Mới cập nhật

Nghiên cứu về điều trị ung thư đạt giải Nobel Y học 2018

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm ngày 1/10 thông báo, 2 nhà khoa học James P. Allison và Tasuku Honjo đã đạt giải Nobel Y học năm 2018 nhờ phương pháp tiếp cận mới trong điều trị ung thư.



Hai nhà khoa học James P. Allison (phải) và Tasuku Honjo (Ảnh: Youtube)
Hai nhà khoa học James P. Allison (phải) và Tasuku Honjo (Ảnh: Youtube)

Theo trang web chính thức của giải thưởng Nobel, hai nhà khoa học James P. Allison (người Mỹ) và Tasuku Honjo (người Nhật Bản) đã vinh dự nhận được giải Nobel Y học năm 2018 cho phát hiện về liệu pháp điều trị ung thư bằng phương pháp điều hòa miễn dịch âm tính. Giải thưởng được công bố lúcc 11h30 sáng ngày 1/10 (giờ Thụy Điển), tức 16h30 giờ Việt Nam.

Thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhấn mạnh rằng, công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học trên có thể tạo nên bước ngoặt trong cuộc chiến chống ung thư. Allison và Honjo đã tận dụng khả năng của hệ miễn dịch để tấn công các tế bào ung thư bằng việc giải phóng cơ chế ngăn chặn trên các tế bào miễn dịch.

Nhà khoa học James P. Allison, 70 tuổi, người Mỹ hiện là giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas (Mỹ). Ông đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu về phương pháp điều trị ung thư bằng hệ thống miễn dịch.

Ông Tasuku Honjo, 76 tuổi, người Nhật Bản, giáo sư tại trường Đại học Kyoto từ năm 1984.
Nghiên cứu của 2 ông đã thắp nên hy vọng cho việc tìm ra giải pháp cho việc đẩy lùi căn bệnh ung thư, vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trong nhiều năm qua.

Trước đó, vào năm 2017, giải Nobel Y học năm đã được trao cho các nhà khoa học Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young vì những phát hiện của họ về cơ chế phân tử kiểm soát cơ chế nhịp sinh học hay còn gọi là đồng hồ sinh học của cơ thể. Các công trình nghiên cứu của 3 nhà khoa học Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young đã giúp giải thích cơ chế vận hành thực sự của đồng hồ sinh học trong các cơ thể sống.

Năm 2016, nhà khoa học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi, 72 tuổi, đã giành giải Nobel Y học do phát hiện của ông về các cơ chế phân tách và tái tạo tế bào. Công trình nghiên cứu của ông Ohsumi có ý nghĩa quan trọng vì nó giúp giải thích cơ chế bất thường trong một loạt căn bệnh, từ ung thư đến Parkinson.

Các giải Nobel do Alfred Nobel, một doanh nhân và nhà phát minh người Thụy Điển, sáng lập. Giải Nobel được trao tặng lần đầu vào năm 1901, năm năm sau khi ông Nobel qua đời.
Ban đầu giải thưởng chỉ có 5 hạng mục bao gồm các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đã đưa thêm vào một giải về lĩnh vực kinh tế.
Theo nguyện vọng của Alfred Nobel, giải Nobel Hòa Bình được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra. Trong khi đó, các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển quyết định.
Hiện tại, mỗi giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 9 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1 triệu USD).

Lịch trình dự kiến công bố giải Nobel trong các lĩnh vực năm 2018 (Giờ Thụy Điển)
Ngày 2/10 công bố giải Nobel Vật lý lúc 11h45
Ngày 3/10 công bố giải Nobel Hóa học lúc 11h45
Ngày 5/10 công bố giải Nobel Hòa bình lúc 11h00
Ngày 8/10 công bố giải Nobel Kinh tế lúc 11h45

Đức Hoàng