Mới cập nhật

THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA NĂM 1917 VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA LIÊN XÔ NĂM 1991

 PGS,TS Đàm Đức Vượng

 

 

1.Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 là cuộc cách mạng vô sản (còn gọi là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa) thắng lợi đầu tiên trên thế giới. Công xã Paris năm 1871 cũng là một cuộc cách mạng vô sản, nhưng không thành công.

Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi đã tạo bước ngoặt căn bản trong lịch sử thế giới hiện đại, đưa loài người từ thế giới tư bản chủ nghĩa sang thế giới xã hội chủ nghĩa. Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, về bản chất, khác với các cuộc cách mạng khác, vì nó không thay thế một hình thức bóc lột này bằng một hình thức bóc lột khác, mà trái lại, chủ trương tiêu diệt mọi hình thức bóc lột, thủ tiêu mọi giai cấp bóc lột.

Cách mạng tháng Mười đã được chuẩn bị tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, do V.I.Lênin khởi xướng và đứng đầu. Ngày 12-10-1917 (lịch Nga), Ủy ban Quân sự cách mạng do V.I.Lênin đứng đầu, được thành lập. Cuộc khởi nghĩa nổ ra tại thành phố Pêtơrôgrát. Đêm 25 rạng ngày 26-10-1917 (lịch Nga), quân khởi nghĩa chiếm Cung điện Mùa đông và bắt các bộ trưởng của Chính phủ lâm thời đang họp ở đó. Trước đó, tối 25-10-1917 (7-11-1917), Đại hội Xôviết toàn Nga lần thứ hai khai mạc tại Smônni, ra tuyên bố chuyển chính quyền vào tay Xôviết và thành lập Chính phủ Xôviết đầu tiên, gọi là Hội đồng Ủy viên Nhân dân. V.I.Lênin được bầu làm Chủ tịch Hội đồng. Chính quyền Xôviết được thành lập ở Mátxcơva ngày 25-10-1917 (lịch Nga) và các thành phố khác. Từ tháng 10-1917 đến tháng 1, tháng 2 năm 1918 (lịch Nga), cách mạng lan tỏa ra khắp nước Nga. Đến đây, cuộc cách mạng thắng lợi hoàn toàn.

Đến năm 2017, Cách mạng tháng Mười Nga đã có 100 năm lịch sử (1917-2017).

Cách mạng tháng Mười Nga có một ý nghĩa quốc tế lớn lao. Sau khi lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản đế quốc chủ nghĩa ở Nga, Cách mạng tháng Mười Nga đã chọc thủng mặt trận của chủ nghĩa đế quốc thế giới và mở ra hy vọng mới cho nhân dân lao động toàn thế giới. Nó phá vỡ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc tại các nước thuộc địa và phụ thuộc, tạo đà cho phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân thế giới phát triển. Đó là cuộc cách mạng mang tính nhân đạo sâu sắc đối với những người bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới, trong đó có nước Nga. Cách mạng tháng Mười Nga mở đường để Liên Xô tiến vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn quốc. Từ đây, chủ nghĩa xã hội được lan tỏa ra nhiều nước.

2.Có điều làm cho người ta ngỡ ngàng là 74 năm sau, kể từ khi nổ ra Cách mạng tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và chủ nghĩa xã hội ở các nước châu Âu đang phát triển, thì “đùng một cái”, sụp đổ. Sự sụp đổ này, dứt khoát không thể đổ lỗi cho Cách mạng tháng Mười Nga, trong khi một số người đã viết trên các trang mạng là do lỗi của Cách mạng tháng Mười và “hoài nghi về sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lênin”. Họ lập luận rằng, Cách mạng tháng Mười Nga đã sụp đổ, Liên Xô đã sụp đổ, vậy Việt Nam tại sao còn bám lấy, theo đuổi? Ở đây, phải nói cho rõ, chỉ có sự sụp đổ của Liên Xô, chứ không có sự sụp đổ của Cách mạng tháng Mười Nga, không có sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Vừa qua, tại các cuộc hội thảo kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga, có một số bài tham luận nêu những nguyên nhân của sự sụp đổ của Liên Xô. Tôi thấy những nguyên nhân mà người ta đã nêu là không cơ bản. Vậy những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 là những nguyên nhân gì? Qua nghiên cứu và phân tích, tôi thấy có những nguyên nhân cơ bản sau đây:

Nguyên nhân thứ nhất: Một số phần tử cơ hội trong Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô đã vô hiệu hóa toàn Đảng. Đây là nguyên nhân số 1 dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô (kể cả sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Liên Xô).

Lần theo lịch sử, thấy rằng, ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1898 (lúc ấy gọi là Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga Bônsơvích), do V.I.Lênin sáng lập, trong Đảng đã có sự chia rẽ. Trước khi Cách mạng tháng Mười nổ ra, Dinôviép và Camênhiép trong Ban lãnh đạo Đảng, đã phản đối Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về vũ trang khởi nghĩa. Trong cuộc hội nghị của Xô viết Pêtơrôgrát, Tơrốtski, cũng trong Ban lãnh đạo Đảng, đã tiết lộ cho đối phương biết thời gian khởi nghĩa của Cách mạng tháng Mười. Vì vậy, Chính phủ Nga Sa hoàng đã huy động quân đội, nhằm ngăn chặn cuộc khởi nghĩa của quân cách mạng. V.I.Lênin biết rõ chân tướng của những phần tử này, nhưng giải quyết chậm về nhân sự.

Đến thời kỳ Đảng Cộng sản Liên Xô thực hiện công cuộc cải cách, còn gọi là cải tổ (đều dùng chung một từ “perestrôica”) toàn diện từ năm 1983 đến năm 1991, thì chiếc “bọc nhọt” dần dần “vỡ mủ”. Những bộ mặt thật của những nhân vật như Tổng Bí thư M.Goócbachốp, Ủy viên Bộ Chính trị A.Iacốplép,… dần dần lộ rõ chân tướng cơ hội chính trị, nhân danh này nọ thao túng toàn Đảng bằng những lời hoa mỹ, lạc quan tếu, bỏ rơi lĩnh vực xây dựng Đảng và giáo dục chính trị, tư tưởng cho quân đội, công an. A.Iacốplép còn thông đồng và quan hệ vô nguyên tắc với người nước ngoài. Tổng Bí thư lớp trước như Iu.Anđờrôpốp, K.Trécnhencô còn chú ý đến việc xây dựng, củng cố Đảng, trong khi lớp kế tiếp như M.Goócbachốp, A.Iacốplép, thì không? Mang danh người lãnh đạo, hai nhân vật này đã ra khỏi quỹ đạo xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và ngả vào lòng những thế lực chống chủ nghĩa xã hội. Đảng bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Nhà nước Liên bang sụp đổ!

Nguyên nhân thứ hai: Sai lầm về đường lối cải cách. Nói đến cải cách, trước hết là nói đến một vấn đề chính trị phức tạp. Xét cho cùng, nó phản ánh lợi ích của các giai cấp, các nhóm xã hội, của toàn bộ nhà nước. Đó là cả một bộ môn nghiên cứu phức tạp, rất khó xác định một cách đầy đủ. Tuy nhiên, nó cũng có một số luận điểm chính trị cơ bản của một số người lãnh đạo Đảng và Nhà nước, mà mỗi giai đoạn cách mạng đều phải xử lý. Nhớ lại giai đoạn khởi đầu của cải tổ được đặc trưng bởi sự đối đầu của hai lực lượng cải cách và chống cải cách. Lực lượng vì cải cách chiếm bộ phận lớn trong nhân dân, họ chào đón perestrôica với lòng nhiệt thành, phấn khởi, còn lực lượng bề ngoài nói ủng hộ cải cách, nhưng kỳ thực lại lái cải cách sang một hướng khác. Họ tuy số ít, nhưng phần lớn lại nằm trong Ban lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Liên Xô. Lực lượng này, họ tự cho mình là “cấp tiến”. Những thay đổi gọi là “cấp tiến” bắt đầu từ năm 1987 được tiến hành bởi những lực lượng tự xưng là “dân chủ và tiền phong perestrôica”. Sử dụng lợi thế của mình trong các phương tiện thông tin đại chúng, họ kết án là “kẻ thù của perestrôica đối với những ai chống lại những thay đổi tức thời, cấp tiến và ủng hộ nguyên tắc đổi mới dần dần”. Những người như vậy bị báo chí “cấp tiến” gọi là “bảo thủ” và cố gắng kết tội cho họ là nguyên nhân thất bại của cải cách. Rồi lực lượng “cấp tiến” cứ thế lấn tới, khuấy đảo kinh tế thị trường tiêu thụ và quan hệ tiền tệ; rồi họ khuyến khích sự bùng nổ khủng khiếp của chợ đen và tội phạm, thực chất là sự xuất hiện những thế lực mới, những kẻ dân tộc chủ nghĩa, ly khai chủ nghĩa xã hội. Những người cải cách với một thái độ và chủ trương đúng đắn, thì bị gạt ra một bên, cho là cái “barie” ngăn cản cải cách. Dần dần, phái “cấp tiến” trong Đảng từng bước áp đảo phái “bảo thủ”. Thảm kịch của cải cách là ở chỗ lãnh tụ của cải cách (Goócbachốp) đã không nhìn thấy hoặc cố ý không nhìn thấy cái mối đe dọa thực sự chung quanh, mối đe dọa chính, mối đe dọa khủng khiếp là chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa ly khai của phái “cấp tiến”. Goócbachốp sau đó đã nhận ra mối nguy hại của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa ly khai, nhưng khi nhận ra, thì đã muộn. Đã có nhiều chứng minh về mối nguy hiểm của sự bột phát dân tộc chủ nghĩa trong quá trình cải cách. Đối với chủ nghĩa cấp tiến, Goócbachốp đã sa vào cạm bẫy của họ. Trong lúc “cung đình” họp hành đấu đá triền miên, thì ở bên ngoài xã hội, các lực lượng chống đối lại tung hoành vận động lật đổ Đảng Cộng sản Liên Xô, làm cho Đảng ngày càng rơi vào thế “lỏng chân đứng”.

Sai lầm rõ nhất về đường lối của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là chỉ chú ý đến cải cách kinh tế, nhưng lại không tính đến nâng cao đời sống nhân dân; buông rơi việc giáo dục chính trị, tư tưởng, nhận thức đúng đắn cho các đảng viên và nhân dân Liên Xô; tính độc đoán, chuyên quyền, không đếm xỉa gì đến nhân dân, đảng viên, thể hiện rõ trong tư duy và hành động của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ; sự hoài nghi chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản được dấy lên trong Đảng và nhân dân Liên Xô lúc bấy giờ.

Nguyên nhân thứ ba: Sai lầm về phương pháp cải cách. Phương pháp, theo nghĩa chung nhất là cách thức đạt tới mục tiêu, là cách thức tái hiện lại đối tượng nghiên cứu trong tư duy. Cơ sở khách quan chung của phương pháp biện chứng là những quy luật phát triển chung nhất của thế giới vật chất. Phương pháp chỉ đúng khi nó được gắn bó chặt chẽ giữa truyền thống lịch sử với lôgích (lý luận). Giới lãnh đạo chóp bu trong Đảng Cộng sản Liên Xô chủ quan trong quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện cải cách, trong lãnh đạo Đảng và lãnh đạo xã hội. Họ phủ nhận cơ sở khách quan, và xét cho cùng, cơ sở giai cấp xã hội sản sinh ra quan điểm này hay quan điểm khác.

Sai lầm lớn nhất về phương pháp trong cải cách là Ban lãnh đạo Liên Xô đã bóc tách giữa phương pháp với việc tổ chức thực hiện. Khi mà đường lối sai, thì phương pháp cũng không thể đúng, vì phương pháp, xét cho cùng, cũng là một “kênh” để đưa đường lối vào đời sống. Nhưng một khi đường lối sai, phương pháp có thể chống lại cái sai đó, đàng này, phương pháp lại hùa theo, làm cho cái sai 1 thành cái sai 2. Một sai lầm nữa về phương pháp cải cách là những người lãnh đạo Đảng không dựa vào dân, trong khi lại hữu khuynh với những phần tử cơ hội trong Đảng, thậm chí còn hùa theo với họ, không nhìn ra những mặt thật của những phần tử này để né tránh. Lúc bấy giờ, ở Liên Xô có đàng viên lão thành cách mạng phàn nàn, rằng, ông ta không yên tâm với những người lãnh đạo cao nhất trong Đảng. Rõ ràng, đây là một tấn bi kịch trong Đảng Cộng sản Liên Xô.

Nguyên nhân thứ tư: Sai lầm về nhân sự. Do việc chọn lựa nhân sự các cấp, nhất là cấp Trung ương, lỏng lẻo, đã làm cho Đảng chao đảo, bởi những phần tử cơ hội này làm việc cho Đảng, cho dân, cho nước thì ít, trong khi đó, mưu lợi ích cá nhân, tham vọng cá nhân, lợi ích nhóm thì nhiều. Chính vì đưa những người không đủ phẩm chất cách mạng vào Trung ương, cho nên đã dẫn đến sự bất đồng giữa hai lực lượng đối lập trong Đảng, gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng. Vấn đề này đã được phân tích trong cuốn sách “Hồi ký của Ligachốp bên trong điện Cremli của M.Goócbachốp” (Insaide Gorbachev’s Kremlin the Memoirs of Yegor Ligachev – Pantheon Books – New York 1993). Sự kiện này bắt đầu bộc lộ trong nửa cuối năm 1987. Một số bất đồng về những vấn đề có tính chất hạn hẹp đặc biệt, còn một số khác lại là những bất đồng có tính chất cơ bản. Đặc biệt, nó liên quan đến sự đánh giá các quá trình kinh tế - xã hội hiện tại và trong tương lai gần, cùng những vấn đề về lựa chọn nhân sự cho các cấp ủy đảng, nhất là cấp Trung ương. Nguyên nhân của những bất đồng trong Đảng là do một số người trong Ban lãnh đạo Đảng cấp Trung ương không có được bức tranh toàn cảnh của những gì đang xảy ra ở đất nước. Một số ủy viên Bộ Chính trị, ủy biên Ban Bí thư nghiên cứu các vấn đề “của họ” một cách rất kỹ lưỡng, còn những vấn đề liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của họ, và những vấn đề còn lại, họ chỉ liếc qua. Đặc biệt là Iacốplép, người phụ trách về vấn đề tư tưởng trong Bộ Chính trị, lại nảy sinh ra “loạn tư tưởng”, rất quan tâm đến vấn đề quốc tế, quan hệ mật thiết với nhiều nhân vật chính trị quốc tế, nhưng khi bàn về vấn đề kinh tế, thì ông ta mất sự quan tâm. Ông ta không bao giờ đi đến nơi sản xuất, công trình xây dựng, thôn quê, những nơi mà vấn đề kinh tế là vấn đề cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, ông ta đã bóc tách tư tưởng ra khỏi kinh tế. Nhưng có điều lạ là ông ta lại tích cực đặc biệt trong việc định hình các xu hướng chủ yếu của chính sách kinh tế, nhưng rõ ràng về sự quan tâm của ông ta thể hiện sự phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế nước ngoài và không phản ánh đúng bản chất kinh tế đất nước, rơi vào cực đoan.

Việc nhận thông tin không đầy đủ, một chiều, tâng bốc, không khách quan, làm cho những người lãnh đạo Đảng cấp Trung ương không hiểu đúng tình hình, không hiểu đúng con người; thậm chí có những người rất tốt, nhưng lại báo cáo lên là rất xấu và ngược lại, làm cho vấn đề nhân sự bị méo mó.

Tài liệu, báo cáo được gửi lên cốt sao cho phù hợp với lập trường của lãnh đạo, thay vì phải trao sự thật cay đắng. Điều quan trọng sống còn đối với người lãnh đạo là phải có các phân tích so sánh các dữ liệu từ các nguồn khác nhau và phải đặt nó đối diện với cuộc sống thật. Những vấn đề thông tin cho lãnh đạo tối cao, đặc biệt là thông tin cho Tổng Bí thư, từ các nơi gửi lên nhiều như nước chảy nơi sông suối, đòi hỏi phải có những người thật sự có trình độ, am hiểu sâu sắc cái tổng thể và cái cụ thể, để lựa chọn, phân loại, phân tích cho đúng. Điều này, M.Goócbachốp đã không làm được, vì ông ta chỉ lựa chọn những người thân quen, cổ cánh, không có trình độ, thay cho những người có trình độ.

Trên đây là 4 nguyên nhân cơ bản mà tôi đã nghiên cứu được về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xôviết. Có thể còn một số nguyên nhân cơ bản nữa mà tôi đang nghiên cứu.