Mới cập nhật

Những mẩu chuyện ngoài xã hội: Chuyện bố tôi và nghịch lý về biên chế





Bố tôi trước làm ở Văn phòng UBND huyện nhà. Năm 1972 vì mẹ mắc bệnh nan y, bố tôi xin nghỉ theo diện tinh giản biên chế để về chăm sóc bà, do những năm tháng đó còn chiến tranh. Vì thế tôi cứ nhớ mãi, tinh giản biên chế bộ máy hành chính đã có từ thời quốc hiệu còn là Việt Nam dân chủ cộng hòa.





Chuyện bố tôi và nghịch lý về biên chế
 45 năm, tức là gần nửa thế kỷ đã qua. Chưa có ai thống kê đã có bao nhiêu nghị quyết, chiến lược, đề án... của quốc gia; bao nhiêu người đã trở thành giáo sư, tiến sỹ khi nghiên cứu về tổ chức bộ máy nhà nước và... tốn kém bao nhiêu tiền của vì vấn đề này. Nghịch lý là biên chế ngày càng phình ra. Ai cũng biết, càng hô hào giảm đầu mối, giảm biên chế, ở từng ngành, từng lĩnh vực, biên chế, đầu mối lại tăng thêm.



Số bộ, ngành hiện giảm xuống còn 22 nhưng lại có tới 198 đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân, trong đó có rất nhiều đơn vị “ngang bộ” – nếu như nói về tiêu chuẩn lương, xăng xe của lãnh đạo. Tổng biên chế cả nước tính đến 31/12/2015 là 3.563.000 người, nhưng đến 1/2/2017 không những không giảm, mà còn tăng lên gần 3.600.000 người.

Ông Bùi Quang Vinh khi đang còn là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT có câu nói khá nổi tiếng “Chúng ta đổi mới kinh tế 30 năm nhưng thể chế chính trị của chúng ta vẫn là thể chế chính trị thời bao cấp”. Tại sao vậy?

Sự bất cập thể hiện ngay trong tổ chức bộ máy Nhà nước. Tổ chức chính trị - xã hội cũng tương tự. “Bộ tứ”: Mặt trận, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Phụ nữ...  vai trò na ná như nhau. Nhiều ban bệ thì nhiều cán bộ. Có tổ chức chỉ có chục người mà tới bảy, tám cán bộ lãnh đạo với đầy đủ vụ trưởng, ba, bốn hàm vụ trưởng; rồi vụ phó, thậm chí năm, bảy vụ phó. Bao nhiêu lãnh đạo thì chừng ấy xe cộ, chừng ấy lái xe.

Điều đáng lo ngại là số lượng công chức, cán bộ hưởng lương, chế độ đãi ngộ cấp cao đang ngày một tăng nhanh. Cấp tướng trong quân đội và công an hiện nay ai cũng thấy được bổ nhiệm quá nhiều. Nghịch lý vô cùng là cấp trung gian/tổng cục và đơn vị trực thuộc Bộ trưởng rất nhiều tướng, nhưng cấp chỉ huy cơ sở lại “bị hãm”, tạo ra sự không công bằng về “chế độ lương” ngay chính trong lực lượng vũ trang. Ngân sách nào chịu nổi. Chi thường xuyên, chi cho hội họp, lễ hội đã chiếm tới 75 -85% ngân sách nhà nước; chi cho đầu tư chỉ còn lại 15-16% thì làm sao mà phát triển được.

Bộ máy nhà nước cũng gần như bị mắc căn bệnh “hiểm nghèo” đó là “hội chứng đám đông”. Đó là đua nhau lập ra “cấp vụ” để có hệ số lãnh đạo vụ trưởng, vụ phó ngay ở các đơn vị như báo chí cấp bộ, đua nhau thành lập truyền hình... Đó là quan liêu hóa, hành chính hóa trong bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Đã đến lúc phải mạnh dạn cắt bỏ bớt các tổ chức chồng chéo. Không nhất thiết chính quyền có tổ chức gì thì hệ thống đảng, đoàn thể phải có tổ chức ấy. Điều quan trọng là điều hành hiệu lực, hiệu quả và cơ chế giám sát chặt chẽ, không biến bộ máy thành vật cản của phát triển.

Theo báo Pháp luật Việt Nam