Mới cập nhật

"Gặp em chiều biên giới" - Dung dị và chan chứa tình người

Thủ đô Praha, Cộng hòa Séc. Nguồn ảnh: lonelyplanet.com.

Tôi chưa một lần gặp PGS, TS Đàm Đức Vượng. Qua bạn bè thân thiết bắc nhịp cầu giao lưu, tôi có được tập thơ Tâm tình với những dòng đề tặng từ chính tay Tác giả. Tâm tình dày trên 500 trang, mang nặng bao nỗi niềm của Anh đối với cuộc đời, nhân tình thế thái. Tâm tình là những kỷ niệm sâu sắc, những chiêm nghiệm của Đức Vượng trên nhiều nẻo đường vùng châu Âu xa xôi, thời gian Anh công tác tại Đại Sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia. Tập thơ là tập hợp những kiến thức về văn hóa, khoa học xã hội hết sức phong phú của Đức Vượng. Hơn thế nữa, Tâm tình là tập thơ của một chàng lãng tử bất ngờ đã đến với nàng thơ. Lý do Anh đến với nàng thơ thật dễ thương. Những người Việt xa xứ đã tìm đến thơ như một “cứu cánh”: “Sống vui bởi những ước mơ/ Đời vui bởi những vần thơ cộng đồng”. Chung niềm đồng cảm ấy với cộng đồng người Việt nơi đất khách quê người, Đức Vượng cũng “xông vào” làm thơ. Thật may, cuộc “xông vào” không hẹn trước đã cho Anh những đứa con tinh thần đáng tự hào. Các tập thơ: “Quê hương và tình yêu”, “Nhân tình thế thái”, “Tình đời”, “Con người và cuộc đời”, cùng với tập sách khảo cứu “Những ngày ở Séc” và nay là Tâm tình.

Thật nể sức viết của Anh, dù Anh chỉ là một người viết “tay ngang”. Tôi đã đọc một mạch tập thơ Tâm tình. Cảm động, khâm phục, đồng cảm với Đức Vượng rất nhiều. Bàn về một tập
thơ dày hơn 500 trang là cả một câu chuyện dài. Chỉ xin chọn một bài trong tập thơ Tâm  tình: Gặp em chiều biên giới:

“Tuyết rơi lã chã đầy đường

Không gian trắng toát màn sương phủ bì.

Trên đường biên giới anh đi

Gặp em hớt hải anh thì cảm thương.

Trên vai nặng trĩu áo quần

Làn môi thâm tím đầu trần gió lay.

Em rằng: Đã mấy năm nay

Làm nghề buôn bán đêm ngày long đong.

Nhìn em anh thấy cảm lòng

Đồng tiền kiếm được đổi bằng tuyết sương.

Giờ đây không biết quê hương

Thấu chăng cái cảnh thương trường nơi xa.

Rằng hoa cũng chính là hoa

Nhưng gai hoa nhọn cầm mà rợn tay.

Vậy mà em vẫn mê say

Xe duyên cùng nghiệp chốn này làm ăn.

Vượt lên bão tuyết mưa trần

Yêu quê hương chẳng ngại ngần gian nan.

Mai ngày nắng đẹp không gian

Quê hương chào đón nồng nàn với em”.

Bài thơ và lời chú thích của Anh đã kể lại cho chúng ta nghe một câu chuyện buồn, cuộc gặp gỡ bất ngờ của Anh với một cô gái Việt Nam trên đất bạn. Tuyết rơi lã chã đầy đường/Không gian trằng toát màn sương phủ bì. Lần đầu tiên, tôi biết đến hình ảnh “tuyết rơi lã chã” qua thơ Đức Vượng. Với tôi và rất nhiều người Việt Nam, tuyết rơi là một hình ảnh trắng trong thuần khiết, gợi lên vẻ đẹp đầy lãng mạn khi tưởng tượng về mùa đông ở phương Tây. Đọc câu thơ của Đức Vượng, bức tranh hiện thực khắc nghiệt của thời tiết ở châu Âu vào mùa đông không còn lãng mạn chút nào. Hình ảnh “tuyết rơi lã chã” ám ảnh làm sao! Như có cả nỗi nhọc nhằn, cay cực của con người. Trong một ngày đông giá lạnh nơi xứ người, Tác giả bất ngờ gặp một người con gái Việt: Gặp em hớt hải anh thì cảm thương/ Trên vai nặng trĩu áo quần/ Làn môi thâm tím đầu trần gió lay/Em rằng đã mấy năm nay/Làm nghề buôn bán đêm ngày long đong. Ôi! Cô gái bé nhỏ đang một mình trên con đường mưu sinh xứ người. Hình ảnh em có khác gì một cánh cò mỏng manh đang lặn lội kiếm ăn trên cánh đồng xa giữa lúc trời giá lạnh. Điều gì sẽ xảy đến với em đây! Ai sẽ là người chở che cho em đây trong cái mông mênh hoang vắng buốt lạnh đến tận cùng. Chỉ bằng mấy câu thơ tả thực, mà Đức Vượng đã vẽ lên bức tranh khái quát về bao nỗi nhọc nhằn, cay đắng của những người  Việt Nam đang mưu sinh nơi đất khách quê người. Mưu sinh! Còn vì rất nhiều lẽ mà số phận, hoàn cảnh gia đình, kỳ vọng của người thân đã dồn tất cả lên đôi vai bé nhỏ của cô, những người con Việt đang phải làm việc cật lực, sống một kiếp sống quá nhọc nhằn, nguy hiểm nơi phương trời xa. Bởi vậy, Đức Vượng phải thốt lên: Nhìn em anh thấy cảm lòng/Đồng tiền kiếm được đổi bằng tuyết sương /Giờ đây không biết quê hương/Thấu chăng cái cảnh
thương trường nơi xa.

Ta hiểu tấm lòng đầy cảm thông của Đức Vượng, tâm hồn đa cảm đầy tình nhân ái đã như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tập thơ Tâm tình và sáng bừng lên trong từng trang viết. Và Anh
đã lấy được sự đồng cảm của người đọc trong bài thơ giản dị này. Tôi không thống kê được hiện nay có bao nhiêu người Việt Nam đang mưu sinh ở khắp mọi nước trên thế giới. Những cánh cò tha phương đáng thương, đáng trọng biết chừng nào. Nét phác thảo rất chân thực của Đức Vượng găm vào lòng ta một hình ảnh không thể quên về người con gái trong cái lênh đênh mười hai bến nước... Nhọc mỏi đơn côi giữa hoang vắng giá lạnh, bao nhiêu nguy hiểm rình rập. Giá như những người thân yêu ở quê nhà đang ngày ngày ngóng đợi những đồng tiền của người con, người chồng, người vợ, người cha từ phương trời xa gửi về đã được làm ra trong trăm ngàn nỗi đắng cay, mồ hôi, nước mắt, có thể cả sinh mạng của con người. Hãy đọc bài thơ Gặp em chiều biên giới của Đức Vượng để trân trọng hơn, thương hơn những hy sinh thầm lặng của người xa xứ mưu sinh.

Bài thơ lục bát dung dị, nhưng bất chợt có những câu đầy ẩn ý sâu xa, khiến người đọc phải ngẫm ngợi suy tư: Rằng hoa cũng chính là hoa/Nhưng gai hoa nhọn cầm mà rợn tay. Đây là lời cảnh báo, nhắc nhở của Tác giả toát lên từ một tấm lòng đôn hậu, nhân ái, ân cần, nồng hậu biết bao.

Phần kết của bài thơ ấm dần lên bởi tình người: Sự sẻ chia đồng cảm của Tác giả, những thành quả tốt đẹp đền đáp cho vất vả nhọc nhằn của người con gái quê nhà thân yêu chào đón vẫy gọi. Ta yên lòng tin vào những gì tốt đẹp của cuộc đời: Mai ngày nắng đẹp không gian/Quê hương chào đón nồng nàn với em.

Đời vui bởi những vần thơ... quả là những câu thơ có giá trị cứu cánh đối với mọi con người. Thơ của PGS, TS Đức Vượng đã tặng cho đời những niềm vui thật nhiều ý nghĩa...

Thái Bình, ngày
15-10-2014

Nhà thơ Ánh Tuyết
Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Thái Bình