Mới cập nhật

Khoa học và Tâm linh: Yếu tố gia đình là rất quan trọng

PGS, TS Đàm Đức Vượng

 

Khi bàn về tướng - số học, tôi thấy không thể không bàn đến gia đình, vì gia đình là yếu tố khách quan có ảnh hưởng đến vận mệnh của đứa con đã sinh và đang sống. Gia đình là tế bào của xã hội. Có người nói yếu tố gia đình là phận nửa của số mệnh những đứa con trong gia đình đó. Nhà khoa học Moócgan (Liuýt Henri Moócgan 1818 - 1881) là một trong những người đầu tiên đã xác định rằng, gia đình là một hiện tượng lịch sử thay đổi cùng với sự phát triển của lịch sử xã hội loài người.

mg1-93560

Trong những ngày công tác ở nước ngoài, tôi cũng có nghiên cứu về gia đình cộng đồng Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Cộng hòa Slôvakia và một số nước ở châu Âu. Kết quả nghiên cứu này đã được thể hiện trong một bài thơ của tôi, nhan đề:

Gia đình

Ngôi nhà ta xây đâu để nhìn

Chính là để sống với trái tim

Nắng ấm tràn vào đầy hạnh phúc

Toàn gia ôm ấp một niềm tin.

 

Trước cửa nhà lảnh lót tiếng chim

Trong nhà êm ái sống vui chung

Cha con chồng vợ đều hòa thuận

Đạo nhà gia quyến thật phân miêng.

 

Lòng mẹ dạt dào nỗi niềm riêng

Lòng cha vời vợi vẻ linh thiêng

Chỗ nương thân vẫn là nơi mẹ

Chỗ dựa cuộc đời cha tạo nên.

 

Với mẹ tất cả là đứa con

Sinh ra sao cho chúng vuông tròn

Với cha phải là nuôi dưỡng chúng

Suốt đời giáo dục một tình yêu.

 

Không có niềm vui toàn niềm vui

Không có khổ đau toàn khổ đau

Không có hạnh phúc toàn hạnh phúc

Bất hạnh gia đình chẳng giống nhau.

 

Ở đời biết bao nỗi vui sầu

Chẳng gia đình nào trọn vẹn đâu

Tu tâm tích đức là phương sách

Để giữ gia đình được bền lâu.

Praha, Séc,Đêm 16-4-2000

Trong gia đình, vợ chồng là tế bào, là rường cột của gia đình. Bài thơ Vợ chồng mà tôi đã viết trong những tháng, năm công tác ở nước ngoài đã thể hiện được phần nào về tình cảnh vợ chồng:

Vợ chồng

Vợ chồng là nhóm xã hội nhỏ

Dựa trên mối quan hệ hôn nhân

Nó đã thành phạm trù lịch sử

Và làm nên vật chất tinh thần.

 

Trên đời có bao cặp vợ chồng

Sống vui hòa thuận với hôn nhân

Nhưng cũng biết bao cặp chồng vợ

Sống chung nhà mà lại ly thân.

 

Có vợ chồng sống không vợ chồng

Chẳng uyên ương mà lại tai ương

Gượng gạo nhạt nhèo trong tổ lạnh

Ngày ăn hai bữa để mà ăn.

 

Trần đời có lắm chuyện éo le

Cái mình không muốn lại le te

Thà rằng muốn cái mình không có

Còn hơn có cái mình không ưa.

 

Một cặp đồng hành đến văn minh

Chan chứa yêu thương sống hết mình

Trong cảnh sum vầy tình lai láng

Hạnh phúc bay lên đến trời xanh.

 

Biên giới Séc - Đức - Đêm 30 Tết Nhâm Ngọ, tức đêm 11-2-2002

Nghiên cứu những cặp vợ chồng của người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài, tôi thấy thật là muôn hình vạn trạng. Có nhiều cặp vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc. Có nhiều cặp vợ chồng sống với nhau cả đời bất hạnh. Có cặp vợ chồng về già xin làm “đám cưới vàng”, thề với nhau là tiếp tục làm vợ chồng ở nơi âm phủ sau khi qua đời. Có người chồng, người vợ tuy vẫn sống chung vợ chồng, nhưng mỗi người đều có “bồ bịch” riêng. Có cặp vợ chồng không có con hoặc sinh toàn con gái, làm người đàn ông phải đi lấy vợ khác. Đến khi lấy người vợ khác lại sinh con gái tiếp và lại đi lấy người vợ thứ ba,... Nguyên nhân có nhiều, nhưng chung quy lại có hai nguyên nhân: nguyên nhân tâm lý và nguyên nhân sinh lý. Nguyên nhân tâm lý thể hiện sự ám ảnh nào đó về người vợ hoặc người chồng của mình. Còn nguyên nhân sinh lý thể hiện ở tuổi tác, sức khỏe của một trong hai người hoặc cả hai người. Khi không “đáp ứng” được cho nhau thì phải đi tìm “miếng mồi khác”. Vì vậy, mới diễn ra cái cảnh “ông ăn chả bà ăn nem”.

Muốn duy trì lâu bền vợ chồng, thì cả hai người phải sống với nhau có tình có nghĩa; phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tình yêu sinh lý với tình yêu tâm lý. Khi còn trẻ, vợ chồng phải biết kết hợp giữa tình yêu sinh lý và tình yêu tâm lý; khi tuổi đã cao, vợ chồng phải rất coi trọng tình yêu tâm lý.

[caption id="" align="aligncenter" width="370"] Ảnh minh họa[/caption]

Xét về mặt triết học, gia đình là một đơn vị xã hội (cũng có thể gọi là nhóm xã hội nhỏ hay tổ hợp xã hội nhỏ), một hình thức tổ chức quan trọng nhất của sinh hoạt cá nhân, dựa trên hôn nhân và các quan hệ huyết thống, tức là mối quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh, chị em và những người thân thuộc khác cùng chung sống và có kinh tế chung, tạo thành sinh hoạt gia đình. Đặc trưng của sinh hoạt gia đình ràng buộc bởi kinh tế, tài chính, gọi chung là sinh hoạt vật chất và đạo đức, pháp lý, tâm lý, gọi chung là sinh hoạt tinh thần. Gia đình là một phạm trù lịch sử. Gia đình có ảnh hưởng đến đời sống xã hội và đời sống xã hội tác động đến gia đình. Quan hệ hôn nhân gia đình là quan hệ dựa trên tình yêu, tình bạn và lòng tin cậy lẫn nhau.

Tình yêu, sự tôn trọng lẫn nhau, sự chăm lo, giáo dục con cái, sự chăm sóc của con cái lớn, đã trưởng thành đối với cha mẹ, ông bà là những nguyên tắc đạo đức quan trọng nhất của gia đình. Về nguồn gốc gia đình, nhiều chuyên gia cho rằng, nó hình thành từ khi xã hội nguyên thủy bắt đầu tan rã và thay vào đó là xã hội chiếm hữu nô lệ. Đến thời kỳ phong kiến, thì gia đình hình thành rõ rệt nhất. Chế độ công xã nguyên thủy chưa có gia đình, vì nó còn quan hệ tinh giao theo quần hôn.

Trong sách “Hành trình về phương Đông”, giáo sư Blair T.Spalding dẫn lời bác sĩ Bandyo phân tích về gia đình, rằng, người đàn ông không thể hiểu được tâm trạng người đàn bà lúc sinh con. Dù hoàn cảnh khó khăn, đau đớn đến đâu, khi vừa nghe con khóc, người mẹ nào cũng cảm thấy hạnh phúc. Đối với một đứa bé vừa ra đời, khoa học chỉ lo cho chúng ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ mà thôi, chứ không hiểu chúng cần một yếu tố rất quan trọng là tình thương. Thiếu tình thương, đứa trẻ khó lòng sống sót, vì nhu cầu tình cảm đôi khi còn quan trọng hơn các nhu cầu khác.

[caption id="" align="aligncenter" width="550"] Cuốn sách Hành trình về Phương Đông[/caption]

Tình thương là một yếu tố dinh dưỡng cần thiết để trẻ em nảy nở tâm lý, tinh thần, và chính vì cha, mẹ không lo đủ nhu cầu này mà trẻ chậm lớn, thiếu phát triển. Các bệnh tâm lý, thần kinh đều trực tiếp bắt nguồn từ đây. Tùy theo nó được yêu hay ghét mà cuộc đời hiện ra đáng ghét hay đáng yêu. Từ lúc sơ sinh, nó nhận được tình yêu và sự quan tâm chăm sóc của cha, mẹ. Nếu nó được yêu thương, năng lực này sẽ được phát động mạnh mẽ và nó sẽ trở thành một trung tâm ban phát tình thương. Nhưng nếu bị hắt hủi, nó sẽ trở nên hung hãn vì mầm yêu thương đã bị dập tắt. Vì vậy, có thể nói bổn phận làm cha, mẹ là vô cùng thiêng liêng, một trách nhiệm vô cùng quan trọng, hơn là việc chỉ lo cho nó đủ ăn, đủ mặc. Tình thương là một năng lực sáng tạo, khiến người thương và kẻ được thương trở nên sung mãn về tinh thần. Trên thế gian này, tình thương thể hiện tấm lòng nhân hậu của con người đối với con người. Nó có giá trị giao hòa, cảm khái, không gì có thể thay thế được. Tình thương là một sinh lực, nó chữa trị rất tốt căn bệnh tinh thần cho con người.

Trong sách “Journal of Medecine”, bác sĩ René Spitz, thuộc Đại học New York, phân tích hai nhòm trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng khác nhau. Nhóm thứ nhất được nuôi dưỡng bởi chính cha mẹ chúng. Nhóm thứ hai được giao cho các cô y tá. Tất cả đều được nuôi nấng, ăn uống như nhau, chỉ khác ở sự yêu thương. Chỉ sau vài tháng, nhóm trẻ thứ nhất phát triển mạnh mẽ, lên cân, khỏe mạnh, trong khi nhóm thứ hai chậm ăn, chậm lớn và thường xuyên đau ốm. Vì vậy, có thể rút ra kết luận trẻ con cần tình thương để có thể phát triển bình thường.

Qua việc đi khảo nghiệm thực tế ở nhiều quốc gia, tôi cảm thấy những đứa trẻ sinh ra ở các nước phương Tây thường nhận được ít tình thương hơn những đứa trẻ sinh ra ở các nước phương Đông, tuy hoàn cảnh sống của những đứa trẻ ở các nước phương Tây có phần hơn những đứa trẻ ở các nước phương Đông.

Đã có biết bao cặp gia đình giàu có, sống hạnh phúc, sang trọng, nhưng cũng có biết bao gia đình sống giàu có, nhưng bất hạnh, lục đục, thậm chí anh em đánh nhau, chém giết nhau, người ta gọi những gia đình đó là gia đình vô phúc. Đã có không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, ở cơ quan là “thống soái”, nhưng gia đình lại có vấn đề, con cái hư hỏng, ăn chơi, nghiện ngập, trác táng. Những người này trị được quốc, nhưng lại không trị được gia. Người có nhiều tiền, nhiều của, quyền cao chức trọng, nhưng nhìn vào gia đình lại là một tấn bi kịch, thử hỏi tiền của, chức vụ để làm cái gì?  Trong thời buổi kinh tế thị trường, tình cảnh “một túp lều tranh hai trái tim vàng” dần dần mất đi, thay vào đó là những cặp đôi làm kinh tế để kiếm sống và cho gia đình mình được giàu có.