Mới cập nhật

Nhà thiên văn Galileo Galilei - Sứ giả ánh sao

Galileo Galilei


 

Cách đây gần bốn thế kỷ, Galileo Galilei đã hướng chiếc kính thiên văn đầu tiên của nhân loại lên bầu trời và tạo ra một cuộc cách mạng chưa từng có trong thiên văn học. Những gì ông quan sát được là những thứ hoàn toàn mới lạ mà chưa có bất cứ đôi mắt người trần nào trước đó có thể nhìn thấy. Galilei không những mở ra cho ngành khoa học đương thời của ông những viễn cảnh mới, mà còn là bệ phóng cho khoa học hiện đại ảnh hưởng đến tận ngày nay.

Galileo Galilei là một nhà thiên văn học, vật lý học, toán học và triết học người Ý. Ông là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng khoa học, cải tiến kính thiên văn và là người đầu tiên dùng kính thiên văn để quan sát bầu trời. Ông được gọi là "cha đẻ của quan sát thiên văn/thiên văn học/vật lý học/và khoa học hiện đại".








 

Galileo Galilei được sinh ra ở Pisa, Ý vào 15 tháng 2 năm 1564, trong một gia đình quý tộc nhưng không mấy khá giả. Ông là con trai cả trong gia đình có sáu người con. Cha của ông là một người soạn nhạc nổi tiếng. Ông đã gây ảnh hưởng lớn đến Galileo về giá trị của việc thử nghiệm, các biện pháp thay thế để đạt được thành công.

Năm 1572, khi Galileo Galilei lên 8 tuổi, gia đình ông chuyển tới Florence, để lại Galileo ở cùng người chú trong hai năm. Khi lên 10 tuổi, Galileo rời Pisa để đến Florence ở cùng với gia đình và được dạy học bởi nhà toán học Jacopo Borghini, là giáo sư trường Đại học Pisa.

Khi ông đủ tuổi để được giáo dục trong tu viện, cha mẹ ông gửi ông tới Tu viện Camaldolese tại Vallombrosa, cách 35 km về phía đông nam của Florence. Những tu sĩ tu tại Dòng tu Oblate Thánh Biển Đức (Order of Saint Benedict) phải có lối sống nghiêm ngặt và không được tiếp xúc với bên ngoài. Galileo dường như cảm thấy cuộc sống như thế này là hấp dẫn và từng có ý định lập một Dòng tu, nhưng cha ông ngăn cản và muốn ông học tập tại Đại học Pisa để trở thành một bác sĩ.

Những ngày đầu học tại Đại học Pisa, Galileo nghiên cứu y học. Nhưng sự quan tâm của ông với khoa học ngày càng nhanh chóng trở nên rõ ràng hơn. Năm 1581, ông nhìn thấy một chùm đèn đung đưa và bị cuốn hút bởi sự chuyển động của nó. Lúc này, ông cảm nhận rõ được thời gian, nhịp chùm đèn đung đưa giống như nhịp tim đập của mình.

Khi trở về nhà, ông đặt hai quả lắc có chiều dài dây bằng nhau, cho chúng đung đưa với hai mức độ lớn/nhỏ khác nhau, và nhận thấy rằng chúng có nhịp chuyển động đều nhau. Quan sát này là cơ sở khoa học cho nghiên cứu về quả lắc thời gian sau này của ông, và một thế kỷ sau đó với thiết kế đồng hồ quả lắc của Christiaan Huygens – chiếc đồng hồ quả lắc đầu tiên được công nhận.

Ngay sau đó, một cách vô tình Galileo tham dự một bài giảng về hình học, và ông phải nói chuyện về nghiên cứu toán học hay triết học, thay vì y dược. Từ đó trở đi, ông bắt đầu quá trình sáng tạo ra những phát minh, phần lớn vì muốn cha ông yên tâm rằng ông có thể kiếm tiền để nuôi những người em của mình.

Năm 1589, Galileo được mời tham gia giảng dạy toán học tại Đại học Pisa. Năm 1591, cha của ông qua đời và ông trở thành người nuôi dưỡng các em của mình. Công việc giáo sư toán học tại Đại học Pisa không đủ để ông trang trải cuộc sống, điều này dẫn tới việc ông tham gia giảng dạy hình học Euclid, cơ học và thiên văn học tại Đại học Padua vào năm 1592.

Trong thời gian này, Galileo đã có được những khám phá quan trọng trong khoa học lý thuyết cũng như khoa học thực tiễn, mà cụ thể là có liên quan đến toán học và thiên văn học. Lúc này, ông vẫn giảng dạy về mô hình địa tâm, trong khi mô hình nhật tâm của Copernicus sắp được công bố.

Năm 1609, Galileo nhận được lá thư từ nói về loại kính quan sát rất tốt của người Hà Lan, được gọi là spyglass, đang được trưng bày ở Venice. Sau khi quan sát chiếc kính này, ông sử dụng các kỹ năng về kỹ thuật của mình như là một nhà toán học và một nghệ nhân, bắt đầu chế tạo ra chiếc kính có hiệu suất quang học cao hơn chiếc kính của người Hà Lan.

Thời điểm này, ông xuất bản cuốn sách Sidereus Nuncius (Sứ giả Ánh sao), nhờ vậy ông trở nên rất nổi tiếng tại Ý. Vua Cosimo Đệ nhị chỉ định ông trở thành nhà toán học và triết học cho chế độ Medicis. Vị trí này cung cấp cho ông nền tảng kiến thức, thúc đẩy ông công bố một lý thuyết mới và phản bác những học thuyết khác thời bấy giờ.

Ngày 7 tháng 1 năm 1610, Galilei đã viết một lá thư gửi tổng trấn của Venice về việc phát hiện những thiên thể quay xung quanh Sao Mộc, mà bây giờ chúng ta biết đó là 4 vệ tinh lớn nhất của hành tinh này. Đây là lần đầu tiên 4 vệ tinh này được đề cập đến.

Nhóm 4 vệ tinh này được gọi là Galilean moons, nghĩa là Nhóm vệ tinh Galilei, là những vệ tinh lớn nhất và nằm xa nhất của Sao Mộc. Chúng là Io (i ngắn o, không phải lờ o), Europa, Ganymede và Callisto. Ganymede là vệ tinh tự nhiên lớn nhất trong Hệ Mặt Trời, nó thậm chí còn lớn hơn cả Sao Thủy (Mặt Trăng của Trái Đất lớn thứ năm).

Những quan sát của Galileo mâu thuẫn với những quan điểm của Aristotle về vũ trụ. Bề mặt gồ ghề của Mặt Trăng trái ngược lại với sự hoàn hảo của mọi thứ trong vũ trụ, quỹ đạo của những thiên thể mà ông mới quan sát không tuân theo thuyết địa tâm, rằng mọi thiên thể đều xoay xung quanh Trái Đất.

Trước đó cả Aristotle và Ptolemy cũng như đa số các nhà triết học Hy Lạp đều đồng thuận rằng Mặt Trời, Mặt Trăng, các ngôi sao và những hành tinh có thể quan sát được bằng mắt thường đều quay quanh Trái Đất và đó là thuyết địa tâm. Đây là học thuyết thống trị thời tiền hiện đại, nhưng từ cuối thế kỷ 16 trở về sau nó dần bị thay thế bởi sự ủng hộ hệ nhật tâm của Copernicus, Galileo và Kepler.

Năm 1616, Giáo hội Công giáo ban lệnh cấm cuốn sách "De Revolutionibus" của Nicholas Copernicus về lập luận khoa học chứng minh cho thuyết nhật tâm, khi Mặt Trời làm trung tâm chứ không phải Trái Đất.

Galileo bị triệu tập đến Tòa án dị giáo La Mã vào năm 1633 vì ông chủ trương ủng hộ thuyết nhật tâm. Ông bị kết tội "có thái độ nghi ngờ kịch liệt của lạc giáo" và buộc ông phải từ bỏ quan điểm của mình.

Sau đó, Galileo sống 9 năm cuối đời tại tư gia và bị quản thúc. Trong thời gian này ông viết một bản tóm tắt về các thí nghiệm chuyển động đầu tiên của ông, và chúng đã trở thành công trình khoa học vĩ đại cuối cùng của ông.

Thí nghiệm chuyển động của Gelileo đã mở đường cho cơ học cổ điển của Isaac Newton. Mô hình nhật tâm của ông (cùng sự chỉnh sửa của Kepler) đã nhanh chóng được chấp nhận như là một điều hiển nhiên. Những phát minh của ông như la bàn, kính hiển vi, thiết bị cân bằng để cải thiện kính viễn vọng, đều mở đầu cuộc cách mạng thiên văn học và sinh học.

Vào thế kỷ 20, Đức Giáo Hoàng Pius XII và John Paul II tuyên bố chính thức sự hối tiếc về cách mà Giáo hội đã đối xử với Galileo. Ông là một trong những nhân vật có sự ảnh hưởng lớn nhất đến khoa học và thiên văn học hiện đại.

Lấy từ Internet