Mới cập nhật

Nguyễn Trãi nuôi chí lớn giữa Đông Quan loạn lạc



Nguyễn Trãi sinh năm 1380 tại Thăng Long, là cháu ngoại của tư đồ Trần Nguyên Đán và là con trai của Nguyễn Phi Khanh, một triều thần của nhà Hồ. Mới 20 tuổi, Nguyễn Trãi đã đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) trong khoa thi đầu tiên dưới triều Hồ. Sau kì thi ấy, Nguyễn Trãi được Hồ Quý Ly phong làm ngự sử đài chánh chưởng, làm việc ngay tại Tây Đô (Kinh đô của nhà Hồ ở Thanh Hóa). Như vậy, cả hai cha con Nguyễn Trãi đều làm quan trong triều đình nhà Hồ. Đây là điều cực kỳ đặc biệt.

nguyen-trai-1

Nguyễn Trãi

Năm 1407, nhà Hồ không cự lại được đoàn quân xâm lăng của nhà Minh. Vua tôi nhà Hồ đều bị bắt cả, trong đó có Nguyễn Phi Khanh. Thương cha, Nguyễn Trãi cùng em trai là Nguyễn Phi Hùng lẽo đẽo đi theo đoàn áp giải tù binh nhà Minh tới tận ải Chi Lăng để hầu hạ. Hai anh em Nguyễn Trãi muốn theo cha sang tận Trung Hoa để có điều kiện chăm sóc, hầu hạ, nhưng Nguyễn Phi Khanh không muốn thế. Ông muốn hai con quay trở lại để tìm cách rửa nhục nước, trả thù nhà. Hai anh em Nguyễn Trãi miễn cưỡng vâng lời.

Quay về Đông Đô, lúc này bị nhà Minh đổi thành Đông Quan, Nguyễn Trãi bị tướng giặc là Trương Phụ bắt. Tên tướng này định giết Nguyễn Trãi để trừ hậu họa, nhưng may được một số vị quan đứng ra can ngăn, khuyên nên giữ “bậc hiền tài ít thấy” như Nguyễn Trãi lại, tìm cách mua chuộc mà dùng. Trương Phụ nghe theo, vì thế, Nguyễn Trãi thoát được kiếp nạn. Ông bị giam lỏng ở phía Nam thành Đông Quan, dù được hứa hẹn có cuộc sống giàu sang, nhung lụa nếu chịu phục vụ nhà Minh, nhưng ông vẫn khéo léo từ chối, chọn lối sống thanh bần dưới túp lều tranh. Thời gian này, ông đã tận mắt chứng kiến cảnh giặc Minh cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, đánh đập và giết hại dân thường, người yêu nước bị bắt làm tù binh, phụ nữ bị bắt làm nô tì cùng hằng hà sa số những việc làm tai ngược, dã man khác.

Sống giữa bầy giặc cướp nước, hằng ngày chứng kiến biết bao tội ác do chúng gây ra cho người dân, lòng Nguyễn Trãi sôi sục căm thù. Ông bèn cùng một số người bạn thân tín, cùng chí hướng tìm cách trốn khỏi vòng kiểm soát của giặc Minh. Cuộc trốn chạy được thực hiện thành công. Trên đường hành tẩu, đến đâu Nguyễn Trãi cũng phải chứng kiến những cảnh đớn đau, tang tóc do giặc ngoại xâm gây ra cho nhân dân ta. Lòng căm hờn càng thôi thúc ông phải hành động để rửa nhục nước, trả thù nhà. Sau một thời gian dài vừa bôn ba, vừa nghiền ngẫm, cuối cùng, Nguyễn Trãi đã hoàn thành “Bình Ngô sách”, tác phẩm chỉ rõ 3 kế sách dẹp giặc ngoại xâm.

nguyen-trai-2

Nguyễn Trãi sau khi đại thắng quân Minh đang thanh thản viết lại bài Cáo Bình Ngô lừng danh

Trên đường bôn tẩu, Nguyễn Trãi hay tin ở Thanh Hóa, Lê Lợi đang chiêu hiền đãi sĩ để tập hợp lực lượng giương cao cờ khởi nghĩa. Biết rằng đã gặp minh chủ, Nguyễn Trãi bèn tìm đường tới Lam Sơn (Thanh Hóa), nơi Lê Lợi đang nghiền ngẫm sách lược thao, để dâng kế “Bình Ngô sách”. Lê Lợi vốn đã nghe danh Nguyễn Trãi, lại được trực tiếp nghe Nguyễn Trãi bày kế sách, nên tỏ rõ lòng yêu mến, tin cậy. Vì thế, Nguyễn Trãi thường được Lê Lợi mời vào bàn định việc lớn trong màn trướng.

Với sự trợ giúp đắc lực của Nguyễn Trãi, nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi đứng đầu đã giành thắng lợi “sấm vang chớp giật”, “trúc trẻ tro bay”, khiến quân Minh bạt vía, kinh hồn, Vương Thông phải bỏ thành Đông Quan đầu hàng để được toàn mạng rút tàn quân về nước.

Nếm mật, nằm gai cùng Lê Lợi làm lên đại nghiệp, tiếc rằng đến cuối đời, vị công thần khai quốc nhà Hậu Lê vướng vào vụ án oan khuất Lệ Chi Viên khiến 3 họ bị tru di. 22 năm sau vụ án oan thấu tới trời xanh này, năm 1464, vị vua thứ 4 của nhà Hậu Lê là Lê Thánh Tông mới giải được nỗi oan khuất cho Nguyễn Trãi. Sau đó, Lê Thánh Tông cho đi tìm lại hậu duệ của Nguyễn Trãi phải chạy trốn sau vụ án oan để bổ làm quan, coi đó là một cách để triều đình chuộc lỗi với vị đại công thần.