Mới cập nhật

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24-4-1906 – 24-4-2021)

 HÀ HUY TẬP – NHÀ LÝ LUẬN  SẮC BÉN VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG*

PGS,TS Đàm Đức Vượng

     

      Những yếu tố tác động để Hà Huy Tập trở thành nhà lý luận sắc bén về xây dựng Đảng:

      Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã có 11 Tổng Bí thư. Đấy là chưa kể Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1956 đến năm 1960 làm Tổng Bí thư. Trong số 11 Tổng Bí thư, qua nghiên cứu, tôi thấy nổi lên có 7 nhà lý luận cách mạng sắc bén về công tác xây dựng Đảng, đó là Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Phú Trọng.

      Hà Huy Tập là một trong những nhà lý luận sắc bén về xây dựng Đảng. Những yếu tố tác động để ông trở thành nhà lý luận sắc bến về xây dựng Đảng là ông thâm nhập phong trào yêu nước và phong trào công nhân Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX và thời gian ông học tại Trường Đại học Phương Đông, Liên Xô, trường đào tạo cán bộ của Quốc tế Cộng sản.

Tổng Bí thư Hà Huy Tập

      Lý luận bao giờ cũng gắn với thực tiễn (thực tế), lý luận mà tách rời khỏi thực tiễn là lý luận suông. Ông nghĩ vậy và đã gắn lý luận cách mạng với thực tiễn cách mạng trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Thời gian ông tham gia phong trào học sinh, công nhân ở Trung Bộ, tuy lúc ấy Đảng Cộng sản Việt Nam chưa thành lập, ông cũng chưa phải là người cộng sản, nhưng qua phong trào yêu nước, nhất là phong trào học sinh, công nhân ở Trung Kỳ đã làm cho ông bước đầu thấy được sức mạnh của quần chúng đấu tranh.

      Theo bản “Tiểu sử tự ghi” của Xinhikin (Hà Huy Tập), vào khoảng giữa năm 1927, tại Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh), diễn ra cuộc họp thành lập Đảng Cao Vọng của thanh niên (gọi tắt là Cao Vọng Đảng), Hà Huy Tập được Minin, một trong những người sáng lập Cao Vọng Đảng, mời dự họp. Minin1 biết Hà Huy Tập qua một người giới thiệu. Hà Huy Tập kể lại: “Minin tưởng tôi là người dân tộc chủ nghĩa và chưa là đảng viên của đảng nào. Ông ấy đã lầm, tôi đã ngồi dự ở buổi họp thành lập, cho nên tôi có thể nghe tất cả những sự thảo luận về Cương lĩnh chính trị và những sách lược của Đảng này. Cuối buổi họp, tôi không nói công khai rằng, tôi không tán thành Cương lĩnh dân tộc chủ nghĩa của Đảng này (Cao Vọng Đảng - ĐĐV), nhưng tôi từ chối dứt khoát sự gia nhập của Đảng này. Minin và các bạn thân của ông ta lúc bấy giờ biết rằng, tôi là cộng sản”2. Qua đó, thấy rằng, khi chưa phải là đảng viên cộng sản, Hà Huy Tập đã tỏ rõ một nhãn quan chính trị sáng suốt khi từ chối gia nhập Cao Vọng Đảng.

      Vào tháng 1-1928, Hội Hưng Nam3 họp Hội nghị toàn quốc tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hà Huy Tập dự Hội nghị này với tư cách Bí thư Ủy ban địa phương của Hội ở Nam Kỳ. Hội nghị bàn việc hợp nhất Hội Hưng Nam với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hà Huy Tập tán thành chủ trương hợp nhất. Nhưng rất tiếc, những cuộc thương lượng giữa Hội Hưng Nam và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không mang lại kết quả.

      Những ngày công tác ở Sài Gòn, Hà Huy Tập càng hoạt động mạnh. Ông có tài vận động học sinh, công nhân vùng lên đấu tranh. Nhà chức trách thực dân bủa vây mạng lưới quyết tâm tìm cho được người châm ngòi nổ. Cuối cùng, họ cũng tìm ra được ông. Tháng 6-1928, Hiệu trưởng “An Nam Học đường” ký quyết định đình chỉ việc giảng dạy của Hà Huy Tập với lý do kích động học sinh bãi khóa nhiều lần.  

      Trong quá trình công tác, Hà Huy Tập nổi lên là một gương mặt cách mạng trong sáng, một cán bộ có khả năng nghiên cứu lý luận, nên tổ chức đã giới thiệu ông với phái viên của Quốc tế Cộng sản, qua đó, muốn gửi ông sang học tại Trường Đại học Phương Đông, Liên Xô. Trường Đại học Phương Đông đã đồng ý nhận ông vào học.

      Khi Hà Huy Tập vào học Trường Đại học Phương Đông, thì Trần Phú, Nguyễn Thế Rục và những sinh viên Việt Nam khóa trước đã học xong. Họ lần lượt rời Mátxcơva, Liên Xô để trở về Việt Nam.

      Những năm, tháng học tại Trường Đại học Phương Đông, Hà Huy Tập có dịp tiếp xúc, trao đổi với những sinh viên người Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Triều Tiên, Thái Lan, A Rập, Nam Dương (Inđônêxia), Mã Lai (Malaysia),… Có một số sinh viên từ các nước Mỹ Latinh cũng sang Liên Xô để học. Họ thường trao đổi với nhau về phong trào cách mạng thế giới, về phương pháp nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, về đường lối của Quốc tế Cộng sản, nhằm không ngừng nâng cao kiến thức lý luận cho mình. Đây cùng là một “kênh” để Hà Huy Tập sau đó trở thành một nhà lý luận xuất sắc về xây dựng Đảng.

      Hà Huy Tập nghiên cứu sâu sắc Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa4, nghiên cứu Đề cương về cách mạng ở các nước thuộc địa được thông qua tại Đại hội VI Quốc tế Cộng sản5.

      Chương trình học các năm học, ngoài môn ngoại ngữ, sinh viên tập trung nghiên cứu sâu sắc về lý luận Mác - Lênin, lý luận phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phân tích một số tác phẩm chủ yếu của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, I.V. Xtalin.

      Hà Huy Tập rất say sưa tìm đọc các tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của C.Mác, Ph.Ăngghen, “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản” của Ph.Ăngghen, những bài viết của V.I.Lênin bàn về chủ nghĩa Mác, những bài viết của I.V.Xtalin bàn về chủ nghĩa Lênin. Môn học mà Hà Huy Tập thích nhất là môn chính trị.

      Có thể nói trong thời gian học tại Trường Đại học Phương Đông, Hà Huy Tập tiếp thu được nhiều cơ sở lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, đây chính là cơ sở để ông nghiên cứu về xây dựng Đảng.

       Nhà lý luận về xây dựng Đảng:

      Một là: Khẳng định Hà Huy Tập là nhà lý luận sắc bén của cách mạng Việt Nam, trong đó có lý luận về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam (sau là Đảng Cộng sản Đông Dương), là chúng ta căn cứ vào hoạt động thực tiễn của ông và những tác phẩm của ông, trong đó có những văn kiện do ông soạn thảo được trình bày, thảo luận và thông qua tại Đại hội I của Đảng họp tại Ma Cao năm 1935 và tác phẩm nổi tiếng: “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương” do ông soạn thảo năm 1933…

      Hà Huy Tập tuy không tham gia vào quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng ông theo dõi sát tình hình và có những đánh giá về sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam được cấu tạo bởi những phần tử tốt nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và của Đảng Tân Việt cách mạng. Các tổ chức cách mạng này “đã đóng vai trò lịch sử đáng kể trong việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất, đội tiên phong của giai cấp vô sản và người lãnh đạo cách mạng Đông Dương”6.

      Trong lý luận về xây dựng Đảng, Hà Huy Tập nêu cao vai trò của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với cách mạng Đông Dương. Tài liệu được sưu tầm thêm gần đây cho thấy trong thời gian học tại Trường Đại học Phương Đông, ngoài việc nghiên cứu lý luận Mác -Lênin và các môn học khoa học xã hội khác, Hà Huy Tập còn đọc các tác phẩm lý luận của các trường phái lý luận, nhà lý luận, nhà triết học đã xuất hiện trong lịch sử như Platôn (427-347 trước Công nguyên), nhà triết học cổ Hy Lạp theo xu hướng duy tâm, Arixtốt (384-322 trước Công nguyên), nhà lý luận, nhà triết học cổ Hy Lạp, E.Căng (1724-1804), một trong những triết gia, nhà lý luận nổi tiếng nhất, sáng lập ra chủ nghĩa duy tâm Đức hồi nửa thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX,  đặc biệt là G.V. Ph.Hêghen (1770-1831), một triết gia vĩ đại người Đức, người vừa theo chủ nghĩa duy tâm, vừa pha chút duy vật trong khi trình bày triết học,... Nhưng Hà Huy Tập đã chọn học thuyết của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin là học thuyết để ông khuôn theo và phát triển, vì học thuyết này đáp ứng nguyện vọng được giải phóng của các dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Ông cho rằng, công lao của C.Mác và Ph.Ăngghen là hai người đầu tiên và sau đó là V.I.Lênin là những người đã vạch rõ vai trò lịch sử của giai cấp công nhân thế giới có khả năng thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa cộng sản. Hà Huy Tập cũng đã đọc tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (gọi tắt là Tuyên ngôn) của C.Mác và Ph.Ăngghen. Ông xem đây như bản cương lĩnh của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Tuyên ngôn nêu bật vai trò cách mạng trong lịch sử thế giới của giai cấp công nhân, mà theo C.Mác, là giai cấp sáng tạo ra lịch sử thế giới hiện đại. C.Mác và Ph.Ăngghen đều cho rằng, sự diệt vong của giai cấp tư sản và sự thắng lợi của giai cấp công nhân đều không tránh khỏi.

      Hà Huy Tập rút ra kết luận là Đảng Cộng sản được thành lập muốn đi đúng hướng thì phải đi theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Đông Dương, thì cách mạng mới có thể giành được thắng lợi hoàn toàn.

      Hai là: Để trở thành nhà lý luận về xây dựng Đảng, ngoài lý luận Mác -Lênin, qua nghiên cứu, tôi còn thấy Hà Huy Tập có đọc tác phẩm “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. Ông cũng không được cái may mắn gặp Nguyễn Ái Quốc, vì lúc này, Người đã rời Liên Xô, trở về Phương Đông để xúc tiến công việc chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng ở Việt Nam7. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hà Huy Tập chỉ biết Nguyễn Ái Quốc qua một số tác phẩm của Người, trong đó có tác phẩm Đường kách mệnh. Sau này, một trong những yếu tố trở thành nhà lý luận sắc bén về xây dựng Đảng, một phần cũng do tác phẩm này ảnh hưởng vào.

      Về Nguyễn Ái Quốc, Hà Huy Tập thừa nhận Người “đã đóng một vai trò to lớn trong việc thống nhất Đảng”8. Hà Huy Tập cũng coi cuốn sách Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc là sách cơ bản của học thuyết Mác  - Lênin.

Hà Huy Tập viết: “Cuốn Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc là sách phúc âm đối với tất cả mọi đảng viên; họ đã học gần như thuộc lòng. Vì từ khi tôi rời nước đến nay đã được hơn ba năm, nên tiếc thay, tôi không nhớ toàn bộ nội dung quyền “Kinh thánh” ấy, nhưng trong sách nói chung đã giải thích những kiểu cách mạng khác nhau, những quốc tế công hội, nông hội, hợp tác xã khác nhau,v.v..”9. Hà Huy Tập ví tác phẩm Đường kách mệnh sánh ngang với bộ Kinh thánh là ông đã đánh giá rất cao tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Những ý kiến nói rằng, giữa Hà Huy Tập và Nguyễn Ái Quốc có mâu thuẫn là không có cơ sở.

      Ba là: Trong xây dựng Đảng, Hà Huy Tập nhấn mạnh đến yếu tố giai cấp công nhân. Có thể nói Hà Huy Tập là một trong những Tổng Bí thư của Đảng quán triệt tinh thần đấu tranh giai cấp. Ông cho rằng, tính tất yếu của đấu tranh giai cấp bắt nguồn từ sự đối lập căn bản về tình cảnh kinh tế, chính trị của hai giai cấp trong xã hội là giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Sự đối lập này không phải do giai cấp công nhân mà do những quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa gây ra. Vì vậy, cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản là cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Giai cấp công nhân có thể ngừng đấu tranh khi nào họ xóa bỏ hoàn toàn các giai cấp bóc lột, thực hiện xã hội không có giai cấp, xã hội cộng sản. Hà Huy Tập nhận thức sâu sắc chỉ có thể tham gia tích cực cuộc đấu tranh giai cấp, giai cấp công nhân mới có được ý thức giai cấp rõ rệt của mình. Hà Huy Tập xem vấn đề đấu tranh giai cấp là một trong những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin: “Nếu bóc tách khỏi cuộc đấu tranh giai cấp thì chủ nghĩa xã hội chỉ là một câu nói suông hay là một giấc mơ về sự tốt đẹp”10. Trong cuộc đấu tranh giai cấp, sự thống nhất hành động của giai cấp công nhân là điều kiện để dẫn đến thắng lợi. Hà Huy Tập còn cho rằng, trong xây dựng Đảng mà thiếu tính giai cấp thì không thể gọi là Đảng Cộng sản được. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải tăng cường tính giai cấp công nhân trong xây dựng Đảng Cộng sản, có thế, Đảng mới vững mạnh và phát triển không ngừng. Chính vì vậy mà trong Điều lệ của Đảng Cộng sản Đông Dương do Hà Huy Tập chỉ đạo soạn thảo và được Đại hội I của Đảng (năm 1935) thông qua, đã nêu rõ tôn chỉ của Đảng:

      “Đảng Cộng sản Đông Dương, đội tiền phong duy nhất của vô sản giai cấp, tranh đấu để thu phục đa số quần chúng vô sản, lãnh đạo nông dân lao động và tất thảy quần chúng lao động khác, chỉ huy họ làm cách mạng phản đế và điền địa (mưu cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập, dân cày được ruộng đất, các dân tộc thiểu số được giải phóng), lập chính quyền Xôviết công nông binh, đặng dự bị điều kiện tranh đấu thực hiện vô sản chuyên chính, kiến thiết xã hội chủ nghĩa là thời kỳ đầu của cộng sản chủ nghĩa theo chương trình của Quốc tế Cộng sản.

      Đảng Cộng sản là hình thức tối cao của vô sản, là bộ phận giác ngộ nhất, cương quyết đấu tranh nhất của giai cấp vô sản, có kỷ luật sắt, thống nhất về tổ chức, tư tưởng và hành động, tuyệt đối không thỏa hiệp với các xu hướng bè phái, các mầm cải lương, quốc gia eo hẹp, biệt phái và các xu hướng trái với chương trình của Đảng và của Quốc tế Cộng sản”11.

      Bốn là: Trong xây dựng Đảng, ngoài vấn đề giai cấp công nhân, Hà Huy Tập còn chú ý đến các tầng lớp nhân dân lao động khác, nhất là với nông dân. Ông luận rằng, xây dựng Đảng trong nhân dân lao động cũng cực kỳ quan trọng, không kém gì xây dựng Đảng trong giai cấp công nhân, thể hiện mối quan hệ giữa Đảng và giai cấp công nhân với nhân dân lao động. Vấn đề này đã được ghi rõ trong Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương về điều kiện vào Đảng là những công nhân, nông dân, tiểu thủ công nghiệp, trí thức, tiểu thương gia và những người lao động khác, không bóc lột. Nếu chỉ đóng khung trong phong trào công nhân, cách mạng sẽ không phát triển được rộng khắp và cuộc đấu tranh để giành độc lập dân tộc sẽ rất khó khăn. Vì vậy, đặt vấn đề phát triển Đảng vào trong nhân dân lao động nói chung, trong đó, trọng tâm là công nhân, nông dân là rất cần thiết.

      Trong cuốn sách Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, Hà Huy Tập nêu bật vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Đông Dương. Sôi nổi hơn cả là phong trào cách mạng của nhân dân Trung Kỳ, đặc biệt là phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh. Trước khi nổ ra phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh đã có cả một làn sóng bãi công rộng lớn của công nhân và nông dân. Hồng Thế Công (Hà Huy Tập) nêu rõ nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của các cuộc đấu tranh: “Một mặt, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã đem lại cho phong trào một phương hướng cách mạng; mặt khác, do kinh nghiệm bản thân, nhân dân lao động cũng đã nhận thấy nhất thiết phải đấu tranh cách mạng”12. Như vậy, Hà Huy Tập chủ trương lôi kéo đông đảo nhân dân lao động vào cuộc đấu tranh cách mạng, tạo thành sức mạnh to lớn của phong trào.

      Năm là: Trong xây dựng Đảng, không thấy Hà Huy Tập nói xây dựng Đảng về chính trị, nhưng ông nhấn mạnh đến xây dựng Đảng về tư tưởng và tổ chức. Có thể trong quan niệm của ông về tư tưởng bao hàm cả chính trị.  Ông nhấn mạnh đến nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là “dân chủ tập trung”.

      Hà Huy Tập là một trong những nhà lý luận sắc bén của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó nổi lên lý luận về xây dựng Đảng. Ông đã soạn thảo khá nhiều văn kiện về Đảng, viết sách, viết báo rất nhiều. Ngòi bút sắc bén của ông mang tính luận chiến cao, thực sự là vũ khí chiến đấu với tinh thần cách mạng tiến công. Ông quen đánh vỗ mặt, đánh trực diện kẻ thù, làm cho chúng lúng túng mỗi khi chỗng đỡ. Nhiều người hoạt động cách mạng trong những năm ba mươi thường hết lời ca ngợi tài bút chiến, trận thư hùng của tác giả Hồng Thế Công, Hồng Quy Vít, Xinhikin, Thanh Hương nhằm vào tim, vào óc quân thù mà bắn. Ông đã chiến đấu bằng ngòi bút và chiến thắng bằng ý chí.

------

* Báo cáo Khoa học tại buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Đồng chí Hà Huy Tập với công tác tư tưởng, lý luận của Đảng”, do Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức vào ngày 22-4-2021, tại Hà Tĩnh, nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24-4-1906 – 24-4-2021).

** Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Nguyên Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương.

1.Chưa rõ Minin là ai? Trong bản khai của Nguyễn Khánh Toàn khi sang học tại Trường Đại học Phương Đông, Liên Xô, có ghi tên mình là Minin (ĐĐV).

2. Theo bản “Tiểu sử tự ghi” của Xinhikin (Hà Huy Tập), khai khi bước vào Trường Đại học Phương Đông, Mátxcơva, Liên Xô, năm 1929. PGS,TS Đàm Đức Vượng sưu tầm.

Thực ra, Hà Huy Tập lúc này chưa phải là cộng sản, chỉ là nhà cách mạng.

3. Hội Hưng Nam tức Hội Phục Việt, sau đó đổi tên là “Tân Việt Cách mạng Đảng” (Đảng Tân Việt). Cuối cùng, những phần tử ưu tú của Đảng tách ra thành một đảng riêng, gọi là “Đông Dương Cộng sản Liên đoàn”.

4. Luận cương của V,I,Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa được thông qua tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 17-7-1920 đến ngày 7-8-1920, tại Mátxcơva, Liên Xô.

5. Đại hội VI Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 17-7-1928 đến ngày 2-9-1928, tại Mátxcơva, Liên Xô.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr. 386.

7. Khí Hà Huy Tập đến Liên Xô, thì Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động tại Thái Lan (ĐĐV).

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr. 386.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr. 386.

10. Dẫn theo sách Hà Huy Tập Tổng Bí thư của Đảng (1936-1939) của PGS,TS Đàm Đức Vượng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh xuất bản, 2000, tr.31,32.

11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 5, tr. 113,114.

12. Hồng Thế Công: Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, xuất bản năm 1933, bằng tiếng Pháp, dịch ra bản tiếng Việt, in trong sách “Bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Viêt Nam”, Ban Nghiên cứu lịch sử  Đảng Trung ương xuất bản năm 1961.