Mới cập nhật

“ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG” MỘT TÁC PHẨM THỂ HIỆN PHẨM CHẤT NGƯỜI CỘNG SẢN*

Kỷ niệm 60 năm xuất bản tác phẩm “Đạo đức cách mạng” (1958-2018) của Chủ tịch Hồ Chí Minh   

PGS,TS Đàm Đức Vượng
     




Bối cảnh ra đời của tác phẩm “Đạo đức cách mạng”

Năm 1958, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”. Tác phẩm này dày tới 12 trang in, khổ giấy 15x22 cm. Tác phẩm được đăng trong tạp chí “Học tập” (Tạp chí Cộng sản), số 12-1958. Sau đó, được in trong “Hồ Chí Minh Toàn tập” 12 tập (tập 9) và “Hồ Chí Minh Toàn tập” 15 tập (tập 11), được xem như một tác phẩm mẫu mực (mặc dù chỉ có 12 trang) trình bày về đạo đức cách mạng.
“Đạo đức cách mạng” ra đời trong bối cảnh toàn dân ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Lúc này, ở miền Bắc đã hoàn thành thời kỳ khôi phục kinh tế (1955-1957) và bước vào thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958-1960). Muốn cải tạo tốt, người cộng sản không gì khác hơn là rèn luyện đạo đức cách mạng, bởi vì có rèn luyện đạo đức cách mạng tốt, thì cải tạo mới tốt được.
Xét về mặt triết học, đạo đức là một trong những hình thái ý thức xã hội, một chế định xã hội thực hiện chức năng điều chỉnh hành vi của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, không trừ một lĩnh vực nào. Sự đánh giá về mặt đạo đức xác định những hành vi đã làm có phù hợp hay không phù hợp với những yêu cầu của đạo đức. Trong đạo đức có đạo đức cách mạng (đạo đức cộng sản chủ nghĩa), đó là toàn bộ những nguyên tắc sống và những quy phạm đạo đức phù hợp với hình thái kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa. Tiêu chuẩn khách quan của đạo đức cách mạng là đấu tranh cho sự toàn thắng của chủ nghĩa xã hội. Những nguyên tắc của đạo đức cách mạng tạo nên những quy tắc đạo đức của người cán bộ, đảng viên.

 Nội dung chủ yếu của tác phẩm “Đạo đức cách mạng”

Trước hết, qua tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân là thứ trái ngược với chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa xã hội. Theo Người, có chống chủ nghĩa cá nhân mới xây dựng đạo đức cách mạng được. Trong tác phẩm này, Người nhiều lần nhắc đến chủ nghĩa cá nhân và chống chủ nghĩa cá nhân. Vấn đề này, sau đó, Người đã nêu tiếp trong một số tác phẩm, trong đó có tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, viết năm 1969. Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Người luận rằng, những người theo chủ nghĩa cá nhân thường biểu hiện ở việc “kể công” với Đảng, đòi ưu đãi, hưởng thụ, danh dự và địa vị, đòi hỏi quá nhiều quyền lợi cá nhân. Có ít nhiều thành tích, thì họ muốn Đảng “cảm ơn” họ. Nếu không thỏa mãn yêu cầu của cá nhân, thì họ oán trách Đảng, cho rằng họ “không có tiền đồ”, họ “bị hy sinh”, rồi dần dần xa rời Đảng, vi phạm kỳ luật Đảng, phá hoại chính sách của Đảng và Nhà nước. Đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí. “Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh. Họ sợ tự phê bình thì sẽ mất thể diện, mất uy tín” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.608). Đó cũng là một thứ chủ nghĩa cá nhân, cần phải phê phán. Người nhận định, hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí, sinh bệnh quan liêu, mệnh lệnh, kèn cựa, địa vị, vác mặt làm “quan cách mạng”, chung quy là họ không làm nên trò trống gì. Quan điểm của Người là đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”, mà là tôn trọng lợi ích cá nhân. Nhưng lợi ích cá nhân phải nằm trong lợi ích của tập thể, không mâu thuẫn với lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Một khi lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể. Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người kết luận: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr. 611).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức cách mạng thể hiện ở mối quan hệ giữa đảng viên và quần chúng, ở cái nghĩa cái tình với nhân dân. Người nói: “Đảng ta là một đảng có tính chất quần chúng, có hàng chục vạn đảng viên” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.608). Vì vậy, phải có mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng. Người đảng viên cũng như quần chúng, mỗi khi có khuyết điểm phải thành thật tự phê bình và phê bình để giúp đỡ nhau tiến bộ. “Đảng viên phạm sai lầm thì sẽ đưa quần chúng đến sai lầm, cho nên khi có sai lầm thì các đồng chí ấy sẵn sàng và kịp thời sửa chữa, không thể để nhiều sai lầm nhỏ cộng thành sai lầm to” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.608). “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr. 608, 609).  Đó là mối quan hệ thiết thực nhất giữa Đảng và quần chúng. Theo Người, khuyết điểm lớn là đảng viên không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Khuyết điểm này cần phải sửa chữa ngay. Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, gần dân, thân dân, cùng với nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu vấn đề đạo đức cách mạng phải được thể hiện ở việc học tập, nghiên cứu, làm việc để không ngừng tiến bộ. Theo Người, trong học tập, trước hết, phải học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, vì có học tập chủ nghĩa Mác – Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.611). Người phê bình một số người học thuộc lòng sách vở của chủ nghĩa Mác – Lênin. Họ cho mình là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin hơn ai hết, nhưng khi va chạm đến thực tế, thì lúng túng hoặc giải quyết một cách máy móc. Những người này học sách vở Mác – Lênin, nhưng không học tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin, tinh túy của chủ nghĩa Mác – Lênin, sáng tạo trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin. Học để trang sức, chứ không phải vận dụng vào công việc cách mạng. Xét cho cùng, đó cũng là chủ nghĩa cá nhân.
Đạo đức cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự rèn luyện lập trường tư tưởng vững vàng, không hoang mang dao động khi gặp khó khăn, không nản chí khi gặp hoạn nạn, có ý chí vươn lên mạnh mẽ trong bất kỳ hoàn cảnh nào; có tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; ở việc tôn trọng con người, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận:
 “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là:
 Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.
Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.
Đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.
Ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”.
(Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr. 603).
Đó là những giá trị bền vững của tinh thần “Đạo đức cách mạng”.     
60 năm đã trôi qua kể từ khi tác phẩm “Đạo đức cách mạng” ra đời, đất nước đã có bao đổi thay. Nhiều cán bộ, đảng viên đã ra sức học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa vững mạnh. “Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” ((Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr. 612).
------     
*  Bài đăng  báo Quân đội Nhân dân, số ra ngày 11-12-2018