Mới cập nhật

Nguyễn Đức Cảnh - Người con của giai cấp công nhân

 
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908-2008), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã xuất bản cuốn sách “Nguyễn Đức Cảnh - Người con của giai cấp công nhân Việt Nam” của PGS.TS Đàm Đức Vượng. Cuốn sách dày 170 trang khổ 14,5x 20,5 cm.
Đây là cuốn sách có bổ sung nhiều tư liệu mới trên cơ sở cuốn sách “Nguyễn Đức Cảnh - người lãnh đạo đầu tiên của Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ” của Nhà xuất bản Lao động xuất bản năm 1985. Cuốn sách trình bày có hệ thống về cuộc đời hoạt động của Nguyễn Đức Cảnh, phân tích những đóng góp to lớn, những cống hiến về lý luận giai cấp công nhân Việt Nam của nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp Nguyễn Đức Cảnh.
Cuốn sách gồm 4 chương.
Chương I: Từ học sinh trở thành công nhân “Người học sinh Trường Thành chung Nam Định trước những sự kiện nóng bỏng của đất nước”; “Từ học sinh trở thành công nhân”. Ở chương này, tác giả đã nghiên cứu cuộc đời Nguyễn Đức Cảnh từ khi là một thiếu niên. Ông sinh ra tại làng Diêm Điền, xã Thuỵ Hà, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình năm 1908. Là một thanh niên học giỏi, lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, nhưng các phong trào yêu nước của toàn dân diễn ra sôi nổi. Sau khi đọc một số bài viết của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Đức Cảnh nhìn rõ hơn tình hình đất nước, từ đó, ông quyết tâm đấu tranh tới cùng vì hoà bình, hạnh phúc của nhân dân. Ra trường, Nguyễn Đức Cảnh xin vào một xưởng in làm công nhân, chứng kiến nhiều cảnh bất công đối với những người thợ, ông càng quyết tâm cùng những người thợ giành lấy quyền tự chủ cho mình. Ông hoạt động trong nhóm Nam Đồng thư xã. Khi Nam Đồng thư xã sát nhập với Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ, Nguyễn Đức Cảnh đã tình nguyện đi Quảng Châu gặp Tổng bộ thanh niên. Từ đây, hoạt động của Nguyễn Đức Cảnh bước sang một giai đoạn mới – giai đoạn hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Chương II: Hoạt động sôi nổi trong phong trào công nhân. Phấn đấu không mệt mỏi cho sự ra đời của Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ. Chương này gồm 4 phần: “Giác ngộ về sứ mạng lịch sử của giai cấp công nhân: bước chuyển có tính chất quyết định trong cuộc đời hoạt động của Nguyễn Đức Cảnh”; “Trở thành người cán bộ cách mạng hoạt động trong phong trào công nhân và Công hội đỏ”; “Thành lập Công hội đỏ Bắc kỳ”; “Gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”. Sang Quảng Châu, Nguyễn Đức Cảnh gặp một số người trong Tổng bộ Việt Minh trao đổi vấn đề hợp tác chống Pháp, anh được dự một lớp huấn luyện chính trị. Mặc dù không được trực tiếp nghe người thầy Nguyễn Ái Quốc giảng bài, nhưng cuốn sách Đường Cách mệnh của Người đã giúp ông nhận thức được nhiều vấn đề mới về thời cuộc, được tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, thấy được sứ mạng lịch sử thế giới của giai cấp công nhân. Trong quá trình học tập, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú ý nghiên cứu về Công hội. Về nước, anh càng hoạt động tích cực, móc nối với nhiều tổ chức, thành lập các chi bộ thanh niên và cơ sở công hội trong công nhân, củng cố và gây dựng tổ chức, tiến tới thành lập Công hội đỏ. Là người sáng lập và trực tiếp lãnh đạo Công hội đỏ bắc Kỳ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nguyễn Đức Cảnh đã dẫn dắt phong trào công nhân và hoạt động Công hội đỏ từ những bước ban đầu, qua mọi sóng gió của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc một mất một còn, vươn lên xứng đáng là tổ chức quần chúng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chương III: Những ngày cuối cùng của Nguyễn Đức Cảnh. Chương này gồm 2 phần “Trước khi lên máy chém, Nguyễn Đức Cảnh viết cuốn Công nhân vận động”, “Sau cái chết của Nguyễn Đức Cảnh” Năm 1931, Nguyễn Đức Cảnh bị bắt trên đường đi họp về. Trong những ngày bị giam cầm, tra tấn dã man, Nguyễn Đức Cảnh vẫn nuôi hy vọng viết cuốn sách có tính chất tổng kết kinh nghiệm công tác vận động công nhân. Bị tuyên án tử hình, ông đã kháng cáo để có thêm thời gian viết cuốn sách này. Tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, Nguyễn Đức Cảnh đã tập trung hoàn thành cuốn Công nhân vận động - một cuốn sách quý có tính chất lý luận tổng kết các phong trào công nhân. Sự kiên cường, anh dũng, khí tiết cộng sản cùng những công lao của ông với phong trào công nhân đã khơi lên tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu của hàng vạn thợ thuyền. Sau cái chết của ông, hàng vạn công nhân và nhân dân lao động biểu tình tuần hành đả đảo chính quyền Đông Pháp. Phong trào công nhân càng trở nên mạnh mẽ. Chương IV: Nguyễn Đức Cảnh - Một nhà lý luận xuất sắc của Đảng và giai cấp công nhân Việt Nam. Chương này gồm 2 phần “Cơ sở để hình thành lý luận về Đảng và giai cấp công nhân của Nguyễn Đức Cảnh” và “Những giá trị lý luận của Nguyễn Đức Cảnh về Đảng và giai cấp công nhân Việt Nam”. Tác giả đã đánh giá công lao của Nguyễn Đức Cảnh đối với phong trào công nhân, đặc biệt là vai trò nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn của ông. Ông là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng và giai cấp công nhân Việt Nam. Nguyễn Đức Cảnh đặc biệt chú trọng tổng kết phong trào công nhân theo đường lối của Đảng, góp phần làm phong phú lý luận cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Sau mỗi đợt đấu tranh của công nhân, ông đều có sơ kết, tổng kết, đánh giá, nhận định, rút ra những kinh nghiệm thiết thực để vận dụng vào cuộc đấu tranh mới. Tuy chưa đề cập tới một số cơ sở lý luận về giai cấp công nhân, trong đó có vấn đề liên minh công nông, những đặc điểm của giai cấp công nhân, phương pháp đấu tranh của giai cấp công nhân…, nhưng trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, gắt gao, lại thiếu thông tin, tài liệu, Nguyễn Đức Cảnh đã vượt lên khó khăn, viết được nhiều bài có giá trị về giai cấp công nhân, đặc biệt là tác phẩm Công nhân vận động, qua đó, ông đã trở thành một nhà lý luận xuất sắc của Đảng và giai cấp công nhân Việt Nam. Đánh giá về công lao của Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp cách mạng, tác giả đã viết: “Lòng yêu nước nồng nàn đã đưa Nguyễn Đức Cảnh đến với giai cấp công nhân Việt Nam. Ông là người hoạt động rất gắn bó và có kết quả trong phong trào công nhân, ông có công tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác – Lênin và những tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào giai cấp công nhân Việt Nam. Ông không bỏ lỡ một thời cơ nào để tổ chức giai cấp công nhân đấu tranh, những cuộc đấu tranh do anh trực tiếp lãnh đạo đều giành được thắng lợi. Sự có mặt của anh trong đội ngũ giai cấp công nhân là sự bảo đảm của lòng tin vào thắng lợi. Hoạt động trong phong trào công nhân, Nguyễn Đức Cảnh không những có công lao to lớn trong việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là người đi đầu vận dụng sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học vào hoạt động trong phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam”