Mới cập nhật

NGUYỄN DUY TRINH TRONG THỜI GIAN LÀM THƯỜNG TRỰC BAN BÍ THƯ *

PGS,TS Đàm Đức Vượng**
      
     Trước khi làm Thường trực Ban Bí thư khóa IV, Nguyễn Duy Trinh đã là Ủy viên Trung ương Đảng do Đại hội II của Đảng (1951) bầu. Đến tháng 8-1955, ông đảm nhiệm chức vụ Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng từ năm 1955 đến năm 1982. Tại Đại hội IV của Đảng (1976), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; làm Thường trực Ban Bí thư từ ngày 20-12-1976 đến tháng 3-1980.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh trả lời báo chí bên lề Hội nghị Paris năm 1973. 
(Nguồn: Lưu trữ Bộ Ngoại giao)


      Cũng trước khi làm Thường trực Ban Bí thư, Nguyễn Duy Trinh đã trải qua nhiều chức vụ của Đảng và Nhà nước: Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến – Hành chính miền Nam Trung bộ (tháng 6-1950);  Bộ trưởng Phủ Thủ tướng từ tháng 4-1958 đến tháng 12-1958; Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước từ tháng 5-1959 đến tháng 4-1965; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 1-4-1965 đến ngày 7-2-1980; Phó Thủ tướng Chính phủ từ ngày 7-6-1960 đến ngày 7-2-1980; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước từ ngày 7-1-1963 đến ngày 11-10-1965; đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV, V, VI, VII.
      Nguyễn Duy Trinh rất nghiêm túc trong việc tham gia công tác lãnh đạo của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ông dự rất đẩy đủ các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trừ khi đi công tác vắng). Trong cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông thường đọc bài phát biểu đã chuẩn bị trước và nói thêm để nhấn mạnh một vấn đề nào đó. Trong cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông nghe rất chăm chú ý kiến phát biểu của các ủy viên, chịu khó ghi chép và rất ít khi chen vào nói chen ngang ý kiến của các người khác. Ông thẳng thắn nêu quan điểm của mình đối với những ý kiến của các ủy viên khác trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng ý hay không đồng ý và nêu rõ lý do đồng ý hay không đồng ý. Bất cứ một văn bản nào gửi đến, Ông nghiên cứu rất kỹ, đọc đi đọc lại nhiều lần, góp ý kiến sửa chữa, bổ sung rất cẩn thận cả ý và câu chữ. Có những trường hợp ông mời người dự thảo văn bản đến để góp ý, nhưng cũng có nhiều trường hợp, ông sửa chữa vào ngay văn bản rồi gửi cho người soạn thảo xem xét.
      Trong thời gian làm Thường trực Ban Bí thư, Nguyễn Duy Trinh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Ông nói rằng, sức của ông có hạn, mà công việc thì lớn, nhưng ông sẽ cố gắng làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho.
     Công việc đầu tiên khi làm Thường trực Ban Bí thư là Nguyễn Duy Trinh quan tâm ngay đến vấn đề đời sống của nhân dân, cụ thể là vấn đề lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Với ông, “có thực mới vực được đạo” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.
      Ngày 21-1-1977, Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Duy Trinh ký Chỉ thị số 02-CT/TW của Ban Bí thư, về những việc trước mắt để giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Lúc này, tại một số tỉnh mất mùa, do đó, nhiều người thiếu ăn, nên phải giải quyết gấp rút vấn đề lương thực, làm sao để người dân không bị đói. Chỉ thị nêu rõ:
      “Trước mắt, phải trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm tiêu dùng, mà tích cực huy động lương thực trong cả nước, quản lý chặt chẽ khâu phân phối và thị trường lương thực. Các địa phương phải cùng trung ương lo giải quyết vấn đề lương thực; tỉnh, huyện thiếu lương thực phải cố gắng đến mức cao nhất, tiến tới tự giải quyết nhu cầu lương thực, không trông chờ trung ương; tỉnh, huyện đủ và thừa lương thực phải lãnh đạo nhân dân hết sức tiết kiệm tiêu dùng và tổ chức tốt việc thu mua nhằm huy động được sản lượng lương thực, hàng hóa ngày càng nhiều hơn” 1.
      “Tình hình khẩn trương đòi hỏi các ngành các cấp coi vấn đề lương thực là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần tập trung sức giải quyết cho tốt, không để xảy ra những diễn biến bất ngờ”2.
      Bên cạnh vấn đề kinh tế - xã hội, Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Duy Trinh rất chú ý đến vấn đề xây dựng Đảng, đặc biệt là vấn đề nhân sự của Đảng các cấp, trong đó có cấp tỉnh, thành phố, vì theo ông, nhân sự cấp tỉnh, thành mà làm tốt sẽ tạo cơ sở để làm tốt nhân sự cấp trung ương. Ngày 27-1-1977, Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Duy Trinh ký Thông tri của Ban Bí thư, số 06-TT/TW, về việc hướng dẫn chuẩn bị nhân sự cấp tỉnh, thành phố. Thông tri nêu rõ, việc chuẩn bị nhân sự cấp tỉnh, thành phố nhằm cấu tạo đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố từng bước trẻ hóa, có năng lực lãnh đạo toàn diện, trong đó, rất coi trọng lãnh đạo kinh tế, xây dựng Đảng, lãnh đạo công tác quần chúng.
      Theo quan điểm của Nguyễn Duy Trinh, trong công tác nhân sự của Đảng, phải nắm vững tiêu chuẩn cán bộ, mạnh dạn đưa vào cấp ủy những người có năng lực về quản lý kinh tế, có hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, những cán bộ còn trẻ tuổi đã trải qua thử thách trong công tác thực tế, tạo điều kiện để cấp ủy qua mỗi nhiệm kỳ có tuổi bình quân ngày càng giảm và trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, năng lực lãnh đạo toàn diện của cấp ủy ngày càng tăng. Về tuổi đời, ông chú trọng đến cán bộ trẻ, số đông là từ 40 đến 50 tuổi. “Những đồng chí cấp ủy viên trên 60 tuổi và những đồng chí sức khỏe quá kém thì cần được nghỉ hưu hoặc đi chữa bệnh”3.
      Đảng phải ra sức bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo cho các cấp ủy viên; đưa những cấp ủy viên còn trẻ và có triển vọng đi học bổ túc các lớp ngắn hạn sau khi đã trải qua lớp dài hạn, nhằm bồi dưỡng, đào tạo một cách cơ bản, bài bản.
      Trong việc chuẩn bị nhân sự phải lắng nghe ý kiến cấp dưới, mở rộng dân chủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ đối với việc bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp. Phải dựa trên ý kiến của số đông cán bộ, đảng viên và quần chúng mà lựa chọn sao cho xứng đáng. Trong hàng ngũ cán bộ phải luôn thẳng hàng và hàng ngũ đó không được phép cong queo.
      Trong công tác xây dựng Đảng, điều quan trọng là không được đưa những người cơ hội, kèn cựa, địa vị, những người tài vơi, đức mỏng vào trọng hàng ngũ cán bộ. Trong Thông tri của Ban Bí thư, số 22-TT/TW, ngày 5-9-1977, do Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Duy Trinh ký, về “Tăng cường chỉ đạo việc đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên”, ông nhắc lại một câu trong văn kiện Đại hội IV của Đảng: “… Kiên quyết và kịp thời loại ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất và những người không đủ tư cách đảng viên…”. Phải xử lý nghiêm những người không đủ tư cách đảng viên. Đối với những đảng viên có vấn đề về chính trị phải xử lý ngay. Đối với những trường hợp thoái hóa, biến chất, thì giải quyết bằng việc phối hợp sự kiểm tra của Đảng với sự kiểm tra của các cơ quan nhà nước và các tổ chức quần chúng, để kết luận cho chính xác. Sau khi xem xét một cách toàn diện những trường hợp đó, nếu thấy những người được xem xét thật không còn phẩm chất đảng viên, thì kiên quyết đưa ngay ra khỏi Đảng. Đối với những đảng viên trình độ giác ngộ chính trị quá thấp, những đảng viên “trung bình”, thực chất là kém không đủ tư cách đảng viên, thì cần cố gắng giáo dục, giúp đỡ để cho họ trở thành những đảng viên tốt. Nếu tổ chức đảng đã tận tình giúp đỡ mà những người đó không có tiến bộ, thì khuyên họ tự giác xin ra khỏi Đảng, hoặc chi bộ quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên.
      Theo ông, đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao nhiệm vụ cách mạng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch và vững mạnh.
      Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Duy Trinh yêu cầu các cấp ủy Đảng phải chỉ đạo chặt chẽ việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng, gắn liền với việc củng cố các chi bộ và các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng, nhất là gắn với phong trào quần chúng trên mọi mặt, ở từng đơn vị sản xuất và công tác. Đi đôi với công tác nội bộ, phải giáo dục vận động quần chúng tích cực tham gia xây dựng Đảng, giám sát, phê bình đảng viên.
      Đã nhiều lần Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Duy Trinh đi xuống các địa phương, tổ chức cơ sở đảng, nghiên cứu kỹ tình hình sinh hoạt đảng. Ông yêu cầu cấp ủy cấp dưới không được thành kiến, thậm chí trù dập những người ngay thẳng, hăng hái đấu tranh bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng; cũng không được cảm tình, bao che cho những phần tử xấu, để những người không đủ tư cách đảng viên ở lại trong Đảng. Bên cạnh việc đánh giá, xem xét đảng viên, ông cũng yêu cầu phải đánh giá đúng chất lượng của các đảng ủy, chi ủy với tổ chức cơ sở đảng, nhất là việc xem xét các cán bộ chủ chốt có đủ phẩm chất công tác hay không. Nếu xét còn yếu kém, thì phải có biện pháp tích cực để chấn chỉnh, kiện toàn ngay; kiên quyết đưa ra khỏi đảng ủy, chi ủy những người kém phẩm chất và năng lực, có ảnh hưởng xấu đến chất lượng của tổ chức đảng.
      Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Duy Trinh yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Ủy ban Kiểm tra Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ của từng Ban mà thực hiện việc xem xét những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng ở các cấp, các ngành. Ba Ban nói trên phải phối hợp với nhau để hướng dẫn cụ thể, theo dõi chặt chẽ việc tiến hành công tác này ở các địa phương, các ngành và thường xuyên báo cáo với Ban Bí thư.
      Ngoài lãnh đạo kinh tế, xã hội và xây dựng Đảng, trên cương vị Thường trực Ban Bí thư, Nguyễn Duy Trinh rất quan tâm đến công tác dân vận và mặt trận. Ngày 8-3-1977, Thường trực Ban Bí thư Nguyễn Duy Trinh ký Chỉ thị của Ban Bí thư, số 05-CT/TW về tăng cường công tác dân vận và mặt trận. Các cấp ủy đảng phải tăng cường lãnh đạo công tác dân vận và mặt trận nhằm đoàn kết toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Xác định chung trách nhiệm của các đoàn thể là tổ chức cho quần chúng tham gia  và kiểm tra công việc của Nhà nước, đồng thời là  trường học về chủ nghĩa xã hội của quần chúng.
      Muốn làm tốt công tác dân vận và mặt trận, trước hết phải nâng cao trách nhiệm của các cấp bộ đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể quần chúng đối với công tác dân vận và mặt trận, lãnh đạo tốt sự phối hợp giữa các bộ phận trong hệ thống chính trị.
      Phải biết phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng trên các mặt giáo dục chính trị, tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong cả nước để thực hiện nhiệm vụ chính trị.
      Đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng, cụ thể là phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đẩy mạnh phong trào hành động của mỗi tầng lớp nhân dân nhằm tổ chức lại và cải thiện đời sống vật chất và văn hóa, chống lãng phí, tham ô.
      Động viên và tổ chức quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Phải giáo dục cho mỗi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
      Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác dân vận và mặt trận, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng tới các cấp của các đoàn thể quần chúng. Các cấp ủy cần có các cán bộ có uy tín và khả năng về công tác dân vận và mặt trận, trực tiếp phụ trách các đoàn thể, bảo đảm cho các cấp của đoàn thể hoạt động ngày càng phát triển.
      Trên đây là một số vấn đề trong thời gian Nguyễn Duy Trinh làm Thường trực Ban Bí thư. Còn nhiều vấn đề khác thuộc phạm vi giải quyết các vấn đề xã hội mà ông quan tâm.
      Có thể rút ra một số vấn đề về Nguyễn Duy Trinh trong thời gian làm Thường trực Ban Bí Thư:
      Một là: Ông có khả năng bao quát công việc rất tốt, từ các vấn đề về xây dựng Đảng đến các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, ông đều nắm rất chắc. Ông thường nói làm Thường trực Ban Bí thư phải bao quát được các vấn đề để báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để có cơ sở vạch đường lối, chính sách. Với ông, mọi vấn đề đều phải nghiên cứu ở hai khía cạnh: trước mắt và lâu dài. Nếu chỉ nghiên cứu trước mắt mà không nghiên cứu lâu dài sẽ dẫn đến tầm nhìn ngắn; trái lại, nếu chỉ nghiên cứu lâu dài mà không nghiên cứu vấn đề trước mắt sẽ không giải quyết được những công việc cần phải làm ngay.
      Hai là: Ông nghiên cứu rất đậm nét về sửa đổi cơ chế quản lý kinh tế  và chính sách phân phối lưu thông; về phân cấp quản lý; vấn đề Đảng và xây dựng Đảng về chính trị, tư  tưởng, tổ chức và kiểm tra. Ông cho rằng, một trong những sai lầm có tính chất bố trí chiến lược là duy trì quá lâu cách quản lý kinh tế hành chính quan liêu, bao cấp. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng sửa đổi cơ chế quản lý nhằm nâng cao chất lượng quản lý kinh tế cả ở cả tầm vi mô đến tầm vĩ mô.
      Ba là: Ông nhận định chủ trương phát triển kinh tế là đúng, nhưng nó phải được gắn với công tác tư tưởng và công tác tổ chức. Hiệu quả kinh tế cũng là hiệu quả của công tác tư tưởng và công tác tổ chức. Nếu bóc tách vấn đề kinh tế ra khỏi vấn đề tư tưởng và tổ chức sẽ dẫn đến tình trạng kinh tế chay; ngược lại, nếu bóc tách vấn đề tư tưởng và tổ chức ra khỏi vấn đề kinh tế sẽ dẫn đến tình trạng tư tưởng chay và tổ chức chay.
      Bốn là: Ông có nhiều suy ngẫm về Đảng, nhất là công tác tư tưởng và lý luận của Đảng. Ông tâm sự với nhiều anh em trí thức thân thiết là ông rất muốn viết một cuốn sách mang tính tổng kết về Đảng, rút ra những kinh nghiệm và bài học về Đảng và xây dựng Đảng. Tiếc rằng, quỹ thời gian không cho ông thực hiện ý định nay khi sức khỏe của ông ngày càng giảm sút.
      Năm là: Ông là một trong những người có tác phong làm việc rất dân chủ, cởi mở, gợi mở. Phương pháp làm việc gợi mở của ông đã mang lại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đối với cán bộ, đảng viên, anh chị em trí thức làm việc trên các lĩnh vực ở trung ương và địa phương, khi chuẩn bị những văn kiện quan trọng mang tính chủ trương, đường lối, chính sách cũng như trong công tác hằng ngày, ông hay chủ động mời gặp để bàn bạc, tranh luận, tìm ra đáp số tốt nhất. Một điểm mạnh của ông là biết lắng nghe, đánh giá, biết lựa chọn giữa nhiều ý kiến khác nhau để rồi chốt lại những ý kiến có khả thi nhất.   
      Sáu là: Ông có phong cách làm việc rất nghiêm túc, rất coi trọng nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn, rất chú trong tổng kết thực tiễn, bổ sung những kinh nghiệm rút ra từ tổng kết thực tiễn để khái quát vào trong lý luận, đưa lý luận vào đời sống và phản ánh đời sống vào lý luận. Ông có tác phong lãnh đạo bình tĩnh, thận trọng, tư duy giàu suy nghĩ. Đức tính thẳng thắn đi liền với ý thức tổ chức, kỷ luật và thái độ cởi mở đi tìm chân lý đã mang lại nhiểu thành quả trong công tác của ông.
      Nguyễn Duy trinh là người luôn cải tiến chế độ và nội dung báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy lên Trung ương Đảng sao cho thích hợp với tình hình mới, cụ thể là thực hiện chế độ báo cáo hằng ngày, báo cáo hằng tuần, hằng tháng, hằng quý, sáu tháng và cả năm. Ngoài ra, còn phải có báo cáo bất thường khi nó tình hình đột xuất, tình hình mới cần báo cáo, xin chỉ thị hoặc có vấn đề cần đề đạt ý kiến lên Trung ương.
      Nội dung báo cáo phải phản ánh được tình hình lãnh đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy đảng, diễn biến tình hình và kết quả công tác.
     Báo cáo phải thiết thực, tránh chung chung, “tràng giang đại hải”.
      Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đánh giá rất hay về Nguyễn Duy Trinh: “Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là người có ý kiến thảo luận có giá trị trong Bộ Chính trị”4.

Ngày 20/9/1977, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (thứ hai từ phải) dự Lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc. (Nguồn: Lưu trữ Bộ Ngoại giao)

      Có một Thường trực Ban Bí nổi bật như thế: Nguyễn Duy Trinh mãi mãi ghi ấn tượng mạnh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức và nhân dân. Nhân cách của ông đã tỏa sáng trong lòng Đảng và trong lòng mọi người. Con người ấy đã có chỗ đứng vững chắc trong đội ngũ những người cách mạng chân chính Việt Nam.
------
* Báo cáo khoa học tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Nguyễn Duy Trinh – Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, tỉnh ủy Nghệ An tổ chức ngày 15-7-2020, tại Nghệ An, kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Duy Trinh
** Hội đồng Lý luận Trung ương.
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 38, tr. 3.
2 Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 38, sdd, tr. 8.
3 Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 38, sdd, tr. 25.
4 Dẫn theo Trần Việt Phương, trong bài “Điều còn mãi”, in trong sách “Nguyễn Duy Trinh – Hồi ký và tác phẩm, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2003, tr. 264.