Mới cập nhật

Đọc "Sử ký" của Tư Mã Thiên


Đọc “Sử ký” Tư Mã Thiên
Lòng tôi cảm nhận người hiền là đây.
Đời ông trăm đắng nghìn cay
Vật thiêng đem thiến nhục này sầu đong.
Một nhà chép sử tinh thông
Mấy nghìn năm vẫn sống trong đời phiền.
Kiếp người sao lắm truân chuyên
Tài đem dìm xuống kẻ hèn nổi lên.
Sử đời của Tư Mã Thiên
Cũng là đau đáu kiếp truyền đời sau.
Dằn lòng Ông nén nỗi sầu
Đem tâm ra chép nỗi đau nhân tình:
Đây Khổng Tử vị thánh hiền
Lưu Bang, Hạng Vũ anh hùng một phương.
Lã Bất Vi, Tần Thủy Hoàng
Kinh Kha cùng với trùy vàng nặng cân.
Bình Nguyên Quân, Tín Lăng Quân
Chiêu hiền đãi sĩ người thân mấy nghìn.
Trương Nghi biện luận trăm lần
Vẫn không cứu được giang sơn của mình.
Tô Tần thuyết khách mà kinh
Đến khi về nghỉ một mình lẻ thân.
Than rằng: “Lá rụng đầy sân
Vắng người thăm hỏi xa gần biệt tăm.
Khi làm tể tướng đời thăng
Rập rình xe ngựa lăng nhăng mấy thằng.
Thôi làm tể tướng đời khinh
Ngồi buồn tự hỏi chút tình còn không”?
Đời là một áng phù vân
Thịnh giàu người đến suy bần người đi.
Hàng trăm nhân vật sử thi
Rẽ rành Ông chép Ông ghi rẽ rành.
Thiên tài nét bút thần linh
Vua quan lụi sạch riêng mình còn đây.
Nghìn năm mây vẫn còn bay
Nghìn năm Ông vẫn là cây sử thần!

PGS,TS Đức Vượng
Praha, Séc, Đêm 21-7-2001

------
Lời Tác giả: Sách “Sử ký” của Tư Mã Thiên bán rất chạy ở châu Á và châu Âu. Nhiều người tìm đọc với một niềm hứng thú, say mê. Hàn Phi có tài đặc biệt phân tích về pháp luật. Tư Mã Thiên có tài phân tích về các nhân vật lịch sử. Họ đều là những vị trí thức cỡ lớn của mọi thời đại, đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong kho tàng văn hóa thế giới. Riêng “Sử ký” của Tư Mã Thiên nổi bật lên như là một tác phẩm sử học và văn học ưu tú.


Trong những năm, tháng công tác ở nước ngoài, tôi thường xuyên đọc “Sử ký” của Tư Mã Thiên. Đọc đi đọc lại tới mòn cả sách. Tôi còn cho nhiều người mượn đọc và khuyên họ nên đọc, nếu không sẽ nuối tiếc cả cuộc đời. “Sử ký” của Tư Mã Thiên đã thấm vào tôi. Sự thấm nhuần ấy đã thúc giục tôi viết bài thơ: Đọc “Sử ký Tư Mã Thiên”. Nội dung của bài thơ, phần lớn là tôi dựa vào tác phẩm “Sử ký” của Tư Mã Thiên, Giáo sư Phan Ngọc dịch, Nxb Văn học xuất bản và tái bản.


Tư Mã Thiên, tên tự là Tử Trường, sinh năm 145 trước Công nguyên, tại huyện Hàn Thành, tỉnh Thiểm Tây. Tổ tiên từ đời Chu đã làm thái sử. Đến đời cha là Tư Mã Đàm làm thái sử lệnh của nhà Hán. Rất tiếc, bọn thống trị thối nát về nhân cách và tư tưởng thời ấy, coi những nhà viết sử, nhà văn hóa như những bọn con đàn, cháu hát. Cha con Tư Mã Đàm - Tư Mã Thiên cũng rơi vào hoàn cảnh đó. Đau xót hơn, Tư Mã Thiên còn bị “thiến”, rơi vào hàng ngũ hoạn quan. Trong các sử quan thời trước, cũng có những người dám hy sinh đời mình để viết sự thật lịch sử, cho dù sự thật ấy không làm hài lòng bọn vua quan thống trị đương thời. Chẳng hạn, khi Thôi Trữ giết vua Tề, thì quan thái sử nước Tề viết: “Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công”. Vị quan thái sử này bị Thôi Trữ giết. Người em thứ hai lên thay vẫn viết: “Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công”, cũng bị Thôi Trữ giết. Người em thứ ba xin lên thay anh mình, lại viết: “Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công”. Đến đây, Thôi Trữ run sợ trước khí tiết của nhà viết sử, không dám giết người em thứ ba nữa.


Tư Mã Thiên là người chịu khó tra cứu tài liệu và đi nhiều, nên biết nhiều về lịch sử nhân vật vua quan thời đó. Tài liệu mà Ông thu thập được đã viết rất thành công các nhân vật lịch sử: Tần Thủy Hoàng, Hạng Vũ, Hán Cao Tổ (Lưu Bang), Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Tôn Tử, Việt Vương Câu Tiễn, Trương Nghi, Tô Tần, Khuất Nguyên và nhiều nhân vật lịch sử khác.


Nét đặc sắc trong lối viết của Tư Mã Thiên là rất chú trọng phân tích những nét điển hình của những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Thí dụ, Tư Mã Thiên mô tả bản chất của Lưu Bang là một người “không lo làm ăn”, “tham tiền và ham gái”, ngạo mạn, thô lỗ. “Thấy khách đội mũ nhà nho, Bái Công liền giật lấy mũ đái vào trong”. “Chu Xương có lần vào tâu, thấy Cao Tổ đang ngồi ôm con gái. Xương chạy ra. Cao Tổ đuổi theo cưỡi lên cổ hỏi: Ta là vị vua như thế nào? Xương ngẩng đầu lên, đáp: Bệ hạ là ông vua Kiệt, Trụ. Nhà vua liền cười ha hả”. Một con người sống bất chấp như vậy, nhưng Lưu Bang vẫn giành được thiên hạ, vì ông ta biết dựa vào dân, biết dùng người và trọng dụng tài năng của các tướng, có quý tướng và trong cuộc đời có phần nào gặp may.


Sử gia Tư Mã Thiên là một con người sống rất có nhân cách, một sử gia đàng hoàng. Trong thư trả lời Nhâm Am, Ông viết: “Tôi nghe, sửa mình là dấu hiệu của trí; yêu thương, giúp đỡ người là đầu mối của nhân; định nên lấy cái gì, cho cái gì là biểu hiện của nghĩa; gặp cảnh sỉ nhục là điều quyết định của dũng; lập danh là cái cao nhất của đức hạnh. Kẻ sĩ có năm điều ấy thì mới có thể sống ở đời mà đứng vào hàng quân tử” (Tư Mã Thiên: Thư trả lời Nhâm Am, in trong “Sử ký”, Nxb Văn học, tr.31).


Đã qua gần 2.500 năm, kể từ khi bộ “Sử ký” ra đời, Tư Mã Thiên vẫn đang sống trong lòng chúng ta, bởi chúng ta đang đọc “Sử ký” của Ông.