Nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực
Cho đến nay, do xuất phát từ các cách tiếp cận khác nhau, nên vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau khi bàn về nguồn nhân lực và phát triển nguồn nhân lực. Vậy, cần hiểu nội hàm khái niệm này thế nào?
Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn nhân lực. Theo Liên Hợp
quốc thì “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh
nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát
triển của mỗi cá nhân và của đất nước”. Ngân hàng thế giới cho rằng:
nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người bao gồm thể lực, trí lực, kỹ
năng nghề nghiệp… của mỗi cá nhân. Như vậy, ở đây nguồn lực con người
được coi như một nguồn vốn bên cạnh các loại vốn vật chất khác: vốn tiền
tệ, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên. Theo Tổ chức Lao động quốc tế,
nguồn nhân lực của một quốc gia là toàn bộ những người trong độ tuổi có
khả năng tham gia lao động. Nguồn nhân lực được hiểu theo hai nghĩa:
Theo nghĩa rộng, nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho sản
xuất xã hội, cung cấp nguồn lực con người cho sự phát triển. Do đó,
nguồn nhân lực bao gồm toàn bộ dân cư có thể phát triển bình thường.
Theo nghĩa hẹp, nguồn nhân lực là khả năng lao động của xã hội, là nguồn
lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các nhóm dân cư trong
độ tuổi lao động, có khả năng tham gia vào lao động, sản xuất xã hội,
tức là toàn bộ các cá nhân cụ thể tham gia vào quá trình lao động, là
tổng thể các yếu tố về thể lực, trí lực của họ được huy động vào quá
trình lao động.
Dưới góc độ kinh tế phát triển: nguồn nhân lực là một bộ phận dân số
trong độ tuổi quy định có khả năng tham gia lao động. Nguồn nhân lực
được biểu hiện trên hai mặt: về số lượng đó là tổng số những người trong
độ tuổi lao động làm việc theo quy định của nhà nước và thời gian lao
động có thể huy động được từ họ; về chất lượng, đó là sức khoẻ và trình
độ chuyên môn, kiến thức và trình độ lành nghề của người lao động. Nguồn
lao động là tổng số những người trong độ tuổi lao động quy định đang
tham gia lao động hoặc đang tích cực tìm kiếm việc làm. Nguồn lao động
cũng được hiểu trên hai mặt: số lượng và chất lượng. Như vậy, theo khái
niệm này, có một số được tính là nguồn nhân lực nhưng lại không phải là
nguồn lao động, đó là: những người không có việc làm nhưng không tích
cực tìm kiếm việc làm, tức là những người không có nhu cầu tìm việc làm,
những người trong độ tuổi lao động quy định nhưng đang đi học…
Tiếp cận dưới góc độ kinh tế chính trị, có thể hiểu: nguồn nhân lực là
tổng hoà thể lực và trí lực tồn tại trong toàn bộ lực lượng lao động xã
hội của một quốc gia, trong đó kết tinh truyền thống và kinh nghiệm lao
động sáng tạo của một dân tộc trong lịch sử, được vận dụng để sản xuất
ra của cải vật chất và tinh thần phục vụ cho nhu cầu hiện tại và tương
lai của đất nước.
Trong thời đại ngày nay, con người được coi là một “tài nguyên đặc
biệt”, một nguồn lực của sự phát triển kinh tế. Bởi vậy, việc phát triển
con người, phát triển nguồn nhân lực trở thành vấn đề chiếm vị trí
trung tâm trong hệ thống phát triển các nguồn lực. Chăm lo đầy đủ đến
con người là yếu tố bảo đảm chắc chắn nhất cho sự phồn vinh, thịnh vượng
của mọi quốc gia. Đầu tư cho con người là đầu tư có tính chiến lược,
là cơ sở nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Cho đến nay, do xuất phát từ các cách tiếp cận khác nhau, nên vẫn có
nhiều cách hiểu khác nhau khi bàn về phát triển nguồn nhân lực. Theo
quan niệm của Liên Hợp quốc, phát triển nguồn nhân lực bao gồm giáo dục,
đào tạo và sử dụng tiềm năng con người nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế
- xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Có quan điểm cho rằng: phát
triển nguồn nhân lực là gia tăng giá trị cho con người, cả giá trị vật
chất và tinh thần, cả trí tuệ lẫn tâm hồn cũng như kỹ năng nghề nghiệp,
làm cho con người trở thành người lao động có những năng lực và phẩm
chất mới, cao hơn, đáp ứng được những yêu cầu to lớn và ngày càng tăng
của sự phát triển kinh tế - xã hội. Một số tác giả khác lại quan niệm:
phát triển là quá trình nâng cao năng lực của con người về mọi mặt: thể
lực, trí lực, tâm lực, đồng thời phân bổ, sử dụng, khai thác và phát huy
hiệu quả nhất nguồn nhân lực thông qua hệ thống phân công lao động và
giải quyết việc làm để phát triển kinh tế - xã hội.
Từ những luận điểm trình bày trên, phát triển nguồn nhân lực của một
quốc gia chính là sự biến đổi về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực
trên các mặt thể lực, trí lực, kỹ năng, kiến thức và tinh thần cùng với
quá trình tạo ra những biến đổi tiến bộ về cơ cấu nguồn nhân lực. Nói
một cách khái quát nhất, phát triển nguồn nhân lực chính là quá trình
tạo lập và sử dụng năng lực toàn diện con người vì sự tiến bộ kinh tế-
xã hội và sự hoàn thiện bản thân mỗi con người. Như vậy, phát triển
nguồn nhân lực với nội hàm trên đây thực chất là đề cập đến vấn đề chất
lượng nguồn nhân lực và khía cạnh xã hội của nguồn nhân lực của một quốc
gia.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là khái niệm để chỉ một con người, một
người lao động cụ thể có trình độ lành nghề (về chuyên môn, kỹ thuật)
ứng với một ngành nghề cụ thể theo tiêu thức phân loại lao động về
chuyên môn, kỹ thuật nhất định (đại học, trên đại học, cao đẳng, lao
động kỹ thuật lành nghề). Giữa chất lượng nguồn nhân lực và nguồn nhân
lực chất lượng cao có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong mối quan hệ
giữa cái chung và cái riêng. Nói đến chất lượng nguồn nhân lực là nói
đến tổng thể nguồn nhân lực của một quốc gia, trong đó nguồn nhân lực
chất lượng cao là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng, là nhóm tinh
tuý nhất, có chất lượng nhất. Bởi vậy, khi bàn về nguồn nhân lực chất
lượng cao không thể không đặt trong tổng thể vấn đề chất lượng nguồn
nhân lực nói chung của một đất nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao là
nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường (yêu cầu của các
doanh nghiệp trong và ngoài nước), đó là: có kiến thức chuyên môn, kinh
tế, tin học; có kỹ năng, kỹ thuật, tìm và tự tạo việc làm, làm việc an
toàn, làm việc hợp tác; có thái độ, tác phong làm việc tốt, trách nhiệm
với công việc. Như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao phải là những con
người phát triển cả về trí lực và thể lực, cả về khả năng lao động, về
tính tích cực chính trị - xã hội, về đạo đức, tình cảm trong sáng. Nguồn
nhân lực chất lượng cao có thể không cần đông về số lượng, nhưng phải
thực chất.
Khi chuyển dần sang nền kinh tế tri thức và trong xu thế toàn cầu hoá,
hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực
chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định của nó. Các lý
thuyết tăng trưởng gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng
nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: áp dụng
công nghệ mới, phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại và nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực. Trong đó, động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng
kinh tế bền vững chính là những con người, đặc biệt là nguồn nhân lực
chất lượng cao, tức là những con người được đầu tư phát triển, có kỹ
năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo nhằm trở thành
“nguồn vốn - vốn con người, vốn nhân lực”. Bởi trong bối cảnh thế giới
có nhiều biến động và cạnh tranh quyết liệt, phần thắng sẽ thuộc về
những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao, có môi trường pháp lý
thuận lợi cho đầu tư, có môi trường chính trị - xã hội ổn định.
Nguyễn Sinh Cúc