Mới cập nhật

TÌM HIỂU HIẾN PHÁP HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ

PGS, TS Đức Vượng

 

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích một câu quan trọng trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, ngày 4-7-1776. Nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập cũng thể hiện trong Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ:

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời nói bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"(1).



americanHoa Kỳ (Mỹ) là nước cộng hòa, thực hiện chế độ Tổng thống.

Đặc điểm của nước Mỹ là "sinh sau đẻ muộn" so với nhiều nước trên thế giới (chính thức được thành lập vào năm 1776, theo Hiến pháp Hoa Kỳ, với tư cách là một quốc gia độc lập), nhưng lại là nước phát triển nhanh nhất, đứng đầu thế giới về mọi phương diện, nhất là về kinh tế và quyền công dân.



Nguyên nhân chủ yếu làm cho nước Mỹ phát triển nhanh là bởi ba yếu tố cơ bản cấu thành: tài nguyên thiên nhiên; hợp chủng quốc; dân chủ quốc.





Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chính thức được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1787 (2). Hiến pháp và hệ thống luật pháp ở Hoa Kỳ là kết quả của quá trình lịch sử phát triển từ chế độ thuộc địa tiến lên thể chế liên bang. Đây là một bản Hiến pháp quy định khá cụ thể và rõ ràng; lời văn diễn đạt dễ hiểu, đơn giản, chặt chẽ.

Hiến pháp Hoa Kỳ gồm Lời mở đầu và 7 điều (được xem như 7 chương); được bổ sung nhiều lần; rất ngắn gọn và bao quát toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, an ninh, văn hóa của nước Mỹ.




Lời mở đầu chỉ có vài dòng, nhưng đã nói lên tất cả:


"Chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với mục đích xây dựng một liên bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, bảo đảm an ninh trong nước, tạo dựng phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong toàn khối, giữ vững nền tự do cho bản thân và con cháu chúng ta, quyết định xây dựng Hiến pháp này cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ".


Khái niệm "chính quyền" ở Mỹ bao gồm cả cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, tòa án (tư pháp).


Về ngành lập pháp: Hiến pháp Hoa Kỳ nêu quyền lực lập pháp được thừa nhận và trao cho Quốc hội Hoa Kỳ. Quốc hội Hoa Kỳ gồm Hạ viện và Thượng viện. Thành viên của Hạ viện là hạ nghị sĩ; thành viên của Thượng viện là thượng nghị sĩ.



Hạ viện gồm các thành viên hạ nghị sĩ, cứ 2 năm một lần, được các đại diện dân chúng (đại cử tri) ở các bang bầu ra. Tiêu chuẩn đại cử tri (cử tri đại diện) ở mỗi bang phải có phẩm chất cần thiết của một đại cử tri. Những người có thể được bầu làm hạ nghị sĩ phải từ 25 tuổi trở lên và phải là công dân của Hoa Kỳ ít nhất 7 năm và vào thời điểm được bầu phải là cư dân ở bang mà người đó được lựa chọn. Mỗi hạ nghị sĩ sẽ đại diện cho không quá 30 nghìn người. Mỗi bang sẽ có ít nhất một hạ nghị sĩ. Khi khuyết ghế dân biểu ở bất cứ một bang nào thì chính quyền ở đó sẽ ban hành lệnh bầu cử để bổ sung vào ghế khuyết đó. Hạ viện sẽ bầu ra chủ tịch và các quan chức khác của Hạ viện mà họ là những người duy nhất có quyền kết tội các quan chức.




Thượng viện Hoa Kỳ, mỗi bang có hai thượng nghị sĩ, do cơ quan lập pháp ở bang đó bầu ra với nhiệm kỳ 6 năm. Ngay sau khi Thượng viện được bầu ra và nhóm họp lần đầu, các thượng nghị sĩ sẽ được phân chia sao cho đồng đều thành ba cấp, gối nhau, để tránh tình trạng "cũ đi một lúc, mới đến cùng lúc". Thượng nghị sĩ cấp 1 sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ; thượng nghị sĩ cấp 2 sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ tư; thượng nghị sĩ cấp 3 sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ sáu, bảo đảm sao cho mỗi hai năm có thể bầu lại một phần ba thượng nghị sĩ, lúc nào cũng có cũ, có mới, có tính chất "cài răng lược", Khi có chỗ trống do từ chức hoặc nguyên nhân nào khác, thì chính quyền ở bang đó có thể tạm thời bổ nhiệm cho đến kỳ họp tiếp đó của cơ quan lập pháp bang sẽ bầu người bổ sung vào chỗ trống.

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định những người được bầu làm thượng nghị sĩ phải ở độ tuổi từ 30 trở lên và có 9 năm là công dân Hoa Kỳ; đồng thời, khi được bầu phải là cư dân của bang mà người đó được tuyển chọn.


Phó tổng thống Hoa Kỳ là Chủ tịch Thượng viện, nhưng không có quyền bỏ phiếu, trừ trường hợp số phiếu chống ngang nhau khi biểu quyết. Thượng viện lựa chọn những quan chức khác và cả Chủ tịch lâm thời Thượng viện khi Phó tổng thống vắng mặt hoặc khi Phó tổng thống đảm nhận chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ.

Thượng viện là nơi duy nhất có quyền xét xử tất cả các vụ bị kết tội. Khi nhóm họp để xét xử, thượng nghị sĩ sẽ phải tuyên thệ hoặc thề. Trong trường hợp xét xử Tổng thống, Chánh án Tòa án tối cao sẽ chủ tọa phiên tòa. Không một ai bị kết án nếu không được sự nhất trí của hai phần ba các thượng nghị sĩ có mặt. Mức án áp dụng trong những vụ buộc tội này không vượt quá sự cách chức và tước quyền của bị cáo đang đảm nhận.



Về tổ chức của Quốc hội Hoa Kỳ: Hiến pháp Hoa Kỳ quy định thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành bầu cử thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ sẽ do cơ quan lập pháp của mỗi bang quy định. Nhưng vào bất cứ lúc nào Quốc hội cũng có thể dựa theo luật đặt ra hoặc thay đổi những quy định đó (chỉ trừ quy định về địa điểm bầu thượng nghị sĩ).


Quốc hội sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần. Phiên họp này sẽ vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng 12, trừ trường hợp Quốc hội có thể quy định một ngày khác dựa theo luật định.

Mỗi Thượng viện và Hạ viện đều có thẩm quyền về cuộc bầu cử của mình, về kết quả của cuộc bầu cử đó và về việc đánh giá tiêu chuẩn của các nghị sĩ. Mỗi Viện sẽ tổ chức một nhóm đại biểu theo quy định để triển khai công việc. Mỗi Viện có thể đặt ra những quy chế riêng của viện mình, quy định việc thi hành kỷ luật những thành viên có hành vi sai phạm và khai trừ một thành viên với sự nhất trí của hai phần ba số thành viên.



Mối Viện ấn hành một tờ nội san về công việc của mình và thông báo theo định kỳ các công việc đó trên tờ nội san. Những việc mà Viện cho là cần phải giữ bí mật, thì không được thông báo trên tờ nội san. Những phiếu thuận và phiếu chống của các thành viên Viện về các vấn đề sẽ được công bố trên tờ nội san phải theo yêu cầu của ít nhất của một phần năm các thành viên có mặt. Trong thời gian khóa họp của Quốc hội, nếu không được sự đồng ý của Viện kia, thì không một Viện nào có thể nghỉ họp ba ngày hoặc chuyển sang địa điểm khác với địa điểm mà hai Viện đã quyết định. Điều này chứng tỏ Hiến pháp Hoa Kỳ rất coi trọng địa điểm họp Quốc hội.


Các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ nhận được một khoản trợ cấp cho công việc của mình do luật định và được Ngân khố của Hợp chủng quốc thanh toán. Trong mọi trường hợp, trừ khi có tội phản quốc, trọng tội và tội vi phạm nền an ninh, họ được hưởng đặc quyền không bị bắt giam trong thời gian tham dự khóa họp Quốc hội (khóa họp của hai Viện) và trong thời gian đang trên đường đi tới cuộc họp và trở về nhà từ cuộc họp. Đối với những lời phát biểu và tranh luận của họ trong cuộc họp của Quốc hội, họ có quyền không bị chất vấn ở những nơi khác.

Trong thời gian làm thượng nghị sĩ hoặc hạ nghị sĩ, không một ai được bổ nhiệm vào một chức vụ dân sự nào trong chính quyền nhà nước.






Tất cả các dự luật đều do Hạ viện đề xuất. Thượng viện có quyền đề nghị hoặc chấp thuận những điều sửa đổi trong các dự luật. Mỗi dự luật đã được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện trước khi trở thành luật đều phải đệ trình lên Tổng thống Hoa Kỳ. Nếu tán thành, Tổng thống sẽ ký nhận, nều không, Tổng thống sẽ trả lại Viện (Hạ viện) đưa ra dự luật đó cùng với ý kiến không tán thành. Viện đó sẽ thông báo rộng rãi ý kiến không tán thành của Tổng thống trong nội san và tiến thành xem xét lại dự luật. Nếu sau khi xem xét lại và hai phần ba thành viên của Viện đó không đồng ý thông qua dự luật, thì nó sẽ được gửi cho Viện kia kèm theo ý kiến không tán thành. Viện đó cũng xem xét lại. Nếu được hai phần ba thành viên của Viện đó phê chuẩn, thì nó sẽ trở thành một đạo luật. Nhưng trong các trường hợp này, phiếu bầu của cả hai Viện đều phải ghi rõ tán thành hay không tán thành. Tên của những người tán thành và không tán thành dự luật, được đưa vào nội san của mỗi Viện. Những dự luật mà Tổng thống không gửi trả lại trong vòng 10 ngày (không kể chủ nhật), sau khi đệ trình lên sẽ trở thành đạo luật, coi như Tổng thống đã ký phê chuẩn.

Những mệnh lệnh, nghị quyết hoặc biểu quyết cần sự nhất trí của Thượng viện và Hạ viện (trừ trường hợp Quốc hội nghỉ họp) sẽ được đệ trình lên Tổng thống Hoa Kỳ, và trước khi có hiệu lực, phải được Tổng thống phê chuẩn; hoặc nếu Tổng thống không chấp thuận, cần phải có sự chấp thuận lần thứ hai của hai Viện với hai phần ba thành viên của mỗi Viện, theo đúng các quy chế và giới hạn được quy định cho các trường hợp về dự luật.

Về quyền hạn của Quốc hội, Hiến pháp Hoa Kỳ quy định khá rõ: (1) Đặt ra và thu các khoản thuế, thuế quan và thuế môn bài để trả các khoản nợ và chi phí cho quốc phòng và phúc lợi công cộng của Hoa Kỳ. Các khoản thuế quan và thuế môn bài đều phải được thống nhất trên toàn cõi Hoa Kỳ. (2) Vay tiền theo tín dụng của Hoa Kỳ. (3) Quy định về thương mại với nước ngoài, giữa các bang và các bộ lạc da đỏ. (4) Xây dựng đạo luật thống nhất về việc nhập quốc tịch và luật thống nhất trong toàn lãnh thổ Hoa Kỳ về các vấn đề phá sản. (5) Đúc và in tiền, quy định giá trị của đồng tiền trong nước và đồng tiền nước ngoài, xác định tiêu chuẩn cân đo. (6) Trừng phạt những vụ làm giả trái phiếu và đồng tiền đang lưu hành ở Hoa Kỳ. (7) Xây dựng các trạm bưu điện và mạng lưới bưu điện. (8) Thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và các nghệ thuật hữu ích bằng cách bảo đảm quyền sở hữu của các tác giả và nhà phát minh đối với các tác phẩm và phát minh trong thời gian hạn định. (9) Thiết lập các tòa án dưới quyền của Tòa án Tối cao. (10) Xác định rõ và trừng phạt các tội cướp biển và trọng tội xảy ra trên biển và những sự vi phạm luật pháp quốc tế. (11) Tuyên chiến, ban bố văn bản trao quyền cho các tàu tư nhân được phép tấn công các tàu nước ngoài và soạn thảo những luật liên quan tới sự chiếm dụng đất và nguồn nước. (12) Nuôi dưỡng và cung cấp cho quân đội. Việc chi tiêu khoản tiền này chỉ trong thời hạn không quá hai năm. (13) Thiết lập và duy trì quân chủng hải quân. (14) Soạn thảo các luật lệ và các quy chế về lực lượng lục quân và hải quân. (15) Trù liệu việc xây dựng lực lượng dự bị nhằm thực thi luật pháp của Liên bang, trấn áp các cuộc phiến loạn và đẩy lùi xâm lăng. (16) Trù liệu sự tổ chức vũ trang và duy trì các lực lượng dự bị của các bang. (17) Thực thi quyền lập pháp đặc biệt trong mọi trường hợp đối với những quận, huyện có diện tích không quá 10 hải lý vuông; thực thi quyền lãnh đạo đối với tất cả các địa điểm đã được mua lại theo sự đồng ý của cơ quan lập pháp của bang và cũng theo cách như vậy, xây dựng các pháo đài, kho vũ khí, xưởng chế tạo vũ khí, kho cảng và các cơ sở cần thiết khác.


Hiến pháp Hoa Kỳ quy định các quyền không cho phép đối với Quốc hội, trong đó, không được phép rút bất cứ khoản tiền nào từ Ngân khố, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Bản báo cáo tài chính thu, chi thường kỳ của những khoản tiền công cộng phải được công bố thường xuyên.




Hiến pháp Hoa Kỳ quy định các quyền không cho phép đối với các bang. trong đó, ghi rõ là nếu không được sự đồng ý của Quốc hội. Không một bang nào được đánh thuế tàu, duy trì các đội quân và tàu chiến trong thời kỳ hòa bình, ký kết hiệp định hoặc thỏa ước với một bang khác, hoặc với lực lượng nước ngoài, hoặc tham gia vào cuộc chiến tranh, trừ trường hợp thực sự bị xâm lược hoặc lâm vào tình trạng sắp xảy ra nguy biến và không thể trì hoãn.



Về ngành hành pháp, Hiến pháp Hoa Kỳ ghi rõ quyền hành pháp trao cho Tổng thống. Tổng thống giữ chực vụ của mình trong nhiệm kỳ 4 năm, không được quá hai nhiệm kỳ và cùng với Phó tổng thống cũng được bầu ra theo cùng một nhiệm kỳ 4 năm và cũng như Tổng thống, không được làm quá 2 nhiệm kỳ. Tổng thống và Phó tổng thống được bầu theo thể thức mỗi bang cử ra một số đại cử tri (cử tri đại diện) bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ mà bang sẽ bầu ra trong Quốc hội. Thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hoặc quan chức đảm nhận chức vụ không nằm trong danh sách đại cử tri. Các đại cử trị sẽ họp ở bang của mình và bỏ phiếu bầu (Tổng thống và Phó tổng thống) và ít nhất một trong những người không phải là cư dân trong cùng một bang với người kia. Các đại cử tri lập bản danh sách về những người đi bầu kèm theo số phiếu bầu của từng người, ký và xác nhận vào danh sách, gắn xi niêm phong và chuyển lên cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ, đệ trình lên Chủ tịch Thượng viện. Với sự có mặt của Thượng viện và Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện sẽ mở hòm phiếu đã được xác nhận và sẽ đến số lượng phiếu bầu. Người có nhiều phiếu bầu nhất sẽ là Tổng thống. Nếu như những người có số phiếu ngang nhau, thì Hạ viện sẽ ngay lập tức để bầu một trong những người đó làm Tổng thống. Nếu không người nào đủ đa số phiếu bầu, thì Hạ viện cũng theo thể thức như vậy, chọn ra 5 người có số phiếu bầu nhiều nhất trong danh sách để bầu ra Tổng thống. Sau khi bầu xong Tổng thống, người có nhiếu phiếu nhất do các đại cử tri bầu cho sẽ là Phó tổng thống. Gặp trường hợp từ hai người trở lên có số phiếu bầu Phó tổng thống bằng nhau, thì Thượng viện sẽ chọn trong số đó để bỏ phiếu bầu ra Phó tổng thống.



Quốc hội có thể quyết định thời gian bầu các đại cử tri và ngày mà các đại cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu cử sẽ cùng một ngày trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.

Người có đủ tiêu chuẩn được bầu làm Tổng thống phải là công dân sinh ra tại Hoa Kỳ, hoặc là công dân Hoa Kỳ trong thời gian thực hiện Hiến pháp; tuổi từ 35 trở lên và đã có 14 năm cư trú ở Hoa Kỳ.






Trong trường hợp Tổng thống bị cách chức hoặc qua đời, từ chức hoặc không đủ năng lực trong việc thực thi quyền lực và nhiệm vụ của mình, thì mọi quyền lực và nhiệm vụ chuyển giao cho Phó tổng thống. Quốc hội sẽ căn cứ vào luật, bổ nhiệm một quan chức nào đó thay thế ghế trống Tổng thống trong các trường hợp truất quyền, tử vong, từ chức hoặc không đủ năng lực của cả Tổng thống và Phó tổng thống. Quan chức nào thay quyền Tổng thống hoặc Phó tổng thống sẽ thi hành nhiệm vụ cho đến khi chấm dứt tình trạng không đủ năng lực và khi đã bầu được Tổng thống mới.



Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống sẽ được nhận một khoản tiền lương trả cho công việc của mình. Khoản tiền này sẽ không tăng và cũng không giảm trong suốt nhiệm kỳ này và Tổng thống cũng không có quyền được nhận bất cứ một khoản tiền nào khác của Hoa Kỳ hoặc của bất cứ một bang nào.

Trước khi bắt đầu điều hành văn phòng của mình, Tổng thống phải tuyên thệ hoặc thề như sau:

"Tôi trân trọng tuyên thệ (hoặc xin thề), rằng, tôi sẽ giữ chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ với lòng trung thành và tận dụng hết khả năng của mình để duy trì, giữ gìn và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ".

Tổng thống sẽ là Tổng tư lệnh các lực lượng lục quân và hải quân Hoa Kỳ và của lực lượng dự bị ở một số bang.

Theo thỏa thuận và sự đồng ý của Thượng viện, Tổng thống có quyền ký kết các điều ước. Và cũng theo thỏa thuận và sự đồng ý của Thượng viện, Tổng thống có quyền ký các điều ước và bổ nhiệm các đại sứ, công sứ, lãnh sự, các quan tòa của Tòa án Tối cao và các quan chức khác của Hoa Kỳ; tiếp các đại sứ và công sứ nước ngoài...



Tổng thống có quyền giải quyết, bổ sung vào những chỗ trống có thể xảy ra trong thời gian giữa hai kỳ họp của Thượng viện.



Tổng thống đôn đốc việc thi hành pháp luật một cách đúng đắn và giao trách nhiệm cho tất cả các quan chức của Hoa Kỳ.


Tổng thống, Phó tổng thống và các quan chức dân sự của Hoa Kỳ sẽ bị cách chức khi bị buộc tội phản quốc, tội nhận hối lộ cùng những tội nghiêm trọng khác.

Về ngành tư pháp: Hiến pháp Hoa Kỳ ghi rõ quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ được trao cho Tòa án Tối cao và những tòa án cấp dưới. Các quan tòa của Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới có thể giữ chức vụ của mình suốt đời nếu luôn luôn có hành vi chính đáng, và trong thời gian thi hành nhiệm vụ, họ được nhận một khoản tiền lương cho công việc của mình.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, quyền lực của tư pháp có hiệu lực đối với tất cả các vụ việc trên phương diện luật pháp và công lý, các điều luật của Hoa Kỳ, các hiệp ước đã hoặc sẽ ký dưới thẩm quyền của Chính phủ.


Trong các trường hợp liên quan tới các đại sứ, công sứ, lãnh sự và các trường hợp mà một bang thuộc về một bên, thì Tòa án Tối cao phải mở phiên tòa sơ thẩm. Trong các trường hợp khác, căn cứ vào luật pháp, vụ việc và cả những ngoại lệ và tuân theo những quy chế do Quốc hội đề xuất, Tòa án tối cao sẽ mở phiên tòa phúc thẩm.

Trong những trường hợp bị buộc trọng tội, việc xét xử các tội sẽ phải thông qua bồi thẩm đoàn và phiên tòa xét xử sẽ mở tại bang đã xảy ra vụ việc phạm tội.




Hiến pháp Hoa Kỳ quy định tội phản quốc chống lại Hoa Kỳ bao gồm hành vi gây chiến tranh tấn công nước này hoặc ủng hộ kẻ thù, trợ giúp và úy lạo chúng. Không một ai bị phán quyết về tội phản quốc, trừ phi có hai người làm chứng về hành vi phạm tội hoặc có sự thú tội công khai trước tòa.

Quốc hội có quyền xác định hình phạt cho tội phản quốc. Nhưng không một sự trừng phạt nào hay việc tịch thu tài sản lại thực hiện đối với những người thân của kẻ phạm tội, mà chỉ thực hiện đối với bản thân họ mà thôi.


Ngoài những nội dung chính trên đây, Hiến pháp Hoa Kỳ còn đặt vấn đề về mối quan hệ giữa các bang; mối quan hệ giữa bang và Liên bang và một số vấn đề khác.

Trong quá trình thực thi Hiến pháp ở Mỹ, không thể tránh khỏi những bất đồng khi áp dụng luật. Biết bao vấn đề mới, mâu thuẫn mới, bất đồng mới nảy sinh hằng ngày, hằng giờ. Tòa án trở thành nơi để giải quyết những mâu thuần mới, bất đồng mới trong xã hội.



Hiến pháp Hoa Kỳ thực chất là kết quả của cuộc thương lượng giữa 13 tiểu bang để thành lập một quốc gia độc lập, thống nhất.

Nét nổi bật của Hiến pháp Hoa Kỳ là sự bảo đảm cho công dân Mỹ được hưởng nhiều quyền tự do cơ bản. Tự do dân chủ ở Mỹ đã dẫn đến sự ổn định về chính trị nước Mỹ khi trình độ dân trí đã lên cao.




Ở Hoa Kỳ có nhiều đảng phái, nhưng có hai đảng là lớn mạnh hơn cả, thay nhau cầm quyền, thay nhau lập hiến, lập pháp, hành pháp: Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Dân chủ kết hợp với luật pháp tạo nên sự phát triển toàn diện của nước Mỹ.

----------

Chú thích:


(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 3, tr. 555.

(2). Hiến pháp Hoa Kỳ được khởi thảo và chính thức hoàn thành vào năm 1776, nhưng đến năm 1787, Quốc hội Mỹ mới chính thức thông qua.