Mới cập nhật

Nhà Khoa học xã hội đa tài

 

20161124_142225
Nhà xuất bản Thanh niên vừa xuất bản cuốn sách “Những gương mặt Giáo sư Việt Nam – Tài năng – Trí tuệ - Nhân cách”, trong đó có bài viết về PGS, TS Đàm Đức Vượng, xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

                                                                                Văn phòng PGS,TS Đàm Đức Vượng

 

Hơn nửa cuộc đời hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, với nhiều đề tài được đánh giá xuất sắc ở cả trong nước và quốc tế, đến nay, PGS.TS Đàm Đức Vượng vẫn luôn không ngừng học tập, sáng tạo và nghiên cứu, đem những kiến thức mình thu lượm được bồi đắp cho thế hệ trẻ, góp phần đáp ứng công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mở cửa và hội nhập. Ông nguyên là Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh; Vụ trưởng Vụ Tuyên huấn Ban Cán sự Đảng nước ngoài; Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc; Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài nhân lực (ISSTH)...
ŠŠ PGS.TS Đàm Đức Vượng sinh ngày 24- 4-1942 tại thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Cha ông là cụ Đàm Tấn Trác, vốn được biết đến là người học rộng tài cao, gia đình có truyền thống đúc đồng từ lâu đời. Mẹ ông là bà Phạm Thị Miến, nổi tiếng trong vùng bởi tài dệt vải, vừa đẹp người lại nết na, thùy mị. Sau khi hai người kết hôn, lần lượt sinh hạ được 9 người con, trong đó, PGS.TS Đàm Đức Vượng là người con thứ 8 của gia đình đông con này.
Từ nhỏ, cậu bé Đàm Đức Vượng đã nổi tiếng thông minh và mê đọc sách, nhất là những câu chuyện kể từ dân gian thời xưa như: Cây khế, Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa… Biết hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, để tiết kiệm tiền, PGS.TS Đàm Đức Vượng thường hỏi mượn sách của ông giáo và bạn bè trong làng đem về nghiên cứu. Mỗi khi mượn được một cuốn sách quý, ông đều đọc và nâng niu vô cùng cẩn thận. Có lẽ, cũng bởi vậy mà vốn tri thức và niềm đam mê với những môn khoa học xã hội của ông ngày một lớn dần lên theo những trang sách ấy.
Năm 1954, cha ông chuyển xưởng đúc về Thành phố Nam Định, sau đó đón cả gia đình lên thành phố sinh sống. Khi đó, PGS.TS Đàm Đức Vượng đang theo học tại trường cấp 2 Lê Hồng Phong. Hằng ngày, ngoài việc học tập trên lớp, hễ cứ có thời gian rảnh, ông đều đến xưởng đúc để phụ việc giúp cha. Tốt nghiệp trung học cơ sở, ông học tiếp trung học phổ thông tại trường Lê Hồng Phong.
Những tưởng cuộc sống của cậu bé Đàm Đức Vượng sẽ mãi yên bình, êm ả trôi đi như vậy. Nhưng không, năm 1956, biến cố lớn xảy ra, cha ông mất vì bệnh tật. Xưởng đúc của gia đình gắng gượng cầm chừng được mấy tháng rồi cũng phải đóng cửa. Cuộc sống của mọi người trong gia đình ngày một khó khăn. Trước tình cảnh đó, PGS.TS Đàm Đức Vượng đành phải gác lại chuyện học hành, xin mẹ được theo tàu ra Hà Nội làm việc tại xưởng đúc của người bác ruột. Cũng chính tại đây, mỗi khi đổ gang, đồng nóng chảy vào khuôn, ông hiểu được rằng từ đống quặng, phế liệu vô dụng để có thể trở thành vật phẩm hữu dụng phải trải qua lò luyện với nhiệt độ cực cao. Con người muốn trở thành người có ích cho xã hội phải chịu khó học hành, rèn luyện qua nhiều môi trường khắc nghiệt của cuộc sống. Bởi vậy, môi trường càng khó khăn, thử thách ông lại càng có thêm quyết tâm để hoàn thành tốt công việc, không nề hà bất cứ chuyện lớn, nhỏ nào.
Sau khi làm việc tại xưởng đúc một thời gian, ngày 8-2-1960, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đoàn Thanh niên, PGS. TS Đàm Đức Vượng xin phép bác được vào bộ đội nhập ngũ. Khi đó ông được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Đơn vị đóng quân ở Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Tại đây, ông luôn cố gắng hết mình, rèn luyện bản thân thật tốt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ngày 1-7-1960, PGS.TS Đàm Đức Vượng được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Một năm sau, ông được cử đi học Trường Quân chính của Sư đoàn , đóng ở Thanh Quang, Vĩnh Yên. Với quan điểm: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đồ máu”, PGS. TS Đàm Đức Vượng luôn hăng say luyện tập, đạt kỹ thuật bắn bia, nhất là kỹ thuật bắn bia ban đêm chính xác tuyệt đối và luôn giành giải nhất trong các cuộc hội thao của đơn vị. Không chỉ bắn súng giỏi, ông còn được biết đến với biệt tài làm thơ hay, thường được đảm nhận trọng trách viết báo tường cho đơn vị. Với thành tích đạt được trên thao trường và tinh thần rèn luyện, phấn đấu bền bỉ, ngày 11- 8-1962, PGS.TS Đàm Đức Vượng được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm ấy, ông vừa tròn 20 tuổi.
Tháng 3-1963, sau khi xuất ngũ, PGS.TS Đàm Đức Vượng làm công nhân tại Xí nghiệp cơ khí Đồng Tháp (số nhà 20, phố Hàng Tre, Hà Nội). Năm 1964 ông làm Tổ trưởng Đảng. Năm 1965, từ công nhân sản xuất, ông được Ban lãnh đạo Xí nghiệp rút lên làm cán bộ chuyên trách về tổ chức và cán bộ Văn phòng Đảng ủy Xí nghiệp, sau đó làm Trưởng Ban tổ chức – Lao động – Tiền lương của Xí nghiệp Trần Phú. Trong khoảng thời gian này, bên cạnh việc công tác tại xí nghiệp, PGS. TS Đàm Đức Vượng luôn cố gắng sắp xếp lịch làm việc hợp lý để có thời gian đến trường, học bổ túc văn hóa ba môn Văn, Sử, Địa. Với tư chất thông minh và tinh thần ham học hỏi, cầu tiến, PGS.TS Đàm Đức Vượng đã tốt nghiệp cấp 3 hệ bổ túc tại Hội đồng thi Hoàn Kiếm A năm 1967. Bên cạnh đó, ông còn theo học các khóa bồi dưỡng công tác Đoàn Thanh niên, công tác tổ chức Đảng và học Trường Đảng Lê Hồng Phong Hà Nội. Nhiều năm còn là cộng tác viên đắc lực của Đài Truyền thanh Hà Nội và báo “Hà Nội mới” trong chuyên mục “Người tốt, việc tốt”. Không những vậy, PGS.TS Đàm Đức Vượng còn tham dự các lớp bồi dưỡng viết văn do Hội Văn nghệ Hà Nội tổ chức, tiếp đó là khóa học cơ bản về nghiệp vụ báo chí do Đài Truyền thanh Hà Nội mở. Năm 1973, với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu, PGS.TS Đàm Đức Vượng được Ban Tổ chức chính quyền Hà Nội ký Quyết định điều động về làm phóng viên kiêm biên tập viên chuyên nghiệp, công tác tại Đài Truyền thanh Hà Nội.
Chưa thật hài lòng với những cố gắng của bản thân, để có đủ hành trang vững bước trên con đường mới đầy vẻ vang, nhưng cũng lắm khó khăn, nhọc nhằn sắp tới ông quyết định theo học hệ tại chức Khoa ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với luận văn tốt nghiệp đạt loại xuất sắc, PGS.TS Đàm Đức Vượng đã nhận Bằng tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn - Đại học Tổng hợp hệ tại chức năm 1978. Đây được xem là mốc son đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của ông. Từ một công nhân thợ đúc, một chiến sĩ, ông đã trở thành một nhà khoa học xã hội.
Trong thời gian học tập và rèn luyện tại trường Đảng Lê Hồng Phong cũng như công tác tại Đài Truyền thanh Hà Nội, PGS.TS Đàm Đức Vượng có nhiều dịp được tiếp xúc với các với đồng chí lãnh đạo Đảng, được nghe kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như và các vị lão thành cách mạng như đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng… Đây chính là những tư liệu quý báu giúp ông viết nên các bài báo đăng trong tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Đảng sau này.
Ngày 20-1-1976, PGS.TS Đàm Đức Vượng chính thức nhận quyết định về công tác tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. Ngoài thời gian dành cho công việc ở cơ quan, ông còn tham dự các khóa học ngoại ngữ tại chức trình độ B và C tiếng Anh, tiếng Nga của trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm ngoại ngữ và Viện Đào tạo mở rộng để nâng cao vốn hiểu biết và tri thức của bản thân.
Trong khoảng 4 năm (từ năm 1980 – 1984), PGS.TS Đàm Đức Vượng được cử đi dự khóa nghiên cứu sinh về lịch sử Đảng tại Trường Chuyên khoa lịch sử Đảng. Luận văn tốt nghiệp của ông với nhan đề “Quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam” được Hội đồng chấm thi đánh giá cao và xếp loại xuất sắc, đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp. Tiếp đó, PGS.TS Đàm Đức Vượng được cử đi nghiên cứu sinh 2 năm tại Viện Sử học Việt Nam. Tháng 6 năm 1986, ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ sử học với đề tài “Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác-Lênin”. Đây là luận án đầu tiên của Việt Nam về đề tài Hồ Chí Minh được bảo vệ thành công ở trong nước. Có được học vị này, ngoài sự học tập, rèn luyện và quyết chí của bản thân, PGS.TS Đàm Đức Vượng vẫn luôn nhớ tới công ơn chỉ bảo, hướng dẫn tận tình của các vị giáo sư sử học đầu ngành như giáo sư Nguyễn Vịnh, Giáo sư Văn Tạo, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Đặng Xuân Kỳ… những người đã trực tiếp hướng dẫn, tiếp thêm ngọn lửa đam mê cho ông trong lĩnh vực sử học.
Cuối năm 1986, PGS.TS Đàm Đức Vượng được cử sang Liên Xô học tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (AOH), bổ túc kiến thức chính trị và tiếng Nga. Năm 1988, sau khi về nước, ông được đề bạt làm Trưởng Ban Nghiên cứu Ban Văn kiện - Tư liệu Viện Hồ Chí Minh (thuộc Viện Mác - Lênin). Tới năm 1990, ông giữ chức Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng. Đặc biệt, với những đóng góp cùng cống hiến của mình, ngày 3-3-1992, ông được phong chức danh Phó Giáo sư sử học.
Tính đến nay, PGS.TS Đàm Đức Vượng đã viết 39 cuốn sách được xuất bản. Trong đó phải kể tới một số tác phẩm tiêu biểu như: “Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ”, Nxb Lao động, Hà Nội, năm 1982; “Nguyễn Đức Cảnh người lãnh đạo đầu tiên của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ”, Nxb Lao động, Hà Nội, năm 1985; “Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh”, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 1993; “Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng” (tái bản nhiều lần), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1994; “Hồ Chí Minh với vấn đề đào tạo cán bộ”, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 1995; “Hà Huy Tập Tổng Bí thư của Đảng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh xuất bản năm 2000; “Tổng Bí thư Trường Chinh”, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, năm 2007; “Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam”, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2006; “Xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Thực trạng và giải pháp”, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2008; “Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân tài”, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2010;“Việt Nam từ thời kỳ bao cấp đến thời kỳ đổi mới”, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2014; “Những dấu ấn lịch sử về Đảng và Hồ Chí Minh do Người sáng lập”, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2015 (tái bản 2016); “Lịch sử Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực – Mười năm hoạt động”, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2016 …
“Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam Bộ” là cuốn sách đầu tay của PGS.TS Đàm Đức Vượng (ký với bút danh Thành Nam) được Nhà xuất bản Lao động phát hành năm 1982, sách gồm 180 trang và được in với số lượng 6.100 bản. Ông viết tác phẩm này khi mới vào công tác tại Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, trải qua 3 tháng xâm nhập thực tế, cùng ăn, cùng ở, cùng vượt qua những khó khăn, thiếu thốn và thậm chí là cả bệnh tật với công nhân cao su. Nội dung sách ghi chép một cách sinh động sự ra đời và tinh thần đấu tranh cách mạng của lực lượng công nhân cao su Việt Nam, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng nước ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cuốn sách xuất bản cách đây đã 34 năm, nhưng tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng bởi lẽ đó, ngày nay, nhiều bạn đọc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng như độc giả trên khắp mọi miền của Tổ quốc vẫn mong muốn được tác giả tái bản sách để có sách tham khảo và nghiên cứu.
Hay như cuốn sách “Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân tài”, gồm 554 trang, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành năm 2010 cũng là một trong những tác phẩm tâm đắc của PGS.TS Đàm Đức Vượng. Cuốn sách đã trình bày một cách khoa học, hệ thống quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề đào tạo cán bộ, sử dụng cán bộ, trọng dụng nhân tài. Đây là tác phẩm quý, rất cần thiết cho nhiều đối tượng bạn đọc hiện nay và cả những thế hệ trẻ sau này.
Đặc biệt, PGS.TS Đàm Đức Vượng còn vinh dự là người đầu tiên viết sách về Tổng Bí thư của Lào với tác phẩm “Cayxỏn Phômvihản Tiểu sử và sự nghiệp” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản tháng 10 năm 2008, gồm 334 trang. Nội dung cuốn sách nói về vai trò to lớn, sự lãnh đạo sáng suốt, sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc xâm lược, giành thắng lợi, cũng như trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước ở Lào do Đồng chí khởi xướng. Có thể nói, đây là công trình nghiên cứu khoa học, công phu, nghiêm túc, cung cấp nhiều tư liệu quý để bạn đọc có dịp hiểu rõ hơn về Người bạn lớn của nhân dân ta…
Ngoài ra, PGS.TS Đàm Đức Vượng còn chủ biên nhiều cuốn sách quan trọng như một số tập trong: “Văn kiện Đảng toàn tập”“Hồ Chí Minh Toàn tập”; “Văn kiện Quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào Việt Nam” ; “Hồi ký Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam”…Trong đó, bộ “Văn kiện quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào” dự kiến viết trong vòng 3 năm được đặc biệt hoàn thành vượt mức trước 2 tháng. Bên cạnh đó, PGS.TS Đàm Đức Vượng có 30 cuốn sách viết chung với một số tác giả về các nhà lãnh đạo của Đảng. Không những vậy, ông còn viết 10 tập kỷ yếu, 500 bài báo, báo cáo khoa học và hơn 100 bài nghiên cứu in trong các tạp chí trong nước và nước ngoài…
ŠŠ  Với nguyện vọng muốn được nghỉ hưu để tập trung tâm lực cùng các nhà khoa học khác nghiên cứu về vấn đề đào tạo nhân tài, sử dụng nguồn nhân lực cho hiệu quả. PGS.TS Đàm Đức Vượng viết đơn và làm hồ sơ khoa học xin thành lập Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực. Năm 2006, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực (ISSTH) được chính thức thành lập. Khó khăn lớn nhất đối với Viện khi ấy là thiếu nguồn tài chính. Để có thể duy trì hoạt động, PGS.TS Đàm Đức Vượng nhiều đêm ròng thức trắng, suy nghĩ cách chèo lái “con thuyền”. Có thời điểm, ông từng phải bán cả căn nhà riêng của mình để lo kinh phí đầu tư cho hoạt động của Viện. Trong suốt 10 năm hoạt động, Viện trưởng Đàm Đức Vượng đã bền bỉ, kiên trì chèo lái Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng về nhân tài, nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Đồng thời, đào tạo, giới thiệu, tôn vinh và sử dụng hiền tài phục vụ công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong 10 năm qua, các nhà khoa học của Viện đã viết 252 chuyên đề cho các dự án, dự thảo nghị quyết của Đảng và cho các đề tài cấp Nhà nước và các cấp ban Đảng Trung ương. Hơn 700 bài nghiên cứu đã được đăng trên các báo và tạp chí trong nước và ngoài nước, góp thêm tiếng nói có sức thuyết phục về tầm quan trọng đào tạo, sử dụng cán bộ có năng lực và trọng dụng nhân tài của đất nước. Không chỉ vậy, các nhà khoa học của Viện đã hướng dẫn thành công, bảo vệ luân án cho 31 tiến sĩ và luận án cho 38 thạc sĩ, giới thiệu đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài 26 người .
Bên cạnh những nỗ lực và thành công chung của tập thể các nhà khoa học trong Viện, bản thân PGS.TS Đàm Đức Vượng cũng không ngừng nỗ lực, tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Ông đã chủ nhiệm 2 đề tài cấp Nhà nước là: “Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020” “ Xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng - Thực trạng và giải pháp”, cả 2 đều được nghiệm thu và đạt kết quả xuất sắc. Hai đề tài này được xã hội hóa bằng việc gửi tới các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan khoa học để tham khảo đồng thời được NXB Chính trị Quốc gia xuất bản thành sách, phổ biến rộng rãi tới bạn đọc trong và ngoài nước.
Đặc biệt, PGS.TS Đàm Đức Vượng còn chủ nhiệm 2 đề tài cấp Quốc tế đó là : “Hồi ký quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”, gồm 3 tập, mỗi tập khoảng 700 trang và đề tài “Văn kiện quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”, gồm 5 tập, mỗi tập khoảng 700 trang. Cả hai đề tài quốc tế này cũng đều được nghiệm thu và đạt loại xuất sắc, về sau được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản, in ra cả 3 thứ tiếng : Việt, Lào, Anh.
Bên cạnh công tác nghiên cứu, ông cũng chú trọng tới công tác hướng dẫn nghiên cứu khoa học, góp phần đào tạo nên những nhân tài, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của đất nước. Tính đến nay, ông đã hướng dẫn và bảo vệ thành công 3 luận án Tiến sĩ, 3 luận văn Thạc sĩ cho các nghiên cứu sinh; tham gia hơn 50 Hội đồng chấm thi luận án Tiến sĩ, 15 Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ và 20 Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp Nhà nước. Có thể nói, đây là một trong những thành công của sự nghiệp “trồng người” mà không phải vị PGS.TS nào cũng có thể làm được.
Với những thành tích cùng đóng góp của mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, PGS. TS Đàm Đức Vượng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Bằng khen, Huân, Huy chương cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng; Huân chương Lao động Hạng nhì do Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng, vì đã có công hoàn thành xuất sắc công trình nghiên cứu khoa học về Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản; Huân chương Lao động Hạng nhì, Hạng ba của Chủ tịch nước trao tặng, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác và nghiên cứu khoa học; Huy chương chiến sĩ vẻ vang do Thủ tướng Việt Nam trao tặng; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tặng, vì đã hoàn thành tích xuất sắc công trình nghiên cứu khoa học với cương vị Trưởng Ban Biên soạn bộ (5 tập) “Văn kiện quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”; Bằng khen của Thủ tướng Lào; 13 năm liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và rất nhiều kỷ niệm chương của các cơ quan khoa học, cơ quan xuất bản trao tặng… Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã trao tặng ông Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Bên cạnh những thành công nổi bật trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học kể trên, PGS.TS Đàm Đức Vượng còn được biết đến với tư cách một nhà thơ đa tài. Có thể kể tới một số tác phẩm thơ đã được xuất bản và để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn đọc của ông như: tác phẩm “Quê hương và Tình yêu” ; “Nhân tình thế thái” được in trên tạp chí “Quê hương” xuất bản ở Praha, Séc năm 2002; “Tình đời”, Nxb Thanh niên, Hà Nội, năm 2006; “Con người và cuộc đời”, thơ triết lý, Nxb Văn học Hà Nội, năm 2009… hay như gần đây nhất là tác phẩm thơ “Tâm tình”  (502 trang) được NXB Văn học in năm 2014.
Đồng thời, ông còn bỏ nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu về lĩnh vực tướng số, và đã cho xuất bản cuốn sách “Khoa học về lý số” góp phần lý giải những hiện tượng tự nhiên của con người mà tới nay chưa một khoa học nào có thể chứng minh rõ ràng được. Theo đó, PGS.TS Đàm Đức Vượng khuyên con người không được bó tay, đầu hàng trước số phận mà khi càng khó khăn, con người càng phải vươn lên, khắc phục khó khăn, thử thách ấy để làm chủ vận mệnh của chính mình.
PGS,TS Đàm Đức Vượng nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khoa học, nhưng chuyên sâu nhất vẫn là khoa học lịch sử - lý luận; khoa học về lý số; thơ ca. Thơ ca của ông thường là thơ ca khoa học, mang tính triết lý sâu sắc về con người và cuộc đời.
Trải qua 56 năm hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ở bất kỳ cương vị nào, PGS.TS Đàm Đức Vượng cũng luôn là một cán bộ có năng lực, bản lĩnh và am hiểu sâu rộng về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những nghiên cứu của ông không chỉ đóng góp cho ngành khoa học xã hội nói riêng mà còn góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ nhân tài cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Giờ đây, khi đã bước sang tuổi 74, Phó giáo sư vẫn chưa một ngày buông bỏ công việc, buông bút. Ông thấy bản thân vẫn cần cống hiến, cần tiếp tục nỗ lực làm ra những sản phẩm khoa học có ích cho xã hội hơn nữa. Ông làm việc cần mẫn từ sáng đến tối, vừa nghĩ vừa tự đánh máy bản thảo, như một thợ đánh máy chữ chuyên nghiệp. Đêm đêm, ông đọc tài liệu, ngày ngày, ông viết và tự đánh máy, một quy trình khoa học khép kín đối với ông bao giờ cũng mang lại hiệu quả cao.
PGS.TS Đàm Đức Vượng quả xứng đáng là tấm gương sáng về nghị lực và ý chí quyết tâm vượt khó khăn, thử thách vươn lên trở thành nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý số và nhà thơ. Ông muốn gửi thông điệp tới các bạn trẻ là hãy cố gắng, cố gắng và cố gắng hơn nữa để vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ bản thân mình. Hãy nỗ lực phấn đấu vì sự chấn hưng đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh!

Thanh Hoa