Mới cập nhật

“BẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP” – TÁC PHẨM TỐ CÁO CHẾ ĐỘ THỰC DÂN

PGS,TS Đàm Đức Vượng

     Trên trang mạng gần đây xuất hiện bài “Hồ Chí Minh dứt khoát không phải là tác giả của Ngục trung nhật ký, Hồ Chí Minh không phải là tác giả của Bản yêu sách của nhân dân An Nam, Hồ Chí Minh cũng không phải là tác giả của Bản án chế độ thực dân Pháp” của một người xa lạ, không biết và không nghiên cứu gì về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
      Tôi đã có bài phân tích về tác giả của “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” là của Nguyễn Ái Quốc (Hò Chí Minh) và bài “Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), kiệt tác thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập thơ chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc” .
      Trong bài nghiên cứu này, tôi phân tích về tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” – tác phẩm tổ cáo chế độ độ thực dân” để bác lại những nhận định không đúng, cho rằng, Bản án chế độ thực dân Pháp không phải do Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) viết, mà là của một người khác viết. Đây là những nhận định vu vơ, hồ đồ, không đúng, mang dụng ý rất xấu, cần phải bác bỏ. Đã có đủ cơ sở khoa học và tài liệu xác thực để chứng minh tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” là của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), chứ không phải của ai khác.
Bìa sách Bản án chế độ thực dân Pháp. Ảnh: Wikipedia
 
      Một tài liệu chính thống chứng minh tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp là do Nguyễn Ái Quốc viết. Đó là sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên, Nhà Xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1975, trang 37. Sách viết: “Ông Nguyễn chỉ viết một cuốn sách duy nhất là quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp”.
      Trong bộ “Hồ Chí Minh Toàn tập” 12 tập và bộ “Hồ Chí Minh Toàn tập” 15 tập, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, đều in đầy đủ toàn bộ tác phẩm này. Trước khi tái bản tác phẩm này, Hội đồng Khoa học đã thẩm định, đối chiếu rất kỹ văn bản gốc và các văn bản hiện có để khẳng định chắc chắn rằng, tác giả đích thực của tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp là Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh). 
      Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” ký tên Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp, xuất bản lần đầu tiên tại Pari, Pháp, năm 1925 và xuất bản lần đầu ở Việt Nam năm 1946. Bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt đã được đối chiếu cẩn thận với cuốn xuất bản năm 1946 tại Việt Nam. Trong bản in năm 1925, mở đầu tác phẩm in lời giới thiệu của ông Nguyễn Thế Truyền. Chính vì vậy, có người lầm tưởng “Bản án chế độ thực dân Pháp” là của Nguyễn Thế Truyền.
      “Bản án chế độ thực dân Pháp” là một tác phẩm lớn do Nguyễn Ái Quốc viết, đã được những người bạn cùng hoạt động với Người xuất bản đầu tiên bằng tiếng Pháp tại Thư quán Lao động Pari, năm 1925. Tác phẩm này ra đời giữa lúc làn sóng cách mạng đang dâng lên mạnh mẽ ở nhiều thuộc địa của Pháp, phong trào yêu nước của Việt Nam sôi nổi diễn ra khắp Bắc, Trung, Nam và giữa lúc Nguyễn Ái Quốc đang nỗ lực giáo dục, tổ chức lực lượng nòng cốt của cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Vì vậy, ngay từ khi mới ra đời, tác phẩm đã có tiếng vang lớn trong nhân dân các nước thuộc địa. Nhân dân Pháp lúc bấy giờ cũng đã biết tới tác phẩm này.
      Với lời văn uyên thâm, châm biếm sâu sắc, tác phẩm đã tố cáo và lên án đanh thép những tội ác tày trời của chủ nghĩa thực dân Pháp trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, như vấn đề thuế máu; vấn đề chiến tranh và người bản xứ; vấn đề quan cai trị; chế độ bắt lính và phu phen... Với những bằng chứng cụ thể, tác phẩm đã vạch rõ nguồn gốc của mọi sự áp bức, bóc lột, mọi nỗi khổ cực của quần chúng lao khổ ở các nước thuộc địa. “Khi đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi, thì những lời tuyên bố tình tứ của các ngài cầm quyền nhà ta bỗng dưng im bặt như có phép lạ, và cả người Nêgrô (da đen – ĐĐV) lẫn người Annamít (da vàng – ĐĐV) mặc nhiên trở lại giống người bẩn thỉu”1. “Các ngài chiến thắng quang vinh của chúng ta thường quen thói “giáo dục” người bản xứ bằng đá đít hoặc roi vọt”2.
      Tác phẩm đã vạch ra tội ác của chế độ thực dân đầu độc người bản xứ bằng rượu cồn, thuốc phiện và chính sách ngu dân. Để nhồi nhét văn minh “Đại Pháp” cho người An Nam, A.Xarô, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ, đã không từ một thủ đoạn nào, kể cả những thủ đoạn bỉ ổi nhất và những tội ác trút lên đầu người dân thuộc địa. “Nói đến các món độc quyền, người ta có thể hình dung Đông Dương như một con nai béo mập bị trói chặt và đương hấp hối dưới những cái mỏ quặp của một bầy diều hâu rỉa rói mãi không thấy no”3. Nguyễn Ái Quốc nhận định lúc bấy giờ, cứ 1.000 làng thì có đến 1.500 đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện. Nhưng cũng trong số 1.000 làng đó lại chỉ vẻn vẹn có 10 trường học. Bọn chủ độc quyền còn bắt nhân viên của họ pha thêm nước lã vào rượu, rồi đem bán; cú mỗi héctôlít rượu pha thêm 8 lít nước lã. Như vậy, tính trên toàn cõi Đông Dương mỗi ngày cứ bán 500 héctôlít rượu thì có 4.000 lít nước lã pha thêm vào; 4.000 lít, mỗi lít giá 3 hào, thành 1.200 đồng một ngày, 36.000 đồng một tháng. Như thế chỉ cần mở vòi nước lã không thôi, mỗi năm họ cũng thu được một món tiền lãi  432.000 đồng, hay 4 triệu phrăng.
      Người Pháp thực dân đã làm cho dân bản xứ ngu muội đi bằng thuốc phiện. Họ càng bán được nhiều thuốc phiện, thì càng được quý trọng. Nhưng ở bên “chính quốc” Pháp, nếu anh đem bán thứ thuốc độc ấy, thì anh sẽ bị tóm cổ ngay lập tức.
      Nguyễn Ái Quốc chỉ ra rằng, tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị hoành hành dữ dội và công lý dưới chế độ thực dân là thứ công lý “ăn cơm mà không được uống nước”.
      Nhưng tội ác lớn nhất của chế độ thực dân Pháp là đi xâm chiếm các nước thuộc địa và phụ thuộc, gây nên những tội ác tày trời cho những xứ sở mà Pháp xâm chiếm. Khi người ta có màu da trắng, thì nghiễm nhiên người ta là một nhà khai hóa. Mà khi đã là một nhà khai hóa, thì người ta có thể làm những việc dã man mà vẫn cứ là người “văn minh” nhất. Than ôi! “Trên thế giới không có dân tộc chiến bại nào bị đàn áp và hành hạ như người dân thuộc địa”4. Họ khốn khổ đến mức mà ở châu Âu người ta không thể tưởng tượng được.
      Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã bước đầu vạch ra đường lối đấu tranh cách mạng và những chiến lược, sách lược đúng đắn cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc khác; cổ vũ các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành quyền sống.
      Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc đã dành những trang hùng hồn nhất để viết về nô lệ thức tỉnh. Đó là cuộc đấu tranh quyết liệt của 600 thợ nhuộm ở Chợ Lớn, Nam Kỳ, tháng 11-1922, vì bị bớt lương nên đã quyết định bãi công. Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Đây là lần đầu tiên, một phong trào như thế nhóm lên ở thuộc địa. Chúng ta hãy ghi lấy dấu hiệu đó của thời đại và chúng ta đừng quên rằng, bổn phận của chúng ta – những người lao động ở chính quốc – không phải chỉ tỏ tình đoàn kết với những anh em cùng giai cấp ở đây bằng lời nói, mà còn phải giác ngộ họ, giáo dục họ về ý thức tổ chức và về phương pháp tổ chức”5. Ở nhiều thuộc địa khác cũng nổ ra những cuộc đấu tranh tương tự, đó là tiếng kèn kêu gọi các dân tộc bị áp bức hãy vùng lên. Nguyễn Ái Quốc luận rằng: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi còn lại kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”6. 
      Tác phẩm ra đời đã giáng đòn tiến công quyết liệt vào chủ nghĩa thực dân, vạch ra con đường cách mạng và tương lai tươi sáng cho các dân tộc bị áp bức. Đây là một cống hiến quan trọng của Nguyễn Ái Quốc đối với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, góp phần tích cực vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam và các nước thuộc địa, phụ thuộc khác. Nó không chỉ có giá trị lớn về lý luận, chính trị, mà còn có giá trị lớn về mặt văn chương. Văn trong tác phẩm “Bản  án chế độ thực dân Pháp” là thứ văn châm biếm sâu sắc chế độ thực dân ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.
      Nguyễn Ái Quốc kêu gọi:
      “Đứng trước chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, quyền lợi của chúng ta là thống nhất, các bạn hãy nhớ lời kêu gọi của Các Mác:
      Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!”7.
      Những tư tưởng lớn của tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” không chỉ soi con đường cho cách mạng Việt Nam nói riêng và cách mạng các nước thuộc địa và phụ thuộc nói chung.
      Từ sự phân tích trên đây đưa đến kết luận là mọi mưu toan xấu xa và độc ác phủ nhận tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” không phải của Nguyễn Ái Quốc, đều phải lên án và bác bỏ.
------
1. Nguyễn Ái Quốc: Bản án chế độ thực dân Pháp, in trong “Hồ Chí Minh Toàn tập”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 32.
2. Nguyễn Ái Quốc: Bản án chế độ thực dân Pháp, in trong “Hồ Chí Minh Toàn tập”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 37.
3.  Nguyễn Ái Quốc: Bản án chế độ thực dân Pháp, in trong “Hồ Chí Minh Toàn tập”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 40.
4 Nguyễn Ái Quốc: Bản án chế độ thực dân Pháp, in trong “Hồ Chí Minh Toàn tập”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 67.
5. Nguyễn Ái Quốc: Bản án chế độ thực dân Pháp, in trong “Hồ Chí Minh Toàn tập”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 123.
6. Nguyễn Ái Quốc: Bản án chế độ thực dân Pháp, in trong “Hồ Chí Minh Toàn tập”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 130.
7. Nguyễn Ái Quốc: Bản án chế độ thực dân Pháp, in trong “Hồ Chí Minh Toàn tập”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 139.