Mới cập nhật

CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP

  

 PGS,TS Đàm Đức Vượng

Có không ít người cứ loay hoay mãi chuyện khởi nghiệp, không biết lập nghiệp bằng con đường nào thì thành công? Chuyện kế rằng, có người đi vay được một khoản tiền 50 triệu đồng để lập nghiệp. Đầu tiên anh ta thuê một cửa hiệu để kinh doanh với giá tiền nhà 10 triệu đồng/tháng, rồi mở hiệu bán phở. Cả tháng trời anh ta chỉ bán được có vài chục bát phở, lỗ “chổng vó”, buộc phải sập tiệm. Hỏi ra mới biết sở dĩ rất ít người ăn phở của anh ta, vì nước ngọt anh ta cho mì chính vào, trong khi đó, các cửa hiệu phở khác, nước ngọt họ lại ninh hầm bằng xương bò, tạo nên chất ngọt đậm đà bằng xương. Việc khởi nghiệp bị thất bại thảm hại. Anh ta lòng buồn rười rượi, than rằng, khởi nghiệp sao mà khó thế?


Khởi nghiệp mà thất bại, dễ gây hoang mang chán nản, nhưng nếu thành công, hy vọng trào dâng, tâm can phấn khởi.

Tại nhiều nước, các nhà kinh doanh trẻ tuổi thi nhau khởi nghiệp, điển hình là Israel. Israel nêu khẩu hiệu: “Start-up Nation” (Quốc gia khởi nghiệp). Quốc gia khởi nghiệp này đã tạo nên một nền kinh tế thần kỳ của thế kỷ 21. Trong khi một số nước lại coi nhẹ phát triển nông nghiệp, thì ở Israel, mọi ứng dụng công nghệ cao đều bắt nguồn từ ngành nông nghiệp. Mô hình hợp tác xã nông trang trở thành điểm xuất phát cho các ngành khác và người nông dân trở thành nhà khoa học ứng dụng. Ở Israel, chiến lược phát triển thường là mục tiêu kép. Tư duy của người Israel thường là “một công đôi việc”. Thí dụ, như phát triển ngành hàng không, bao giờ cũng phù hợp cho cả dân sự lẫn quân sự. Sự hợp tác giữa quân đội và các ngành công nghiệp dân sự đã trở thành vườn ươm công nghệ, mang đến cho rất nhiều người trẻ tuổi được tiếp cận với những trang thiết bị hiện đại, tối tân và kinh nghiệm quản lý. Ở Israel, có sự kết hợp hài hòa giữa Chính phủ và người khởi nghiệp. Chính phủ đã vạch đường chỉ lối cho các nhà khởi nghiệp tiến thân.

Tại Việt Nam, những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước cũng đã bắt đầu chú ý đến vấn đề khởi nghiệp cho những nhà kinh doanh trẻ tuổi, tuy còn rất nhiều việc phải làm chung quanh vấn đề này.
Câu hỏi đặt ra tại sao khi khởi nghiêp người thành công, người thất bại?. Tất cả đều có nguyên nhân của nó.
Khởi nghiệp là lập nghiệp. Nếu khởi nghiệp thành công sẽ làm nên sự nghiệp. Vậy muốn khởi nghiệp thành công, người khởi nghiệp phải có tư duy. 

Vấn đề thứ nhất là phải nghĩ ngay đến nguồn vốn ban đầu lấy ở đâu để khởi nghiệp? Có người chuyên “lấy ngắn nuôi dài”, đi vay ít một, rồi tăng tỷ lệ lãi vào vốn, cứ thế, từ nhỏ bé mà lớn dần lên trong quá trình kinh doanh. Ở đây, không nhất thiết cứ phải đi vay ngân hàng, vì vay phải trả lãi, lãi trả ngân hàng có khi vượt trội hơn cả lãi ròng. Vì vậy, có người nói vay vốn ngân hàng thường là “con dao hai lưỡi”. Tôi biết có một số công ty, giám đốc khi khởi nghiệp không hề vay vốn ngân hàng mà vẫn khởi nghiệp thành công. Đó là nhờ huy động tốt “sức dân”. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hãng sơn lớn CHC của Đỗ Thị Hoài, thường tự hào, nói rằng, đến nay, Tập đoàn CHC (Group) của chúng tôi không hề vay ngân hàng một đồng nào để kinh doanh, xem đó như một thắng lợi trong kinh doanh. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, có nhiều công ty nhờ vay vốn ngân hàng mà khởi nghiệp thành công. Điều này, còn phụ thuộc vào khả năng huy động vốn của người khởi nghiệp. 

Vấn đề thứ hai là phải biết cách chọn nghề để khởi nghiệp. Chọn đúng nghề, khởi nghiệp thành công, chọn sai nghề, khởi nghiệp thất bại. Chọn nghề để khởi nghiệp vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Muốn vậy, phải có sự tính toán, cân nhắc, nên chọn nghề nào theo lối loại trừ mặt hàng kinh doanh trên thị trường. Có những mặt hàng kinh doanh “ăn ngay”, như mở cửa hàng ăn uống, của hàng thực phẩm, cửa hàng bán sơn, cửa hàng may mặc, cửa hàng mỹ phẩm,…, vì những mặt hàng này, người tiêu dùng phải tiêu dùng hằng ngày. Có nhiều mặt hàng đã bão hòa, người khởi nghiệp phải cân nhắc, tính toán cần thận trước khi quyết định lấy mặt hàng đó làm nghề kinh doanh. 

Vấn đề thứ ba là phải tính đến khâu sản xuất hay khâu kinh doanh. Nếu tính đến khâu sản xuất có lợi hơn kinh doanh, thì đi vào sản xuất; còn nếu tính khâu kinh doanh có lợi hơn sản xuất, thì đi vào kinh doanh. Đã có một số nhà kinh doanh xây dựng các nhà máy ngay tại địa phương nơi tiêu thụ để giảm chi phí vận chuyển. Đó cũng là một sáng kiến tốt. 

Vấn đề thứ tư phải có đầu óc tổ chức tốt công việc, nhất là vấn đề phân công công việc. Việc cắt đặt công việc cho từng người trong đơn vị của mình là rất quan trọng. Người có khả năng làm thợ mộc, anh không thể bố trí họ đi làm thợ rèn. Người có khả năng điều khiển máy phát điện, anh không thể bố trí để họ làm thợ nguội,… Tổ chức nhân sự là quan trọng hơn hết. Làm tốt, nó sẽ tạo nên sự cân đối, đoàn kết trong công ty và ngược lại.

Trên đây là 4 vấn đề của khởi nghiệp, làm tốt, chắc chắn bạn sẽ thành công.

Bài đăng trên tạp chí Việt Nam Hội nhập số ra ngày 20-3-2018