Mới cập nhật

(Kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản - 13-12-1920 - 13-12-2020)

CHỦ TỊCH CAYXỎN PHÔMVIHẢN VỚI CÁCH MẠNG LÀO –

NGƯỜI VUN ĐẮP TÌNH ĐOÀN KẾT ĐẶC BIỆT LÀO – VIỆT NAM



                                        PGS,TS Đàm Đức Vượng*


      Cayxỏn Phomvihản là nhà hoạt động cách mạng cự phách của Lào, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc sáng lập Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào), trong việc xây dựng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ông đã có mặt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược Lào, kề sai sát cánh cùng nhân dân Lào chiến đấu và chiến thắng.


      Trong sự nghiệp đổi mới của Lào, ông có nhiều đóng góp quan trọng. Quan điểm đổi mới của ông là đổi mới toàn diện, có nguyên tắc, từng bước vững chắc, không nóng vội, không lấy ý chí chủ quan thay cho điều kiện thực tế ở Lào, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự hợp tác quốc tế, nhằm tạo ra sự thay đổi căn bản ở Lào, từ cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Lào trên bình diện kinh tế, văn hóa, xã hội.


      Cayxỏn Phômvihản là một nhà lãnh đạo cách mạng bản lĩnh, trí tuệ, trọn đời lăn lộn với sự nghiệp cách mạng ở Lào, góp phần to lớn đưa đất nước Lào tiến lên không ngừng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Lào, trở thành Chủ tịch Đảng, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.


      Ông là người suốt đời vun đắp tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt Nam, vun đắp cho tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị Lào – Việt Nam mãi mãi xanh tươi, nở hoa kết trái.


      Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào được bắt nguồn từ nền móng tư tưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản dày công vun đắp, là mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện, thủy chung, son sắt.


      Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Cayxỏn Phônvihản, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.    


      Cayxỏn Phômvihản (lúc nhỏ tên là Kẹo Cayxỏn Đoọcmay), sinh ngày13-12-1920, tại bản Naxeng, huyện Khămthạbuli, tỉnh Xavẳnnakhệt, Lào, trong một gia đình mà người cha (ông Nai Luân) là công chức, người mẹ (bà Nang Đốc) là nông dân.


     Cayxỏn Phômvihản đi học từ năm lên 6 tuổi, tại quê nhà. Cậu học tập thông minh, chăm chỉ và rất thích chơi thể thao, nhất là môn bắn súng và bơi. 


      Năm 1934, Cayxỏn Phômvihản học lớp nhất, lớp cuối của bậc tiểu học. Ngoài việc đến trường, đêm nào cậu cũng học ở nhà đến khuya. Cậu tiếp thu nhanh các bài giảng, bài học nào cũng nghiên cứu cẩn thận, đến nơi đến chốn, cho nên các bài tập thường được điểm cao. 


     Năm 1935, Cayxỏn Phômvihản lấy tên là Nguyễn Trí Mưu rời thành phố quê hương Xavẳnnakhệt, Lào, lên đường đi Hà Nội, Việt Nam để dự thi vào một trường trung học. Đến Hà Nội, anh thi vào Trường trung học bảo hộ (Collège du Protectorát à Hanoi) mà người Việt Nam thường quen gọi là "Trường Bưởi". 


      Trường Bưởi nằm ở đường Thụy Khuê, Hà Nội. Nhiều học sinh của Trường Bưởi đã trở thành những nhà cách mạng chuyên nghiệp như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Nguyễn Văn Cừ, nhà cách mạng Ngô Gia Tự, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,...


     Trong thời gian học tại Trường Bưởi, Cayxỏn Phômvihản bắt đầu được đọc nhiều sách báo cách mạng, như tờ "Le Travail" (Lao động), "Rassemblement" (Tập hợp), "Le Peuple" (Dân chúng), "Notre voix" (Tiếng nói của chúng ta). Tờ "Hồn trẻ mới" cũng được học sinh tìm đọc. Năm cuối của khóa học, cậu có dịp được đọc báo "Dân chúng", một tờ báo lớn của Đảng Cộng sản Đông Dương, xuất bản công khai trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Qua tờ báo này, lần đầu tiên, Cayxỏn Phômvihản biết đến tên Đảng Cộng sản Đông Dương và cậu cũng bắt đầu giác ngộ cách mạng từ những sự kiện yêu nước và cách mạng diễn ra tại Việt Nam lúc bấy giờ.


     Trong những năm 1936-1939, tại Việt Nam, nổi lên phong trào đấu tranh của thanh niên đòi tự do dân chủ. Học sinh Trường Bưởi (trong đó có Cayxỏn Phômvihản) đã hưởng ứng sôi nổi phong trào này. Anh ký tên vào bức thư chung gửi Thống sứ Bắc Kỳ, yêu cầu Thống sứ báo cáo lên Toàn quyền Đông Dương biết đề nghị của học sinh Trường Bưởi đòi cho nhân dân các dân tộc Đông Dương được quyền tự do, cơm áo, hòa bình. Cayxỏn Phômvihản tham gia Hội Học sinh yêu nước của Trường, tham gia việc tuyên truyền giới thiệu những cuốn sách tiến bộ trong học sinh. Anh còn tham gia đoàn học sinh dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5, lần đầu tiên, được tổ chức công khai tại Hà Nội vào năm 1938.


     Sau 4 năm học tập tại Trường Bưởi, năm 1939, bước vào tuổi 19, Cayxỏn Phômvihản học xong chương trình trung học.


     Sau một thời gian về quê hương tại Lào để nghỉ hè, mùa thu năm 1939, Cayxỏn Phômvihản tạm biệt quê hương ra Hà Nội để học lên lớp trên. Kỳ này, anh phải ra sức học tập để có tấm bằng tú tài trước khi thi vào đại học. Một sự nghiệp đầy khó khăn đang đợi ở phía trước. Ở Hà Nội, anh thi lấy bằng tú tài và thi tiếp vào Đại học Luật vì anh rất thích những vấn đề thuộc về luật pháp và cũng muốn qua Trường Đại học Luật mà tìm hiểu thực chất bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. 


      Tại Đại học Luật, Cayxỏn Phômvihản tình nguyện gia nhập Hội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (tức thành Hà Nội), một tổ chức yêu nước và cách mạng của thanh niên Việt Nam. Việc gia nhập Hội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu là bước rẽ ngoặt đầu tiên trong cuộc đời hoạt động chính trị của Cay xỏn Phômvihản. Trong lúc đang học tại Hà Nội, anh được các bạn sinh viên đưa cho xem Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương: "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Phátxít Nhật đảo chính thực dân Pháp vào đêm 9-3-1945, làm cho lính Pháp phải chạy trốn. 


      Rõ ràng, tình hình chính trị Đông Dương đang có sự chuyển biến mau lẹ, thúc đẩy người thanh niên yêu nước Cayxỏn Phômvihản mau chóng trở về Lào để cùng với toàn dân thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Lào. Anh rời Hà Nội vào một ngày của cuối tháng 4-1945 để trở về Lào. Anh đã tuyên truyền tinh thần yêu nước trong nhân dân và thanh niên ở Xavẳnnakhệt, quê hương anh, đặt vấn đề chuẩn bị lực lượng để vùng lên chống xâm lược, cứu nước Lào thoát ra khỏi cảnh "nước sâu lửa nóng". Anh đã giới thiệu được một số thanh niên gia nhập Hội Thanh niên cứu quốc Lào. Nhiều người trong số họ đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Lào.


     Tại Lào, khởi nghĩa nổ ra đầu tiên ở thủ đô Viêng Chăn, tiếp đến là các tỉnh Xavẳnnakhệt, Thàkhẹc, Khăm Muộn, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa. Các lực lượng vũ trang được hình thành. Các chiến khu lần lượt ra đời. 


     Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã cổ vũ cách mạng Lào tiến lên đấu tranh giành thắng lợi.


     Trong lúc thủ đô Viêng Chăn, cách mạng sục sôi, thì tại Xavẳnnakhệt, nhân dân vùng lên khởi nghĩa thắng lợi. Cayxỏn Phômvihản lúc này đang ở quê hương Xavẳnnakhệt, đã cùng nhân dân tham gia khởi nghĩa. Tại khu vực Trường tiểu học Mường Phìn, anh đã nói chuyện trước đông đảo nhân dân về những thắng lợi của quân và dân Lào vùa giành được trong những ngày khởi nghĩa. Anh kêu gọi "mọi người ra sức thực hiện nhiệm vụ của mình". 


     Ngày 12-10-1945, tại sân vận động ở thủ đô Viêng Chăn, diễn ra Lễ tuyên bố nước Lào độc lập với bản Hiến pháp tiến bộ, khẳng định nước Lào là một khối thống nhất, mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật. Chính phủ mới của nước Lào độc lập lấy tên là Chính phủ lâm thời Ítxalạ. Ngày 15-10-1945, Ai Lao độc lập Đồng minh được thành lập và tuyên bố lập Chính phủ thống nhất toàn xứ Ai Lao. Ngày 14-10-1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ đầu tiên trên thế giới gửi điện công nhận Chính phủ Lào độc lập, tỏ rõ mối quan hệ mới, đầy thiện chí giữa Việt Nam và Lào.


     Việt Nam và Lào độc lập chưa được bao lâu, thì Pháp chiếm lại Đông Dương. Ngày10-3-1946, quân Pháp chiếm được Xavẳnnakhệt, tiếp đó đánh vào Khăm Muộn và các tỉnh khác của Lào. Một lần nữa, nhân dân Việt Nam kề vai sát cánh cùng nhân dân Lào anh em đồng lòng đứng lên chống Pháp và tiếp đó là chống Mỹ xâm lược, giành độc lập, tự do cho mỗi nước. 


     Công tác ở Xavẳnnakhệt một thời gian, Cayxỏn Phômvihản rời quê hương trở lại Hà Nội vào một ngày của tháng 3-1946. Từ tháng 3 đến tháng 12-1946, tại Hà Nội, Anh tham gia công tác trong Ban Liên lạc Lào - Việt; sau đó, đi lên vùng Tây Bắc của Việt Nam. Cuối năm 1947, Đội vũ trang tuyên truyền Lào - Việt, dưới sự chỉ huy của Cayxỏn Phômvihản và Thao Ma, từ Tây Bắc, Việt Nam, tiến về chiến đấu ở Xiềng Khọ. Được một thời gian, Cayxỏn Phômvihản lại sang Việt Nam để tham gia thành lập Đội xung phong Bắc Lào. 


     Ngày 27-2-1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tổ chức Đội xung phong Bắc Lào, nhằm bổ sung thêm lực lượng kháng chiến cho cách mạng Lào. Đội xung phong Bắc Lào trở về hoạt động tại Lào đã góp phần vào cuộc kháng chiến chung của nhân dân Lào chống xâm lược. Khi thành lập, Đội có 16 người, trong đó có 4 người Lào và 12 người Việt Nam, do Cayxỏn Phômvihản làm Đội trưởng và Đông Tùng (người Việt Nam) làm Chính trị viên.


       Nhiệm vụ chủ yếu của Đội là góp phần vào việc giúp lực lượng kháng chiến Lào xây dựng căn cứ cách mạng ở bốn tỉnh phía Bắc Lào là Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phôngsalỳ và Luổng Phạbang, lấy trung tâm là Lào Hùng, Phiêngxả, Moong Nam, Thà Luông thuộc huyện Xiêng Khọ, tỉnh Sầm Nưa (Hủa Phăn). Trước giờ hành quân về Lào, Đội đóng quân tại một địa điểm thuộc tỉnh Phú Thọ của Việt Nam. Trước lúc lên đường, toàn Đội họp bàn thống nhất cách thức hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng, tuyển thêm quân người Lào, dần dần xây dựng lực lượng lớn mạnh. Cán bộ, chiến sĩ của Đội đã thề cùng nhau chịu đựng gian khổ, chịu đựng mọi thiếu thốn, đi sâu vào các làng bản, vận động nhân dân, liên hệ mật thiết với nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ. Anh em trong đội còn trao đổi với nhau một số kinh nghiệm hoạt động bí mật và kinh nghiệm xây dựng cơ sở.


     Đội rời Phú Thọ vào một ngày tháng 4-1948, qua các địa phương của Việt Nam: Vũ Ẻn, Thanh Sơn, Mộc Hạ, Mộc Châu, Mai Sơn, Phiêng Sa. Phiêng Sa là một bản của người Mèo thuộc tỉnh Sơn La của Việt Nam. Đến Phiêng Sa, toàn Đội dừng lại ít ngày để nắm tình hình trước khi hành quân vào đất Lào. 


     Như vậy, tại Việt Nam, dấu chân của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đã đi qua các địa phương Hà Nội, và các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh,...


     Trở về đất Lào lần này, Cayxỏn Phômvihản chia nhỏ Đội thành 3 tổ xung kích tiến về phía Sầm Nưa, Măngghét và Xiêng Kho, làm nhiệm vụ bắt mối liên lạc với nhân dân địa phương. Đội trưởng Cayxỏn Phômvihản là người rất hăng hái động viên anh em trong Đội đi làm công tác vận động nhân dân và giác ngộ binh lính địch. Anh cùng anh em trong Đội đi xuống các bản vận động đồng bào Hmông, đồng bào Lào Thơng, đồng bào Thái đen,... Do nói được tiếng Hmông và tiếng Lào Thơng, anh đã được đồng bào Hmông và đồng bào Lào Thơng yêu quý như con em của họ. Các đồng chí đảng viên trong Chi bộ Đội xung phong Bắc Lào rất có cảm tình với anh, đã kết nạp anh vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào ngày 6-1-1949 và trở thành đảng viên chính thức của Đảng vào ngày 28-7-1949. Từ giờ phút này, từ một người yêu nước, anh đã trở thành một người cộng sản Đông Dương.


     Năm 1950, Cayxỏn Phômvihản được cử làm Phó Chủ tịch Đại hội đại biểu Mặt trận Lào kháng chiến.


     Đại hội các lực lượng kháng chiến Lào đã khai mạc từ ngày 13 đến ngày 15-8-1950, tại một địa điểm của tỉnh Tuyên Quang thuộc khu Việt Bắc của Việt Nam. Đại hội bầu ra Ban lãnh đạo Trung ương Neo Lào Ítxalạ (sau đó gọi là Neo Lào Hắcxạt, tức Mặt trận Lào yêu nước). Hoàng thân Xuphanuvông được bầu làm Chủ tịch Trung ương Neo Lào Ítxalạ. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được bầu làm Ủy viên Trung ương. Các đại biểu dự Đại hội cũng đã bầu ra Chính phủ kháng chiến và hòa hợp dân tộc của Pathét Lào do Hoàng thân Xuphanuvông làm Thủ tướng (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 


     Đại hội lần thứ hai Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, Việt Nam. Đoàn đại biểu Đảng bộ Lào do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Trưởng Đoàn tham dự Đại hội. Tại Đại hội, đồng chí đã có bài phát biểu quan trọng về cách mạng Lào và cách mạng Đông Dương. Cũng tại Đại hội, đồng chí được gặp và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. 


     Lúc này, cách mạng của ba nước: Lào, Việt Nam, Campuchia đều đã trưởng thành, nên Đại hội quyết định mỗi nước lập một đảng cách mạng riêng. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được Đại hội giao nhiệm vụ chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức để thành lập một chính đảng cách mạng ở Lào. 


     Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng Lào, kề vai sát với các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, cùng nhân dân Lào chiến đấu kiên cường, đánh thắng thực dân Pháp và tay sai trên đất Lào.


     Sau bốn năm chuẩn bị, Đại hội thành lập Đảng Lào họp từ ngày 22-3-1955 đến ngày 6-4-1955, tại một khu rừng ở tỉnh Sầm Nưa. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản thay mặt cho Ban Tổ chức và Ban Trù bị Đại hội, trình bày bản Báo cáo chính trị thành lập Đảng, xác định nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn mới là "đoàn kết lãnh đạo toàn dân phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng" (Cayxỏn Phômvihản: Báo cáo tại Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào, in trong cuốn sách "Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào", Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tiếng Việt, tr.9).


     Đại hội nhất trí đặt tên Đảng là Đảng Nhân dân Lào.


     Đại hội bầu Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được cử làm Bí thư Ban Chỉ đạo Trung ương kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng Lào. Đồng chí đã cùng Ban Chỉ đạo Trung ương lãnh đạo quân và dân Lào chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược Lào (1955-1975), giải phóng nước Lào.




     Đại hội II của Đảng Nhân dân Lào họp từ ngày 3-2-1972 đến ngày 6-2-1972, tại mường Viêng Xay, tỉnh Sầm Nưa (Hủa Phăn). Viêng Xay lúc đó đã giải phóng, đời sống nhân dân được ổn định, an ninh bảo đảm. 


      Tại Đại hội, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đọc Báo cáo chính trị, đánh giá toàn bộ quá trình từ khi thành lập Đảng và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn mới là đoàn kết nhân dân các bộ tộc Lào, đánh đổ đế quốc xâm lược Lào, giai cấp phong kiến, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, "làm cho nước Lào thành một nước hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng" và khẳng định "dưới ngọn cờ của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đã ngày càng giành được thắng lợi to lớn và nhất định sẽ đi tới thắng lợi cuối cùng" (Cayxỏn Phômvihản: Báo cáo tại Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào, in trong cuốn sách "Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào", Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tiếng Việt, tr.69, 87).


     Đại hội thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng. Đại hội quyết định đổi tên Đảng Nhân dân Lào thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào; đổi tên Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng thành Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Thường vụ Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng đổi tên gọi là Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng đổi tên gọi là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.


     Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa II, gồm 23 ủy viên chính thức và 6 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào.


     Từ sau Đại hội II, có lúc gọi là Chủ tịch Đảng. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Về mặt Nhà nước, Đồng chí đã từng là Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.


     Trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, cuộc kháng chiến chống xâm lược ở Lào kết thúc thắng lợi. Nước Lào được giải phóng hoàn toàn từ ngày 23-8-1975. Cả nước Lào bước vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Lào trong tình hình mới.  


     Thời gian qua đi, lịch sử để lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đứng đầu là đồng chí Cayxỏn Phômvihản, nhân dân Lào đã giành được những thắng lợi to lớn trong cách mạng dân tộc dân chủ và trong công cuộc xây dựng đất nước Lào. 


     Các nhà cách mạng Lào như các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn, Khămtày Xiphănđon, Bunphôm  Mahả Xay, Phunxipaxớt, Xixavạt Kẹo Bunphăn, Khăm xẻng, Phumi Vôngvichít, Thao Xingcapô, Xixổmphon Lòvănxay, Xamản Vinhakệt,... mãi mãi để lại trong lòng nhân dân  Lào những tình cảm tốt đẹp nhất.                                                                                                                                                                                                  

     Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng Nhân dân cách mạng Lào do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Chummali Phumxavẳn, tiếp đó là đồng chí Bunnhăng Volachít đứng đầu, đang vững bước lãnh đạo nhân dân Lào tiến nhanh trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Lào trong tình hình mới. 


     Chủ nghĩa yêu nước Lào là tình cảm đặc sắc nhất đã tồn tại trong lòng nhân dân Lào qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.


     Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản từ trần ngày 21-11-1992, tại thủ đô Viêng Chăn, thọ 72 tuổi.

------                                              

* Nguyên Chuyên gia Việt Nam tại Lào, tác giả cuốn sách “Cayxỏn Phômvihản – Tiểu sử và sự nghiệp”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008..