Mới cập nhật

PHẢI KHẲNG ĐỊNH NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM HIỆN NAY ĐANG PHÁT TRIỂN LÀNH MẠNH VÀ ĐÚNG HƯỚNG

 PGS,TS Đàm Đức Vượng

      

      1. Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng rầm rộ đăng những bài phê phán Dương Đức Thịnh, một du học sinh từ Việt Nam tại Úc, đã giật lá cờ vàng ba sọc đỏ của chính quyền Sài Gòn trước đây tại một nơi công cộng, thuộc thành phố Sidney, đạp lên rồi lớn tiếng mắng những người Việt treo lá cờ này là phản động. Có bài viết: “Dương Đức Thịnh là một thanh niên, chắc chắn thuộc gia đình có tiền của mới được đi du học tại Úc. Chắc chắn cậu ta không thuộc nhóm người Việt ở những “vùng sâu vùng xa”, đến nỗi không biết rằng lá cờ vàng là một biểu tượng thiêng liêng của một cộng đồng có cùng tiếng nói với cậu ta. Anh ta biết lá cờ đó thiêng liêng với một cộng đồng, và vì biết cho nên cậu ta cố tình chà đạp lên nó”. Rồi nhân sự kiện Dương Đức Thịnh, một loạt bài túm vào phê phán gay gắt nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Có bài viết: “Giáo dục của chế độ cộng sản Việt Nam không dạy học sinh hướng thiện, nhân bản, mà nhấn mạnh vào bạo lực, với lý thuyết đấu tranh giai cấp. Vì lý thuyết này, con người trong xã hội thời cộng sản được kích động qua hành vi bạo lực, núp dưới những chiêu bài như là “cách mạng triệt để”, “bạo lực cách mạng”, dạy con người thù hận, thay vì yêu thương”. Lại có bài viết: “Xã hội chủ nghĩa được Đảng Cộng sản áp dụng cho đất nước này thực sự là một chủ nghĩa độc hại. Giáo dục vốn không độc hại, nó chỉ độc hại khi nó mọc lên trên cái nền đất xã hội chủ nghĩa. Như vậy, nếu cải cách giáo dục mà vẫn kiên trì xã hội chủ nghĩa, thì làm thế nào để nền giáo dục tốt hơn được đây? Vô phương”, v. v..


      Trước hết, phải nói rằng, hành động của Dương Đức Thịnh là việc làm tự giác của em ấy, không ai có quyền can thiệp vào việc làm đó, khi một chế độ với lá cờ vàng ba sọc đỏ đã bị nhân dân Việt Nam đánh đổ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, từ năm 1975. Nay tự nhiên lại mọc lên lá cờ ấy, thật là phi lý. 


      Còn việc nhân sự kiện Dương Đức Thịnh mà nói đến nền giáo dục Việt Nam hủ bại cũng là phi lý, đem gán cái này vào cái kia một cách khiên cưỡng, nên mới đánh giá nền giáo dục Việt Nam như vậy; thật là phi lịch sử, phi thực tế, phi văn hóa khi nhìn nhận, đánh giá một cách hồ đồ, sai lệch và thiếu thiện chí về nền giáo dục Việt Nam hiện nay, cần phải phê phán. Làm gì có chuyện nền giáo dục ở Việt Nam “dạy con người thù hận, thay vì yêu thương”. Đây là chuyện dựng đứng, nói quá, hoàn toàn không đúng với sự thật lịch sử của nền giáo dục Việt Nam.


      2. Phải nói rằng, trong những năm đổi mới, nền giáo dục nước nhà, tuy còn rất nhiều việc phải làm, nhưng đã có những bước phát triển mới, rất đáng khích lệ. Điều này đã được ghi rõ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đảng đã có “chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo được tiếp tục triển khai, bước đầu có hiệu quả”1. Giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số rõ ràng được chú trọng hơn trước. Chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông mới được ban hành và đang tích cực triển khai. Phương pháp giảng dạy và học tập có những bước đổi mới. Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục phổ thông có những chuyển biến tốt, được thế giới công nhận. Giáo dục đại học có bước phát triển mới, thể hiện chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Nhân lực chất lượng cao trong giáo dục tăng cả về số lượng và chất lượng. Giáo dục về căn bản đã được xã hội hóa, được cả xã hội quan tâm và dư luận đánh giá tốt. Chi đầu tư cho giáo dục và xã hội hóa giáo dục được tăng cường. Cơ chế, chính sách tài chính cho giáo dục và đào tạo từng bước được hoàn thiện. Cơ chế tự chủ, cung ứng dịch vụ công trong giáo dục và đào tạo được thể chế hóa và đạt kết quả bước đầu. Hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo được tiếp tục mở rộng. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi các môn quốc tế. Nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh học ở nước ngoài đạt thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu. Nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ người Việt Nam dạy tại các trường đại học ở trong nước và nước ngoài, trở thành nhà khoa học nhà giáo dục tầm cỡ, được dư luận quốc tế có cảm tình và đánh giá cao. Giáo dục đã góp phần làm cho chính trị xã hội ổn định và phát triển. 


      Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, như văn kiện Đại hội XIII đã chỉ ra. 


      3. Phát huy những thành tựu đã đạt được trong giáo dục và đào tạo, đồng thời, khắc phục những hạn chế của nó, cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người. “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”2. Vấn đề đặt ra là phải tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

      Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học, tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục nước nhà. Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo. “Thúc dẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”3. Đẩy mạnh vấn đề tự chủ đại học. Thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Có chính sách đột phá, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp để đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi ngành nghề do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo. Văn kiện Đại hội XIII có câu rất hay: “Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở”4. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và điều kiện của Việt Nam. Quan tâm thích đáng đến giáo dục ở miền núi, vùng cao, vùng xa, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục, đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới vào trong giáo dục và đào tạo. Đổi mới chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nhà nước tiếp tục đầu tư thích đáng cho giáo dục. Cố gắng bảo đảm tỷ lệ chi cho giáo dục từ 20% trở lên trong tổng ngân sách nhà nước.  

Các chương trình đào tạo Tài năng, Tiên tiến và Chất lượng cao tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ELITECH 4.0) được thiết kế dành cho các sinh viên ưu tú với mong muốn trở thành các chuyên gia giỏi, những nhà quản lý xuất sắc trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ cốt lõi của thời đại Công nghiệp 4.0. Ảnh: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội


      Trong giáo dục, ngoài việc chú ý đến chuyên môn, cần “chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”5. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục. “Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”6.


Lễ tốt nghiệp năm 2016 - Trường Đại học Văn Lang

      Giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa là một quá trình giáo dục xã hội nhiều mặt được thực hiện trong quá trình cải tạo và đổi mới xã hội khi chuyển từ chế độ cũ sang chế độ mới. Nhiệm vụ chính của giáo dục và đào tạo trong chế độ mới là đào tạo con người giác ngộ, thoát khỏi các tàn dư của quá khứ, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo dưới chế độ mới. Nhân tố quyết định của nền giáo dục dưới chủ nghĩa xã hội là sự cống hiến của con người vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Sự hình thành con người mới xã hội chủ nghĩa được phát triển trên cơ sở giáo dục và đào tạo.


      Tóm lại, nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang phát triển lành mạnh và đúng hướng. Đây là vấn đề được xã hội ghi nhận. Ai đó, bóp méo, xuyên tạc sự thật nền giáo dục Việt Nam, người đó đi ngược lại với sự nghiệp giáo dục nước nhà.  

 

------


1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 62.  

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 136.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 137.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 137.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 136, 137.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 140.