Mới cập nhật

Kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh đồng chí Võ Chí Công (7-8-1912 – 7-8-2022): ĐỒNG CHÍ VÕ CHÍ CÔNG – NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI NĂNGCỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

GS,TS Đàm Đức Vượng


Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn, bí danh Năm Công (tên chữ Võ Chí Công có từ năm 1961); nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; sinh ngày 7-8-1912, tại làng Tam Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ (nay là thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho yêu nước, từ nhỏ, Võ Toàn đã được giáo dục về lòng yêu nước, chí khí quật cường của dân tộc. Ngay từ năm 14 tuổi, Võ Toàn đã cùng thân phụ tham gia các phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh (Phan Chu Trinh) trên tinh thần đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Từ năm 1930 – 1934, ông tham gia hoạt động trong các phong trào thanh niên yêu nước và cách mạng. Năm 1935, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và năm 1936, được cử làm Bí thư Chi bộ ghép một số xã thuộc huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Trong số các đảng viên của Chi bộ ghép, có cụ Võ Nghiệm, thân phụ ông. Tháng 9-1939, ông được bổ sung vào làm Huyện ủy viên Huyện ủy Tam Kỳ. Cuối năm 1939, ông được cử làm Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ. Lúc này, địch khủng bố dữ, gây những khó khăn cho hoạt động của Tỉnh ủy. Nhiều Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Nam bị địch bắt. Tháng 8-1939, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam là Nguyễn Đức Thiệu bị bắt cùng với nhiều cán bộ của Tỉnh ủy, đẩy Tỉnh ủy Quảng Nam gần như ngừng hoạt động. Trong hoàn cảnh đó, Võ Toàn đã ra sức đi móc nối các tổ chức đảng của Huyện ủy Tam Kỳ và Tỉnh ủy Quảng Nam và tìm cách liên lạc với những người cộng sản trong Tỉnh với hy vọng phục hồi lại các tổ chức đảng. Ông đã đứng ra thành lập Ban Liên lạc nhằm tiến tới thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Quảng Nam. Tháng 3-1940, Tỉnh ủy Lâm thời Quảng Nam được thành lập do Võ Toàn làm Bí thư. Tháng 10-1941, ông được cử vào Xứ ủy Trung Kỳ vừa được tái lập, làm Xứ ủy viên, được phân công phụ trách các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Tháng 6-1942, Võ Toàn được tổ chức điều về giữ chức Bí thư Liên Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng.

Tháng 10-1943, ông bị địch bắt, giam cầm và tra tấn rất dã man ở Nhà lao Hội An, nhưng không có khai báo gì, rồi bị kết án tù chung thân, sau đó, giảm xuống 25 tù và đày đi Nhà tù Buôn Ma Thuột. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Để mị dân, tháng 6-1945, Nhật thả một số tù chính trị, trong đó có Võ Toàn. Được trả tự do, ông về Quảng Nam và được bổ sung vào Ủy ban Việt Minh của Tỉnh.

Tháng 8-1945, Võ Toàn tham gia bộ phận Thường trực của Ủy ban bạo động để lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam. Cách mạng tháng Tám năm 1945, Võ Toàn tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở tỉnh Quảng Nam. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được cử làm Trưởng ty Tư pháp liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, sau đó, kiêm Chính trị viên Trung đoàn 93. Từ năm 1946 đến năm 1952, ông được cử làm Phó Ban Tổ chức – Cán bộ và Thanh tra Liên khu 5, rồi Bí thư Ban Cán sự Đông Bắc Campuchia, Ủy viên Liên khu ủy 5, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.

Sau Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954, Võ Toàn xin trở về miền Nam Công tác, được phân công trở lại hoạt động tại Liên khu 5, làm Phó Bí thư Khu ủy và sau đó là quyền Bí thư Khu ủy Liên khu 5. Tháng 9-1960, tại Đại hội III của Đảng, Võ Toàn được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 1-1961, Trung ương Cục miền Nam được thành lập. Võ Toàn lấy tên là Võ Chí Công, được phân công làm Phó Bí thư Thường trực Trung ương Cục miền Nam. Năm 1962, được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, được Trung ương cử làm đại diện của Đảng tại Mặt trận. Tháng 1-1964, ông được điều động trở lại Liên khu 5 để hoạt động, làm Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Liên khu 5.

Năm 1975, sau khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, Võ Chí Công được cử làm Phó Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam. Tháng 4-1976, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI, được cử giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản. Tháng 12-1976, tại Đại hội IV của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam. Tháng 4-1981, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VII và được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 3-1983, tại Đại hội V của Đảng, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Ban Bí thư, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Tháng 12-1986, tại Đại hội VI của Đảng, Võ Chí Công tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Tháng 4-1987, Võ Chí Công được Quốc hội khóa VIII bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 12-1988, tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa VIII, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, thành Hiến pháp năm 1992. Từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997, là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đồng chí Võ Chí Công ký lệnh công bố Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992, ngày 13/4/1992, tại Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu.

Sau khi về hưu, ông viết cuốn Hồi ký: “Trên những chặng đường cách mạng”.

Võ Chí Công mất ngày 8-9-2011 (thọ 100 tuổi, tính cả tuổi mụ), tại thành phố Hồ Chí Minh. An táng tại Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh. Ông được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Chặng đường hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công rất dài, ghi đậm dấu ấn, để lại những kỷ niệm sâu sắc, rất đáng ghi nhớ.

Có thể nói Võ Chí Công là nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Nhà nước. Tài năng đó được thể hiện trên các cương vị công tác của ông, nổi bật nhất là thời gian ông làm Thường trực Ban Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Ngày 26-4-1982, Ban Bí thư khóa V ra Thông báo số 01-TB/TW, về việc phân công công tác các đồng chí trong Bộ Chính trị, theo đó, đồng chí Võ Chí Công thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sang làm Thường trực Ban Bí thư. Ngày 26-4-1982, Ban Bí thư ra Thông cáo số 02-TB/TW, về việc phân công các đồng chí trong Ban Bí thư. Tại Thông báo này, ông được Đảng phân công làm Thường trực Ban Bí thư khóa V do Lê Duẩn làm Tổng Bí thư. Ngoài cương vị Thường trực Ban Bí thư, ông còn Phụ trách Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Tài chính – Quản trị Trung ương.

Trên cương vị Thường trực Ban Bí thư, Võ Chí Công chú ý đến mọi mặt công tác của Đảng và rất quan tâm đến công việc của Nhà nước.

Về Đảng: Tài năng của Võ Chí Công thể hiện ở công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đổi mới công tác của Đảng. Ông đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Quan điểm của ông là xây dựng Đảng từ dưới lên và từ trên xuống. Ngày 8-5-1982, ông ký Chỉ thị số 02-CT/TW của Ban Bí thư khóa V, về việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp đợt 2. Ông yêu cầu việc Đại hội Đảng bộ các cấp đợt 2 là “phải được chuẩn bị và tiến hành chu đáo, không được làm một cách hình thức, chiếu lệ”1. Theo quan điểm của ông, Đại hội Đảng bộ các cấp đợt 2 cần nắm vững tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và tiến hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc để chuẩn bị thật tốt cả về nội dung lẫn nhân sự của Đại hội. Phát huy dân chủ, tập trung được trí tuệ của cán bộ, đảng viên và quần chúng từ dưới lên để đề ra được những nghị quyết sát, đúng, vừa có căn cứ thực tế và vững chắc, thể hiện đúng tinh thần các Nghị quyết của Đại hội V. Điều quan trọng là theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ thật sự tài năng và đạo đức, biểu hiện ra năng lực lãnh đạo và tổ chức chỉ đạo thực hiện, không để trong cấp ủy những người không nhất trí với đường lối của Đảng; coi trọng phát hiện từ dưới lên những cán bộ ưu tú, tài năng từ trong phong trào để bổ sung vào cấp ủy; trên cơ sở đó mà tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, khắc phục tệ quan liêu, bảo thủ và các mặt tiêu cực khác, thúc đẩy mạnh mẽ việc kiện toàn cơ sở, đẩy mạnh khí thế cách mạng tiến công của phong trào quần chúng ở cơ sở. Với ông, việc chuẩn bị nhân sự phải thật sự chu đáo. Cấp ủy cấp trên phải chú trọng xem xét các trường hợp khó giải quyết trong việc đưa vào hoặc đưa ra khỏi cấp ủy, nhất là đối với cán bộ giữ chức vụ chủ chốt. Trong mỗi cấp ủy phải trên cơ sở tổng kết công tác, tự phê bình và phê bình cho tốt, bảo đảm sau Đại hội các cấp, mọi mặt công tác Đảng sẽ phải được tốt lên.

Từ ngày 26/10 đến ngày 5/11/1989, đồng chí Võ Chí Công, thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Trong ảnh: Chủ tịch Võ Chí Công thăm hỏi nhân dân huyện Phước Sơn, ngày 30/10.

Theo ông, Đảng cần phải đổi mới toàn diện công tác của Đảng, thể hiện từ các báo cáo đến tổ chức hoạt động thực tiễn, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và uy tín của Đảng đối với quần chúng.

Để phát triển tài năng trong Đảng, Thường trực Ban Bí thư Võ Chí Công đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ. Ngày 10-5-1982, ông ký Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư khóa V, về việc tăng cường lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng tổ chức cơ sở đoàn vững mạnh. Ông yêu cầu các cấp ủy đảng phải coi việc “xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên là trách nhiệm của mình, thường xuyên chăm lo kiện toàn tổ chức đoàn, kiện toàn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đoàn; chăm lo giáo dục đoàn viên và thế hệ trẻ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa để Đoàn làm tốt chức năng đội hậu bị tin cậy của Đảng, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vẻ vang của Đảng và của dân tộc”1.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công và các cháu thiếu nhi. Ảnh: TTXVN

Tài năng của Võ Chí Công trong công tác đảng còn thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng về kinh tế. Ngày 15-7-1982, Thường trực Ban Bí thư khóa V Võ Chí Công ký Chỉ thị số 05-CT/TW, về tiếp tục tổng kết công tác kinh tế. Trong Chỉ thị này, ông yêu cầu việc tổng kết công tác nói chung và tổng kết kinh tế nói riêng phải trở thành một phương pháp thường xuyên, định kỳ, vì đây là vấn đề rất quan trọng, có liên quan mật thiết đến vấn đề Đảng và vấn đề xã hội. Đảng cần tập trung lực lượng tổng kết một số vấn đề thiết thực về chủ trương, chính sách kinh tế, về tổ chức và quản lý. Theo ông, những vấn đề cần tổng kết là sắp xếp lại kinh tế, phát triển nông nghiệp, tập trung vào vấn đề lương thực, thực phẩm, phân bổ lao động; xây dựng vùng kinh tế mới; phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, giao thông vận tải.

Mục đích trực tiếp của tổng kết công tác kinh tế là thiết thực khẳng định cái đúng, thấy được cái sai để sửa chữa, khắc phục, đẩy mạnh sản xuất, lập lại trật tự, kỷ cương, phép tắc, ổn định tình hình, tạo chuyển biến quan trọng trong hoạt động kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tiến lên. Tổng kết công tác kinh tế còn nhằm rút ra những bài học – kinh nghiệm, qua đó mà nhân điển hình cái tốt, loại trừ cái sai.

Ngoài những vấn đề trên, tài năng của Võ Chí Công trong thời gian làm Thường trực Ban Bí thư còn thể hiện ở vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ; vấn đề đào tạo cán bộ cao cấp; về quy chế làm việc của các ban Trung ương của Đảng; về tăng cường lãnh đạo và quản lý công tác xuất bản; về công tác tài chính – quản trị của Đảng; về tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác của thành phố Hồ Chí Minh; về vấn đề chuyển Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thành cơ quan nghiên cứu của Nhà nước trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng; về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài; về công tác nghiên cứu lịch sử Đảng; về một số điểm thi hành kỷ luật trong Đảng; về xây dựng đảng bộ cơ quan…

Những vấn đề mà Võ Chí Công đặt ra đều có cái mới, thể hiện tài năng của ông trong công tác đảng.

Về Nhà nước: Tài năng của Võ Chí Công trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước thể hiện ở việc quán xuyến mọi mặt công tác xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn chặt nhiệm vụ xây dựng với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đối nội, đối ngoại, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vững mạnh và phát triển toàn diện, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Ðồng chí Võ Chí Công trong một lần về thăm người dân huyện Hiệp Ðức, căn cứ cách mạng của Khu ủy Khu V. Ảnh tư liệu Ban Tuyên giáo Trung ương.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công hết sức quan tâm đến đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Tại một Hội nghị Trung ương, có một số vị cho rằng, trong lúc này chưa nên nêu ra nghị quyết về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Nhưng Chủ tịch Võ Chí Công lại nghĩ khác, thấy cần phải đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách, không thể trì hoãn. Muốn xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, thì phải đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, không có cách nào khác. Cuộc sống đòi hỏi là phải có cơ chế quản lý mới thích hợp thay thế cơ chế cũ đã lỗi thời. Không xây dựng cơ chế mới mà chỉ lên án phê phán, thì không thể xóa bỏ được.

Một trong những vấn đề thiết yếu là muốn đổi mới cơ chế quản lý, thì phải chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế.

Ý kiến của Chủ tịch Võ Chí Công đã được đã số các vị trong Trung ương tán thành và cùng với các ý kiến khác đã trở thành nghị quyết của Đảng.

Chủ tịch Võ Chí Công rất chú trọng đưa vấn đề hoạt động của tổ chức đảng vào trong bộ máy nhà nước. Theo Chủ tịch, hoạt động của các cơ quan nhà nước phải có sự lãnh đạo của tổ chức đảng và hoạt động của các cơ quan đảng phải có sự tác động của cơ quan nhà nước tương ứng. Nếu đem bóc tách hai vấn đề đó ra, mỗi bên sẽ trở nên hoạt động chay, dễ mắc sai lầm. Điều này thể hiện tầm suy nghĩ của ông về mối quan hệ gắn bó giữa các cơ quan đảng với các cơ quan nhà nước.

Ngày 12-9-1987, Bộ Chính trị khóa VI ra Nghị quyết số 04-NQ/TW, về cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Ông coi đây là cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm thúc đẩy công cuộc đổi mới. Cuộc vận động này thực sự là cuộc đấu tranh tư tưởng, giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cá nhân, giữa tích cực đổi mới với bảo thủ trì trệ, liên quan chặt chẽ đến cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa và cuộc đấu tranh chống kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tới dự Cuộc gặp mặt trao đổi giữa các thế hệ anh hùng, chiến sĩ xuất sắc, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 20/7/1992, tại Hà Nội. Ảnh: Minh Điền/TTXVN

Ngoài những vấn đề trên, Chủ tịch Võ Chí Công còn quan tâm đến các vấn đề về quản lý nhà nước như Đảng lãnh đạo đối với Nhà nước; về mối quan hệ giữa Đảng – Nhà nước - Nhân dân; vấn đề sửa đổi Hiến pháp; giải quyết các vấn đề xã hội; cải cách bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp; vấn đề chống tham nhũng; chống lạm phát; đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; về giá – lương – tiền và phân phối lưu thông; vấn đề giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển kinh tế - xã hội miền núi; kinh tế đối ngoại; vấn đề cải cách tư pháp… Từng vấn đề mà Chủ tịch Võ Chí Công nêu ra, đều có những điểm mới, thể hiện tài năng của ông.

Để trở thành nhà lãnh đạo có tài năng, người đó, trước hết, phải có tinh thần vì nước, vì dân, tất cả vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.

Con người ấy đã đi vào lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc!
----------------
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị, quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 43, tr.430.

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị, quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 43, tr.443.