Mới cập nhật

MÙA XUÂN HAI NƯỚC VIỆT – LÀO*



PGS,TS Đàm Đức Vượng**



chỉ mục

                                          Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản






 

Mùa xuân thường có nhiều kỷ niệm sâu sắc của mỗi quốc gia, dân tộc. Mùa xuân cũng đến với tình nghĩa Việt – Lào anh em. Vấn đề này đã được phản ánh trong nhiều cuốn sách đã được xuất bản ở Việt Nam và Lào, trong đó có “Lịch sử Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam”; bộ “Hồi ký Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam”; bộ “Văn kiện Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam”; bộ “Biên niên Sự kiện Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam”… Đó là tài sản văn hóa quý giá của hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt – Lào anh em.



     Tình nghĩa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Mặt trận, hai Quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam – Lào đã mang tính truyền thống, gắn bó lâu đời, đã từng chiến đấu trong chiến hào chống thực dân xâm lược hai nước. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:


     “ Thương nhau mấy núi cũng trèo


     Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.


     Việt – Lào hai nước chúng ta


     Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.


     Và cũng đúng như Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản nói: Tình đoàn kết Lào – Việt Nam thủy chung, son sắt, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.


     Với truyền thống tốt đẹp đó, chúng ta hãy nhân nhựa sống trong quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, để cho ngàn hoa kết trái, nảy nở sinh sôi. Đó là chân lý của mối quan hệ bền vững lâu đời giữa hai dân tộc. Khi mối quan hệ tốt đẹp được nhân lên, thì không thành lũy nào của kẻ xâm lược dựng lên ở Việt Nam và Lào mà nhân dân hai nước không hạ nổi.


     Cùng chung mái nhà của Đảng Cộng sản Đông Dương


     Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đến tháng 10-1930, Đảng đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đấy, những đảng viên cộng sản của Việt Nam – Lào – Campuchia cùng hoạt động chung mái nhà của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đảng Cộng sản Đông Dương đã có một số nghị quyết quan trọng về cách mạng Lào, nhằm vào việc thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Lào tiến lên xây dựng một nước Lào độc lập, thống nhất, tự chủ, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Đảng bộ Lào là một bộ phận không thể tách rời của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cách mạng Lào gắn bó khăng khít với Đảng Cộng sản Đông Dương. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã làm cho Đảng bộ Lào mạnh lên và phát triển không ngừng.


     Trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước, năm 1928, từ Liên Xô, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về phương Đông. Người đến Xiêm (Thái Lan). Trong những ngày hoạt động ở Nakhon, Thái Lan, có lần, Người đã đi đò, vượt sông Mê Kông, sang tỉnh Khăm Muộn của Lào để gây cơ sở cách mạng ở Lào, vì Người cho rằng, Lào có nhiều tỉnh sát biên giới với Việt Nam, nên cần phải xây dựng các cơ sở cách mạng ở Lào để Lào cùng với Việt Nam đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Tại tỉnh Khăm Muộn, Nguyễn Ái Quốc đến bản Xiềng Vang, xã Xiềng Mương, huyện Nọongbốc, tỉnh Khăm Muộn. Đây là một xã nằm sát sông Mê Kông. Tại đây, Người đã gặp gỡ bà con người Lào và người Việt Nam sinh sống ở đây. Nói chuyện với bà con, Người căn dặn cần phải đoàn kết gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, tăng cường tình đoàn kết giữa người Việt Nam và người Lào, chung sức chung lòng, cùng nhau đánh đuổi thực dân, đế quốc ra khỏi Lào và Việt Nam, giành độc lập, tự do cho mỗi nước. Người phổ biến kinh nghiệm cho bà con về cách tổ chức các đoàn thể yêu nước và cách mạng.


     Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, đề ngày 18-2-1930, Nguyễn Ái Quốc đã nói rõ công tác của Người ở Lào. Từ Lào, Người muốn đi về Việt Nam. Người viết:


     “Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ “An Nam Quốc dân Đảng”1.


     Giải phóng dân tộc cho nhân dân các dân tộc Đông Dương thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến là khát vọng cháy bỏng của nhà cách mạng chuyên nghiệp Nguyễn Ái Quốc trong lúc này.


     Ở Lào khoảng một tháng, Nguyễn Ái Quốc trở lại Xiêm. Những ngày ở Xiêm, Người thường xuyên liên lạc với các bạn Lào và bà con Việt kiều ở Lào, đôn đốc việc tổ chức các đoàn thể yêu nước và cách mạng tại Lào. Một số người Lào và Việt kiều tại Lào đã qua sông Mê Kông sang gặp Người trong lúc Người đang ở Xiêm. Đó là tình nghĩa của Người đã gắn bó với cách mạng Lào, nhân dân Lào anh em.


     Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản cũng là người gắn bó mật thiết với cách mạng Việt Nam, đã từng học tại Trưởng Bưởi2 của Việt Nam và Trường Đại học Luật Đông Dương tại Hà Nội; đi, về nhiều lần trên đất nước Việt Nam; có nhiều bài viết quan trọng về quan hệ đặc biệt Lào – Việt Nam, và rất thiện chí đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam.


     Khi cách mạng mỗi nước đã trưởng thành, hai Đảng gắn bó mật thiết với nhau, cùng tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở mỗi nước


     Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương họp vào giữa mùa xuân hoa nở của năm Tân Mão (từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951), tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, Việt Nam.


     Đây là lần đầu tiên từ khi ra đời, Đảng đã họp một đại hội có đông đủ đại biểu các đảng bộ của cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, do bầu cử từ dưới lên. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho trên 76 vạn đảng viên của các đảng bộ ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản là Trưởng Đoàn đại biểu Đảng bộ Lào dự Đại hội.


     Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Báo cáo chính trị” và Tổng Bí thư Trường Chinh đọc Báo cáo “Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội”.


     Tại Đại hội, Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam được thông qua, khẳng định dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với hai dân tộc Lào, Campuchia, Việt Nam giúp đỡ Lào, Campuchia kháng chiến chống xâm lược, giải phóng Lào, Campuchia, đồng thời, giúp đỡ Lào, Campuchia xây dựng đất nước sau khi kháng chiến thành công.


     Đối với Việt Nam, Đại hội II quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Còn đối với Lào, Campuchia, Đại hội quyết định sẽ tổ chức ở mỗi nước một đảng cách mạng riêng, phù hợp với đặc điểm của từng nước. Đây là một quyết định đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với tình hình mới và xu thế phát triển của cách mạng mỗi nước.


     Đến đây, Đảng Cộng sản Đông Dương đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.


     Đại hội cũng thông qua Nghị quyết về cách mạng Lào, cách mạng Campuchia. Với cách mạng Lào, căn cứ theo tình hình cụ thể ở Lào, xác định cách mạng Lào trong giai đoạn này là cách mạng dân tộc giải phóng. Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Lào là đoàn kết toàn dân, kháng chiến đánh đổ đế quốc xâm lược và các thế lực tay sai của chúng, làm cho nước Lào hoàn toàn độc lập và thống nhất. Tại Đại hội, đại biểu Cayxỏn Phômvihản nêu vấn đề tổ chức xây dựng Đảng cách mạng ở Lào trong tương lai. Ông cho rằng, chủ trương thành lập đảng cách mạng ở mỗi nước là phù hợp với yêu cầu khách quan của sự phát triển và trưởng thành của cách mạng mỗi nước. Đại hội thấy rõ sự trưởng thành của cách mạng mỗi nước, cho nên đã đến lúc mỗi nước cần có một đảng chính trị cách mạng chân chính.


     Trong thời gian dự Đại hội II, đồng chí Cay xỏn Phômvihản có dịp gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, Ông đã nhiều lần kể lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các đồng chí Lào cần cố gắng thành lập cho được Đảng cách mạng và ra sức củng cố Đảng để Đảng có đủ sức lãnh đạo cuộc cách mạng trên đất nước Lào. Về phía mình, Việt Nam luôn luôn sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ các đồng chí Lào. Có Đảng cách mạng Lào lãnh đạo nhân dân Lào, có sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Việt Nam và các nước bầu bạn, cách mạng Lào nhất định thắng lợi; cán bộ Lào cần tin vào sức mình”3.


     Thực hiện gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau Đại hội II, đồng chí Cayxỏn Phômvihản triệu tập Hội nghị đại biểu đảng viên của Đảng bộ Lào để lập ra “Nhóm Nhân dân Lào”, tiếp tục lãnh đạo cách mạng Lào. Ông được Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương giao nhiệm vụ cùng với các đồng chí Lào chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức để thành lập một chính đảng ở Lào.


     Sau một thời gian chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức, Đại hội thành lập Đảng Lào bắt đầu họp từ ngày 22-3-1955 đến ngày 6-4-1955, tại một khu rừng ở tỉnh Hủa Phăn (Sầm Nưa). Thay mặt cho Ban Tổ chức và Ban Trù bị Đại hội, đồng chí Cayxỏn Phômvihản trình bày “Báo cáo chính trị”, nêu rõ những điều kiện khách quan và chủ quan đã chín muồi để thành lập ở Lào một đảng cách mạng chân chính, lấy tên là “Đảng Nhân dân Lào” (Đến năm 1972, tại Đại hội II, “Đảng Nhân dân Lào” đổi tên thành “Đảng Nhân dân Cách mạng Lào”). Nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn mới này đã được đồng chí Cayxỏn Phômvihản nêu trong Báo cáo chính trị tại Đại hội I (Đại hội thành lập): “Đoàn kết lãnh đạo toàn dân phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng”4.


     Đại hội bầu Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng Nhân dân Lào, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Bí thư. Đến Đại hội II của Đảng (1972) xác định chức danh Tổng Bí thư, đồng chí Cayxỏn Phômvihản được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.


     Đại hội nhất trí lấy ngày 22-3-1955 là ngày thành lập Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào).


     Như vậy, trong cuộc trường chinh lịch sử của hai Đảng Việt – Lào và cách mạng hai nước đã sát cánh bên nhau, giúp đỡ nhau hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước.


     Đảng Cộng sản Việt Nam là hiện thân của sức sống, lương tâm, danh dự của nhân dân Việt Nam.


     Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là hiện thân của sức sống, lương tâm, danh dự của nhân dân Lào.


     Những trận đánh diễn ra vào mùa xuân trên chiến trường Lào, thể hiện sự hiệp đồng tác chiến liên quân Lào – Việt


     Nhìn lại lịch sử của tình đoàn kết chiến đấu Lào – Việt thấy có nhiều trận đánh diễn ra vào mùa xuân trên chiến trường Lào với sự hiệp đồng tác chiến giữa liên quân Lào – Việt.


     Đầu tiên phải kể đến sự kiện ngày 31-12-1947, Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Liên khu IV của Việt Nam thành lập Phòng Biên chính. Phòng này chuyên làm công tác giúp cách mạng Lào. Bên cạnh Phòng Biên chính là Cơ quan Ủy ban Kháng chiến hành chính do đồng chí Nuhắc Phumxavẳn làm Chủ tịch và đại diện của Chính phủ Lâm thời Lào Phếtxarạt. Hai Cơ quan này có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, tài chính cho Mặt trận Đông Lào trong kháng chiến chống Pháp xâm lược Lào.


     Cuối năm 1947, Đội Vũ trang tuyên truyền Lào – Việt, dưới sự chỉ huy của các đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Thao Ma, từ Tây Bắc, Việt Nam tiến về chiến đấu ở Xiềng Khọ. Được một thời gian, đồng chí Cayxỏn Phômvihản lại sang Việt Nam để tham gia thành lập Đội Xung phong Bắc Lào.


     Ngày 27-12-1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tổ chức Đội Xung phong khu Bắc Lào, nhằm bổ sung thêm lực lượng kháng chiến cho cách mạng Lào. Đội Xung phong Bắc Lào trở về hoạt động tại Lào đã góp phần của mình vào cuộc kháng chiến chung của dân tộc. Khi đội quân tiến về Lào, thì ở Lào, lực lượng kháng chiến đã được triển khai ra cả nước. Đội Xung phong Bắc Lào đã góp phần thổi bùng lên ngọn lửa chiến đấu của nhân dân Lào trong cuộc chiến tranh cách mạng ở Lào.


     Ngoài ra, còn nhiều trận đánh diễn ra trên đất Lào vào mùa xuân, như trận đánh của liên quân Lào – Việt chiến đấu bảo vệ thành phố Thà Khẹc diễn ra ngày 21-3-1946; tháng 2-1947, liên quân Lào – Việt phối hợp chiến đấu, giành lại những địa bàn trước đây bị mất như Xiêng Khọ, Bualapha, Mương Mộc, Mương Nòong,… gây cho địch nhiều thiệt hai; trận đánh của liên quân Lào – Việt ở Xála Phu Khun, Phu Sủng diễn ra ngày 23-2-1961, đẩy lùi cuộc tiến công của 2 tiểu đoàn địch; liên quân Lào – Việt mở chiến dịch phản công địch ở Phả Thí, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề…


     Xuân Đinh Dậu 2017 đang đến. Hoa mai, hoa đào, hoa đại thi nhau đua nở cùng hoa champa, như thể hiện mối tình thủy chung, son sắt, trọn nghĩa, vẹn tình giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Mặt trận, hai Quân đội và Nhân dân hai nước Việt – Lào anh em.


     Xin chúc cho mối tình Việt – Lào tươi thắm mãi như hoa mùa xuân!


 ---------------


* Bài đăng trên báo Quân đội Nhân dân số Tết Đinh Dậu – 2017.


** Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, nguyên Chuyên gia Việt Nam tại Lào.


1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: Văn kiện Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Lào – Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 87.


2. Trưởng Bưởi, nay gọi là Trưởng trung học phổ thông Chu Văn An, phố Thụy Khuê, Hà Nội.


3. Xixanạ Xixán: Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân, in trong sách “Cayxỏn Phômvihản người con của nhân dân”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 13.


4. Cayxỏn Phômvihản: Báo cáo tại Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào, in trong cuốn “Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào”, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 9.