Mới cập nhật

Tâm sự của người con gái Campuchia

Em là con gái Campuchia

Quê em rực rỡ những tia nắng hồng.

Em yêu với cả tấm lòng

Việt Nam chan chứa mặn nồng tỏa lan.

Em yêu bộ đội Việt Nam

Tình cao nghĩa cả muôn vàn mến thương.

Nhớ ngày Pôn Pốt cầm quyền

Moi gan mổ bụng dân lành của em.

Chặt đầu khoét mắt đâm tim

Máu sông xương núi đêm tàn héo hon.

May nhờ bộ đội Việt Nam

Các anh sang giúp đánh tan kẻ thù.

Vận đen vây kín cuộc đời

Bỗng dưng hửng nắng đất trời Ăng Co.

Bọn Pôn Pốt biến thành tro

Kẻ tiếp tay cũng thành dò thành sâu.

Nhân tâm bắt chúng cúi đầu

Vong linh người mất nỗi đau muôn vàn.

“Cánh đồng chết”1 hồn lang thang

Nhà tù “Tuol Sleng”2 còn bàng hoàng hôm nay.

Trời thì cao đất thì dày

Tội ác diệt chủng còn bày ra đây.

Nghìn năm lịch sử giãi bày

Trăm năm ân oán xưa nay vẫn mà.

Hôm nay ta lại với ta

Vòng ôm xiết chặt bài ca kết đoàn.

Campuchia và Việt Nam

Trọn đời giữ một mối tình chân linh!

Phnom Pênh, Campuchia,
15-1-2014

Hà Nội, Việt Nam, 22-1-2014

 

PGS,TS Đức Vượng


*****

Chú thích: 

1. “Cánh đồng chết”, ở thủ đô Phnom Pênh, tên nghĩa địa mà bọn phản động Pôn Pốt chôn xác những người Campuchia, những người Việt Nam và những người các nước lúc ấy đang ở Campuchia bị chúng giết hại. Trong “Cánh đồng chết” có nhà chất đầy sọ người chết. Có hố chôn chung 450 người,... Có hố chôn riêng những người bị chặt đầu. Hiện nay, tại “Cánh đồng chết”, xương người vẫn còn ngổn ngang trên mặt đất.


2. Nhà tù “Tuol Sleng” ở thủ đô Phnom Pênh, nơi bọn Pôn Pốt giam giữ những người tù. Tại đây, hiện còn rất nhiều sọ người chết. Nhà tù này trước đó là một trường học. Chúng rào dây thép gai chằng chịt trong ngoài để không một ai được trốn thoát. Mỗi người tù bị giam trong một ô khoảng 2 mét vuông. Tù nhân bị còng chân. Mỗi ngày chỉ được ăn một bát cháo loãng; đi vệ sinh vào một chiếc hộp để ngay bên cạnh, ai đi rớt ra ngoài, chúng bắt liếm ngay. Tù nhân sống còn khổ hơn súc vật. Trong mỗi gian, chúng để sẵn các dụng cụ tra tấn như kìm, búa, dao,... Giam được một thời gian, chúng đưa đi giết. Trước khi giải đi đến “Cánh đồng chết”, chúng bịt mắt người tù. Đến nơi, chúng lấy búa đập vào đầu hoặc đâm nhiều nhát cho đến chết.


Lời Tác giả: Tôi đến Campuchia vào những ngày trong tháng 1-2014. Chuyến đi công tác này là để sưu tầm tài liệu, viết hồi ký cho các vị lãnh đạo Campuchia, những người đã trải qua thời kỳ khủng bố của bọn Pôn Pốt. Được Bạn đưa đi thăm nhà tù “Tuol Sleng” và “Cánh đồng chết”,... Những cảnh tượng rùng rợn còn để lại mà bọn Pôn Pốt đã gây ra ở Campuchia trong những năm 1975, 1976, 1977, 1978. Pôn Pốt tiến hành cuộc thanh trừng nội bộ quyết liệt, đã đẩy các nhà lãnh đạo cách mạng Campuchia Heng Somrin, Chea Sim, Hun Sen,... vào rừng. Chúng không những tàn sát dã man nhân dân Campuchia, mà chúng còn đánh tràn sang cả Việt Nam. Hàng vạn dân thường Việt Nam ở các tỉnh biên giới với Campuchia đã bị chúng giết hại. Tháng 12-1978, các sư đoàn chủ lực của Pôn Pốt tấn công ào ạt trên toàn tuyến biên giới phía Tây Nam và Đông Nam của Việt Nam, đánh tràn vào các tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang,..., buộc quân đội Việt Nam phải phản công. Theo đề nghị của các nhà lãnh đạo cách mạng chân chính ở Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt bọn Pôn Pốt, giải phóng Campuchia vào ngày 7-1-1979. Có một vấn đề đặt ra cho các nhà sử học cần nghiên cứu là kẻ nào đã tiếp tay cho bọn Pôn Pốt gây nên tội ác tày trời ở Campuchia?