Mới cập nhật

LƯƠNG TÂM NGƯỜI LÀM KHOA HỌC

PGS,TS Đàm Đức Vượng
      Trên một số trang mạng gần đây xuất hiện một số bài viết phê phán các nhà khoa học đã viết bài phê phán những quan điểm sai trái của những phần tử chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Về vấn đề này, phải khẳng định rằng, những bài phê phán của các nhà khoa học là đúng, vì viết đúng sự thật lịch sử; tài liệu để viết đều là tài liệu gốc, chính xác cho dù có một số bài viết còn chung chung, sơ lược. Điều đó thể hiện lương tâm của các nhà khoa học trong cuộc đấu tranh chống những quan điểm sai trái, bảo vệ chủ nghĩa xã hội và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
      Lương tâm của nhà khoa học được thể hiện đạo đức của nhà khoa học, ý nghĩa đạo đức của hành động chân chính của chính nhà khoa học. Lương tâm bao hàm cả sự đánh giá đúng về mỗi con người, mỗi sự kiện lịch sử,  những hành động đã thực hiện trên cơ sở nhận thức của nhà khoa học đối với trách nhiệm của mình trước xã hội. Lương tâm của nhà khoa học còn thể hiện ở nhân cách, bản lĩnh, lập trường của nhà khoa học; tình nguyện phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, phục vụ mỗi con người. Lương tâm đòi hỏi con người phải có thái độ phê phán đúng đối với ý kiến của mình và của người khác, phù hợp với những yêu cầu khách quan của xã hội, cũng như cần phải có tinh thần trách nhiệm không những đối với tư duy và việc làm của mỗi bản thân nhà khoa học, mà còn đối với tất cả những điều diễn ra chung quanh mình. Lương tâm của người làm khoa học là khả năng của con người phát triển theo chiều hướng lịch sử. Lương tâm của người làm khoa học được quyết định bởi mức độ phát triển của chính khoa học cũng như bởi lập trường xã hội, lập trường giai cấp của người làm khoa học. Lương tâm người làm khoa học chân chính sẽ bị cắn rứt khi mình viết những điều xuyên tạc sự thật lịch sử, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc bồi dưỡng lương tâm của mỗi người nói chung và của người làm khoa học nói riêng là một trong những mặt quan trọng của việc xây dựng đạo đức, nhân cách của nhà khoa học. Phê phán một cách vô căn cứ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là trái với lương tâm của người làm khoa học và hoạt động xã hội.
      Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, dân tộc gắn với giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, dân tộc gắn với thời đại, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
      Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời gắn liền với lý luận của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Quá trình hình thành và phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội gặp nhiều sóng gió bởi những luồng tư tưởng đi ngược lại với chủ nghĩa xã hội khoa học thổi vào; hơn nữa, cơ sở lý luận của chủ nghĩa xã hội dân chủ gắn liền với Quốc tế II, rồi Quốc tế xã hội chủ nghĩa, cho đến nay, tổ chức này vẫn đang còn hoạt động và phát triển, lý luận chủ nghĩa xã hội dân chủ liên lục được bổ sung tại các đại hội Quốc tế xã hội chủ nghĩa, trong khi đó, Quốc tế Cộng sản giải tán từ năm 1943, cho nên cơ sở để phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học chung trên thế giới hiện nay không có sự tập hợp lý luận, chỉ có lý luận riêng lẻ của một số đảng cộng sản cầm quyền. Âu cũng là sự thiệt thòi của chủ nghĩa xã hội khoa học.
      Khi lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phải vật lộn bao phen đấu tranh quyết liệt với những trường phái tư tưởng khác nhau, ngay cả trong nội bộ của Liên đoàn những người cộng sản. Năm 1850, trong Liên đoàn những người cộng sản hình thành một nhóm biệt phái “tả khuynh”, đứng đầu là Augustơ Vinlích và Cáclơ Sáppơ. Trong một bài giảng về “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” tại Hội Khai sáng công nhân Đức ở Luân Đôn, Anh, C.Mác xác định tính tất yếu của cách mạng, nhưng do hoàn cảnh thay đổi, cho nên phái có giai đoạn tạm thời không cách mạng ở châu Âu và chỉnh lý lại sách lược của Liên đoàn những người cộng sản, rằng, “không thể đạt tới chủ nghĩa cộng sản ngay lập tức, mà chỉ có thể đạt tới chủ nghĩa đó qua mấy giai đoạn phát triển cách mạng, rằng, trước khi bắt tay vào những công cuộc cải tạo cộng sản chủ nghĩa, thì cần phải giải quyết những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân chủ tư sản”1. Augustơ Vinlích kịch liệt phản đối lập luận này của C.Mác. Augustơ Vinlích “phủ nhận tính tất yếu của những tiền đề vật chất nhất định để xác lập chủ nghĩa cộng sản và có ý đồ xác lập chủ nghĩa đó ngay lập tức, bằng ý chí của một số ít người”2. A.Vinlích và C.Sáppơ kiên quyết chống lại sách lược mới của Liên đoàn những người cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen đề xuất. C.Mác và Ph.Ăngghen đã đánh bại lý luận phi khoa học của A.Vinlích và C.Sáppơ. Sau khi đánh bại nhóm A.Vinlích và C.Sáppơ về quan điểm tư tưởng lý luận, C.Mác lại tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt chống P.C.Pruđông, một phần tư cơ hội, cũng trên phương diện quan điểm tư tưởng lý luận. Tháng 7-1851, C.Mác đọc cuốn sách của P.C.Pruđông mới xuất bản ở Pari: “Tư tưởng chung của cách mạng trong thế kỷ XIX”. Trong cuốn sách này, P.C.Pruđông tuyên truyền lý luận không tưởng về việc thực hiện cuộc cách mạng xã hội bằng con đường hòa bình thuần túy kinh tế, bằng cách tổ chức việc giúp đỡ lẫn nhau và tín dụng thành lập ngân hàng trao đổi, giảm lợi tức cho vay và những cải cách khác; không cần chính phủ, không cần cơ cấu nhà nước, không cần một nền dân chủ. Quan điểm của P.C.Pruđông là làm theo cách đó, dần dần, chủ nghĩa tư bản sẽ biến thành chủ nghĩa xã hội. C.Mác kịch liệt phê phán quan điểm sai trái này của P.C.Pruđông trên báo chí. Theo C.Mác, đây thực chất là quan điểm của những phần tử cải lương. Những lời P.C.Pruđông kêu gọi thực hiện hòa bình giai cấp và giải quyết vấn đề xã hội bằng con đường cải cách là vô chính trị, không thể chấp nhận được.
      Ngoài ra, thời C.Mác và Ph.Ăngghen còn đường đầu với nhiều cuộc đấu tranh khác quyết liệt về quan điểm tư tưởng lý luận của những phần tư cơ hội, cải lương chủ nghĩa.
      Đến thời V.I.Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học cũng liên tiếp bị những quan điểm chống đối tấn công. Quan điểm của những người chống lại quan điểm tư tưởng lý luận của V.I.Lênin là chỉ có vấn đề giai cấp, chứ không thể có vấn đề dân tộc và thuộc địa, trong khi đó, quan điểm của V.I.Lênin là rất rõ ràng, rằng, giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết lại cùng nhau tiến hành cách mạng. Cuộc đấu tranh về quan điểm tư tưởng lý luận thời V.I.Lênin kéo dài nhiều năm, tháng, vật vã đề chiến thắng những quan điểm tư tưởng lý luận sai trái của những phần tử cơ hội, cải lương. Sau khi V.I.Lênin mất, sự khác nhau về quan điểm tư tưởng lý luận vẫn tiếp diễn và cho đến ngày nay vẫn chưa chấm dứt.
      Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng gặp không ít những phần tử chống đối lại đường lối, chính sách của Đảng. Tuy nhiên, những tư tưởng chống đối đó chẳng qua chỉ là ngọn đèn dầu treo trước gió. Nó có thể vụt tắt vào bất cứ lúc nào.
      Khoa học là lĩnh vực hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra những tri thức mới về tự nhiên, xã hội và tư duy và bao hàm tất cả những điều kiện và những yếu tố của sự tạo ra này. Những nhà khoa học với những tri thức và năng lực, trình độ và kinh nghiệm của họ; với sự phân công và hợp tác lao động khoa học, những phương pháp và tính nhạy bén của những người nghiên cứu khoa học cũng như toàn bộ những tri thức hiện có với tư cách của người làm khoa học, bao giờ cũng chứng minh sự đúng đắn của những sự kiện và hoạt động của con người. Những kết quả này, cũng có thể là một trong những hình thái ý thức xã hội. Khoa học không phải chỉ hoàn toàn bó hẹp vào khoa học tự nhiên hoặc một ngành nào đó như chủ nghĩa thực chứng đã nhận định. Người làm khoa học phải biết nhận định đúng, sai trong việc phân tích các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Khoa học được coi là một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm mối tương quan trong lịch sử và nhận thức giữa các bộ phận: giữa tự nhiên học và xã hội học, giữa triết học và khoa học tự nhiên, giữa phương pháp và lý luận, giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Khoa học là kết quả tất yếu của phân công lao động xã hội.
      Lương tâm của người làm khoa học chính là sự thể hiện sự trung thực trong nghiên cứu khoa học. Bóp méo và làm xiêu vẹo vấn đề sẽ dẫn đến phản khoa học, cần phải phê phán.
------
1 Dẫn theo “Các Mác Tiểu sử”, tập 1, do Viện Mác – Lênin trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô biên soạn, Nxb Chính trị quốc gia, Mátxcơva, 1968, bản dịch, Nxb Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 1975, tr. 446.
“Các Mác Tiểu sử”, tập 1, sđd, tr. 446.