sắc nước hương trời tỏa xênh xang.

Thời cuộc thăng trầm giữa thế gian
“Thập loại chúng sinh” sống cơ hàn
Ấm áp tình đời tình non nước
Đường thi dào dạt tiếng thơ vang.

Đường thi ai oán kiếp đời tàn
Thương thay những số phận lầm than
Tiếng oan dậy đất kêu ai được
Bèn mặc cho thân ngậm suối ngàn.

Đường thi ơi! Nước trôi lạnh lùng
Quanh thuyền trăng dãi buồn thấu xương.
Mơ màng dòng lệ hoen hoen đỏ
Trong lòng day dứt mảnh tình riêng.

Đường thi mô tả bến yêu đương
Canh khuya đưa khách mịt mờ sương
Lau lách quạnh hiu mình lẻ bóng
Sầu trong vô tận khúc tang thương.

Nghiền ngẫm đêm nay với thơ Đường
Lòng tôi quấn quít mối tơ vương
Đường thi là cả gia tài lớn
Để lại cho đời chất thơ gương.

Praha, Séc, Đêm 2-8-2001
Đức Vượng
(Cử nhân Ngữ văn)
-------------------------------------
Lời Tác giả: Trong những ngày ở nước ngoài, tôi lại có dịp đọc lại thơ Đường. Thơ Đường là khái niệm chỉ toàn bộ thơ ca đời Đường (618-907). Có thể nói thơ Đường là thơ phát triển rực rỡ nhất trong xã hội thơ ca của xã hội phong kiến Trung Quốc. Nó phong phú, đa dạng, nghệ thuật sắc sảo. Những trang thơ tả thiên nhiên vô cùng ngoạn mục. Thơ Tống cũng hay, nhưng công bằng mà nói, không thể bằng thơ Đường. Thơ Tống có một số bài hay, thơ Đường có nhiều bài hay. Nhận thấy cái tầm vóc của thơ Đường, tại Praha, Cộng hòa Séc, tôi làm bài thơ Đêm Praha đọc thơ Đường. Nội dung của bài thơ gắn với thơ Đường và mang dáng dấp thơ Đường.
Đời Đường xuất hiện hàng nghìn nhà thơ, như rừng hoa nở rộ, mỗi người mỗi vẻ, trở thành “xã hội thơ”, đã được chứa đựng trong bộ “Toàn Đường thi”, gồm 49.900 bài.
Xét về phương diện tư tưởng của các nhà thơ Đường, có nhà thơ chịu ảnh hưởng Đạo giáo, có nhà thơ chịu ảnh hưởng Phật giáo, có nhà thơ chịu ảnh hưởng Nho giáo. Có nhà thơ sáng tác theo khuynh hướng hiện thực, tiêu biểu là Đỗ Phủ với “cửa son rượu thịt ôi, ngoài đường xương chết buốt”; có nhà thơ sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn.
Qua thời gian thử thách, người ta nhận thấy thơ Đường không chỉ chiếm vị trí đặc biệt trong lịch sử thơ ca Trung Quốc, mà còn có vị trí quan trọng trong lịch sử thơ ca thế giới.
Thơ ca của các dân tộc phương Đông một phần chịu ảnh hưởng bởi thơ Đường.