Mới cập nhật

Việt Nam từ thời kỳ bao cấp đến thời kỳ đổi mới

Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật vừa xuất bản cuốn sách: Việt Nam từ thời kỳ bao cấp đến thời kỳ đổi mới của PGS, TS sử học Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực (ISSTH). Sách dày 507 trang, khổ giấy 14,5 x 20,5 cm.


 Dưới góc độ nghiên cứu của một nhà khoa học, cuốn sách trình bày một cách có hệ thống về lịch sử - lý luận - thực tiễn của Việt Nam từ thời kỳ bao cấp đến thời kỳ đổi mới.
1. Những bước trầm thăng của công cuộc đổi mới: Bắt đầu từ “khoán hộ” trong hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc. Một trong những người muốn cho sản xuất “bung ra” để phát triển kinh tế nông nghiệp là ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc từ năm 1958 đến năm 1968, sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Thấy cảnh làm việc “cha chung không ai khóc” trên đồng ruộng trong hợp tác xã nông nghiệp lúc ấy, Kim Ngọc trăn trở, suy nghĩ về phương thức sản xuất của người nông dân, đã mạnh dạn thay đổi phương thức “khoán chung” thành “khoán hộ” để cho từng người nông dân có trách nhiệm hơn với đồng ruộng của mình và làm chủ được đồng ruộng của mình. Ông không thể chấp nhận kiểu làm việc cầm chừng, người lao động trong hợp tác xã chỉ chờ tiếng kẻng báo hết giờ làm việc để lấy công điểm, gọi là “dong công phóng điểm”. Làm theo kiểu cách này, người nông dân không làm chủ được đồng ruộng của mình, dẫn đến tình trạng năng suất và chất lượng thấp. Kim Ngọc thấy vô lý về kiểu làm ăn này và ông muốn tìm động lực mới để nông dân hăng hái, tự chủ trong sản xuất nông nghiệp. Động lực mới ấy đã dẫn đến chủ trương “ba khoán” do Ông đề xuất. Đó là khoán sản xuất; khoán chi phí sản xuất và khoán công điểm; khoán sản lượng. Gọi chung là “khoán hộ”. Khoán hộ được mở ra và áp dụng vào ngay trên đồng ruộng của quê hương Ông. Đề xuất mang tính sáng tạo này của Ông, lúc đầu không được một số người lãnh đạo chấp nhận, cho đây là điều bất thường, cần phải phanh lại, thế là khoán hộ không được thực hiện. Người nông dân Vĩnh Phúc lúc ấy buồn lắm. Tuy không được tiếp tục khoán hộ, nhưng họ vẫn âm thầm làm việc theo kiểu “khoán chui”. Người nông dân Vĩnh Phúc thương ông Kim Ngọc lắm. Khi được tin Ông mất, họ rủ nhau đi đưa tang Ông rất đông. Những giọt nước mắt trào ra, vĩnh biệt “một nhà khoán hộ” đã làm cho đời sống người nông dân Vĩnh Phúc được khá lên. Dần dần, vấn đề được làm sáng tỏ, người ta lại thấy khoán hộ là hợp lý và hình ảnh Bí thư Kim Ngọc lại lấp lánh trên bầu trời Vĩnh Phúc trong những đêm trăng sao vằng vặc.
Vấn đề cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc đã được Tác giả phân tích khá sâu sắc. Sau 2 năm (1955-1957), miền Bắc Việt Nam thực hiện công cuộc khôi phục kinh tế, từ năm 1958-1960, miền Bắc chuyển sang giai đoạn cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trong phát biểu ngày 29-1-1959, tại Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô. Lịch sử của vấn đề cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc được bắt đầu từ Chỉ thị 79-CT/TW, ngày 19-4-1958 của Ban Bí thư khóa II. Chỉ thị 79 được triển khai nhanh chóng. Công việc điều tra được tiến hành đối với các xí nghiệp, xưởng sản xuất tư nhân. Các đội công tác xuống tận các xí nghiệp, cơ sở sản xuất để làm công tác cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Phương pháp của các đội, tổ công tác làm cũng gần giống như các đội, tổ, cải cách ruộng đất trước đó, chỉ có điều là không một nhà tư sản nào bị bắn như các địa chủ đã từng bị bắn trong cải cách ruộng đất; không tổ chức đấu tố và thay vào đó là họp công nhân lại để kiểm điểm nhà tư sản. Không khí kiểm điểm nhà tư sản có lúc khá gay gắt. Đội, tổ công tác phát động công nhân buộc nhà tư sản phải nhận khuyết điểm là mình bóc lột công nhân. Nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà theo kháng chiến nhiều năm, được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư biểu dương trong kháng chiến chống Pháp, vẫn nằm trong diện cải tạo. Nhà tư sản Nguyễn Chương Hồng tập kết từ miền Nam ra miền Bắc từ năm 1954, Chủ xưởng Cơ khí Đồng Tháp, ở số nhà 20, phố Hàng Tre, Hà Nội, vẫn nằm trong diện cải tạo... Ở đây, có nhiều xưởng sản xuất chỉ đáng là tổ sản xuất, vì số vốn quá ít, nhưng cũng nằm trong diện cải tạo tư sản, như Xưởng Đúc gang Đông Thành ở số nhà 23, phố Cát Linh, Hà Nội, do ông Đàm Kim Hành làm Chủ Xưởng, số vốn chỉ có một chiếc lò nấu gang, một chiếc mô tơ điện, khoảng 50 m2 cát đúc, trị giá (quy ra tiền bây giờ) chưa tới 100 triệu đồng, với 5 công nhân làm việc, vẫn nằm trong diện cải tạo tư sản và bắt nhập vào Xưởng Cơ khí Đồng Tháp, thành Xí nghiệp Cơ khí công tư hợp doanh Đồng Tháp. Ông Đàm Kim Hành cũng bị quy là thành phần tư sản, mà Ông chỉ đáng là thành phần tiểu tư sản hoặc tiểu chủ. Nếu cứ để cho các xưởng sản xuất vừa và nhỏ như Xưởng Đúc gang Đông Thành,... tiếp tục sản xuất độc lập, riêng lẻ, chịu phần đóng thuế cho Nhà nước, thì lại phát huy được sản xuất và tái sản xuất. Nay đem nhập lại, làm cho sức sản xuất của Xưởng sụt hẳn. Việc sáp nhập các xưởng sản xuất vùa và nhỏ vào các xí nghiệp công là sai lầm trong chính sách kinh tế và chỉ đạo kinh tế của thời kỳ này.
Về vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam Việt Nam và thời bao cấp sau khi đất nước thống nhất, đã được Tác giả phân tích khá sâu sắc và toàn diện. Việc cải tạo này được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 24, khóa III (số 247-NQ/TW, ngày 29-9-1975), về nhiệm vụ cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Mấu chốt của Nghị quyết này là kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo và xây dựng trong cả quá trình cách mạng và trên các mặt: chính trị, kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, tư tưởng, trong phạm vi toàn xã hội và từng đơn vị. Như vậy, việc cải tạo xã hội chủ nghĩa sau khi đất nước thống nhất, không chỉ riêng ở miền Nam, mà còn cả ở miền Bắc. Nghị quyết 24 nhấn mạnh đến xây dựng các nông trường quốc doanh có quy mô lớn, mặt khác phải thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp, làm từng bước, tích cực và vững chắc. Trong khi chưa triển khai cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, thì Nhà nước phải thiết lập và phát triển quan hệ thị trường với nông dân cá thể, bảo đảm lưu thông, phân phối thông suốt, khuyến khích sản xuất phát triển. Khi vận dụng Nghị quyết 24 vào tình hình thực tế của cả nước sau khi thống nhất đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. GS Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, kể lại: “Lúc đó, tôi chính là Phó trưởng Ban cải tạo công thương nghiệp mà anh Nguyễn Văn Linh là Trưởng Ban. Anh Linh và tôi được điều đi công tác khác vào đầu năm 1978. Tôi nghĩ những người thực hiện đã hiểu đúng tư tưởng chỉ đạo của anh Ba. Chủ kiến của Anh là phá bỏ thế độc quyền của một số “cá mập” kếch xù. Nhưng cách làm lại dẫn đến đạp đổ cả rổ bát đĩa để đánh một con chuột”.
Đất nước lúc này vẫn duy trì chế độ tập trung, bao cấp, dẫn đến quan liêu. Hàng hóa đều được bán theo tem phiếu, bìa mua hàng, sổ gạo phát cho từng gia đình. Việc mua gạo cũng rất khổ sở. Người dân phải xếp hàng từ sáng sớm. Ai có việc phải đi ra ngoài một chút, phải để “cục gạch” thay thế. Bìa mua hàng lúc ấy ghi ô số 1, bán bốn mặt hàng: mứt hộp, bóng bì, mì chính, hạt tiêu; ô số 2 bán bánh đa nem; ô số 3 bán thuốc là Sông Cầu; ô số 4 bán chè hương loại 1 hoặc 2; ô số 5 bán thịt; ô số 6 bán nước mắm, giấm,... Các mặt hàng trên đều ghi rõ thời gian quy định. Quá thời gian đó, tem phiếu không còn giá trị. Tem phiếu thời bao cấp gây nhiều chuyện rắc rối. Chuyện kể rằng, có người xếp hàng mua thịt, lúc mới xếp hàng, mẹ vẫn cầm tay con, đến khi sắp đến lượt, mẹ buông tay con ra, mua xong mấy lạng thịt, quay ra nhìn đứa con, thì đứa con đã chạy chơi đâu mất. Tại Hà Nội, cán bộ cao cấp, có cửa hàng riêng ở phố Tôn Đản. Cán bộ trung cấp mua hàng tại cửa hàng các phố Nhà Thờ, Vân Hồ, Đặng Dung, Kim Liên. Cán bộ, công nhân, viên chức bình thường và nhân dân mua ở các cửa hàng rải rác trong thành phố. Đời sống những người làm công ăn lương rất khó khăn, buộc nhiều người phải nuôi lợn trong nhà vệ sinh, căn hộ cao tầng, người và lợn “ở chung”. Có người kể rằng, có một lần, sáng đi làm, đóng cửa chuồng lợn không kỹ, lợn vào buồng ngủ, phá phách, ỉa đái hết cả ra nhà. Bà Kim Sơn, 75 tuổi, kể lại: “Bực thì có bực, nhưng sợ nhất “thủ trưởng” lợn ốm. Chồng ốm, con ốm còn tống cho mấy viên thuốc, chứ “thủ trưởng” đã ốm là thiệt hại về kinh tế, là dở khóc, dở cười. Dù sao, con lợn đầu tiên xuất chuồng được 78 cân. Lúc ấy, mình sướng lắm, chưa có khi nào trong đời lại tưởng tượng có một số tiền lớn như thế”...
Thời bao cấp đã để lại nhiều hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ vẫn sống được là nhờ có bao cấp. Thời bao cấp đã đi vào lịch sử với những trang u ám. Cũng may mà dần dần đã nhận ra vấn đề để khắc phục một cách chậm chạp bằng việc thay đổi một số chính sách. Lúc ấy mà có những đầu óc tỉnh táo hơn trong chủ trương và việc hoạch định chính sách, thì tình hình đỡ hơn nhiều. Điều này do hoàn cảnh chi phối.
2. Tác giả cuốn sách đã phân tích trên cơ sở khoa học về các vụ đổi tiền từ sau ngày miền Bắc Việt Nam được giải phóng và sau ngày miền Nam Việt Nam được giải phóng. Nhìn lại các vụ đổi tiền từ sau khi miền Bắc được giải phóng (1954) đến khi giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất (1975) và những năm sau khi đất nước thống nhất, đã diễn ra với những mặt tích cực và những mặt tiêu cực đan xen nhau. Cũng phải nói rằng, lúc này, chúng ta chưa có kinh nghiệm về vấn đề tài chính - tiền tệ và quản lý ngân hàng, nên khi thực hiện các vụ đổi tiền và tiêu tiền đôi lúc còn lúng túng.
Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, đến năm 1985, Việt Nam đã diễn ra ba lần đổi tiền: Lần thứ nhất diễn ra vào ngày 2-9-1975, tại miền Nam, đổi tiền của chính quyền Sài Gòn (tiền cũ) bằng tiền giải phóng (tiền mới) theo tỷ giá 500 đồng tiền cũ đổi lấy 1 đồng tiền mới. Có phát hành thêm các loại tiền 10 xu, 20 xu, 50 xu và 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 50 đồng. Lần thứ hai diễn ra vào ngày 3-5-1978, để thống nhất tiền tệ trong cả nước, theo Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 1-4-1978 của Bộ Chính trị khóa IV: “Về việc phát hành tiền ngân hàng mới, thu hồi tiền ngân hàng ở hai miền, thống nhất tiền tệ trong cả nước”. Về tỷ lệ thu đổi là 1 đồng ngân hàng cũ ở miền Bắc đổi bằng 1 đồng ngân hàng mới; 0,80 đồng ngân hàng cũ ở miền Nam đổi bằng 1 đồng ngân hàng mới, có phát hành thêm các loại tiền 5 hào, 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 30 đồng, 50 đồng, 100 đồng. Lần thứ ba diễn ra vào ngày 4-9-1985, đổi tiền cũ (tiền tiêu thống nhất trong cả nước) theo tỷ giá 10 đồng tiễn cũ đổi lấy 1 đồng tiền mới. Có phát hàng tiền loại 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng.
Việc đổi tiền lần thứ nhất, lần thứ hai không có gì sai, vì lần thứ nhất thay tiền của chế độ cũ bằng tiền của chế độ mới là lẽ đương nhiên. Lần thứ hai đổi theo tỷ giá xấp xỉ ngang nhau, cũng không có gì sai. Nhưng việc đổi tiền lần thứ ba, tỷ giá quá chênh lệch là sai, vì chỉ trong một thời gian rất ngắn, do giá cả biến động, giá của 1 đồng tiền mới cũng chỉ bằng giá của 1 đồng tiền cũ. Như vậy, người dân bỗng dưng mất đi 9 lần tiền, làm cho đời sống nhân dân vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn chồng chất. Về vấn đề này, Hội nghị Trung ương 9, khóa V (tháng 12-1985) nhận định: “Một số vấn đề đặc biệt là thời gian gần đây, từ khi đổi tiền và thực hiện giá, lương mới, trong tình hình kinh tế - xã hội, bên cạnh những kết quả tích cực, bước đầu đã xuất hiện những khó khăn phức tạp mới”1. Vấn đề tiền tệ, cần xác định đây là loại hàng hóa đặc biệt, đảm nhận vai trò vật ngang giá chung khi trao đổi hàng hóa, là sản phẩm của sự phát triển của nền sản xuất hàng hóa và các mâu thuẫn của nó. Cùng với sự xuất hiện tiền tệ, toàn bộ thế giới hàng hóa được chia thành hai cực: hàng hóa và tiền tệ. Tiền tệ là sự thể hiện của thước đo giá trị và của của cải xã hội. Tiền tệ biểu hiện của kết quả lao động chứa đựng trong đồng tiền và biểu hiện quan hệ xã hội giữa người và người; lượng giá trị hàng hóa được biểu hiện bằng tiền. Chỉ sau khi sản phẩm (hàng hóa) được làm ra, được trao đổi lấy tiền, thì lao động để làm ra sản phẩm đó mới được xác nhận bằng tiền. Vì vậy, việc thay đổi đồng tiền phải cân nhắc, tính toán rất cẩn thận, không thể chủ quan trong vấn đề này.
3. Dựa trên những luận cứ khoa học, Tác giả cuốn sách đã phân tích những khó khăn của thời kỳ bao cấp để tiến vào thời kỳ đổi mới toàn diện. Có thể nói mầm mống của công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu từ nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa IV (tháng 9-1979): “Về tình hình và nhiệm vụ cấp bách”. Tư tưởng cơ bản của Nghị quyết này là kiên quyết khắc phục những khuyết điểm sai lầm trong quản lý kinh tế, mạnh dạn thay đổi một số chính sách kinh tế - tài chính không còn phù hợp, làm cho sản xuất “bung ra”; kiên quyết phá bỏ cảnh “ngăn sông cấm chợ”; kế hoạch hóa không còn được xem là hình thức duy nhất để phát triển kinh tế; khẳng định sự cần thiết phải kết hợp kế hoạch với thị trường, kết hợp thị trường có kế hoạch với thị trường không có kế hoạch; xem tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá đúng, sai của chính sách kinh tế là có làm cho năng suất lao động ngày càng được nâng cao hay không, có làm cho sản xuất phát triển và đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện hay không? Từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa IV đến Đại hội VI của Đảng, Đại hội được ghi dấu ấn là đổi mới toàn diện là giai đoạn tìm tòi, nghiên cứu để cho ra một đường lối đổi mới thật sự ở Việt Nam sau khi đã thoát ra khỏi thời kỳ bao cấp.
Lúc này, trong hoạt động kinh tế và xã hội, dấu hiệu tiêu cực, nhất là tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng trong cán bộ có chức có quyền phát triển nhanh. Trước tình hình đó, ngày 6-2-1980, Ban Bí thư khóa IV ra Chỉ thị số 86-CT/TW: “Về phương hướng, chủ trương xử lý đối với những cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức nhà nước và quân nhân có sai phạm ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng”. Chỉ thị yêu cầu đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng, đấu tranh nhằm chặn đứng, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực, các cấp ủy đảng, các cơ quan nhà nước, quân đội và đoàn thể phải đề cao kỷ luật của Đảng và pháp chế xã hội chủ nghĩa, nghiêm túc xem xét, xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, quân nhân và các cơ quan, đơn vị có sai phạm. Tình hình dần dần được cải thiện. Ánh sáng tuy còn lờ mờ, nhưng đã báo hiệu sự sáng tỏ hơn. Trong sản xuất nông nghiệp, có “khoán 100”, tiếp đó là “khoán 10” làm cho bộ mặt nông thôn có ánh bình minh mới. Trong công nghiệp có Quyết định 25 và Quyết định 26 của Chính phủ, về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất, kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh, định hướng cho các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh tháo gỡ những bế tắc trong sản xuất, có tác dụng thiết thực đối với các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh, làm cho sản xuất công nghiệp trong thời gian này phát triển khá, đời sống công nhân được cải thiện một bước.
Lúc này, một số địa phương, trong đó có tỉnh Long An, rất chủ động đổi mới, không chỉ mạnh dạn “bung ra” trong sản xuất nông nghiệp, mà còn mạnh dạn “bung ra” trong sản xuất công nghiệp. Tỉnh Long An tiến hành thử nghiệm cơ chế một giá, bù giá vào lương nhằm chuyển từ hình thức bao cấp sang hình thức hạch toán kinh doanh. Từ năm 1981, lãnh đạo tỉnh Long An thực hiện một chủ trương táo bạo là đề ra chính sách mua bán theo giá thỏa thuận thay cho chính sách mua bán định sẵn của Nhà nước; xóa bỏ chế độ cung cấp theo tem phiếu.
Đường lối đổi mới của Đảng liên tục được đề ra và triển khai từ Đại hội VI đến Đại hội XI và các nghị quyết Hội nghị Trung ương các khóa VI,VII,VIII, IX, X, XI.
4. Trên cơ sở của những vấn đề đổi mới, Tác giả cuốn sách đã trình bày về sự phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Từ lý luận kinh điển về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đến phát triển lý luận - thực tiễn ở Việt Nam là kết quả của sự tìm tòi, trăn trở, ghi nhận sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; lấy phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng một nền dân chủ, công bằng. Công tác lý luận về chủ nghĩa xã hội đã được định hướng vào những vấn đề do cuộc sống đặt ra, làm rõ căn cứ khoa học của các giải pháp, dự báo các xu hướng phát triển. Tác giả cuốn sách cho rằng, hiện nay đang còn có những ý kiến khác nhau trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhưng khi nghiên cứu, phải xuất phát từ góc độ nghiên cứu khoa học, giữ lấy cái gốc trên cơ sở đó mà phát triển thành hoa lá cành. Xa rời cái gốc, bấu lấy cái ngọn là không đúng về phương pháp luận nghiên cứu.
5. Tác giả cuốn sách đã trình bày một cách có hệ thống về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những quan điểm cơ bản xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những vấn đề rút ra từ việc xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng; phương hướng chung về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” do các chuyên gia hiến pháp và luật pháp người Đức và người Áo nêu ra lần đầu từ thế kỷ XIX. Từ đấy, thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước theo một tiêu chí như một chế độ của nhà nước, và nó có thể so sánh được với quá trình phát triển khái niệm “nhân quyền”. Khi nói đến khái niệm “nhà nước” là nói đến một tổ chức chính trị - xã hội quốc gia, còn khi nói đến khái niệm “pháp quyền” là nói đến hệ thống pháp luật tiêu biểu cho quyền lực của một nhà nước, cho bản chất của một chế độ. Tuy nhiên, xét về bản chất của một “nhà nước pháp quyền” cùng với tiêu chí của nó chưa được xác định một cách ràng mạch, nên cần phải tiếp tục bổ sung cho hoàn thiện hơn.
Với Việt Nam, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”2. “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”3. Tuy nhiên, theo Tác giả cuốn sách, vấn đề đặt ra ở đây là trong lý thuyết, xác định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhưng trên thực tế, nhân dân không thể tạo ra quyền lực, mà cũng không giải quyết được quyền lực trên thực tế. Người có quyền lực và thực thi quyền lực về thực chất lại chính là các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã và tương đương,... Vì vậy, muốn có tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thì những người được trao quyền lực và xử lý quyền lực phải là những người vì nước vì dân. Nếu áp đặt, dùng quyền lực để giải quyết công việc nước, dân theo chủ quan của mình sẽ dẫn đến duy ý chí, thực chất là đi ngược lại nguyện vọng và ý định của nhân dân. Những người được trao quyền lực và thực thi quyền lực phải là những người có cái tâm tốt, trong sáng.
6. Phần cuối của cuốn sách, Tác giả đã trình bày về lịch sử xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam; lý luận về xây dựng Đảng trong thời kỳ mới, xuất phát từ tư tưởng về xây dựng Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra ngày từ năm 1924, khi Người từ châu Âu trở về Quảng Châu, Trung Quốc để mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ thành niên, chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng ở Việt Nam. Đó là sự chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
Trong thời kỳ đổi mới, PGS,TS Đức Vượng đã phân tích sâu sắc về 4 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Đó là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa VII: “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII: “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Trong cuốn sách này, PGS,TS Đức Vượng đã phân tích về những kết quả của quá trình nghiên cứu về xây dựng Đảng, trong đó có Chương trình nghiên cứu khoa học xã hội cấp nhà nước: “Xây dựng Đảng trong điều kiện mới” (Mã số: KX.03) do GS Đặng Xuân Kỳ làm Chủ nhiệm. GS Đặng Xuân Kỳ trực tiếp làm Chủ nhiệm một đề tài thuộc Chương trình này. Đó là đề tài: “Một số vấn đề lý luận về xây dựng Đảng đối với một đảng cầm quyền lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” (Mã số: KX.03.10). GS Đặng Xuân Kỳ đã được giải thưởng Hồ Chí Minh về kết quả nghiên cứu của đề tài này. Trong đề tài này, GS Đặng Xuân Kỳ đã đưa ra những nội dung và nguyên tắc về xây dựng Đảng. Đó là xây dựng Đảng về tư tưởng; xây dựng Đảng về chính trị; xây dựng Đảng về tổ chức; xây dựng Đảng về đạo đức; xây dựng Đảng về phương thức lãnh đạo và phong cách công tác.
Khép lại cuốn sách này, người viết bài giới thiệu xin được trích dẫn Lời Nhà xuất bản:
“Nội dung cuốn sách là kết quả nghiên cứu công phu, nghiêm túc, tổng thể, xuyên suốt của Tác giả về công cuộc đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh. Để tôn trọng chính kiến của Tác giả, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc nghiên cứu, tham khảo, chúng tôi cố gắng giữ nguyên luận giải, nhận định của Tác giả trình bày trong cuốn sách và coi đây là quan điểm nghiên cứu riêng của Tác giả”.
Bài và ảnh: Quỳnh Anh 
*****
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, sđd, tập 46, tr. 314.
2, 3. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (công bố năm 2013), sđd, tr. 8,9.