Mới cập nhật

Xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết BCH TW Đảng - Thực trạng và giải pháp

 
    Năm 2008, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách “Xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Thực trạng và giải pháp” do PGS,TS Đàm Đức Vượng Chủ biên. Sách dày 524 trang, khổ giấy 15x22cm.

     Cuốn sách này được viết từ kết quả nghiên cứu của một đề tài độc lập cấp nhà nước: “Xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Thực trạng và giải pháp” (Mã số: ĐTĐL-2005/16), do Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng làm Chủ nhiệm, được thực hiện từ năm 2005 đến năm 2006; nghiệm thu đạt loại xuất sắc: 93/100 điểm và đã được xã hội hóa thành sách, dày 254 trang, khổ giấy 15x22 cm, do Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng Chủ biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản, Hà Nội, 2008, nhan đề: “Xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Thực trạng và giải pháp”. 

Cuốn sách gồm ba phần:
     Phần thứ nhất: Xây dựng các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
     Phần thứ hai: Tổ chức thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
     Phần thứ ba: Một số giải pháp về xây dựng, thể chế hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
     Có thể nói đây là một công trình nghiên cứu rất nghiêm túc và công phu. Trong Lời Chủ biên, in trang đầu của cuốn sách, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng cho rằng, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng là trách nhiệm và vinh dự của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Các nhà khoa học cũng có trách nhiệm và vinh dự này.
     Theo nghiên cứu của Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng, thì kể từ Nghị quyết của Hội nghị Trung ương đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 10-1930, đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa X, tháng 7-2006 (thời điểm làm đề tài này) của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có 197 nghị quyết hội nghị Trung ương. Nếu tính cả văn kiện của các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra đời năm 1925, Đông Dương Cộng sản Đảng, ra đời năm 1929, An Nam Cộng sản Đảng, ra đời năm 1929, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, ra đời đầu năm 1930), Văn kiện Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (đầu năm 1930), nghị quyết các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng (từ Đại hội I năm 1935 đến Đại hội X (tính đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa X, tháng 7-2006) và các Cương lĩnh của Đảng, đến tháng 7-2006, tất cả có 215 văn kiện Đảng (vào khoảng 55 nghìn trang). Đó là một con số rất lớn, một kho tàng chính trị rất quan trọng, rất quý báu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
     Trong các hội nghị Trung ương, có hội nghị thông qua tới 4 nghị quyết, như Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10-1930). Trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, bị chính quyền thực dân khủng bố hết sức gắt gao, Trung ương vẫn ra được 4 nghị quyết có giá trị, đó là một cố gắng rất lớn của Trung ương. Hội nghị Trung ương 10, khóa II, ra 6 nghị quyết. Có thể nói đây là Hội nghị Trung ương ra nhiều nghị quyết nhất trong các hội nghị Trung ương. Hội nghị Trung ương 5, khóa IX (tháng 2 và tháng 3-2002) ra 5 nghị quyết…
     Trong những năm đổi mới, Trung ương đã ra nhiều nghị quyết quan trọng, đặc biệt, đã chú ý đến việc cải tiến xây dựng các nghị quyết, thể chế hóa nghị quyết, tổ chức thực hiện nghị quyết theo hướng ngày càng sát với thực tế hơn, phù hợp với điều kiện cụ thể và dân trí Việt Nam, tuy vẫn còn phải cải tiến nhiều. Nhìn chung, các nghị quyết của Trung ương và của nhiều cấp ủy được chú ý cải tiến theo hướng ngắn, gọn, thiết thực, nêu rõ việc cần làm, phân công rõ trách nhiệm và trong những trường hợp cụ thể được nêu rõ yêu cầu thời gian thực hiện; phải đánh giá tình hình theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xác định các quan điểm chỉ đạo và phương hướng, nhiệm vụ chung một cách rõ ràng, đồng thời, chú trọng nhiều hơn đến việc đề ra những nhiệm vụ cụ thể, hệ thống các giải pháp và cách tổ chức thực hiện.
     Việc thể chế hóa và cụ thể hóa các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng thành luật và các văn bản pháp quy khác của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Ban Bí thư và của các ban Đảng Trung ương được chú ý cải tiến theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và có khả năng thực thi.
     Nội dung của các nghị quyết Hội nghị Trung ương đã được Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng phân tích sâu sắc trong Báo cáo Tổng hợp của đề tài và trong cuốn sách “Xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Thực trạng và giải pháp”, phản ánh rõ nét đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, tiến lên xã hội chủ nghĩa.
     Nội dung nghiên cứu của đề tài là đánh giá thực trạng của việc xây dựng, thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết Trung ương, chủ yếu là trên các lĩnh vực lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; vấn đề Đảng và xây dựng Đảng; xây dựng Nhà nước Việt Nam mới; Mặt trận và các đoàn thể nhân dân; kinh tế; văn hóa; giáo dục; khoa học và công nghệ; các chính sách xã hội; quốc phòng – an ninh; đối ngoại. Trên cơ sở đó, đề tài đã đề xuất những phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần làm tốt hơn trong quá trình xây dựng nghị quyết, thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết.
     Vấn đề đưa cuộc sống vào nghị quyết và đưa nghị quyết vào cuộc sống được Chủ nhiệm đề tài, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng phân tích sau sắc trong Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài cũng như trong cuốn sách “Xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Thực trạng và giải pháp”.
     Trong khi phân tích, lý giải, phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, đề tài cũng như cuốn sách, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng đã rút ra những vấn đề rất thiết thực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương. Trong quá trình phân tích vấn đề này, nó phải được đặt trong một chỉnh thể cố kết, trong đó, việc xây dựng nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết phụ thuộc lẫn nhau, ước chế lẫn nhau, liên hệ với nhau, tác động vào nhau; đặt trong trạng thái vận động không ngừng, biến động và đổi mới, phát sinh và phát triển. Nhận thức về phát triển trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết. Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng, cho rằng, đây không phải là một sự vận động vòng tròn, mà là một sự vận động đi lên. Cái gì cần thay thế phải thay thế, cái gì cần giữ lại để phát huy phải giữ lại. Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng cho rằng, phương pháp chỉ đúng khi nào nó phản ánh được các quy luật khách quan của bản thân việc soạn thảo và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, qua đó, cố gắng tìm ra những vấn đề có tính quy luật chung nhất trong quá trình soạn thảo nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết. Áp dụng phương pháp chủ quan trong quá trình soạn thảo nghị quyết sẽ rơi vào chủ quan duy ý chí. Vì vậy, việc áp dụng các phương pháp nghiên cứu để thực hiện đề tài này cũng như việc thể hiện ra cuốn sách chính là cách thức tiếp cận với nghị quyết và đề cập đến nghị quyết của Trung ương.
     Chủ nhiệm đề tài, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng xác định rõ đề tài này với góc độ của nhà nghiên cứu khoa học, là chỉ góp thêm vào sự nghiên cứu của Trung ương, của các cơ quan tham mưu của Đảng, về việc xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết Trung ương. Việc xới xáo ban đầu gặp không ít khó khăn. Sau này, nếu có điều kiện sẽ có những công trình lớn hơn, quy mô hơn trong việc lý giải xây dựng và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương, nhất là các nghị quyết Trung ương trong thời kỳ đổi mới đất nước.
Bài và ảnh: Quỳnh Anh