Mới cập nhật

LÃO TỬ

 Lão Tử


 

Đêm nằm đọc “Đạo đức kinh”1

Tư tưởng Lão Tử được trình bày ra.

Với Ông vạn vật sinh ra

Là nhờ có “đạo” chỉ ta con đường.

Quá trình biến đổi không ngừng

Xưa nay thế sự chưa từng đứng trơ.

Rồi Ông kêu gọi mọi người

Trở về nguyên thủy sống đời tự nhiên.

Chao ôi! Đạo đức linh thiêng

Lại đem quay gót về miền hoang sơ.

Lão Tử ơi! Ông có ngờ

Những lời Ông dạy bây giờ còn đâu!

“Đạo đức kinh” khối u sầu

Nghĩ mà kinh với nỗi đau nhân tình!

 

Praha, đêm 27 - 1 - 2002

ĐỨC VƯỢNG

(Cử nhân ngữ văn)

------

1.”Đạo đức kinh” là tác phẩm nổi tiếng của Lão Tử.

Lời Tác giả:  Công tác ở nước ngoài nhiều năm, tôi thấy nhiều người trên thế giới đã biết đến Lão Tử và tác phẩm “Đạo đức kinh” của Ông. Trước sự ngưỡng mộ đó, tôi cũng đi tìm sách của Lão Tử về đọc. Tôi đã đọc các cuốn sách “Đạo đức kinh” của Lão Tử, “Lão Tử - Đạo đức kinh”, Trần Tường biên soạn, “Sử ký” của Tư Mã Thiên, trong đó có “Truyện Lão Tử”, “Từ điển triết học” do tập thể các nhà khoa học Liên Xô (trước đây) biên soạn, trong đó có mục từ “Đạo giáo”,... Đọc những sách trên, tôi làm bài thơ Suy ngẫm về Lão Tử và “Đạo đức kinh”.

Trong cuốn “Sử ký” của Tư Mã Thiên, viết rằng, Lão Tử, người làng Khúc Nhân, Hưng Lệ, huyện Khổ, nước Sở. Lão Tử họ Lý, tên tự là Bá Dương; còn tên Đam, thì chưa chắc đã đúng. Ông sinh khoảng 570 - 490 trước Công nguyên, sống đời nhà Chu. Tuy nhiên, theo “Sử ký” của Tư Mã Thiên, thì “Lão Tử sống hơn một trăm sáu mươi tuổi, có người nói Ông sống hơn hai trăm tuổi, vì Ông tu đạo để kéo dài tuổi thọ” (“Sử ký” Tư Mã Thiên, Phan Ngọc dịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 2010, tr. 300). Lão Tử làm quan sử giữ nhà chứa sách của nhà Chu. Theo Tư Mã Thiên, thì Lão Tử là người biết trau giồi đạo đức, học thuyết của Ông cốt ở chỗ giấu mình, kín tiếng.

Theo “Từ điển triết học” của tập thể các nhà khoa học của Liên Xô (trước đây) biên soạn, thì người sáng lập ra Đạo giáo chính là Lão Tử. Những tư tưởng cơ bản của Lão Tử đã được trình bày trong cuốn sách “Đạo đức kinh”. Theo đó, vạn vật sinh ra và biến đổi nhờ có “đạo”. Trên thế giới không có sự vật bất biến và trong quá trình biến đổi, mọi sự vật đều trở thành mặt đối lập của nó. Con người phải theo tính tự nhiên của sự vật, không nên triết lý hão huyền. Đạo giáo phản đối sự thống trị và áp bức, kêu gọi loài người nên quay về với cuộc sống thời hoang sơ.

Người bảo vệ nổi tiếng Đạo giáo là Dương Chu, Trang Tử, Tống Hình, Doãn Văn. Những người này sống  vào thế kỷ IV, thế kỷ III trước Công nguyên. Theo Dương Chu, thì việc tuân thủ những quy luật tự nhiên (đạo) của cuộc sống sẽ làm cho con người giữ được trọn vẹn bản tính của mình. Còn theo Tống Hình và Doãn Văn, thì “đạo” cũng cần thiết để cho con người có được tài trí và nhận thức được chân lý. Hai ông này cho rằng, linh hồn của con người bao gồm những hạt vật chất tinh tế nhất, chúng nhập vào người và ra khỏi con người tùy theo cơ quan tư duy của chúng ta (cái “tâm”) trong sạch hay dơ bẩn. Vận dụng tư tưởng của Lão Tử, Trang Tử đề ra phép biện chứng của ít và nhiều, tuyệt đối và tương đối, ổn định và biến đổi. Trang Tử tuyệt đối hóa cái ít trong cái nhiều, đứng yên trong vận động; bóc tách “đạo” với sự vật.

Đã có nhiều người đánh giá về tác phẩm “Đạo đức kinh” của Lão Tử. Có thể nói, đây là tác phẩm phân tích sâu sắc về sự biến đổi của vạn vật, đó là “đạo”. “Đạo đức kinh” ảnh hưởng sâu sắc tới thi ca và tâm linh đạo học. Trong “Đạo đức kinh”, Lão Tử viết: “Vàng ngọc đầy nhà, chẳng thể giữ. Giàu sang mà kiêu, lỗi tự vời họa. Công thành lui thân, đấy là đạo trời”. Lão Tử viết “Đạo đức kinh” hay như thế, nhưng đời sau mấy ai theo được, do đó, “Đạo đức kinh” đã trở thành khối u sầu, với nỗi đau nhân tình.