Mới cập nhật

KHOA HỌC VỀ LÝ SỐ: MỘT VÀI VẤN ĐỀ CÓ THỂ KHẮC PHỤC ĐƯỢC SỐ PHẬN NGHIỆT NGÃ

PGS,TS Đàm Đức Vượng

 

imagesHãy tự thân vận động, tự hoàn thiện mình

Qua nghiên cứu, tôi thấy con người ta đúng là có tướng - số và cả vận nữa. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là bó tay với số phận, đầu hàng số phận, mà ở một chừng mực nào đó, con người ta có thể khắc phục được số phận nghiệt ngã. Nếu vượt lên được số phận nghiệt ngã của quá khứ, bạn sẽ đón nhận được ánh hào quang rực rỡ của tương lai. Thực ra, có một số người đã tìm mọi cách như kiên trì phấn đấu, kiên trì chịu đựng, dần dần đã thoát ra được khỏi số phận. Nhưng cũng không ít người cả đời bị số phận trói buộc, không thoát ra được, mặc dù người đó đã cố gắng hết sức, làm đủ mọi cách. Vậy làm thế nào để thoát ra khỏi sự ràng buộc của số phận? Đây là vấn đề rất khó đối với một con người muốn tiến thân.

Tôi nhận thức rằng, con người muốn phần nào khắc phục được số phận nghiệt ngã, thì trước hết phải biết tự thận vận động, tự hoàn thiện mình. Chủ nghĩa duy vật biện chứng coi tự nhiên không phải là một trạng thái tĩnh và bất động, không phải là một trạng thái ngưng đọng và bất biến, mà là một trạng thái vận động và biến đổi không ngừng. Về vấn đề này, nhiều nhà triết học đã đề cập đến. Nguyên nhân của sự vận động và những biến đổi đó không phải ở ngoài, mà là ở ngay trong bản thân tự nhiên, bản thân mỗi con người.

Thực ra, trong tự nhiên và cả trong xã hội, sự vận động, phát triển là do những mâu thuẫn vốn có của các sự vật và hiện tượng, là do tự thân vận động. Tuy nhiên, một số nhà triết học đã có những nhận thức khác nhau về vấn đề này. Nhà triết học nhị nguyên luận (1) Đềcáctơ cho rằng, số lượng vận động trong tự nhiên là do Thượng đế ban cho lúc sáng tạo ra thế giới. Nhà bác học người Anh Niutơn tin rằng, những hành tinh trong thái dương hệ đã được Thượng đế là người đầu tiên kích thích cho vận động. Nhưng Thượng đế là ai, thì Ông không lý giải nổi. Quan niệm như thế, tất nhiên đi đến nhận thức cho rằng, có sự kích thích đầu tiên của Thượng đế. Nguyên lý biện chứng về tự thân vận động dựa trên những tài liệu do khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cung cấp. Nguồn gốc của tự thân vận động trong tự nhiên, trong xã hội và trong mỗi con người chính là sự đấu tranh giữa các mặt đối lập và sự chủ động khi hành động, tự xử lý của một xã hội và mỗi con người.

Lịch sử triết học có hai quan niệm cơ bản về sự phát triển: (1) Phát triển là sự giảm đi hay tăng lên; là sự nhắc đi, nhắc lại, mang tính quy luật. Ai đó quan niệm phát triển gia tăng một chiều là không đúng. Tha hóa cũng vậy, chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác; từ tốt thành xấu, từ xấu thành tốt đều là tha hóa. (2) Phát triển là sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập. Đây chính là tự thân vận động, chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái kia, thành cái đối lập của chính mình. Tất cả đều là tự thân vận động. Những tiến bộ của khoa học đã cải chính những quan niệm cũ, duy tâm và siêu hình, cho rằng, những “lực lượng bên ngoài” là nguồn gốc của sự vận động của vật chất. Vật lý học, sinh vật học và những khoa học hiện đại khác coi vận động như một đặc tính không thể tách rời của vật chất vô cơ và hữu cơ, như phương thức tồn tại của vật chất. Thí dụ, sự phân ly phóng xạ của các nguyên tố, tính biến dịch của những nguyên tố hóa học,... đều là những biểu hiện của tự thân vận động, nghĩa là những quá trình bên trong nguyên tử, do đó, ta không thể quan niệm sự phân ly phóng xạ là có ngoài những quá trình đó được. Như vậy,tự thân vận động không chỉ có ở con người, mà còn có cả ở tự nhiên, ở vật lý học, hóa học,... Trong quan hệ xã hội, thấy rõ bước quá độ từ công xã nguyên thủy sang một chế độ dựa trên sự phân chia xã hội thành giai cấp là một thí dụ về tự thân vận động trong lĩnh vực những quan hệ xã hội. Bước chuyển đó không phải do những nguyên nhân bên ngoài, mà là do những quá trình bên trong, những quá trình này diễn ra ở trong lòng công xã nguyên thủy, như việc phân công xã hội, việc xuất hiện chế độ tư hữu và sự trao đổi,...Công xã nguyên thủy tan rã, nhường chỗ cho xã hội phân chia thành những giai cấp khác nhau trong xã hội. Mở đầu của xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp là xã hội chiếm hữu nô lệ; tiếp đó là xã hội phong kiến… Ứng với các xã hội đó chính là phương thức sản xuất của nó. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng vậy, nó ra đời, phát sinh, phát triển, rồi đến một lúc nào đó cũng phải cáo chung và sẽ được thay thế bằng một xã hội khác tiến bộ hơn. Tất cả đều không phải do những nguyên nhân bên ngoài, mà là do những quy luật kinh tế và quy luật phát triển bên trong của xã hội quy định. Những quy luật này đều là quy luật “tự thân vận động” của xã hội đó. Tuy nhiên, sẽ phạm sai lầm nếu coi tự thân vận động của xã hội như một sự tiến triển tự động diễn ra không cần có sự can thiệp tích cực của con người, của nhân dân, của các tổ chức chính trị - xã hội,... Phép biện chứng của chủ nghĩa Mác cũng không phủ nhận tác dụng của những mâu thuần bên ngoài; coi sự đấu tranh của những mâu thuần bên trong là quyết định, còn sự đấu tranh của những mâu thuẫn bên ngoài đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ những mâu thuẫn kích thích sự phát triển của những quá trình và hiện tượng cả bên trong và bên ngoài.

Trong thực tế ở đời đã có biết bao con người tự vượt lên số phận để chiến thắng chính bản thân mình. Có lần, tôi đọc trên mạng, thấy nêu một tấm gương ngay giữa đời thường hiện nay mà nếu quyết tâm thì ai cũng có thể phấn đấu được, như trường hợp của anh Phạm Văn Thanh, 35 tuổi (tính đến năm 2014), từ một anh thợ hồ với mức thu nhập khoảng 1,5 trăm USD/tháng, trở thành một nhà quản lý mạng của Công ty Nhật Evolable Asia với mức lương 1.500 USD/tháng. Chưa rõ Thanh bây giờ là con người như thế nào, sống ra sao, nhưng cách đây vài năm, tôi đọc trên mạng thấy Thanh là một con người tự thân vận động tốt. Xét về lá số của Thanh không có gì đặc biệt, như biết bao người khác.Gia cảnh bần hàn, cha, mẹ đau xót phải lần lượt cho đi 4 người con trong số 7 người. Thuở nhỏ, biết thân biết phận sinh ra trong một gia đình quá nghèo, Thanh đã vượt lên biết bao khắc nghiệt để kiếm cái chữ. Thanh không biết lúc ấy đường học hành của mình bị đứt nối lại là định mệnh viết sẵn cho mình. Cô giáo dạy lớp 6 đã ba lần về nhà động viên cho Thanh đi học là ba lần gạt nước mắt ra về. Vì không có tiền ăn học, Thanh phải nghỉ ở nhà trong lúc đang học dở dang lớp 6, phụ trông em nhỏ và công việc đồng áng. Không được đi học, Thanh cứ khóc ròng. Nhiều đêm, Thanh nằm mơ thấy mình được trở lại mái trường thân yêu, nhưng khi bừng tỉnh dậy, lại thấy đó chỉ là một giấc mơ và vẫn một thân một mình côi cút. Rồi Thanh đi làm thợ hồ, bắt đầu biết đến cái nặng oằn lưng của những bao ximăng mang trên vai, rồi nhào vôi vữa, đầu tắt mặt tối để xây nên những ngôi nhà cho người khác ở. Do làm thợ hồ, có được chút tiền, Thanh quyết định đi học trở lại, học bổ túc văn hóa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 23-8-1999, Thanh lại được đi học sau 8 năm học hành dang dở. Bước vào lớp, Thanh thấy có những ông già vẫn đi học, nên đã tự an ủi mình là vẫn còn trẻ, phải cố gắng lên. Đó là thời gian vất vả, chật vật, nhưng Thanh cảm thấy sung sướng vì cái chữ lại đến với mình. Ngày đi làm thợ hồ, tối về, Thanh đạp xe đạp vượt qua hàng chục cây số từ nơi công trường để đến lớp học bổ túc văn hóa với bộ quần áo bảo hộ lao động còn nồng nặc mùi vôi vữa. Học hết kỳ 1 lớp 7, Thanh thi vượt cấp vào học kỳ 2 lớp 8, cùng với chứng chỉ A tiếng Anh. Nhưng cuộc sống không ngừng thử thách, số phận quá khắc nghiệt khi Thanh bị tai nạn lao động sập giàn giáo, làm một người chết tại chỗ và 3 người bị thương, trong đó có Thanh. Thanh vào bệnh viện với tình trạng giập lá lách, giập ruột, vỡ xương chậu. Ra viện với thương tật đầy người, Thanh không thể tiếp tục với nghề vôi vữa, thay vào đó, xin đi “bỏ lẻ” nước khoáng. Quyết không chịu để số phận ràng buộc, Thanh lại tiếp tục đi học sau gần một năm lỡ dở. Năm 2003, Thanh học lại lớp 8, rồi vượt cấp lên lớp 9, lấy chứng chỉ B, C tiếng Anh. Cuộc sống khắc nghiệt vẫn đeo bám Thanh, một lần nữa kéo Thanh ra khỏi ghế nhà trường, ném vào vòng xoáy miếng cơm manh áo. Tấm bằng tú tài, mới tới 7 năm sau, Thanh mới được nhận. Với người khác, tấm bằng này là kết quả của 12 năm đèn sách, nhưng với Thanh, phải mất 25 năm vô cùng khắc nghiệt. Trong nỗ lực vừa học vừa làm, Thanh bắt đầu tiếp xúc với máy tính, từ mày mò học trên mạng, rồi mở dịch vụ sửa chữa máy tính. Ham học và khao khát vươn lên, Thanh đầu tư số tiền dành dụm được vào các khóa học trung cấp kế toán, khóa khởi nghiệp, học lớp đào tạo giám đốc điều hành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; rồi nộp đơn xin thi vào làm việc tại một công ty tin học. Người kiểm tra tay nghề hỏi Thanh là học tin học ở đâu? Thanh trả lời tự học là chính. Nghe Thanh nói vậy, người kiểm tra tay nghề lưỡng lự, phân vân, không muốn nhận Thanh vào làm. Thấy vậy, Thanh đề nghị cho kiểm tra tay nghề. Sau khi kiểm tra, Thanh được nhận vào làm việc tại một công ty. Chỉ một thời gian ngắn, Thanh được đề bạt làm Trưởng phòng Kỹ thuật của công ty này, cùng lúc với việc theo học khóa đào tạo lập trình viên công nghệ thông tin của NIIT Ấn Độ thuộc Đại học Hoa Sen. Bằng cấp ngày một hoàn thiện, kinh nghiệm làm việc ngày càng được tích lũy, tiếng Anh thông thạo, lại có nghị lực phi thường, Thanh thi trúng tuyển Giám đốc dự án của một công ty lớn trong nước, rồi được các công ty nước ngoài chào đón. Rồi từ một anh thợ hồ, Thanh trở thành một nhà quản lý mạng của Công ty Nhật Evolable Asia. Nếu không có nghị lục phi thường, vượt lên số phận nghiệt ngã, thì chàng thanh niên Phạm Văn Thanh không thể có được vị trí đứng trong cuộc đời như ngày hôm nay. Thanh nói rằng, thành công, dĩ nhiên, không thể thiếu sự hỗ trợ của vận may, nhưng vận may chỉ đến với con người khi biết vượt qua số phận nghiệt ngã của cuộc đời, và chỉ có nỗ lực hết sức mình, thì vận may mới đến. Phương châm sống của Thanh là “suy nghĩ tích cực, nỗ lực hết mình, nếu muốn tin vào một điều gì đó, thì tin rằng, nghị lực sẽ dẫn đến những điều thần ký” (2). Qua sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của Thanh đã đưa Thanh từ một người phu hồ trở thành nhà quản lý tài năng. Nhưng tôi được biết, trong xã hội hiện nay, có nhiều người cũng phấn đấu như Thanh, thành đạt trong chuyên môn, nhưng vẫn không xin được việc làm.

Tôi nghĩ những người này tuy có phấn đấu, nhưng chưa đủ trình độ của một chuyên gia, nên chưa xin được việc làm. Khi có đủ trình độ của một chuyên gia, thì dễ xin việc lắm. Có điều là, trong cuộc sống, không phải ai cũng thành chuyên gia. Muốn thành chuyên gia, thì phải tự thân vận động quyết liệt. Quyết không chịu đầu hàng số phận là một bậc quân tử ở đời. Khi đã vươn lên đỉnh cao và đã thành chuyên gia, nhưng xã hội vẫn không dùng, thì lỗi đó là tại xã hội. Nhưng biết làm thế nào. Tình trạng hiện nay vẫn đang còn có hiện tượng “chuyên gia lơ lửng trên trời, còn dưới mặt đất người đời thực thi”. Người làm thật và người làm giả hiện nay vẫn đang còn đan xen nhau. Có khi người làm giả lại gặp may, trong khi đó, người làm thật lại gặp rủi ro. Ở đời thật khó lường! Âu cũng là số phận chăng!  Than ôi!
-----------------------------
(1)“Nhị nguyên luận” là học thuyết triết học, trái với “nhất nguyên luận”, coi thực thể vật chất và tinh thần là những bản nguyên như nhau. Đây là học thuyết điều hòa giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.
Việc tách rời ý thức với vật chất theo quan niệm của thuyết nhị nguyên luận dẫn đến chủ nghĩa duy tâm.
Nhị nguyên luận là đặc điểm nổi bật nhất của triết học Đềcáctơ và Cantơ (Căng).
(2)Theo bài viết của Hải Thi, báo “Điện tử tuổi trẻ”, Website: nhantainhanluc.com đăng lại.