Mới cập nhật

Câu chuyện văn hóa: Buồn vui xóm nhỏ

Từ ngày chơi “phây-búc”, mẹ con tôi ngày nào cũng “chát chít” với nhau, thế nên dù lấy chồng xa nhà vài trăm cây số nhưng chuyện to chuyện nhỏ ở xóm tôi đều biết rất nhanh. Từ chuyện mọi người góp tiền đổ đường bê tông, nhà ai mới xây, người nào ốm đau, ai vừa sinh con… mẹ tôi đều thông tin đến tôi, có khi còn kèm theo hình ảnh cho thêm phần sinh động.

Tháng trước, mẹ báo: Cậu út nhà bà Vinh sắp lấy vợ. Cả xóm háo hức đấy, vợ nó xinh xắn, là giảng viên đại học, gia đình nền nếp, có trên có dưới lắm.
Xóm tôi có truyền thống đoàn kết, thân thiết, chia sẻ vui buồn. Hơn trăm nóc nhà quây quần hai bên con ngõ quanh co, sạch sẽ. Các nhà bảo nhau góp tiền kéo điện đường, trồng cây bóng mát, làm cống thoát nước, không cho chó chạy rông… Không ai bảo ai, nhưng mọi người đều có ý thức bảo vệ cuộc sống bình yên của xóm.


Năm trước, ông Thành treo biển bán nhà, có một người đến trả giá cao, nhưng ông tìm hiểu ra, biết người đó thuộc loại “anh chị” ngoài xã hội, chuyên cho vay nặng lãi, điều hành hàng chục “đàn em” đi đòi nợ. Ông Thành đã từ chối bán nhà cho người đó.
Rồi mấy tháng trước, có người đến hỏi thuê bà Loan mảnh đất bà chưa sử dụng để chăn nuôi, bà đã từ chối thẳng thừng, vì “họ định nuôi lợn gà, mà thế thì sẽ làm ô nhiễm môi trường, bà con trong xóm chắc chắn không hài lòng”.

Nhà ai có thêm con dâu con rể, mọi người đều rất quan tâm xem “cô dâu chú rể” đó nghề nghiệp thế nào, có ngoan hiền không? May sao, hàng chục năm nay, người đến người đi, cư dân xóm tôi vẫn là một khối vui vẻ hạnh phúc như ngày nào.
Rồi ngày bà Vinh đón dâu mới đã đến, mẹ tôi thướt tha áo dài, tiếp khách, “truyền hình trực tiếp” cho tôi xem đám cưới. Cả xóm tưng bừng khiến tôi “ga – tô” vì không có mặt. Cuối tháng, tôi về thăm nhà, hỏi chuyện đám cưới và cô dâu mới. Mẹ tôi bảo con bé nhanh mồm miệng lắm, gặp ai cũng chào hỏi, nhưng mà… Mẹ tôi bỏ lửng câu ở đấy.
Sáng hôm sau, mẹ con tôi đi chợ, qua cửa nhà bà Vinh, bà chỉ cho tôi xem hàng cây cảnh xếp kín trước nhà. Bà bảo: Cô dâu mới xếp đấy, sợ xe đi vào hỏng cổng. Khổ, đường đã chật, mỗi nhà lui vào một tí cho xe cộ dễ tránh nhau, trẻ con chạy nhảy không vướng víu, chứ ai cũng “khôn” thế thì… Mẹ tôi lại bỏ lửng câu nói ở đấy.

Thêm một buổi sáng nữa ở nhà, từ sớm, mẹ đã giục tôi cùng bà ra quét ngõ. Đã thành lệ, hai ngày một lần, các gia đình có nhà mặt ngõ cùng nhau quét đường đi chung. Lá khô, rác rưởi gom lại mang đi đốt. Cô dâu mới cũng mang chổi quét ngõ. Nhưng tôi thấy cô chỉ quét khu vực trước cửa nhà cô, thu rác thành đống “dấp” vào cạnh đường rồi lẳng lặng vào nhà.
 
Trong bữa cơm, mẹ tôi bỗng hỏi:
– Con có thấy việc làm của cô dâu mới nhà bà Vinh chướng mắt không, hay là mẹ già rồi suy nghĩ lạc hậu?
– Đúng là không ổn mẹ ạ – tôi đáp.
– Nghĩ cũng lạ, giáo viên đại học chứ có ít đâu, mà sao hành động nhỏ hẹp thế nhỉ?
– Con nghĩ mẹ cứ nói với bác Vinh để bác lựa lời nói với con dâu. Một người có trình độ lại sống trong môi trường giáo dục, chắc em ấy không khó thay đổi nếu được góp ý chân tình.
Từ đó, tôi không thấy mẹ tôi nói gì về “con dâu mới nhà bà Vinh” nữa, nhưng tôi cứ viết ra chuyện này cho mọi người cùng ngẫm nghĩ.

Ngô Minh