Mới cập nhật

Kỷ niệm lần thứ 110 ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2021)

ĐƯỜNG BÁC HỒ ĐI CỨU NƯỚC

PGS,TS Đàm Đức Vượng

 

      Ngày 5-6-1911, tại bến Nhà Rồng, Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), có một chàng trai yêu nước, năm ấy 19 tuổi, tên là Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ, năm 1919 lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, năm 1942 lấy tên là Hồ Chí Minh) đã xuống tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvinlơ (Amiral Latouche Tréville) bắt đầu vượt trùng dương sóng gió, đi ra nước ngoài, khảo sát tình hình, tìm tòi một con đường cứu nước kiểu mới cho dân tộc Việt Nam. Hành trang lên đường của anh chẳng có gì ngoài trái tim, khối óc, đôi bàn tay lao động và bầu máu nóng sục sôi trong anh là muốn đánh đuổi thực dân xâm lược, giải phóng đồng bào.

Bến Nhà Rồng nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. (Ảnh: TTXVN)

      Anh ra đi còn để trả lời câu hỏi mà nhân dân Việt Nam lúc ấy đang đặt ra: đánh đuổi thực dân bằng con đường nào thì thành công? Sự nghiệp nâng tầm tư tưởng của anh bắt đầu từ giờ phút thiêng liêng đó.

      Anh ra đi chẳng phải thay mặt cho một tổ chức, một đoàn thể nào, mà chỉ với tư cách của một người dân mất nước đi tìm con đường đúng để giành lại nước.

      Khi anh lên đường, nhân dân Việt Nam đã bao phen đẫm máu và nước mắt trước cảnh xiềng xích, tù đày sau những cuộc nổi dậy chống xâm lược.

      Trong lúc dân tình điêu đứng, thì “các bậc đại thần ăn dầm nằm dìa ở chốn triều đình, chỉ biết qua lệ cho xong việc; quan lại ở các tỉnh thì chỉ lo cho vững thân thế mà hà hiếp, bóp nặn ở chốn hương thôn; đám sĩ phu thì ganh nhau vào con đường luồn cúi, nịnh hót, không còn biết liêm sỉ là gì… Đến bây giờ thì sự thế hư hỏng, nhân dân lìa tan, phong tục suy đồi, lễ nghĩa bại hoại”. Đó là tiếng kêu bi thương đầy phẫn uất của nhà yêu nước Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh) trong “Thư gửi Toàn quyền Đông Dương” năm 1906. Ông căm giận cái triều mình phong kiến Việt Nam mục ruỗng. Ông muốn đánh đổ nó trong lúc tên thực dân khát máu lại muốn dựa vào nó để mưu đồ xâm lược Đông Dương.

      Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX có thể ví như con chim trúng thương, rã cánh, bị bầy diều hâu thi nhau rỉa rói. Nhân dân lao động gày gò, rách rưới, đói khát, quằn quại dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Nhân dân đã bao phen nổi dậy chống xâm lược, nhưng mỗi lần đốt ngọn lửa yêu nước, lại bị họ dập tắt ngay. Không khí bi thương bao trùm bầu trời Tổ quốc:

      “Đêm sao đêm mãi tối mò mò

      Đêm đến bao giờ mới sáng cho?”

      Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành lo lắng trước vận mệnh chung của dân tộc. Anh suy tư, trăn trở. Sang Đông Kinh ư? Cửa thành đã đóng từ năm 1908. Vả lại, anh cũng không có ý định “đổ bộ” vào quần đảo Phù Tang từ mấy năm về trước, vì anh cho rằng, dựa vào Nhật để đánh Pháp, có khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Anh cũng không có ý định hướng về phía Bắc. Lá cờ cải lương tư sản của Trung Hoa hồi cuối thế kỷ XIX đã không có sức hấp dẫn đối với anh. Vậy còn con đường nào nữa? Đây chính là lúc bối rối nhất của các nhà yêu nước Việt Nam, trong đó có Nguyễn Tất Thành. Ta hãy nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về thời kỳ này: “Nhân dân Việt Nam – trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi – lúc này thường tự hỏi nhau rằng, ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật. Người khác nghĩ là Anh. Có người khác nữa nghĩ là Mỹ. Tôi thì tôi thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ”1.

      Lúc đầu, khi chưa bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lê nin, Nguyễn Tất Thành thấy cách mạng dân chủ tư sản Pháp thật sự hấp dẫn anh. Anh muốn tìm hiểu nó để có thể giúp ích gì cho công cuộc giải phóng đồng bào mà anh hằng ôm ấp. Vì vậy, có thể nói, sức hấp dẫn trong buổi bình minh đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành, không phải lá cờ của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, cũng không phải lá cờ cải lương tư sản của Trung Hoa hồi cuối thế kỷ XIX, mà chính là lá cờ cách mạng dân chủ tư sản ở phương Tây. Trào lưu đó đã trở thành một trong những chiếc cầu nối để đưa anh từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lênin. Việc anh không theo các con đường cứu nước của các bậc sĩ phu lớp trước là anh đã mạnh dạn phá bỏ một tiền lệ khách quan không còn phù hợp. Đó là lý do mà anh xuống tàu biển để đi sang phương Tây.

Ảnh chụp chiếc tàu Latouche Treville đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng ngày 5/6/1911. (Ảnh: TTXVN)

      Khi xuống tàu làm việc, anh tiếp xúc ngay với công nhân Pháp, công nhân châu Phi làm việc trên tàu. Qua việc tiếp xúc này, anh dần dần hiểu được nội tình giai cấp công nhân và anh khẳng định chỗ đứng trong đội ngũ thợ thuyền.

      Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvinlơ vượt trùng dương mênh mông. Nhịp sóng hòa cùng nhịp đập trái tim, làm cho Văn Ba2 muốn tàu chạy nhanh tới đích. Anh không thể ngồi nhìn vết thương nhân loại, vết thương dân tộc đang rỉ máu, nhưng trước mắt anh vẫn là mênh mông biển cả. Xingapo (Singapore), Côlômbô, Poxaít,… đều là những thuộc địa của thực dân, đế quốc, cứ lần lượt hiện ra trước mắt anh, rồi lại mờ dần như chìm trong biển cả. Chuyến đi này, Nguyễn Tất Thành bắt đầu in dấu chân của mình lên một số thuộc địa của Pháp. Khi ấy, Pháp đã có cả một hệ thống thuộc địa khổng lồ, kéo dài từ châu Á qua châu Phi đến châu Mỹ và châu Đại Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Angiêri, Tuynidi, Xênêgan, Xuđăng, Bờ Biển Ngà, Đahômây, Cônggô, Gabông, Ghinê (thuộc Pháp), Ôbốc, Xêmani, đảo Rêuyniông, Cômo, Maiốt, Nôribê, Xanhmani, Mađagátxca, Guyam, Goađơlúp, Máctiních, Xanhpie, Mihêlông, Tôn Calêđôni,… Anh cũng đã đặt chân tới những “chính quốc” như Pháp, Anh, Mỹ. Tàu rẽ sóng đại dương đưa Nguyễn Tất Thành tới những phương trời và nhiều miền đất lạ. Anh đi, đi rất nhiều, làm bất cứ việc gì để sống và để đi vì mục đích cứu nước.

      Qua cuộc khảo sát thực tế tại các nước, Nguyễn Tất Thành nhìn rõ cảnh áp bức dân tộc và áp bức giai cấp đè nặng lên các màu da. Anh nhìn rõ “bằng xương bằng thịt” hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa, nhìn rõ bản chất xâm lược của thực dân, đế quốc. Khi nhìn thấy tình cảnh các nước thuộc địa, anh càng nghĩ về Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, càng thương cảm những người lao động nghèo khổ trên đất nước, quê hương của mình.

      Đầu tiên, Nguyễn Tất Thành đặt chân lên đất Pháp, rồi từ Pháp, anh qua Mỹ, qua Anh, cuối cùng lại trở lại nước Pháp vào một ngày cuối năm 1917. Trong những ngày sôi động ở nước Pháp, Nguyễn Tất Thành hòa mình vào phong trào công nhân.

      Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc vào ngày 11-11-1918, Hội nghị Vécxây (Versailles), Pháp, nhóm họp ngày 18-1-1919 để các cường quốc đế quốc chia lại phần cai trị các nước thuộc địa. Nhân dịp này, lần đầu tiên, Nguyễn Tất Thành ký tên Nguyễn Ái Quốc, thảo “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị. Yêu sách đòi Chính phủ Pháp và các cường quốc đế quốc phải thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Yêu sách đã được gửi tới Hội nghị Vécxây. Đây là thắng lợi đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước.

      Trong những năm, tháng đầu tiên đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc không ngừng nâng cao trí thức bằng việc tiếp thu nền văn hóa ở châu Âu. Anh nghĩ rằng, muốn nâng cao tri thức, không có con đường nào khác con đường đi vào kho tàng văn hóa phong phú và đồ sộ của thế giới, đặc biệt là nền văn hóa tư sản ở châu Âu. Anh căm ghét chế độ thực dân xâm lược các nước thuộc địa và Đông Dương, nhưng anh lại có cảm tình với nền văn hóa tư sản ở châu Âu, vì anh cho rằng, nền văn hóa ấy có những điểm tiến bộ và mang tính nhân văn. Tại Pháp, Anh còn nghiên cứu về cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, Cách mạng Mỹ năm 1776 và Cách mạng Nga năm 1905-1907…

      Trong khi Nguyễn Ái Quốc đang còn phân tích tình hình và thời cuộc, thì ngày 16 và ngày 17-7-1920, báo Luymanitê (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp đăng “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin. Thông qua Luận cương của V.I.Lênin, những vấn đề trước đó, còn là những câu hỏi đối với Nguyễn Ái Quốc, nay đã là đáp án đối với anh, vì nó đã giải quyết một vấn đề cơ bản là vấn đề dân tộc và thuộc địa. Ngồi một mình trong buồng, Nguyễn Ái Quốc nói to lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”4. Trong tác phẩm “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

      “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba3. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần, tôi hiểu được rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”5.

      Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Pháp đến năm 1923, thì sang Liên Xô tìm hiểu về Cách mạng tháng Mười Nga và hoạt động trong Quốc tế Cộng sản.

      Nguyễn Ái Quốc hy vọng một ngày nào đó sẽ trở về Tổ quốc, đặt cây thập tự cáo chung lên nền thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở Việt Nam và cả Đông Dương

      Cuộc hành trình cứu nước của Bác Hồ đã mang lại kết quả tốt đẹp. Bác đã tìm thấy con đường cách mạng chân chính và con đường giải phóng dân tộc Việt Nam; phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để đề ra đường lối đúng, dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, rồi đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 và dân tộc trải qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, cuối cùng đã mang lại sự thống nhất đất nước. Từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước như ngày hôm nay.

------

1.Hồ Chí Minh: Trả lời phỏng vấn phóng viên Mỹ, báo Nhân Dân, số 4062, ngày 18-5-1965.

2. Văn Ba là một trong những bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi xuống tàu Đôđốc Latútsơ Tơrêvinlơ làm việc.

3. Quốc tế thứ ba: Quốc tế Cộng sản.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 562.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 563.