Mới cập nhật

KHOA HỌC & TÂM LINH - KHOA HỌC VỀ DỰ CẢM - LINH TÍNH - CẢM GIÁC

 



PGS,TS Đàm Đức Vượng


 

 Trước đây, tôi đã có bài phân tích về dự cảm, nay cần bổ sung thêm một số ý mới về khoa học dự cảm qua nghiên cứu về môn khoa học tâm linh này.

Người xem tướng - số - vận cần phải có kiến thức về khoa học dự cảm, có nghĩa là cảm thấy trước; ý niệm đã có từ trước về cái gì đó. Trong triết học hiện đại, thuật ngữ “dự cảm” được dùng với ý nghĩa thấy trước một điều gì đó sẽ xảy ra đối với người đó. Trong tâm lý học, dự cảm là sự mong đợi của cơ thể một tình huống nhất định, được thể hiện trong một tư thế hoặc một hiện tượng nào đó, là ý nghĩ của con người đối với kết quả hành động của mình trước khi thực hiện hành động đó. Trong lôgích học, dự cảm là sự chấp nhận tạm thời với tính cách là một tiền đề đã được chứng minh mà người ta dự định sẽ chứng kiến trong tương lai sẽ xảy ra.

Quan niệm về dự cảm đã thấy rõ ở trường phái Êpiquya và trường phái Xtôixiêng. Trường phái Xtôixiêng là trường phái của học thuyết triết học xuất hiện vào cuối thế kỷ IV trước Công nguyên. Đại diện chủ yếu của trường phái Xtôixiêng thế kỷ IV, III trược Công nguyên là Dênông và Khơrixíp, La Mã xưa, cho rằng, trong cuộc đời, mọi sự đều do số phận định trước, báo trước, dự cảm trước. Ai muốn theo, số phận sẽ dẫn đường, ai cưỡng lại, vẫn phải theo. Họ cho rằng, đây chính là đạo đức và tôn giáo.

Trường phái Êpiquya (314-270 trước Công nguyên) ở Hy Lạp, cho rằng, dự cảm chẳng qua là sự va chạm của các nguyên tử, luồng sinh khí được phát ra từ con người và con người từ một nơi khác xa xôi thu nhận được; sự chuyển động của các nguyên tử trong khoảng không với cùng một tốc độ. Êpiquya phủ nhận sự can thiệp của thần linh vào các công việc của thế giới và xuất phát từ chỗ thừa nhận tính vĩnh cửu của vật chất, là cái có nguồn vận động bên trong. Về lý luận nhận thức, Êpiquya là một nhà duy cảm. Ông cho rằng, tự thân các dự cảm bao giờ cũng là chân thực, bởi vì chúng xuất phát từ hiện thực khách quan. Những sai lầm nảy sinh ra từ những cảm giác. Từ con người và bề mặt các vật thể toát ra một dòng liên tục các hạt cực nhỏ, các “thần tượng”. Chúng thâm nhập vào giác quan và gây ra những hình ảnh về mọi mặt.

Qua nghiên cứu, tôi thấy dự cảm là điều biết trước một sự kiện nào đó sẽ có thể xảy ra đối với mình, hoặc khi người thân có sự cố nào đó mà nghĩ đến mình, làm mình thấy trong người khác thường. Nếu khi bị nạn mà không nghĩ đến ai đó trong cùng huyết thống, gia đình, thì phía người tiếp nhận sẽ không có hiện tượng khác thường như nháy mắt, ù tai, ruột gan bồn chồn,…

Dự cảm cũng có thể được xem như linh tính sẽ xảy ra điều gì đối với một con người. Thí dụ, tự nhiên, mắt cứ nháy liên tục, lòng dạ bồn chồn, nóng ruột, điều đó báo trước có thể sẽ xảy ra điều gì chẳng lành đối với ai đó hoặc đối với người thân của ai đó. Linh tính (cũng có thể gọi là linh cảm, cảm thấy bằng linh tính) là khả năng biết trước hoặc cảm thấy trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình hoặc đối với người thân của mình, có liên quan đến mình.

Dự cảm có liên quan đến cảm giác. Cảm giác, xét theo triết học, là kết quả sơ đẳng của sự tác động của thế giới khách quan đến những giác quan (bộ phận phân tích) của con người. Những nhân tố khác nhau nhất của môi trường bên ngoài (dao động, điện từ,…). Nó kích thích phần ngoại biên của bộ phận phân tích trong cơ thể con người. Những nhân tố khác nhau nhất của môi trường bên ngoài; sự kích thích dưới dạng những xung động được chuyển theo đường thần kinh đến trung tâm của bộ phận phân tích là vỏ đại não, và chính nơi đây xuất hiện cảm giác, dự cảm. Tùy theo đặc điểm của những kích thích bên ngoài, tất cả cảm giác được phân thành mấy nhóm riêng biệt: thị giác, xúc giác, thính giác, vị giác, khứu giác, tri giác,… Thị giác là sự cảm nhận bằng mắt nhìn, nháy mắt. Xúc giác là cảm giác thu nhận được nhờ mặt da của người này tiếp xúc với mặt da của người khác hoặc mặt da của anh tiếp xúc với các vật mà anh sờ đến. Thính giác là sự nhận cảm âm thanh qua lỗ tai, cảm giác ù tai. Vị giác là cảm giác về các vị, đắng, cay, ngọt, bùi. Khứu giác là cảm giác nhận được từ các mùi. Tri giác là nhận thức đầy đủ trên cơ sở của thị giác, xúc giác. Những cảm giác phát triển nhất là thị giác, tiếp đó là xúc giác, rồi đến thính giác, vị giác, khứu giác. Tất cả đều gọi chung là cảm giác. Có thể nói dự cảm cũng là một loại cảm giác. Mỗi nhóm cảm giác có những nét đặc thù, là một tổng thể của những vật chất mà mình cảm thụ được và không thể so sánh với những đặc trưng của nhóm khác, như màu sắc khác với âm thanh,… Quá trình nhận thức các sự vật thường bắt đầu từ cảm giác. Trong quá trình đó, cảm giác xét riêng biệt như một tín hiệu. (màu sắc báo cho chúng ta biết về nhiệt độ của kim loại nóng chảy, là màu đỏ hồng)… và trong thành phần được đem lại trong tri giác, các cảm giác sẽ chuyển tải lại những mối liên hệ giữa con người với vật chất. Dự cảm và cảm giác đều là những tín hiệu thông báo từ sự gửi đi đến sự nhận lại. Có câu chuyện về Tăng Sâm giết người in trong sách “Cổ học tinh hoa” của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân, cho thấy dự cảm, cảm giác của con người như thế nào. Tăng Sâm ở đất Phi, người thời Xuân Thu, tính chất chân thật và rất có hiếu, học trò Đức Khổng Tử. Chẳng may ở đấy có kẻ giết người lại trùng tên, trùng họ với ông. Có người hớt hải chạy đến báo cho mẹ Tăng Sâm biết: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ nghe (thính giác), rồi nói: “Chẳng khi nào con tôi lại giết người”, vì bà tin con bà là người sống rất lương thiện, không bao giờ giết người. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc lại có người đến nói: “Tăng Sâm giết người”. Bà vẫn điềm nhiên ngồi dệt cửi. Lúc này tri giác của bà đã bắt đầu thấy lo lo. Một lúc nữa lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Lúc này, cảm giác của bà đã thực sự hoang mang, bà sợ, trèo qua tường chạy trốn. Điều này nói lên dư luận rất là mạnh, lúc đầu, giội vào thính giác, không tin, lại giội tiếp, vẫn không tin, đến giội lần thứ ba, phải tin, mặc dù việc này không có sự thật đối với con bà. Có người tự nhiên thấy nóng ruột, báo hiệu điều gì chẳng lành sẽ đến. Có người thân sinh mất, làm cho người con ở xa tự nhiên thấy mấp máy mắt, ruột gan bồn chồn, đứng ngồi không yên, mặc dù người con ở xa chưa biết bố mình mất. Đó là trước khi ông bố mất, có nghĩ đến con mình và người con nhận được tín hiệu chẳng lành đó, tự nhiên nảy sinh cảm giác bồn chồn ruột gan…

Vấn đề dự cảm, linh tính, cảm giác hiện nay đang còn phải tiếp tục nghiên cứu, phải có những kết luận bằng khoa học và nó phải được đối xử bằng khoa học, thì mới có thể nâng nó lên thành khoa học được.