Mới cập nhật

70 NĂM RA ĐỜI TÁC PHẨM “ĐẢNG TA” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (MÙA XUÂN 1949 – MÙA XUÂN 2019)*

PGS,TS Đàm Đức Vượng
     


Lại một mùa Xuân mới về với non sông đất nước của chúng ta. Nhìn cành đào nở hoa, chúng ta bồi hồi nhớ lại cách đây 70 năm, mùa Xuân năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Trần Thắng Lợi viết tác phầm “Đảng ta”. Tác phẩm này được đăng trong tập sản “Sinh hoạt nội bộ”, số 13, tháng 1-1949, Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ Hà Đông xuất bản thành sách năm 1950. Trong “Hồ Chí Minh Toàn tập” 12 tập và “Hồ Chí Minh Toàn tập” 15 tập, đều đăng lại tác phẩm này. Đến nay, tác phẩm quan trọng này ra đời đã được 70 năm (1949-2019). 
Qua tác phẩm này, Người đã lược lại quá trình đấu tranh anh dũng của Đảng và nhân dân ta. Người nói: “Nhân ngày kỷ niệm thành lập Đảng, tôi nhắc lại vài mẩu chuyện của Đảng cho các đồng chí trẻ biết” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 2).
Người kể rằng, năm 1921, trong cuộc Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua (Tours), nước Pháp. Đảng ấy chia làm hai phái: Phái thiểu số thì cứ giữ lấy Đảng Xã hội cũ. Phái đa số thì lập Đảng Cộng sản Pháp. Người gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản đầu tiên ở Đông Dương. Năm 1925, Người cùng các đồng chí của mình tổ chức ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội – gọi tắt là Thanh niên). Hội này đưa thanh niên trong nước ra Quảng Châu huấn luyện họ, rồi phái họ trở về nước hoạt động cách mạng. Sau đó, trong nước dần dần hình thành ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Cùng với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ba tổ chức cộng sản là những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ba tổ chức cộng sản đã có nhiều công lao đóng góp vào kho tàng cách mạng Việt Nam. Cả ba tổ chức cộng sản này đều muốn tìm cách để đi đến thống nhất, nhưng do cách làm của họ không khéo, cho nên không thống nhất được. Trước tình hình đó, Người đã đứng ra thống nhất ba tổ chức cộng sản lại để lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là Hội nghị hợp nhất (thống nhất) các tổ chức cộng sản ở trong nước lại. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 3-2 đến ngày 7-2-1930 (trước đó, là ngày 6-1-1930), tại Hương Cảng (Hồng Kông). Dự Hội nghị thành lập Đảng có các đồng chí: Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản, chủ trì, Trịnh Định Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, thay mặt Đông Dương Cộng sản Đảng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu, thay mặt An Nam Cộng sản Đảng; có 2 đại biểu hoạt động tại nước ngoài cũng đến dự. Đó là Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mới thành lập (1-1-1930), lại nhận được giấy mời chậm, cho nên không kịp cử đại biểu đi dự. Tuy nhiên sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn làm đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và đã được Đảng chấp nhận. “Thế là Đảng ta chân chính được thành lập” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, sđd, tr. 3).
Đảng được thành lập, phát triển rất mau, hoạt động rất mạnh. Từ đó trở đi, phong trào cách mạng ở nước ta đều do Đảng ta lãnh đạo. Đảng đã tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Trong tác phẩm “Đảng ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi công “những đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Minh Khai cùng trăm nghìn đồng chí khác” (Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 6, tr. 4). Trải qua bao nhiêu cơn sóng gió, bão bùng, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, thử thách, Đảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn. Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất mà Đảng ta và dân tộc ta đã giành được những thắng lợi vẻ vang như ngày nay. Người căn dặn: “Tuy vậy, chúng ta tuyệt đối không được tự kiêu, tự đại” (Hồ Chí Minh Toàn tập, sdd, tập 6, tr. 6). Người nêu rõ: Chúng ta có nhiều thành công, nhưng chúng ta cũng còn nhiều khuyết điểm. Vì vậy, mỗi đồng chí ta cần phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình, tự xem lại mình đã bỏ hết bệnh chủ quan, hẹp hòi chưa; đã bỏ hết tư ý tiểu khí chưa; đã luôn luôn cố gắng học tập, cầu tiến bộ chưa; đã thực hiện đoàn kết chưa; đã thật là người kiểu mẫu trong phong trào thi đua ái quốc chưa? Nếu chưa làm được, thì phải làm cho bằng được. Người luận rằng, sứ mệnh của Đảng rất to. Công việc của Đảng rất nhiều, đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên phải cố gắng, nỗ lực hết sức mình, làm trọn nhiệm vụ của mình. “Không có vinh dự nào to bằng cái vinh hạnh được làm đảng viên của Đảng Cộng sản. Vì vậy, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, làm công việc gì, chúng ta cũng phải kiên quyết làm cho xứng đáng với vinh hạnh ấy. Như thế thì dân tộc giải phóng nhất định thành công, thế giới cách mạng nhất định thành công” (Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 6, tr. 6).
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đảng ta” là để “Tặng các đồng chí chi bộ”, mong các đồng chí trong chi bộ hãy phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, truyền thống cách mạng của dân tộc, qua đó mà mang hết sức mình ra làm việc cho Đảng, cho nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng. Người rất coi trọng chi bộ và  đảng viên, coi trọng sinh hoạt đảng, đấu tranh phê bình và tự phê bình. Chi bộ là tế bào của Đảng, là tổ chức cơ sở của Đảng. Đảng viên là tế bào của chi bộ. Người yêu cầu mỗi một chi bộ và một đảng viên trong chi bộ cần phải hiểu rằng, cách mạng Việt Nam ắt phải kinh qua những bước gian nan cực khổ, những chặng đường hiểm trở quanh co. Từng chi bộ, từng đảng viên phải phấn đấu dẻo dai, khó nhọc, lâu dài, và khi cần thì không sợ hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Người nhấn mạnh đến trách nhiệm chung của chi bộ và đảng viên là phải đổi cái cũ thành cái mới, phải mở rộng thế giới mới xã hội chủ nghĩa. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ không có người bóc lột người, cũng không có người bị áp bức bóc lột. Nó sẽ là một xã hội rất tiến bộ, rất tốt đẹp. Muốn thay đổi xã hội, thì không thể xa lìa thực tế hiện tại, không thể không nhìn vào thực tế hiện tại, càng không thể trốn tránh thực tế hiện tại, nhưng cũng không thể đầu hàng thực tế hiện tại. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm bất cứ việc gì, cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng. Mỗi đảng viên phải ghi chắc điều đó. Người gọi đó là Đảng tính (tính Đảng).   
Đã 70 năm trôi qua, vật đổi sao dời, nhưng tinh thần của tác phẩm “Đảng ta” vẫn còn sống mãi.
Trên tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện trong các tác phẩm: “Đường kách mệnh” (1927), “Sửa đổi lối làm việc” (1947), “Đảng ta” (1949), “Đạo đức cách mạng” (1958), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969),…, những năm, tháng qua đi, Đảng ta đã ra nhiều nghị quyết quan trọng về Đảng và xây dựng Đảng. Những năm gần đây, có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII,… về xây dựng Đảng, đã làm cho tình hình trong Đảng có sự chuyển biến mới về chất. Gần đây nhất, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQTW, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Vấn đề đặt ra trong Nghị quyết là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích quóc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đó là những nội dung cơ bản trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đặt ra hiện nay là tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về nền tảng tư tưởng của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; cần đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao sức đề kháng, chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.
Nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
------
* Bài đăng báo Quân đội Nhân dân, số Tết Xuân Kỷ Hợi – 2019.