Mới cập nhật

“NÊN HỌC SỬ TA”

GS,TS Đàm Đức Vượng


Thời gian gần đây, trên các trang mạng rộ lên một loạt bài về “Chương trình lớp 10 mới: Học sinh không cần học môn lịch sử, môn vật lý nếu không thích”. Với Chương trình mới này, “học sinh lớp 10 sẽ không phải học lịch sử hay hóa học, sinh học, các em cũng có thể không cần học môn lịch sử hay địa lý nếu không muốn, và các em hoàn toàn có thể chọn các môn như âm nhạc, hay giáo dục kinh tế và pháp luật,… tùy thuộc vào sở thích và định hướng tương lai của các em”.

 
Đọc những dòng trên, một cô giáo dạy môn lịch sử bậc trung học phổ thông phải thốt lên: “Một đất nước luôn tự hào mấy ngàn năm văn hiến, một dân tộc luôn tự hào với truyền thống hào hùng trong lịch sử, một nền giáo dục vốn dựa trên nền tảng lịch sử, văn hóa, dân tộc với đạo lý truyền thống tốt đẹp thì phải tôn trọng lịch sử. Dù dưới bất kỳ hình thức gì đi nữa thì bỏ đi môn lịch sử sẽ là một sai lầm to lớn bởi chúng ta sẽ đào tạo ra một thế hệ công dân không nhớ tới quá khứ và cội nguồn của mình”. Vị giáo viên này phản biện: “Xưa nay, học sinh vốn ngại học sử, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tiếp tục đưa môn học này thành môn học tự chọn trong tổ hợp 3 môn thì khác nào “khai tử” môn lịch sử?”. Cô giáo dạy sử nghẹn ngào nói: “Hiện nay, nhiều người trẻ gần như không hiểu biết về lịch sử dân tộc, vẫn coi Quang Trung và Nguyễn Huệ là anh em. Điều gì sẽ xảy ra khi giới trẻ không biết gì về lịch sử nước nhà, hoặc nếu biết cũng lơ mơ, ngây ngô, trong khi các thông tin méo mó lịch sử thì tràn lan trên mạng xã hội?...”.

Những lời tâm sự trên đây của vị giáo viên môn lịch sử rất chân thành khi chúng ta tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về lịch sử nước ta. Năm 1941, Người có hai tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam.

Tác phẩm thứ nhất: “Nên học sử ta”:

Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”1.

Theo Người: “Dân ta phải biết sử ta. Sử dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời… Những vị anh hùng ấy vì nước vì dân mà làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa. Nhờ những vị dân tộc anh hùng ấy mà nước ta được tự do, độc lập, lừng lẫy ở Á Đông”2. Theo Người, thì sử dạy cho ta bài học lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vì vậy, quan điểm của Người là phải biết đoàn kết chống giặc ngoại xâm để khôi phục lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đó là lý do Người khuyên chúng ta “nên học sử ta”3.

Tác phẩm thứ hai: “Lịch sử nước ta”. Trong tác phẩm này, Người lại viết:

Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Kể năm hơn bốn nghìn năm,
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa”4.


Tác phẩm “Lịch sử nước ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Tác phẩm “Lịch sử nước ta” là một bài thơ dài (diễn ca) do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào khoảng cuối năm 1941, tại Cao Bằng, xuất bản các năm 1942, 1947, 1949.

Tập diễn ca lịch sử này được viết để làm tại liệu học tập cho các lớp huấn luyện cán bộ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhằm giáo dục và động viên nhân dân ta phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Lịch sử nước ta đã in sâu vào tâm trí đồng bào cả nước. Nhiều người đã thuộc lòng toàn văn diễn ca này.

Đọc “Nên học sử ta” và diễn ca “Lịch sử nước ta”, thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng lịch sử nước nhà, coi đây là một vấn đề không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt chính trị và sinh hoạt xã hội. Lịch sử Việt Nam không những mang tính truyền thống, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hiện tại và tương lai, nên cần phải học.

Lịch sử là gì? Xét dưới góc độ triết học, đó là nguyên tắc nhận thức các sự vật và hiện tượng trong sự phát triển, sự hình thành của chúng, trong mối quan hệ của chúng với những điều kiện lịch sử cụ thể. Quan điểm lịch sử là cách xem xét hiện tượng như là sản phẩm của sự phát triển lịch sử nhất định, theo quan điểm cho rằng, những hiện tượng đó phát sinh như thế nào, phát triển như thế nào và đã đi tới tình trạng hiện nay ra sao. Là một phương pháp nghiên cứu lý luận nhất định, quan điểm nhận thức về lịch sử là sự xác định sự biến đổi, trong đó, thể hiện sự hình thành những đặc tính và những mối liên hệ đặc thù của các sự vật quy định bản chất, tính đặc thù về chất của lịch sử. Quan điểm lịch sử đòi hỏi bắt buộc phải thừa nhận tính chất kế thừa và không thể đảo ngược của những biến đổi của sự kiện lịch sử. Vì vậy, quan điểm lịch sử đã trở thành một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của khoa học, gọi là khoa học lịch sử, cho phép khoa học lịch sử vẽ nên bức tranh toàn cảnh về các sự kiện lịch sử theo phương pháp biện chứng. Bản thân nó giải thích bản chất và những hiện tượng xã hội phức tạp như lịch sử nhà nước, lịch sử giai cấp và đấu tranh giai cấp,…, đưa ra những dự đoán về chủ nghĩa xã hội nhất định thay thế chủ nghĩa tư bản, là điều không thể tránh khỏi. Quan điểm của triết học, xã hội học, lôgích học tư sản hiện đại là phủ nhận nguyên tắc về quan điểm lịch sử, chống lại quan điểm lịch sử hoặc giải thích nó một cách méo mó theo kinh nghiệm chủ nghĩa.

Nói đến lịch sử không thể không nói đến lôgích. Giữa lịch sử và lôgích có mối liên hệ biện chứng với nhau, đan xen vào nhau, tác động vào nhau, tạo thành thể thống nhất. Lịch sử và lôgích đều là những phạm trù triết học nói lên những đặc điểm quan trọng của quá trình phát triển, cũng như mối tương quan giữa sự phát triển lịch sử và lôgích. Lịch sử là những sự kiện xảy ra trong đời sống xã hội, còn lôgích là sự tổng kết những sự kiện đó. Lịch sử thể hiện quá trình hiện thực của sự xuất hiện và sự hình thành một sự kiện nào đó; lôgích thì thể hiện những mối tương quan, những quy luật liên hệ và tác động lẫn nhau giữa các mặt của sự kiện đó, đang tồn tại trong trạng thái phát triển của nó. Lịch sử quan hệ với lôgích như là quá trình phát triển quan hệ với kết quả của nó, trong đó, những mối liên hệ đã được hình thành một cách tuần tự trong tiến trình của lịch sử hiện thực. Tính thống nhất giữa lịch sử và lôgích được thể hiện ở chỗ tính lịch sử chứa đựng tính lôgích ở mức độ mà mọi quá trình phát triển đều bao hàm khuynh hướng khách quan, tính tất yếu của nó. Lịch sử và lôgích được thể hiện ở mối tương quan và sự lệ thuộc lẫn nhau, tác động vào nhau, gặp nhau ở yếu tố lịch sử. Lịch sử và lôgích đều hình thành cơ cấu đặc thù của nó, chứa đựng quá trình hình thành và phát triển của nó: lôgích bao hàm cái lịch sử và phản ánh vào lôgích, tạo thành thể thống nhất của lịch sử.

Nhiệm vụ của nghiên cứu lịch sử là phát hiện những sự kiện và những tiền đề định hình cụ thể của những hiện tượng này hay hiện tượng khác, phát hiện tính chất tuần tự lịch sử của những bước quá độ, từ những giai đoạn tất yếu lịch sử này sang giai đoạn tất yếu lịch sử khác. Tầm quan trọng của lịch sử không thể thiếu trong đời sống xã hội.

Nhiệm vụ nghiên cứu của lôgích là phân tích những điểm cần nhấn trong lịch sử để phân tích bằng lý luận, nhằm làm phong phú thêm những sự kiện lịch sử và mang tính tổng kết của lịch sử.

Nhưng xét cho cùng, lôgích cũng là lịch sử và lịch sử cũng là lôgích, chỉ khác nhau ở chỗ lịch sử mang tính cụ thể, còn lôgích mang tính khái quát.

Qua sự phân tích trên đây, thấy rằng, lịch sử mà thoát khỏi lôgích sẽ rơi vào “lịch sử chay”, trong khi đó, nếu lôgích thoát khỏi lịch sử, cũng sẽ rời vào “lôgích chay”, lôgích sẽ không có cơ sở để tổng kết lịch sử. Vì vậy, quan điểm lịch sử của ta là lịch sử bao giờ cũng gắn với lôgích, tạo thành mối quan hệ biện chứng: lịch sử - lôgích.

Những điều trên đây đã nêu, đặt ra cho chúng ta là không nên đặt vấn đề không cần học sử nếu không muốn, vì đặt vấn đề như vậy sẽ hạ thấp vai trò của lịch sử, trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta “nên học sử ta”.
 
------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 255.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 255.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 255.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr. 259.