Mới cập nhật

LÝ LUẬN CỦA V.I.LÊNIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH HOÀN TOÀN KHÁC HẲN VÀ XA LẠ VỚI CHỦ NGHĨA DÂN TÚY (Bài 28)


PGS,TS Đàm Đức Vượng


1. Trên trang mạng gần đây xuất hiện bài viết: “Lênin, Hồ Chí Minh là thứ siêu dân túy”. Bài này quy kết cho V.I.Lênin và Hồ Chí Minh là “thứ siêu dân túy”, rằng “V.I.Lênin mới là tay tổ dân túy”, “Hồ Chí Minh đúng là một tay dân túy đầu sỏ”. Rõ ràng là người viết bài đó ăn nói hồ đồ, lung tung, phản khoa học, tắc trách, đánh tráo khái niệm, không nắm vững hoặc cố tình xuyên tạc những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lý luận của V.I.Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn khác hẳn và xa lạ với chủ nghĩa dân túy. Việc vu cáo V.I.Lênin và Hồ Chí Minh là những người “siêu dân túy” là một nhận thức phản động, chống đối.
Để làm rõ vấn đề này, trước hết, phải hiểu dân túy và chủ nghĩa dân túy là gì? Trên mạng có nhiều ý kiến khác nhau trong việc giải nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân túy. “Dân túy” (populist) là một thuật ngữ xuất hiện từ năm 1890 ở nước Mỹ khi hình thành phong trào gọi là “dân túy” thúc giục người nông dân sống ở nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người cộng hòa thường sống ở các thành phố. Tôi nghĩ rằng, khi “dân túy” vào nước Nga, thì nó được nâng lên thành chủ nghĩa, gọi là “chủ nghĩa dân túy”.
Thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” có nhiều người dịch khác nhau và hiểu khác nhau và nó biến dạng không ngừng, phát triển không ngừng, như “chủ nghĩa dân chúng” (popularism), “chủ nghĩa đại chúng” (publicism). Ngoài chủ nghĩa dân túy, còn có “phong trào dân túy” (populist movement), “các trường phái dân túy” (populist parties), “các nhà dân túy” (populist), “các hiện tượng dân túy” (populist phenomena),… Tại nước Nga, thuật ngữ “những người dân túy” được hiểu là “những người bạn dân”. Năm 1894, V.I.Lênin viết tác phẩm “Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ xã hội ra sao”. Tôi (ĐĐV) thì hiểu “chủ nghĩa dân túy” xuất hiện từ thế kỷ XIX, là “chủ nghĩa thân dân bề ngoài”, còn bên trong thì thực hiện những toan tính của một số phần tử cơ hội, phản kháng lại phong trào cách mạng, phong trào cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, đề cao trí thức và nông dân, hạ thấp vai trò của giai cấp công nhân, muốn đưa nông dân lên nắm quyền lãnh đạo, chứ không phải giai cấp công nhân.
Chủ nghĩa dân túy ở nước Nga có những diễn biến phức tạp, là hệ thống những quan điểm dân chủ nông dân tiểu tư sản. Điểm đặc thù của chủ nghĩa dân túy với tính cách là hệ tư tưởng, đó là sự xen kẽ giữa tư tưởng dân chủ nông dân với chủ nghĩa xã hội không tưởng nông dân. Những người sáng lập chủ nghĩa dân túy ở Nga là Ghécxten và Tsécnưsépxki là những người đầu tiên đã đặt vấn đề khả năng chuyển lên hình thức cao nhất cộng sản chủ nghĩa thông qua công xã nông dân. Trong những năm 70 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa dân túy đã biến thành một trào lưu chiếm ưu thế trong phong trào dân chủ Nga và đã có được những đặc điểm mới: cách mạng nông dân trở thành một vấn đề thực tiễn trực tiếp. Những nhà tư tưởng tiêu biểu nhất của chủ nghĩa dân túy trong những năm 70, thế kỷ XIX là Bacunin, Lavrốp, Tơcatsiốp,… Đặc điểm của những quan điểm dân túy thời kỳ này là niềm tin vào ảnh hưởng quyết định của trí thức cách mạng đến tiến trình phát triển xã hội. Theo quan điểm này, tầng lớp trí thức cần phải quyết định con đường phát triển của đất nước. Các nhà lý luận của chủ nghĩa dân túy trong những năm 70, thế kỷ XX đã truyền bá chủ nghĩa thực chứng, một khuynh hướng của triết học tư sản hiện đại, phủ nhận giá trị nhận thức của hiện thực đời sống. Họ bác bỏ chủ nghĩa duy vật triết học và nhận thức luận của nó. Một số nhà cách mạng, trong đó có Plêkhanốp, đã cắt đứt quan hệ với chủ nghĩa dân túy và đã chuyển sang lập trường chủ nghĩa Mác. Trong chủ nghĩa dân túy, trào lưu tự do chủ nghĩa, mà tiêu biểu là Mikhailốpxki, X.N.Iugiacốp,… đã chiếm ưu thế. Trào lưu này đã từ bỏ cuộc đấu tranh lật đổ chế độ hiện hành bằng cách mạng. Tư tưởng chính của chủ nghĩa dân túy trong những năm 80, 90, thế kỷ XIX là đối lập kinh tế tiểu nông với chủ nghĩa tư bản. Những đại diện của chủ nghĩa dân túy tự do đã tiến hành một cuộc đấu tranh ráo riết chống chủ nghĩa Mác và cuộc đấu tranh này của họ đã thất bại hoàn toàn về tư tưởng. Cao trào của phong trào nông dân vào đầu thế kỷ XX và cuộc cách mạng 1905-1907 ở nước Nga đã tạo điều kiện cho một loạt nhóm và đảng dân túy ra đời, trong đó, tả khuynh nhất là Đảng Xã hội cách mạng. Hệ tư tưởng của các đảng viên xã hội – cách mạng đã mang tính chất chiết trung, một thứ tư tưởng nhào nặn vô nguyên tắc những quan điểm triết học, những tiền đề lý thuyết, những sự đánh giá chính trị. Trong hệ tư tưởng này, những giáo điều cũ của chủ nghĩa dân túy đã kết hợp với những luận điểm của cá nhân, thi nhau bóp méo chủ nghĩa Mác.
Từ giữa những năm 80, thế kỷ XIX, chủ nghĩa dân túy đã bước vào thời kỳ khủng hoảng sâu sắc xảy ra, do những diễn biến chính trị, sự lớn lên của giai cấp công nhân.

2. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, V.I.Lênin và Plêkhanốp đã phê phán chủ nghĩa dân túy một cách sâu sắc. Hồ Chí Minh, trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước, cũng đã nói đến chủ nghĩa dân túy và đoạn tuyệt với thứ chủ nghĩa này.
Quan điểm nhất quán của cả V.I.Lênin và Hồ Chí Minh là khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, mà đội tiền phong của giai cấp là đảng cộng sản; xác định giai cấp công nhân đóng vai trò lực lượng cách mạng tiên phong trong xã hội. Còn đối với nông dân, các ông đặt vấn đề liên minh công nông và có tính đến tầng lớp trí thức, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng đóng vai trò quyết định đối với lịch sử, còn cá nhân đóng vai trò nhất định trong lịch sử.
Phái dân túy phê phán chủ nghĩa Mác, trong khi đó, V.I.Lênin lại ra sức bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, bảo vệ chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. V.I.Lênin đưa ra lý luận mới về cách mạng xã hội chủ nghĩa, khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và liên minh công nông tạo thành lực lượng và động lực chủ yếu của cách mạng. V.I.Lênin là người kiên quyết bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác. Với V.I.Lênin, vấn đề đặt ra không chỉ là “Vô sản thế giới đoàn kết lại”, mà còn phát triển thành “Vô sản thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”.
Hồ Chí Minh nói nhiều đến vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và thực hiện liên minh công nông. Người khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đảng cộng sản lãnh đạo. Người rất tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sáng tạo tư tưởng lý luận của Hồ Chí Minh thể hiện gắn kết vấn đề giai cấp với dân tộc, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, dân tộc với dân chủ, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, nhưng không quay về với chế độ phong kiến Việt Nam, mà đi theo xu hướng của một nền cộng hòa dân chủ. Tuy nhiên, Người cũng không dừng lại ở một nền cộng hòa dân chủ, mà tiến thêm một bước nữa là đi con đường của chủ nghĩa xã hội. Người lấy lý luận của chủ nghĩa xã hội làm cơ sở để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Những tư tưởng lý luận trên đây của V.I.Lênin và Hồ Chí Minh khẳng định tính cách mạng và tính khoa học sâu sắc. Nó hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa dân túy. Mọi luận điệu gán cho V.I.Lênin và Hồ Chí Minh là người siêu dân túy, theo chủ nghĩa dân túy, nhất định sẽ bị dư luận lên án.