Mới cập nhật

Câu chuyện văn hóa: Niềm vui tội nghiệp

Tôi đang làm vài động tác thể dục buổi sáng trong nhà thì có tiếng chuông cổng. Chị Ngọc vẫy vẫy: Ra đây, ra đây mau.

Tôi vội vàng ra cổng, đã thấy chục chị đứng túm tụm trong sân nhà chị Ngọc. Nét mặt ai cũng rạng rỡ, vui vẻ.
– Có chuyện gì mà mọi người tụ họp sớm thế? Tôi tò mò.
– Nhà ông Ninh sắp chuyển chỗ khác rồi.
– Xóm ta sắp thoát nạn rồi.
– Không biết bao giờ họ đi nhỉ?
– Ước gì họ đi ngay ngày hôm nay…


Thì ra là thế này. Sáng nay, mấy chị đi bộ tập thể dục qua nhà ông Ninh, thấy trước cổng treo tấm biển đề chữ “Bán nhà”. Tin vui từ đấy lan ra khắp xóm.
 
Ông bà Ninh về làm cư dân xóm được dăm năm nay. Ông bà đều là cán bộ hưu, nghe nói trước đây cũng có chức sắc, của nả dư dật. Họ mua hẳn khu đất gần một nghìn mét vuông, làm nhà vườn, cổng cao tường kín. Nói chuyện với mọi người trong xóm, ông bà bảo về già muốn ở chỗ rộng, tự túc rau xanh, thực phẩm ăn uống cho an toàn, có sân vườn cho con cái cháu chắt cuối tuần về có chỗ chơi.
Nói là làm, ông bà thuê người thiết kế, xây dựng, chỗ là khu vui chơi, chỗ để trồng trọt, chỗ làm chuồng trại chăn nuôi.

Chẳng biết ông trồng trọt, chăn nuôi như thế nào, chỉ biết vài tháng sau, hàng xóm ngửi thấy mùi hôi thối. Vì tường rào bao quanh cao ngất nên họ chỉ phỏng đoán đó là mùi phân gà, phân lợn bốc ra từ khu chuồng trại. Chưa hết, dân xóm bắt đầu bị tra tấn bởi tiếng lợn kêu đòi ăn rít lên om sòm, tiếng gà gáy, mổ nhau, gọi trống… rầm rĩ đêm ngày. Lạ cái, hỏi sao ông bà chăn nuôi để khổ cho dân xóm thế thì cả ông cả bà đều trả lời tỉnh queo: “Tôi chả nghe, chả ngửi thấy gì”. Hóa ra, nhà ông bà có hệ thống cách âm và khu chuồng trại ông bà dùng quạt công suất lớn quạt thốc hết mùi về phía… dân làng.
Cuối tuần, con cháu ông bà Ninh ở Hà Nội về nghỉ dưỡng, chúng mời bạn bè đến, xe cộ rầm rập, chúng thịt lợn, thui gà, ăn uống, mở nhạc hát hò, nhảy nhót đến tận khuya. Chỉ tội những nhà quanh đấy phải lấy bông bít lỗ tai, chui vào phòng đóng kín cửa tìm kiếm sự yên tĩnh.

Rồi có đơn của một số hộ yêu cầu xã giải quyết việc gia đình ông Ninh chăn nuôi, sinh hoạt làm ảnh hưởng đến môi trường sống khu dân cư. Xã mời gia đình lên làm việc thì ông bà liền đi du lịch dài ngày, nhà cửa phó thác cho người giúp việc. Đợi ông bà có mặt ở địa phương, xã lập đoàn công tác đến tận nhà xem xét tình hình, thì ông bà cáo ốm, không tiếp khách. Thời gian trôi đi và hàng xóm tiếp tục phải sống trong cảnh tra tấn của gia đình ông Ninh.
Những lúc đi bộ với nhau, có chị bức xúc bảo: “Tôi cầu cho đàn lợn, đàn gà, đàn chó nhà ông bà ấy lăn ra chết hết đi”. “Ấy ấy, con vật có tội gì đâu, người đáng trách là ông bà Ninh, rồi họ sẽ phải chịu hậu quả” – một bà khác điềm tĩnh nói.

Chẳng biết có phải do “độc mồm” không mà thời gian gần đây ông bà Ninh đi viện suốt. Nghe nói bà có cái u ở phổi, còn ông thì bị đau đầu chưa rõ nguyên nhân. Con cháu ông cũng ít tụ họp vì bọn trẻ cứ ở nhà ông bà về là ốm sốt, chúng nghi do đất hoặc nước khu vực này có chất độc hại.
Đấy là lý do ông Ninh đề biển “Bán nhà” và là khởi nguồn cho niềm vui của dân làng hôm nay.
Bỗng chị Ngọc lên tiếng: Không biết bao giờ ông bà ý mới bán được nhà? Mới lại, chủ sau tiếp tục chăn nuôi như ông bà Ninh thì sao nhỉ?
 
Tất cả chùng xuống, lo lắng lại hiện về trên những gương mặt mới vui được giây lát.
Thế đấy. Có được hàng xóm tốt hay không phần nhiều do may rủi. Cứ nghĩ đến niềm vui tội nghiệp của những người cùng xóm khi tống tiễn được ông bà Ninh đi nơi khác, tôi lại thấy buồn.

Ngô Minh