Mới cập nhật

Lê Lợi lấy thành Đông Quan như thế nào?



Lê Lợi sinh ngày 10/9/1385 ở Lam Sơn (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), trong một gia đình giàu có. Kế thừa sản nghiệp của ông cha, Lê Lợi nhanh chóng trở thành một hào trưởng được nhiều người trong vùng kính nể.

le-loi-1

Vua Lê Lợi

Dưới thời thuộc Minh, thành Thăng Long bị đổi tên là thành Đông Quan với hàm ý coi đó là thủ phủ của một vùng đất thuộc nhà Minh, chứ không phải Kinh đô của một nước độc lập.

Không chịu được nỗi nhục mất nước, Lê Lợi sẵn sàng bỏ lại sau lưng cuộc sống ấm êm trong nhung lụa, quyết chí phất cờ khởi nghĩa.Để lấy lại dòng chính thống cho Đại Việt, trong thời gian ở Lam Sơn, Lê Lợi “hậu đãi tân khách, vời người trốn tránh, ngầm nuôi kẻ mưu sĩ, bỏ của phát thóc giúp người bần”. Chẳng mấy chốc, danh tiếng của Lê Lợi đã vang khắp nơi, hào kiệt theo về ngày một đông. Năm 1418, Lê Lợi chính thức phất cờ khởi nghĩa. Các cuộc chiến dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi liên tiếp giành được chiến thắng, khiến tướng nhà Minh và các hàng tướng người Việt giúp triều Minh thua tan tác. Các thành lớn nhỏ lần lượt rơi vào tầm kiểm soát của Lê Lợi. Sau khi thanh thế đủ lớn, lực lượng đủ mạnh, Lê Lợi trực tiếp cầm quân ra tiến đánh thành Đông Quan. Đây được coi là chiến dịch quyết định sự thành bại của nghĩa quân Lam Sơn trong nỗ lực giành lại nền độc lập.

Đêm 22/11/1426, chiến dịch lấy thành Đông Quan được mở đầu bằng một trận tập kích 3 mặt thành này. Mặt phía Đông do Trần Nguyên Hãn chỉ huy, mặt phía Tây do Đinh Lễ chỉ huy và mặt phía Nam do Lê Lợi đích thân chỉ huy quân chủ lực tấn công. Sau cuộc tập kích này, mọi doanh trại đóng ngoài Đông Quan của quân Minh đều bị phá vỡ, tàn quân Minh phải rút chạy vào thành cố thủ.

Lê Lợi bèn sai tướng sĩ ngày đêm vây khốn, vừa đánh mạnh, vừa bắn thư dụ hàng vào thành thực hiện tâm lý chiến. Bọn tướng nhà Minh là Vương Thông, Sơn Thọ đánh trận nào, thua trận ấy, “nản lòng, nhụt khí, kế cùng, viện tuyệt, tình thế ngày một nguy khốn, bèn đưa thư xin hòa, mong được toàn quân về nước”.

Tuy nhiên, Lê Lợi và Nguyễn Trãi biết rõ âm mưu dùng kế hòa hoãn để chờ viện binh của Vương Thông nên vẫn khép chặt vòng vây, ngăn chặn mọi sự di chuyển hay tiếp tế ra vào thành này.

Để quân địch tự hàng mà tránh đổ máu, Nguyễn Trãi nhiều lần viết thư phân tích rõ thiệt hơn để Vương Thông suy tính. Ông cũng vạch rõ âm mưu giả nghị hòa để Vương Thông thấy rõ hắn không thể qua mắt được nghĩa quân. Tuy vậy, Vương Thông vẫn ngoan cố cố thủ trong thành.

le-loi-2

Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) được thần Kim Qui dâng Thuận Thiên Kiếm trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh
(Trong tranh có các chiếc lá với dòng chữ “Lê Lợi Vi Quân, Nguyễn Trãi Vi Thần” theo kế sách của Nguyễn Trãi)

Đầu năm 1427, nhà Minh gửi 15 vạn viện binh sang cứu Đông Quan. Đây là lần tăng viện lớn nhất trong 9 lần gửi viện binh của nhà Minh suốt 20 năm đô hộ Đại Việt. Điều đó cho thấy, nhà Minh đã rất nỗ lực để duy trì ách đô hộ của họ.

Với chủ trương “vây thành, diệt viện”, nghĩa quân Lam Sơn một mặt vẫn siết chặt vòng vây thành Đông Quan, mặt khác lại cử những mũi quân thiện chiến đi đón đầu ở những nẻo mà viện binh nhà Minh không thể không qua để phục kích. Kết quả, 15 vạn viện binh nhà Minh do Liễu Thăng, Mộc Thạnh cầm đầu bị đập tan ngay tại vùng biên ải.

Chiến thắng diện viện binh đã làm cho thế và lực của nghĩa quân Lam Sơn tăng mạnh, như hổ được thêm cánh. Với thế và lực ấy, chỉ cần đánh mạnh một trận là Đông Quan bị hạ. Nhưng vì không muốn làm hao tổn xương máu của binh sĩ 2 nước, Lê Lợi vẫn theo đuổi phương án dụ hàng Vương Thông. Để Vương Thông thấy rõ không thể trông hòng gì vào viện binh, Lê Lợi sai đem tướng giặc bị bắt là đô đốc Thôi Tụ, công bộ thượng thư Hoàng Phúc cùng song hổ phù của Liễu Thăng, 2 ấn bạc của 2 viên thượng thư Lý Khánh, Hoàng Phúc và nhiều tang vật thất bại khác ra trưng bày dưới thành Đông Quan cho tướng sĩ trong thành nhìn thấy. Đồng thời, Lê Lợi vẫn chỉ đạo giữ vững vòng vây và chuẩn bị cho cuộc chiến tổng lực tấn công thành nếu Vương Thông vẫn khư khư cố thủ.

Liệu đường không thể trông cậy vào sự may mắn nào để có thể xoay chuyển tình thế, Vương Thông đành chấp nhận tham dự Hội thề Đông Quan, cam kết rút toàn bộ quân sĩ về nước, kết thúc 20 năm nỗ lực đặt ách đô hộ lên Đại Việt nhưng bất thành của nhà Minh.

Kế sách của Lê Lợi và Nguyễn Trãi trong việc dụ hàng thành Đông Quan được đánh giá là hết sức mềm dẻo, khôn khéo. Cùng những chiến thắng vang dội, nghĩa quân Lam Sơn đã chỉ rõ cho nhà Minh thấy chúng không thể chiếm đóng Đại Việt lâu dài, quân và dân Đại Việt kiên quyết không tiếc máu xương và thừa sức mạnh để đập tan mọi đạo quân xâm lược. Nhưng mặt khác, bằng những bức thư ngoại giao uyển chuyển, nghĩa quân Lam Sơn đã giúp nhà Minh giữ được chút thể diện bề ngoài sau những thất bại vỗ mặt trên các chiến trường ở Đại Việt. Nhờ vậy, quan hệ giao hảo lại được thiết lập giữa 2 nước, mở ra thời kỳ thái bình lâu dài.

Khi Lê Lợi lấy được thành này, nước nhà lại “tới hồi thái lai”. Đất nước sạch bóng quân thù, Lê Lợi lên ngôi vua, lấy lại quốc hiệu Đại Việt, đổi thành Đông Quan là Đông Kinh. Thăng Long – Đông Kinh lại tiếp diễn vai trò “kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.