Mới cập nhật

CHỦ TỊCH VÕ CHÍ CÔNG SUỐT ĐỜI TẬN TỤY VÌ SỰ NGHIỆP CỦA ĐẢNG, CỦA NHÀNƯỚC VÀ CỦA NHÂN DÂN

 PGS,TS Đàm Đức Vượng
 

Những tháng, năm lăn lộn với công tác của Đảng:

Võ Chí Công tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7-8-1912, tại làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (trước là làng Tam Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, Quảng Nam), trong một gia đình trí thức yêu nước và cách mạng. Thân phụ Ông là cụ Võ Nghiệm, một nhà nho yêu nước, giác ngộ cách mạng và trở thành đảng viên cộng sản. Thân mẫu Ông là bà Nguyễn Thị Thân, một người được truy tặng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.


Ngay từ thời niên thiếu, Võ Toàn đã được người Cha giáo dục về tinh thần yêu nước, thương dân qua những tấm gương của các nhà chí sĩ. Hoạt động yêu nước và cách mạng từ năm 18 tuổi, năm 1930, trong phong trào thanh niên và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1935. Một năm sau, Ông được cử làm Bí thư Chi bộ tại quê nhà. Đầu năm 1939, Ông được cử làm Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ. Tháng 3-1940, Tỉnh ủy Lâm thời Quảng Nam được tái lập sau khi bị Pháp khủng bố. Ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Lâm thời Quảng Nam. Năm 1941, Ông được bầu làm Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, Phụ trách các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Khi chính quyền Đông Pháp khủng bố ráo riết các phong trào cách mạng ở Trung Kỳ, Ông bí mật vào hoạt động tại các tỉnh nam Trung Bộ, rồi đi xây dựng các cơ sở cách mạng tại Đà Lạt. Năm 1942, Ông được điều về giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lần thứ hai. Khi Liên Tỉnh ủy, Thành ủy Quảng Nam – Hội An – Đà Nẵng được thành lập vào tháng 8-1942, tiếp đó là Hội nghị hợp nhất ba đơn vị trên vào ngày 16-1-1943, Ông được cử làm Bí thư Liên Tỉnh ủy, Thành ủy Quảng Nam – Hội An – Đà Nẵng, gọi tắt là Đảng bộ Quảng Nam. Tháng 10-1943, do sự phản bội, khai báo của một Tỉnh ủy viên, Ông bị chính quyền Đông Pháp bắt và tòa án thực dân xử ông án tù chung thân, sau đó, giảm án xuống còn 25 năm tù và bị giam cấm cố tại các nhà tù Hội An, Buôn Ma Thuột.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. Trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta, buộc nhà cầm quyền Nhật tại Đông Dương phải thả một số tù nhân chính trị, trong đó có Võ Toàn. Ra tù, Võ Toàn hoạt động trong Tỉnh bộ Việt Minh Quảng Nam, làm Trưởng Ban khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 17-8-1945, khởi đầu từ Hội An, Quảng Nam khởi nghĩa thành công vào ngày 18-8-1945, trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Ông được cử làm Trưởng ty Tư pháp tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Đầu năm 1946, Ông được cử làm Phó Ban Tổ chức – Cán bộ và Thanh tra Quân khu IV, rồi làm Chính trị viên (Chính ủy) Trung đoàn 93. Năm 1951, Ông được cử làm Bí thư Ban Cán sự Đông – Bắc Miên, Khu ủy viên Liên khu IV. Tháng 3-1952 đến năm 1953, lần thứ ba, Ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng. Đầu năm 1954, Ông cùng đoàn cán bộ Liên khu 5 ra miền Bắc, học tập kinh nghiệm cải cách ruộng đất và được phân công làm Đoàn ủy viên cải cách ruộng đất ở Việt Bắc. Qua việc tiến hành cải cách ruộng đất, Ông đã phát hiện ra những sai lầm trong cải cách ruộng đất và đề nghị chỉ tiến hành giảm tô, hiến ruộng đất. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, Ông được tổ chức điều động trở lại Khu 5 hoạt động với chức Phó Bí thư Khu ủy. Nhiều năm công tác ở Khu ủy Khu V, Khu ủy Liên khu V. Tại Đại hội III của Đảng (tháng 9-1960), Ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy Khu 5.

Ngày 23-1-1961, Trung ương Cục miền Nam được thành lập, thay cho Xứ ủy Nam Kỳ. Với bí danh Võ Chí Công (Năm Công), Ông được phân công làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Năm 1962, Ông được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đại diện Đảng tại Mặt trận. Năm 1964, Ông tiếp tục làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy Khu V, Chính ủy Quân khu 5. Năm 1975, Ông được cử làm Phó Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Việt Nam. Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, Ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VI, giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản. Tháng 12-1976, tại Đại hội IV của Đảng, Ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, được Trung ương khóa IV bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban cái tạo nông nghiệp miền Nam. Tháng 4-1981, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VII, làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội V (tháng 3-1982), Ông tiếp tục được bầu vào Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, làm Thường trực Ban Bí thư, Phụ trách Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Tài chính – Quản trị Trung ương. Tháng 6-1986, tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), Ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 4-1987 đến năm 1991, Ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VIII và được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997, Ông là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Chức vụ cao nhất của đồng chí Võ Chí Công trong Đảng là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

Như vậy, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Công phần lớn là làm công tác Đảng. Ông đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng; xây dựng Đảng gắn với xây dựng chính quyền cách mạng; xây dựng Đảng gắn với xây dựng phong trào cách mạng của nhân dân.

Làm Thường trực Ban Bí thư có nghĩa là nghiên cứu, đề xuất chỉ đạo soạn thảo những văn bản của Trung ương và giải quyết công việc lớn hằng ngày của Đảng. Trải qua những năm, tháng làm công tác Đảng, nhất là thời gian làm Thường trực Ban Bí Thư, đồng chí Võ Chí Công có nhiều bài viết quan trọng về xây dựng Đảng, gắn bó, lăn lộn với công tác của Đảng và xây dựng Đảng. Đồng chí cho rằng, phải xác định nhận thức coi trọng xây dựng Đảng ở cả hệ thống dọc (trục tung) và hệ thống ngang (trục hoành). Hệ thống dọc là ở ba cấp: cấp cơ sở; cấp địa phương; cấp trung ương. Cấp cơ sở là chi bộ, đảng bộ cơ sở; cấp địa phương là cấp huyện, quận, tỉnh, thành và tương đương; cấp trung ương là các cơ quan trung ương của Đảng. Không nên coi nhẹ cấp nào, vì mỗi cấp có những đặc thù riêng. Nếu chỉ chú trọng xây dựng Đảng ở cấp trung ương, mà không chú trọng xây dựng Đảng ở cấp cơ sở thì sẽ dẫn đến tình trạng “lỏng chân đứng”. Nếu chỉ chú trọng xây dựng Đảng ở cấp cơ sở, mà không chú trọng xây dựng Đảng ở cấp trung ương sẽ dẫn đến tình trạng “có ngọn mà không có gốc”. Nếu chỉ chú trọng xây dựng Đảng ở cấp trung ương, cấp cơ sở, mà không chú trọng xây dựng Đảng ở cấp địa phương sẽ dẫn đến tình trạng “có ngọn, có gốc mà không có thân cây”. Tuy nhiên, mỗi một giai đoạn cách mạng, một thời điểm cách mạng, một hoàn cảnh cách mạng, thì công tác xây dựng Đảng nhấn mạnh ở cấp nào, cũng cần được xác định. Đây là niềm tâm sự của Võ Chí Công với những người đồng chí thân tín trong những tháng, năm làm công tác Đảng và công tác xây dựng Đảng. Thí dụ, thời bao cấp, ở nông thôn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, thì phải chú trọng xây dựng cấp huyện nhằm tháo gỡ những khó khăn cho huyện, từ đó mà đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn.

Hệ thống ngang là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Xây dựng Đảng về chính trị là xây dựng đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng sao phù hợp với hoàn cảnh, tình hình. Xây dựng Đảng về tư tưởng là xây dựng lập trường, quan điểm vững vàng, không hoang mang dao động trước mọi thử thách. Xây dựng Đảng về tổ chức là để có đầy đủ khả năng và điều kiện thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức phải gắn bó chặt chẽ với nhau, nếu bóc tách ra sẽ như cái “kiềng hai chân” hoặc “kiềng một chân”.

Có lần, đồng chí Võ Chí Công nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công tác tổ chức cũng còn kém, cho nên nhiều khi không bảo đảm được việc thi hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ”1.

Trong thời gian đồng chí Võ Chí Công làm Thường trực Ban Bí thư, công tác tổ chức đã được sắp xếp lại, như giải thể các ban cán sự đảng ở bộ, tổng cục, theo đó, ở các bộ, tổng cục trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, thành lập hội đồng bộ (tổng cục), thành phần gồm bộ trưởng và tổng cục trưởng, thứ trưởng và các tổng cục phó, một số vụ trưởng ở các khâu trọng yếu và một số tổng giám đốc, giám đốc các đơn vị liên hiệp sản xuất, kinh doanh hoặc cơ sở lớn trực thuộc. Bộ trưởng và tổng cục trưởng làm chủ hội đồng bộ và chủ tịch hội đồng tổng cục. Bí thư đảng ủy cơ quan bộ và cơ quan tổng cục không phải là thành viên hội đồng bộ và hội đồng tổng cục, nhưng được dự các cuộc họp của hội đồng bộ và hội đồng tổng cục. Việc thay thế ban cán sự đảng cấp bộ và cấp tổng cục bằng hội đồng bộ và hội đồng tổng cục sẽ làm cho công tác của bộ, tổng cục được chủ động hơn. Tuy nhiên, sau đó, hình thức tổ chức này lại trở lại với ban cán sự đảng ở cấp bộ.

Trong nhiều bài viết, bài nói, đồng chí Võ Chí Công luận rằng, muốn xây dựng Đảng thành công, những người làm công tác đảng phải biết khơi dậy tinh thần của đảng viên và quần chúng; tập trung được trí tuệ của cán bộ, đảng viên và quần chúng từ dưới lên để đề ra được nghị quyết sát, đúng, cụ thể, phù hợp với thực tế đời sống xã hội, bảo đảm vừa có tính tích cực cách mạng, vừa có căn cứ thực tế vững chắc, thể hiện đúng tinh thần trong các nghị quyết của Đảng. Ý chí và tinh thần là rất quan trọng. Có lần, Đồng chí tâm sự với những người làm công tác đảng, rằng, cán bộ, đảng viên mà không có tinh thần, thì có khác gì “con gà rù”, suốt ngày ủ rũ, không làm được việc gì, ăn quẩn bên chiếc cối xay; không có tinh thần sẽ không có hưng phấn làm việc, và như vậy, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo đồng chí Võ Chí Công, trong công tác Đảng và công tác xây dựng Đảng, phải theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa, trong xây dựng và hoạt động của đảng cộng sản, của nhà nước xã hội chủ nghĩa và của các tổ chức xã hội.

Đồng chí Võ Chí Công cho rằng, nếu vận dụng tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, chúng ta sẽ bầu ra được cấp ủy các cấp xứng đáng, có sức chiến đấu và phẩm chất cao, có năng lực lãnh đạo và tổ chức chỉ đạo thực hiện đường lối của Đảng; thể hiện tính liên tục trong xây dựng cơ quan lãnh đạo của Đảng. Nếu thực hiện tốt nguyên tắc này, còn phát hiện những cán bộ ưu tú trong phong trào để bổ sung vào cấp ủy.

Xây dựng Đảng, theo quan điểm của đồng chí Võ Chí Công, là phải chú trọng xây dựng hình tượng người người đảng viên cộng sản gương mẫu, thể hiện là hết lòng hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, trung thành với Đảng và nhân dân, nói đi đôi với làm, bền bỉ trong công tác và nghiên cứu, có ý thức tổ chức và kỷ luật cao, có đầu óc sáng tạo. Tấm gương sáng về gương mẫu của người đảng viên sẽ là tiền đề để nêu tấm gương sáng trong quần chúng. Nhiều đảng viên có tấm gương sáng sẽ làm cho Đảng sáng lên trong lòng dân, và như vậy, dân sẽ đặt niềm tin vào Đảng, sẽ thu hẹp khoảng cách giữa Đảng và dân.

Nêu tấm gương sáng, tận tụy phấn đấu vì Đảng, vì dân vẫn là hình ảnh tươi đẹp của người cán bộ cụ Hồ. Một hành động gương mẫu có giá trị bằng nhiều lời nói, một việc làm hay có giá trị hơn những bài diễn thuyết, một cử chỉ lịch lãm sẽ làm cho người ta cảm động. Đạo đức bản thân trong sáng làm cho người ta kính nể. Người cán bộ lãnh đạo nhận được lời khen của dân còn quý hơn được tặng vàng bạc.

Trong xây dựng Đảng, đồng chí Võ Chí Công rất chú trọng đến việc bồi dưỡng đào tạo cán bộ đảng, cán bộ chính quyền ở trong nước và ngoài nước. Đồng chí  nói rằng, không đào tạo có nghĩa là không có cán bộ, mà không có cán bộ thì không có phong trào, không có ai làm công việc cho Đảng và cho Nhà nước.

     Trong xây dựng Đảng, đồng chí Võ Chí Công chú trọng đến việc xây dựng các cơ quan tham mưu của Đảng. Trải qua những năm, tháng làm công tác Đảng, Ông rút ra một vấn đề là nếu không kiện toàn các cơ quan tham mưu, cán bộ làm công tác tham mưu, thì cấp ủy không thể có được sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng. Cán bộ làm công tác tham mưu giỏi sẽ làm cho cấp ủy giỏi và ngược lại. Vì vậy, trong điều 32 của Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa V đã ghi rõ: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng phải kiện toàn tất cả các cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương và của Hội đồng Bộ trưởng”1.

 Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà Nước:

Từ tháng 4-1987 đến năm 1991, đồng chí Võ Chí Công trúng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VIII và được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Tuy không làm công tác Đảng nữa, nhưng đồng chí Võ Chí Công vẫn gắn bó với công tác Đảng, đóng góp nhiều ý kiến quý báu về xây dựng Đảng đi đôi với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân.

Khi nhận trọng trách Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, công cuộc đổi mới đất nước đã thực hiện được một năm. Lúc này, Bộ Chính trị ra Quyết định số 03-QĐ/TW, ngày 14-3-1987, về việc thành lập Ban Soạn thảo Cương lĩnh và Chiến lược phát triển kinh tế và xã hội, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh làm Trưởng Ban. Đồng chí Võ Chí Công là Thành viên của Ban. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào việc soạn thảo Cương lĩnh.

Công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế bắt đầu được thực hiện. Đồng chí Võ Chí Công ngày đêm trăn trở vấn đề này. Trong quá trình thảo luận, có một số đồng chí cho rằng, lúc này, Trung ương chưa nên ra nghị quyết về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, vì điều kiện chưa chín. Đồng chí Võ Chí Công lại cho rằng, cần phải đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Trước mắt, phải chọn những vấn đề đã rõ và có thể kết luận được để ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết, không thụ động chờ đợi. Vì vậy, nội dung nghị quyết Trung ương lần này chỉ là đổi mới một bước cơ bản về cơ chế quản lý kinh tế, mở đầu bằng khâu chủ yếu là chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế cơ sở, đồng thời, đổi mới một bước cơ chế quản lý nhà nước về kinh tế, tạo thuận lợi cho cơ sở, vừa tăng cường được hiệu lực quản lý của Nhà nước. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm là phương châm của chúng ta.

Lúc này, vấn đề phân phối lưu thông được đặt ra một cách gay gắt. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã có những đóng góp quan trọng, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông. Đồng chí nhận định rằng, trong đời sống kinh tế nước ta hiện nay (thời điểm năm 1987,1988,1989) là nạn phát trầm trọng mà nguyên nhân trực tiếp của lạm phát là bội chi ngân sách lớn, dẫn đến giá cả tăng vọt, tiền lương thực tế giảm, tệ tranh mua, tranh bán đẩy giá lên cao đối với hàng tiêu dùng trong nước cũng như hàng xuất khẩu. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải giải quyết một bước những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông bằng việc giảm bội chi ngân sách, giảm dần nhịp độ tăng giá, giảm tốc độ lạm phát “phi mã”, đổi mới cơ chế chính sách, góp phần giải phóng sức sản xuất, mở rộng giao lưu hàng hóa, chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, bước đầu mở rộng thị trường Việt Nam ra thị trường thế giới bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã đẹp, thu hút hàng Việt Nam ra thị trường thế giới.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công rất chú trọng đến vấn đề soạn thảo luật pháp và thi hành pháp luật. Đồng chí đã chỉ đạo sát sao vấn đề này. Đồng chí rất quan tâm đến đời sống nhân dân, quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội và an ninh xã hội. Đồng chí đã có nhiều chuyến đi tới các địa phương, cơ sở để nắm tình hình và động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất. Thời gian Đồng chí làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước không dài, nhưng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng chí Võ Chí Công là con người suốt đời tận tụy vì sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của Nhân dân. Đất nước độc lập, nhân dân có cuộc sống ấm no, dân chủ, hạnh phúc là niềm tự hào của nhà cách mạng chuyên nghiệp Võ Chí Công – Ông vẫn thường tâm sự như vậy.

Chủ tịch Võ Chí Công mất ngày 8-9-2011, thọ 99 tuổi.

------

Bài đăng báo Quân đội Nhân dân, số ra ngày 7-8-2017. 

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 43,  Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 28.

1 Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 43, sđd, tr. 496.